1.

Chúng quấn lấy nhau. Gã đàn ông hùng hục, phì phò rướn trên thân thể ả đàn bà móc xiết, quắn quéo. Miệng ả rên rít từng cơn như tiếng mèo động đực. Mồ hôi túa ra trên mặt gã. Khuôn mặt đẫy thịt, thường ngày đạo mạo với vầng trán vuông, chân mày rậm và đôi môi mỏng khắc nghiệt. Khuôn mặt ấy giờ đỏ gay, méo mó trong cơn động dục mãnh liệt. Rồi mồ hôi túa ra khắp thân thể sớm phát phì, chảy từ trán xuống hai gò má bì bị. Đám lông rậm đen trên ngực gã dài và quăn, quấn lấy những ngón tay ả bạn tình lùa vào, nhớp nháp. Tấm drap nệm và mớ chăn mùa hè bằng vải tơ mịn với màu sắc trang nhã tôi đã phải mất nhiều thời gian để đặt may riêng cho phù hợp với bài trí căn phòng giờ nhàu nát.

Giờ thì bọn họ nằm thở. Gã, chồng tôi, người đàn ông mà tôi yêu hơn cả bản thân đang ôm lấy cơ thể của đứa bạn gái thân duy nhất của tôi. Hai cơ thể đó tôi từng biết rõ. Khi chúng trần trụi và yếu ớt nhất. Cả khi chúng đẹp đẽ nhất nữa. Cơ thể của gã đàn ông thân quen tới từng nốt ruồi ở chỗ kín, mùi mồ hôi trên từng vùng khác nhau. Nó nặng ra sao khi gã say khướt đổ vật lên người tôi, phải dùng bao nhiêu sức để tôi đánh vật mới đặt gã lên giường mà lau chùi và lo lắng suốt đêm. Cơ thể của ả đàn bà từng là đứa trẻ lớn lên cùng tôi. Làn da mét sạm khô khốc vì quãng thời gian dài trác táng được là ủi phẳng phiu bởi cả đống mỹ phẩm và máy móc nơi tôi làm việc. Nó luôn là đứa con gái gầy nhẳng như chịu đói thâm niên từ thời từng ăn nhờ những bát cơm để phần của mẹ tôi và nấp né đòn roi của lão bố nát rượu sau lưng cha tôi… Bầu ngực gã đang mân mê kia từng được chính tôi chỉnh sửa khỏi nhẽo nhợt, chảy sệ dù chưa từng mang thai. Chắc ả hài lòng nếu ả nhớ, ngày mới lớn chúng tôi tắm chung và ả từng ngắm ngực tôi một cách ganh tị.

Tay tôi. Hai bàn tay giúp ả bỏ hẳn mớ áo ngực rườm rà với những miếng đệm mút rời dày cộm. Những chiếc đầm khoét cổ sâu và áo sơ mi lụa treo trên đôi vai gầy mảnh của ả. Những ánh mắt của lũ đàn ông hau háu, những khoảng cách giao tiếp ngắn lại… Tay tôi. Tôi không nhớ lần cuối nhìn thấy tay mình nom nó như nào. Gãy nát trên vô lăng xe hay khét lẹt mùi khói như cháy dưới mũi dao bovie nữa…

Ả đẩy tay gã ra, bước lại bàn trang điểm của tôi. Mắt ả loang mascara đen và môi ả choe choét son đỏ bầm như máu khô. Đôi môi ấy bĩu ra khi nhấc từng món mỹ phẩm lên nhìn ngắm. Rồi bất ngờ, ả gạt mạnh cho toàn bộ rơi xuống thùng rác cạnh bàn. Những món đồ bằng thủy tinh chạm vào nhau kêu lốp cốp, giòn như tràng vỗ tay hả hê. Gã hắng giọng:

– Em vẫn bực sao? Em bảo sợ lộ nên anh mua gấp đôi mỹ phẩm em thích để một nửa cho nó dùng mà. Sao giờ lại bực dọc thế?

– Vì em chịu đựng quá lâu mới tới ngày này. Anh có biết cảm giác chịu đựng sự kẻ cả bề trên của nó khó chịu thế nào không? Con ngu ấy luôn nghĩ mình cao quý còn em thì thấp kém. Mấy thứ nó ra vẻ nhường nhịn, quan tâm càng khiến em lộn ruột. Tất cả là vì anh đấy. Từ ngày mẹ anh chết em đã thề rằng anh sẽ là của em bằng được. Nhưng anh lại chọn cưới nó…

– Thôi mà em, Nga luôn suy nghĩ đơn thuần từ bé mà. Giờ chúng ta chỉ cần sống thoải mái thôi.

– Em vẫn có cảm giác nó lõ mắt bên cạnh, dè bỉu, coi thường, thương hại em…

– Em vô lý quá. Anh không nghĩ em ghen tới mức ảo giác vậy đâu. Lại đây.

Gã chồm lên. Cuống quýt. Vồ vập. Cả quãng đời làm vợ, tôi chưa bao giờ thấy khuôn mặt gã dâm đãng, nửa thú vật nửa rất người khi say tình như vậy. Hình như tôi khóc, không thấy nước mắt trên má, không nghe cay nghẹt trên mũi mà có thứ gì như cây sắt luồn thốn nơi tim. Không đau mà nhột nhạt, trống rỗng. Cảm giác gần giống những đêm tôi nằm một mình nghe tiếng mèo cái động đực rên xiết trên mái tôn và tiếng huỳnh huỵch rượt đuổi ái tình của một con mèo đực lạ. Tôi tự hỏi, lần đầu tiên trong đời mình, tôi đã sống vì cái gì? Vì tình yêu hay sự níu kéo lòng tự trọng bị bẻ gãy lần mòn theo quyết định mù quáng, sai lầm?

Tôi rời phòng. Bọn họ vẫn không cảm nhận được sự hiện diện của tôi. Nỗi căm hận tưởng có thể xé rách mí mắt khi tôi nhìn thẳng vào sự trần trụi ấy nãy giờ. Ước gì tôi có thể khóc được. Hay gào thét hoặc lao vào cấu xé chúng cho hả dạ. Ước gì tôi có thể bật chửi ra những câu tục tĩu mà cả đời tôi nén chặt trong những lúc giận dữ nhất. Nhưng tôi không làm được. Tôi cần suy nghĩ kỹ về những điều mình có thể làm đã. Chỉ biết rằng, nếu kiếp sau có làm người, làm đàn bà lần nữa, tôi sẽ không gắn gương trước giường ngủ. Mãi mãi.

2.

Ông ta ngồi trên ghế. Chiếc ghế bành đóng bằng gỗ lát có vai cao, chạm khắc mô phỏng con rồng đang uốn lượn bay lên như ngai vua. Chiếc bàn đồng bộ rộng mênh mông, một đầu để khay trà và gạt tàn, một đầu là xấp thư báo và chiếc laptop. Bốn chân bàn khuỳnh khuỳnh như vai những con lân ghé vào đỡ lấy mặt bàn làm bằng phiến gỗ lát dày hàng chục phân mát lạnh. Mặt ông ta đỏ, đờ đẫn, mắt nhắm nghiền thỏa mãn. Cơ thể từng tai biến còn nhìn thấy rõ di chứng, tay trái hờ hững trên thành ghế trong khi tay phải đang vít khối tròn giống đầu ai đó vào giữa hai đùi mình. Từ chỗ tôi quan sát, mặt bàn rộng che khuất, chỉ lộ ra cái khối tròn đó nhô lên hụp xuống theo nhịp tay ông ta ấn. Tôi tưởng mình quên mất cảm giác sốc như thế nào nhưng rõ ràng là không phải. Cảm giác như có bàn tay thô cứng tát mạnh vào mặt hay một cú đấm thụi vào giữa ngực nhỉ? Tôi chưa từng bị như vậy bao giờ nhưng có lẽ, cảm giác đó vừa giáng mạnh vào tôi một lực tương tự như vậy.

Tất cả những cố gắng tôi làm cho cuộc hôn nhân có vẻ viên mãn của mình đều vô thức tuân theo những định hướng từ ông ta. Ngày còn nhỏ, trong số những người bạn của bố, tôi kính trọng ông ta nhất. Ông ta luôn từ tốn, bao giờ cũng là người nói sau cùng trong các cuộc tranh biện của bạn bè. Bố tôi là người khá điềm đạm nhưng cũng luôn bị dẫn dắt, buộc phải gay gắt trước quan điểm đúng sai của các đồng nghiệp đồng thời cũng là bạn thân của bố. Sau mỗi lần tụ họp như thế, khi tôi lúi húi quét dọn vỏ lạc rang, mấy chai thủy tinh lăn lóc cùng mớ lá chuối và cái gạt tàn đầy đầu mẩu thuốc lá thì bố hay thủ thỉ:

– Trong nhóm bạn bố, bác Cường là người sau này sẽ tiến xa nhất. Bác ấy luôn là người khôn khéo nhất. Bố nhiều lúc không thích cái cách bác ấy ngồi im nghe dù sai dù đúng, nhưng rõ ràng kết quả sau cùng mới là quan trọng nhất, mới chỉ ra người thắng. Bác ấy làm việc gì cũng thế… Lẳng lặng để dù không giỏi thì kết cục vẫn luôn dẫn đầu.

Những lời của bố khi ngà ngà vào những chiều cuối tuần ấy không làm tôi để tâm mấy. Mẹ thì thường chỉ nguýt nhẹ bố, nói mát:

– Thấy người ta thế mà học hỏi. Cũng cùng lứa, vậy mà người ta thăng tiến không ngừng. Còn ông thì…

Ngày vợ ông ta chết, cả cơ quan đến viếng không sót một ai. Đám ma của vợ một trưởng phòng nhưng người ta tò mò, quan tâm hơn cả phu nhân cấp cao. Những tiếng chia buồn rất to, dõng dạc và bài bản nhưng những lời thì thào sau bàn trà, mâm rượu đãi đám lại khác. Nhóm mấy bà cấp dưỡng thì thầm rằng vợ ông ta tự tử. Mà tự tử nhiều lần rồi. Nghe bảo bị trầm cảm từ sau cái đận con bé út nhà ấy chết đuối khi theo bố đi câu cá. Bác sĩ đến nhà thì người đã lạnh cứng cả lại. Nhóm phòng hành chính lại thì thầm rằng bà vợ nén trong lòng ghen hận, biết chồng mình tằng tịu với đàn bà khác nhưng giữ thể diện gia đình, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên ngậm bồ hòn mà ngọt nhạt hòng lạt mềm buộc chặt. Có người tặc lưỡi, tại bản thân bà ấy phụ thuộc nên không thoát ra được. Căn bệnh hen mãn tính chả làm ăn gì nổi suốt sáu tháng trong năm khiến phải về mất sức sớm khi mới bốn mươi. Mà cũng phải phải thôi, chồng thì phong độ ngời ngời, vừa cao to sung mãn vừa thâm trầm giỏi giang trong khi vợ thì gầy tong teo, lúc nào vai hai cũng nhô tận tai và tiếng thở hụt cứ đệm vào từng câu nói. Nghe đồn hồi trẻ cũng từng là hoa khôi trường đại học danh giá, cũng con cái cán bộ lớn lắm nhưng từ ngày ông già nhà ấy về hưu rồi thì nhà cũng lụn dần. Vịn cây dây leo, đến ngày ông Cường cứng cáp thì bà vợ cũng héo mòn như trái mận khô. Cái cọc vịn leo đã mục cũng chỉ vướng chân. Bề ngoài nhà ấy êm ấm thế thôi chứ bên trong chắc cũng như vại dưa khú… Họ cứ thì thào, câu chuyện mặt sau của một gia đình thành đạt như những dị bản của mấy cái truyện cổ tích mà tôi chẳng thể nào tin được. Tôi cho rằng, đó là do thói đơm đặt sinh ra từ sự ghen ăn tức ở người ta hay thêu dệt cho thoả ghen ghét. Tôi chỉ thấy thương cảm đặc biệt với cậu trai đang quỳ gối túc trực bên quan tài mẹ. Tấm lưng ấy chết lặng đau buồn, khác hẳn sự điềm tĩnh, chỉn chu lễ nghi của người cha quan hệ rộng đang rất bình thản tiếp khách, cắt đặt đón tiếp cơm nước và cử lễ. Có lẽ, đám tang thứ hai trong gia đình bốn người ấy đã lấy đi chút thanh xuân còn lại của cậu trai chớm tuổi hai mươi.

Năm con bé An chết đuối, tôi đang học lớp mười và chồng tôi khi ấy đang chuẩn bị thi đại học. Người ta không đưa thi thể bé An vào nhà xác mà lặng lẽ chở thẳng về nhà. Tiếng thét gào thất thanh lẫn uất nghẹn giữa cơn hen nặng đến xẹp hai lá phổi đủ để cả khu xóm bị ám ảnh với nỗi đau trong lòng người mẹ mất con. Giữa những tiếng hét gào hụt hơi ấy, người ta nghe những câu chất vấn với người chồng ngồi im lặng như khúc gỗ. Những lời chất vấn về buổi hẹn hò đi câu cá giải trí với một đám phụ nữ nào đó tại sao phải đem đứa con gái theo làm bình phong? Những lời thều thào nhẹ như bông lơ lửng rằng bà ấy biết tỏng sự thay lòng ấy lâu rồi, biết cả ả đàn bà lẳng lơ ấy là con cái nhà ai. Rằng con bé lớn bằng từng ấy, xinh xắn đáng yêu chừng ấy nếu không vì người lớn mải tằng tịu bỏ quên thì dễ gì nó ngã xuống hồ mà không ai hay biết. Cuối cơn uất ức ấy, lời nguyền rủa ông chồng là kẻ giết người thầm thào ngắt quãng trước khi lịm đi. Người đàn bà yếu đuối ấy dần rơi vào sự im lặng trầm cảm kéo dài cho đến lúc chết.

Chẳng ai tỏ ra tin những lời ấy cả. Bố tôi khi ấy đã im lặng buồn bã rất lâu còn mẹ tôi thì sụt sịt thương cảm chạy qua chạy lại lo cho gia đình họ. Đứa con còn lại duy nhất của bác Cường được đặc cách sang ăn ở bên nhà tôi để tránh cú sốc tâm lý mà lo thi đại học. Và bộ ba chúng tôi khi ấy đã có những ngày an bình đặc biệt. Hùng được bố mẹ tôi an ủi quan tâm như đứa con trai mà ông bà ao ước, Lan không còn bị bố nó rượt đánh vì tội bỏ tiết. Nó tò tò theo tôi hàng ngày canh me chăm sóc cho thằng con trai bắt đầu trổ mã cao to, đẹp trai nhất xóm cứ ủ rũ vì mất mẹ, mất em…

Tiếng bố chồng tôi rên rỉ, rồi nấc rú lên giống tiếng nghẹn nước ằng ặc nơi cổ. Bàn tay phải khỏe mạnh nổi gân đẩy cái vật tròn giờ bù xù tóc khỏi đùi. Con bé Thắm loạng choạng đứng dậy, mặt đỏ bừng, vừa lau khuôn mặt nhễ nhãi vừa nhổ ra cái khăn lau bàn, vẻ ghê tởm. Tôi không rõ cảm xúc của mình là thương hay giận, căm ghét hay kinh tởm nó nữa. Đứa trẻ ấy mấy năm trước chính tôi đã về tận quê đón lên vì bố chồng tôi thương đứa cháu họ xa lắc xa lơ mồ côi không còn bất cứ ai để nương tựa. Con bé mười sáu tuổi, trí óc chậm phát triển gầy guộc, đen nhẻm, đói ăn ngày nào đã trở nên đầy đặn, trắng trẻo và có phần xinh đẹp từ bao giờ mà tôi không hay nhỉ? Tôi đã sống một cuộc đời ngây thơ hay là kẻ ngu ngốc và mù quáng đến nỗi không hề hay biết những người mình thương yêu và tin tưởng nhất, sống chung mái nhà đã sống thế nào ngay trước mũi mình?

Tại sao giờ tôi mới nhớ mang máng ai đó từng thì thào lúc tôi đi ngang rằng, tin bạn thì mất chồng? Những âm thanh lộn xộn, lúc to lúc nhỏ trộn vào nhau của nhiều giọng nói thầm thì về bác Cường trong đám ma mẹ Hùng tưởng sượt qua tai giờ lại rõ mồn một. Những từ nham hiểm, xảo quyệt, háu gái, dâm ô… cứ vang trong tai tôi, nhức nhối. Tôi không chịu được nữa, tôi không muốn nhìn thấy người đàn ông tôi kính trọng và nghe lời, thay thế vị trí cha tôi đang hiện hình bẩn thỉu. Tôi phải biến khỏi căn phòng này và sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.

Minh họa: Hoàng Hải Thọ

3.

Nó sai con Thắm khênh cái hộp chứa đầy hoa quả Trung Quốc rẻ tiền vào bếp. Mặt nó đanh lại khi nghe con Thắm hỏi:

– Sao chị Lan mua nhiều loại hoa quả này thế? Chị Nga bảo nó được tẩm đầy hóa chất để bảo quản lâu, ăn vào nhiễm độc nên không bao giờ mua cho nhà mình ăn. Cả hoa này nữa, chị Nga ghét nhất hoa huệ…

– Tao cũng đâu mua để ăn. Còn hoa huệ mau thối để mày có việc làm đấy. Mày thôi lải nhải về chị Nga của mày được chưa?

Con Thắm câm tịt, len lét đi ra ngoài. Nó đặt hai bó hoa lên bàn ăn rồi dùng dao cắt xoẹt ngang thân. Cái cách nó cắt nhanh và hậm hực y như lúc còn bé nó nghiến răng xắt vào thân chuối để trộn thức ăn cho lợn. Hai bó hoa bị tống vào hai chiếc bình pha lê tôi hay dùng cắm hoa hồng trang trí bệ cửa sổ và mặt đàn piano trong phòng khách. Rồi nó đặt hai bình huệ lên hai bên cái bàn vuông vẫn để bày thức ăn trước khi dọn lên bàn ăn. Có một khung ảnh bọc vải đen đặt giữa bàn, dựa vào tường. Có vẻ cái bàn ấy sẽ là bàn thờ tạm. Đĩa trái cây Trung Quốc được sắp đầy rồi nó gỡ băng keo, ràng chặt cho trái cây dính cứng vào đĩa. Trong cái thùng carton còn lủ khủ mớ bánh quy rẻ tiền nó thường hay mua khi tham gia đi từ thiện, vài bó nhang và cặp nến. Hai bàn tay nó vỗ vào nhau khi mớ bánh trái đã bày cân xứng bên đĩa trái cây. Rồi nó đứng ngắm, mỉm cười hài lòng…

Bàn ăn bày đầy thịt chó. Món khoái khẩu của bố chồng và chồng tôi. Mùi mắm tôm nồng nặc. Chai Chivas 21 Royal Salute loại một lít còn phân nửa. Bố chồng tôi mặt đỏ au đang nghiêm giọng với con trai:

– Hai đứa mày đừng có lộ liễu quá, thiên hạ nó lại soi. Hồi bố nó chết, bọn thối mồm đã xì xào vụ sản phẩm tiền chế cho biệt dược X là công trình nghiên cứu của bố nó đang chờ cấp sáng chế. Tao đã phải bịt mồm ối đứa để trót lọt vụ đó rồi. Mày cũng biết thuốc Y và dãy sản phẩm kèm theo từ công thức dược chất đó là gà đẻ trứng vàng cho tới giờ mà. Nếu vì con đàn bà kia mà mày…

– Vâng bố. Con cũng có muốn thế đâu. Chỉ là tai nạn thôi. Chắc Nga làm việc mấy ngày dịch vất vả nên choáng mới gây tai nạn. Xe xịn thì cũng có tỉ lệ lỗi máy móc bố ạ.

– Nói cho có lý chút đi. Không mày thì con quỷ cái kia đã chuốc thuốc ngủ. Mày cũng đủ kiến thức để hiểu bảng thành phần xét nghiệm chứ!

– Đằng nào thì chuyện cũng đã rồi. Đã bịt xong rồi. Giờ bố muốn xào xáo lên để toi mấy cái hồ sơ thầu cả à? Đang còn ở giai đoạn máu lửa thế này, ông định mất cả đàn gà đẻ từ khẩu trang với vật tư thuốc men à?

– Chuyện làm ăn là làm ăn. Mày đừng lẫn lộn việc chơi qua đường với đàn bà sống trong nhà này. Thứ gái ô uế như đồ công đoàn đó tuyệt đối không được…

Bố chồng tôi – bác Cường với cái giọng nhỏ rin rít không thay đổi mấy ấy chợt đơ người khi chồng tôi gằn giọng, nghiến từng chữ:

– Vậy ông làm gì với đứa cháu trong nhà này hả? Ông làm gì khi em gái tôi chết đuối? Làm gì để mẹ tôi phải tự cắt cổ mình? Ba của Nga đột quỵ không phải do cú sốc ông cướp công à? Tôi lấy vợ cũng là theo ý ông, còn muốn gì nữa? Dù sao thì tôi cũng không làm ai chết cả.

Từ chỗ tôi chỉ có thể nhìn thấy mặt chồng tôi. Khuôn mặt đẹp xưa kia trở nên bì bì, căng đẫy và húp híp, đặc thù của loại đàn ông hưởng thụ quá đà, trác táng. Khuôn mặt đó vô cảm và thật đáng sợ khi đôi mắt lòng trắng đầy lên còn con ngươi thì nhạt màu, lờ đờ. Sự im lặng có phần nguy hiểm giữa hai người đàn ông bị cái giọng cố tình nhẽo nhợt nũng nịu của Lan xua tan:

– Hai người bàn gì mà bí mật thế? Bác ăn thêm bát xáo nóng con vừa hâm này! Nay bác uống hơi nhiều rồi, chắc là do nhớ thương cái Nga quá. Dù gì số phận bạn con nó cũng thành ra vậy rồi, khoảng thời gian đau lòng này con sẽ cố gắng chăm sóc cho anh Hùng thay nó.

Khói của món canh bốc lên làm mờ bề mặt tấm gương trang trí phòng bếp hay mắt tôi nhòe không nhìn rõ những gương mặt đỏ hồng, nghiêng ngả ấy nữa. Tôi cần biến khỏi đây, nhưng tôi không còn nơi nào để trốn trong căn nhà này nữa rồi. Cảm giác trong ngực cứ thôn thốn khó chịu. Tôi thấy con Thắm ngồi ầng ậng nước mắt trong ga-ra. Nó cũng không ăn thịt chó nên đang lảng vảng ở đó chờ dọn bàn. Tôi cần trốn vào đâu đó để thoát khỏi tình trạng quá sức, đến nỗi người tôi có thể tan thành khói. Mắt tôi chập chờn chạm vào màu xanh bình yên, mê hoặc của chiếc xe chồng tôi hằng ao ước. Chiếc xe đặt riêng màu sơn, có băng ghế hậu cao và khoảng để chân rộng nhất mà khi mua tôi đã mỉm cười nghĩ tới cái ghế em bé được gài dây an toàn phía bên phải. Tôi muốn ngủ yên để không phải nghe những tiếng nói như dao đâm buôn buốt vào tim và não mình…

4.

Nó lái xe. Khuôn mặt ánh lên sự vui sướng khi điều khiển vô lăng chiếc xe đắt tiền. Chồng tôi ngồi cạnh nó trên ghế khách, mặt vô cảm. Tay chồng tôi vẫn đeo găng satin trắng, ôm lấy cái hộp bìa vuông vắn đặt đè lên khung ảnh bọc vải đen để trên đùi. Băng ghế sau, con Thắm mắt đỏ hoe, thi thoảng lại xì mũi xoèn xoẹt vào khăn giấy rồi vo lại nhét trên ngăn cửa. Bố chồng tôi mặt đanh như tượng gỗ, nhìn vào gáy Lan qua khoảng hở của gối kê đầu được kéo cao. Đường vắng dần khi xe ra ngoại ô. Tiếng con Thắm nức nở to hơn rồi nó òa khóc.

Tôi thấy mình bềnh bồng như say. Con đường dẫn ra ngoại ô dần thưa xe, con Lan có vẻ phấn chấn khi miết tay lên bộ option vợ chồng tôi đặt lắp riêng. Chiếc Land Cruiser đời mới nhất thật hoàn hảo trừ chi tiết tôi nằng nặc đòi gắn gương cầu phụ vào kính hậu. Tôi sợ những đêm chồng tôi quá chén, lỡ có ngang bướng tự lái về hay đôi khi, liếc nhìn vào đó sẽ thấy tôi rõ hơn khi đứng bần thần tiễn chồng mỗi đợt đi công tác… Giờ tôi nhờ cái gương ấy mà nhìn rõ mặt từng người ngồi trên chiếc xe đang bềnh bồng đưa tôi mỗi lúc một gần hơn tới nơi tôi sẽ được an ổn mà ngủ, mãi mãi.

Lúc còn sinh viên, trước khi mổ xác, dù là cái xác đã ngâm phoóc-môn đến dai trong như khúc plastic hay những cái xác hiến tươi mới, thầy thường nhắc chúng tôi làm thủ tục nghi lễ xin phép và cảm ơn người chết thật thành tâm. Ngày mẹ tôi mất đột ngột vì nhiễm trùng máu sau khi vỡ ruột thừa, bố tôi như người điên nói chuyện với bà hàng bữa. Bố bảo tôi mẹ chưa thể đi vì mẹ còn oán hận bố đã bỏ bê gia đình mà chìm vào công việc, để đến nỗi mẹ được phát hiện thì đã muộn mà không cứu được. Rằng mẹ còn bao điều muốn nói với bố về tôi, về tương lai, về hạnh phúc của đứa con gái duy nhất mà mẹ yêu hơn bất cứ thứ gì trên đời. Tôi khi ấy đã quát lên để bố tỉnh táo lại. Tôi đã là sinh viên Y, tôi hiểu rõ rằng con người khi chết đi là mọi thứ dừng lại mãi mãi. Bố chỉ là quá đau lòng nên mới vậy.

Bố tôi đột quỵ đúng vào thời điểm tôi chuẩn bị tốt nghiệp, đang tập sự ở bệnh viện xa nhà. Khi ngồi bên xác bố đã lạnh lẽo, lặng câm, tôi mới hiểu thấu tâm trạng của bố khi mẹ tôi mất. Bố mất quá đột ngột, chưa kịp khoe điều bất ngờ bố muốn báo cho tôi trong cuộc điện thoại trước. Chính lúc ấy bác Cường và Hùng cùng Lan đã ở bên tôi. Họ, kẻ la mắng tôi tỉnh ra, kẻ an ủi vỗ về tôi để tôi dịu lại. Cứ thế mà tôi an tâm, an phận bên những người tôi coi là gia đình…

Gió réo rắt bên tai như văng vẳng tiếng kèn điếu ai oán. Màu trời xám xịt như màu chiếc khăn xô cũ ngả màu mạng nhện. Tôi trống rỗng và mệt mỏi khi những vòng bánh xe cứ lăn vun vút, xào xạo tiếng đất sỏi bị nghiến. Tôi thấy lạnh và đói khát. Cảm giác trống rỗng cứ loang ra từ ổ bụng dưới, nơi đứa con tôi chưa kịp khoe với chồng đang tượng hình bằng hạt đậu. Cái hạt đậu trong suốt bao lấy đốm nhân đo đỏ ấy dính chắc vào tử cung tôi, to dần ra, chiếm trọn lấy cơ thể và chèn lên ngực, lên đầu tôi. Tôi biêng biêng cảm giác mơ ngủ mà lại tỉnh táo, đầu óc đau nhức mà tay chân mềm nhũn. Thứ cảm giác này giống cảm giác trước lúc tôi lịm đi khi chân tôi đạp lút phanh và cái cây bên đường lao sầm vào giữa vô lăng.

Người ta bảo, trước khi chết con người sẽ bừng lên chút lực tàn. Khi ấy họ sẽ nói ra được lời trăng trối với người thân, loại bỏ hận thù, nợ nần hay oan ức với tất cả để ra đi thanh thản. Hình như tôi đang có thứ lửa bùng của giọt nến cuối ngọn bấc ấy. Nhưng tôi biết, xác thân tôi là nắm tro bụi trong cái hũ sành trên đùi chồng tôi kia. Tôi không có cơ hội nói ra điều gì nữa. Tất cả những lời muốn nói với ba con người ấy, những lời muốn dặn dò con bé Thắm tội nghiệp và những câu chửi rủa, thét gào cho thỏa trong đời tôi giờ như lốc xoáy. Ban đầu, cơn lốc ấy cuộn nhè nhẹ rồi mỗi lúc một dữ dội, cứ toang dần ra khiến tôi muốn nổ tung…

Tôi cố gắng nhìn ba khuôn mặt ấy. Mặt hay thứ trước đây từng là khuôn mặt tôi dán vào sát khung cầu lồi lên của kính hậu. Tôi cố gắng phát ra âm thanh giải thoát bản thân. Thứ cuối cùng tôi nhìn thấy là khuôn mặt khiếp hãi tột độ của Lan và nghe thấy tiếng bánh xe nghiến rít trên mặt khúc đường trải nhựa rẽ vào khu nghĩa trang mà bố mẹ tôi nằm. Đôi mắt Lan trợn trắng, con ngươi giãn ra những tia màu nâu nâu và cái miệng há hốc như nó vừa nhìn thấy ma quỷ. Đôi mắt ấy nhìn thẳng vào tôi, rõ chiếc gương cầu lồi chứa đầy ánh sáng. Và tôi thấy chính tôi trong khối cầu tròn ấy. Tôi của tuổi lên mười chia Lan bánh kẹo, tuổi mười sáu tắm chung và tuổi hai mươi tám trong hình ảnh cô dâu hạnh phúc bên chồng. Tôi thấy cả tôi đẫm máu trên chiếc giường bệnh viện không có người thân bên cạnh. Tôi thấy mình nhẹ bỗng sau tiếng động khủng khiếp giống y như lúc cái cây bên đường lao vào xe tôi chiều ấy. Khoảng trời bỗng xanh hơn và ấm hơn, ấm giống vòng tay mẹ hồi xưa ôm tôi và tôi thả mình tự do bay lên. Phía xa xa trên cao, tôi thấy thấp thoáng khuôn mặt của cha mẹ tôi đang tươi cười. Liếc mắt lần cuối cùng xuống dưới, tôi thấy con bé Thắm đang lồm cồm nửa lết nửa bò nhìn theo chiếc xe bẹp rúm, văng xuống vực đối diện vách đá nó đâm vào.

Minh Thành

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 24, tháng 6/2022)