Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương được biết đến là “Người đàn bà thép” và là nữ Giáo sư đầu tiên của ngành Ngoại giao Việt Nam. Đối với các thế hệ sinh viên Ngoại giao, bà là một giảng viên nghiêm khắc nhưng luôn trách nhiệm, tận tâm và hết lòng với học trò. Bất cứ ai đã một lần được tiếp xúc với bà, được nghe những chia sẻ của bà về công tác Ngoại giao hay về cuộc đời đều không thể quên. Đó là một dấu ấn riêng mà ngôn từ rất khó để cắt nghĩa, chỉ có thể gọi là một phong cách rất Nguyễn Thái Yên Hương!

Nhân dịp 20/10, Tạp chí Sông Lam hân hạnh được trao đổi với bà về chuyện nghề, chuyện đời, về vẻ đẹp và vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Xin trân trọng gửi tới độc giả cuộc trò chuyện thú vị này.

                                      ***

– Trước hết, xin cảm ơn bà đã nhận lời mời phỏng vấn của chúng tôi. Có lẽ đây là một may mắn riêng của Tạp chí Sông Lam vì tôi biết bà không thích xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông?

Thực ra tôi quan niệm một người phụ nữ muốn tạo ảnh hưởng thì không nhất thiết phải nổi tiếng. Dĩ nhiên, nổi tiếng được thì tốt, sẽ thu hút sự chú ý hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ quan trọng là phải bằng thực lực của mình.

Không biết tôi có ưu ái với Tạp chí của các bạn không nhưng có lẽ vì tôi là một người Nghệ “xịn”. Tên Nguyễn Thái Yên Hương của tôi được bố mẹ đặt cho cũng là để luôn nhớ về quê hương. Yên là Yên Thành (Nghệ An) và Hương là Hương Sơn (Hà Tĩnh).

 – Cảm ơn bà về những tình cảm dành riêng cho quê hương xứ Nghệ. Thưa bà, có thể nói cả cuộc đời mình bà đã gắn bó với ngành Ngoại giao. Dù là trên cương vị giảng dạy, quản lý tại Học viện Ngoại giao hay trên cương vị Đại sứ, bà luôn để lại dấu ấn rất riêng. Chúng tôi được thấy bà xuất hiện đầy tự tin, sang trọng trên các diễn đàn, hội nghị nhưng phía sau ánh hào quang ấy hẳn sẽ có không ít khó khăn? Bà có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của một người phụ nữ làm công tác Ngoại giao không ạ?

Chắc bạn cũng từng nghe nhiều người quan niệm, Ngoại giao là công việc của nam giới vì phải thức khuya dậy sớm, liên tục di chuyển, đối mặt với nhiều tình huống cam go, thử thách nên luôn đòi hỏi sức khỏe, trí tuệ, sự linh hoạt,… Điều đó có phần đúng. Các bạn chỉ thấy chúng tôi xuất hiện với những trang phục đẹp, trong những không gian sang trọng mà không biết đó chỉ là bề nổi. Ngoại giao là một công việc đầy khó khăn, vất vả. Phụ nữ làm công tác Ngoại giao lại có những khó khăn riêng mà nam giới không phải đối mặt, đặc biệt là thời kỳ có con, luôn phải cân đối công việc gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có những lợi thế của mình. Đó là sự mềm dẻo, tinh tế và cũng không kém phần thông minh, sáng tạo, bản lĩnh. Hiện cán bộ nữ đã chiếm gần 50% trong Bộ Ngoại giao, khác với thế hệ tôi ngày xưa. Ở mọi lĩnh vực chúng ta đều thấy những người phụ nữ thành công, thậm chí họ đảm nhận cả những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến giúp đỡ các nước châu Phi.

   Riêng tôi có khá nhiều lợi thế. Gia đình tôi có truyền thống cách mạng và ngoại giao, từ nhỏ tôi đã sớm có điều kiện theo ông bà ra nước ngoài. Tôi nhận thấy trong mình có cả văn hóa của quê hương xứ Nghệ. Mảnh đất của những cái tên như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Minh Khai,… vừa kiên cường, thông minh mà vẫn đầy mềm dẻo, linh hoạt. Khi đảm nhận cương vị Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, giảng viên hay làm Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) tôi đều luôn nỗ lực để phát huy tối đa khả năng, lợi thế của mình. Tuy nhiên, bạn biết đó, để đảm đương tốt những trọng trách ấy tôi cũng phải hy sinh, phải chấp nhận hoàn cảnh. Tôi không phải đi nhiệm kỳ các nước nhưng thay vào đó phải có các công trình nghiên cứu khoa học, có đủ số giờ đứng lớp, phải đào tạo được cán bộ, sinh viên đảm bảo chất lượng,… Điều ấy luôn đòi hỏi tôi phải đầu tư thời gian tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu. Rất may là tôi có được sự thông cảm, ủng hộ từ gia đình.

– Qua những chia sẻ của bà tôi thấy bà là một người phụ nữ rất chu toàn. Bà có thể tiết lộ một chút bí quyết để có được điều đó không ạ?

Thực ra tôi không phải là người theo trường phái phụ nữ toàn vẹn đâu. Để có được cái gọi là “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không hề dễ dàng. Tôi vẫn thường nói với sinh viên của mình rằng mỗi người chỉ có 24h đồng hồ một ngày. Chúng ta cũng phải đảm bảo những việc thiết yếu như ăn uống, nghỉ ngơi và làm bao nhiêu việc nữa. Vậy nên, khi dành thời gian cho việc này thì chắc chắn bạn phải bớt việc khác, không thể việc nào cũng chu toàn được. Ví như tôi là người không thể thường xuyên chuẩn bị mâm cơm cầu kỳ mất nhiều giờ đồng hồ mà chỉ có thể chuẩn bị đơn giản thôi. Cái này rất cần sự thông cảm của gia đình. Phụ nữ chúng ta, vì thế, theo tôi, nên biết cân đối, chấp nhận cuộc sống để phấn đấu và vươn lên trong khả năng của mình chứ không nhất thiết cứ phải theo đuổi sự vẹn toàn. Dù mỗi người có một lựa chọn khác nhau nhưng tôi vẫn luôn muốn phụ nữ phát huy hết mọi lợi thế để khẳng định bản thân ở nhiều lĩnh vực thay vì chỉ lo nội trợ gia đình. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà phải luôn so sánh, đố kỵ, chạy theo người khác. Chúng ta cần biết nền tảng của mình, để sống đúng là mình, đừng vì bất cứ điều gì mà biến mình thành người khác.

“Chúng ta cần biết nền tảng của mình, để sống đúng là mình, đừng vì bất cứ điều gì mà biến mình thành người khác.”

– Thưa bà, nói về vị trí và quyền của phụ nữ, trong thời gian làm đại diện Việt Nam tại Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), bà nhận thấy chính phủ Việt Nam cũng như tổ chức này đã làm gì để thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em gái?

Có thể nói AICHR đang ngày càng mở rộng lĩnh vực hoạt động, đi vào chiều sâu và tiếp cận đến những quyền cơ bản, thiết thực của người dân, đặc biệt chú trọng đến quyền của nhóm người yếu thế trong đó có phụ nữ và trẻ em. Nói AICHR làm được cái gì lớn lao chưa thì có lẽ là chưa vì có nhiều khó khăn về ngân sách hoạt động nhưng họ đang từng bước, từng bước nỗ lực hoàn thiện. Tuy nhiên, cái hay của AICHR là gần với dân hơn, chú trọng đến từng vấn đề cụ thể và lấy mức độ hài lòng của dân làm thước đo đánh giá.

Nói rộng hơn một chút, phụ nữ trong cộng đồng ASEAN ngày càng khẳng định vai trò của mình. Chúng ta đang thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực như hòa bình, giải quyết xung đột; đảm bảo bình đẳng giới; phát triển kinh tế;… Tại chương trình nghị sự ASEAN về Phụ nữ – Hòa bình – An ninh (WPS) năm 2020 các nước cũng đã nhất trí tăng cường hoạt động của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) và thúc đẩy kết hợp chương trình nghị sự WPS cũng như nội dung bình đẳng giới vào cả 3 trụ cột cộng đồng ASEAN; tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia đầy đủ và có ý nghĩa trong các cấp ra quyết định.

Về phần Chính phủ Việt Nam, tôi thấy các tổ chức đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ như Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp,… hoạt động khá ổn. Chúng ta ngày càng có nhiều chương trình hoạt động thiết thực hơn, đấu tranh được nhiều quyền lợi hơn cho nữ giới. Tuy nhiên, vấn đề bạo hành cần được quan tâm giải quyết hơn trong thời gian tới.

Trong nhiệm kỳ của mình tôi nhận thấy nhân quyền là một lĩnh vực rất khó, đòi hỏi phải hiểu sâu, linh hoạt, nhạy bén. Trước đây tôi chuyên làm về Hoa Kỳ, khi chuyển sang đảm nhận trọng trách này cũng phải học hỏi, tìm hiểu rất nhiều để làm quen với cách thức làm việc của ASEAN, để làm sao bảo vệ được lợi ích của Việt Nam mà không ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực, không ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị. Cho đến nay, tôi có thể tự hào khẳng định mình đã đảm nhận tốt vai trò trong nhiệm kỳ vừa rồi. Chúng tôi đã thông qua được Kế hoạch công tác AICHR 2021 – 2025 và Chương trình hoạt động ưu tiên của AICHR trong năm 2021.

– Tôi thấy hiện nay chính phụ nữ và một bộ phận không nhỏ những người làm công tác về bình đẳng giới trong nước vẫn chưa có nhận thức thực sự đúng về bình đẳng giới. Điều này dẫn đến các chương trình triển khai chưa đúng hướng, chưa đem lại hiệu quả. Bà có thể nói gì về điều này?

Đúng vậy, nhiều người hiện nay đang quan niệm theo tiêu chuẩn bình đẳng giới của phương Tây. Phong trào bình đẳng giới, như bạn biết, bắt nguồn từ phương Tây từ thế kỷ XVIII. Nếu ban đầu phong trào tập trung vào quyền bầu cử thì sau này tập trung nhiều hơn đến các phúc lợi của phụ nữ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thì cách thức, nội dung chương trình hoạt động cũng có nhiều biến chuyển và ngày càng đa dạng hơn trên khắp thế giới. Khi hoạt động trong lĩnh vực này chúng ta cần tìm hiểu kỹ để biết bản chất của phong trào và lựa chọn phương án triển khai phù hợp. Chúng ta phải giáo dục để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò, vị trí của mình. Tôi nhấn mạnh là giáo dục chứ không phải tuyên truyền.

Bên cạnh đó phải biết văn hóa của đất nước mình, khu vực mình. Phải hiểu thế nào là bình đẳng chứ không thể đòi hỏi quá mức, vô lý được. Mình sinh ra là nữ, mình đã có những thiên chức đó rồi thì phải biết cân bằng. Các bạn trẻ hiện nay vì không nhận thức chuẩn thế nào là bình đẳng nên cũng dễ dẫn đến xung đột trong gia đình, dẫn đến tan vỡ hôn nhân. Nhiều người quan niệm kết hôn không thích thì bỏ, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần giữ những quan niệm tốt đẹp của truyền thống. Nhiều khi, chắc gì cái mới tiếp cận được đã tốt hơn cái cũ, cái được đúc rút qua kinh nghiệm hàng trăm, hàng nghìn năm.

Có một thực tế hiện nay tôi cũng nhận thấy là nhiều tổ chức, nhóm hoạt động trong lĩnh vực này vẫn nặng tính phong trào và thậm chí còn lợi dụng cái “mũ” ấy để tác động nhiều vấn đề khác. Chúng ta đang kêu than nhiều quá mà không biết quý những gì mình có. Mọi người không hề biết rằng ở một đất nước dân chủ như Mỹ, thì mãi gần đây Bộ Ngoại giao và một số thành phố lớn mới có chế độ thai sản cho phụ nữ, trước đây lao động nữ phải nghỉ sinh không lương. Những người bạn Mỹ đã từng nói với tôi, họ phải dùng ngày phép của mình để nghỉ sinh, nuôi con.

– Vậy, để hoạt động hiệu quả, các tổ chức vì quyền của phụ nữ hiện nay nên làm gì, thưa bà?

Mọi người phải có tâm trong công việc một chút. Chúng ta phải thực sự vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ chứ đừng để các nguồn tài trợ chi phối mình. Các hội, nhóm, tổ chức cũng cần vạch ra tiêu chí, chương trình hoạt động cụ thể và kiên định với mục tiêu của mình. Tránh tình trạng chỉ tập trung vào những chủ đề nóng, đổ xô vào một vài lĩnh vực dễ kêu gọi tài trợ mà bỏ quên những vấn đề quan trọng, cần thiết khác. Đặc biệt, người triển khai hoạt động rất quan trọng. Họ cần hiểu đúng bản chất vấn đề. Để có được điều đó, không cách nào khác là phải tự trau dồi, trang bị kiến thức cho mình.

– Hy vọng những chia sẻ này từ bà sẽ được nhiều người lắng nghe để các chương trình về bình đẳng giới ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Thưa bà, nói về phụ nữ có một chủ đề không thể không đề cập là nhan sắc. Vậy, theo quan niệm của bà, thế nào là một người phụ nữ đẹp?

   Tôi sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái và bà ngoại tôi luôn nói tôi xấu nhất trong 3 chị em. Tôi rất cảm ơn điều đó vì khi biết mình xấu mình sẽ khắc phục được. Tôi quan niệm không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết mình xấu mà thôi.

“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết mình xấu mà thôi.” 

Tôi không phải là trường phái khuyến khích chị em phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp nhiều đâu. Cái đẹp phải thể hiện qua giao tiếp, kiến thức, phải chú ý những gì bên trong, như các cụ từng dạy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”.  Phụ nữ bây giờ hầu hết đều được học hành tốt, có nhiều quyền lợi hơn. Tôi rất khuyến khích phụ nữ học lên cao và phải làm được điều gì đó để tạo ra giá trị của mình, tạo nên sự độc lập và có tiếng nói trong gia đình.

Ngoài ra, tôi nghĩ quan trọng nhất ở phụ nữ là cái duyên và sức hút. Nhiều người nhìn tôi cứ tưởng mặc toàn đồ hiệu nhưng thực ra là đồ tôi tự đặt may đấy chứ. Tôi nghĩ chúng ta không phải cứ cố bỏ hàng hiệu lên người, phải chạy theo xu hướng thời trang, dốc hết tiền bạc vào quần áo, mỹ phẩm. Là phụ nữ, quan trọng ăn mặc lịch sự nơi công cộng, trang phục phù hợp điều kiện, hoàn cảnh. Tôi thích sự đơn giản nhưng tạo được dấu ấn. Không cứ phải là bông hoa rực rỡ, nổi bật thì mới thu hút mọi ánh nhìn. Quan trọng bạn phải có sự duyên dáng, có thần thái và biết cách giao tiếp. Đừng nói quá nhiều, đừng vung tay, vung chân như đàn ông, đừng nhàn nhạt, hòa lẫn trong mọi người.

Đặc biệt, phụ nữ đẹp cần khỏe mạnh. Phải thường xuyên tập luyện, làm sao để mình không cũ.

– Tôi rất đồng tình với bà, để có sức hút thì phụ nữ phải biết cách làm mình không cũ. Nhưng điều này cực kỳ khó. Vậy, theo bà, phụ nữ muốn mình không cũ thì cần làm gì?

Đấy, như tôi đã có đề cập một chút ở trên là phải tạo nét riêng, phải thường xuyên luyện tập, phải biết yêu bản thân mình. Quan trọng là bạn phải luôn học hỏi, trang bị cho mình thật nhiều kỹ năng, kiến thức. Tôi thuộc trường phái không thích biết rộng mà nông. Tôi thích đã biết gì là biết sâu, biết chắc. Cái gì không biết thì ngồi im nghe, biết thì phát biểu và phải đủ khả năng để phản biện vấn đề đó.

Tôi nhớ, trước đây, vào khoảng năm 1999, bài phát biểu của tôi đã khiến mọi người thực sự choáng vì những khẳng định “quá tự tin”. Nghe xong khi ấy hẳn nhiều người thắc mắc ở đâu ra một con người thế này. Tuy nhiên, dù bị phê bình, tôi vẫn bước xuống ngồi với vẻ mặt rất thản nhiên. Mọi người đến nay còn nhắc hình ảnh đó. Kể câu chuyện này để nói với bạn rằng mỗi lần xuất hiện chúng ta đều phải tạo ra dấu ấn. Dấu ấn ấy là từ phong thái, cách cư xử, từ kiến thức, kỹ năng của mình. Nếu bạn trang bị đủ những điều đó thì bạn không bao giờ cũ cả.

– Là người đi nhiều, tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau, bà có ủng hộ quan điểm phụ nữ phải công, dung, ngôn, hạnh; phải giỏi nữ công gia chánh không ạ?

Tôi là người theo quan niệm cái gì tốt cũng nên biết, nên học, nên được giáo dục. Biết nhiều thì sẽ càng có lợi cho mình mà thôi. Có những thứ bạn học hôm nay chưa chắc đã dùng đến nhưng hàng chục năm sau sẽ cần và trở thành lợi thế của bạn. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống ở xứ Nghệ nên được giáo dục những điều này rất kỹ.

Bây giờ tôi thấy một số bạn nữ có kiến thức rất dễ trở nên kiêu. Tôi nghĩ điều này không nên. Dù sao chúng ta vẫn mang trong mình văn hóa phương Đông, bình đẳng về địa vị xã hội là câu chuyện khác còn trong ứng xử, phụ nữ vẫn phải là phụ nữ nên luôn cần khiêm nhường một chút.

   – Vậy bà có ủng hộ phụ nữ sống độc thân hay làm mẹ đơn thân không ạ?

  Nói sao nhỉ? Tôi không cổ vũ nhưng cũng không phản đối. Bản thân tôi rất thương phụ nữ vì họ vất vả lắm. Bình thường vất vả một thì nuôi con một mình sẽ vất vả hơn trăm lần. Vậy nên tôi mong các bạn nữ suy xét kỹ và lựa chọn con đường nào mình cảm thấy hạnh phúc thực sự chứ không nên lựa chọn theo ý thích nhất thời. Tôi nói điều này bởi tôi biết hiện giờ một số bạn trẻ có xu hướng xem sống độc thân, làm mẹ đơn thân là mode, là trào lưu.

– Qua những chia sẻ của bà tôi thấy bà là một người phụ nữ rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống?

Nhiều người cũng nhận xét về tôi như bạn. Có những điều tôi quan niệm rất thoáng nhưng có những cái tôi cũng rất cổ. Có lẽ đó là sự kết hợp của truyền thống, văn hóa gia đình, quê hương và những kiến thức, trải nghiệm thực tiễn tôi có được.

– Được biết đến là “người đàn bà thép” của Ngoại giao Việt Nam, hẳn bà là người phụ nữ mạnh mẽ và không ủng hộ sự yếu đuối của phụ nữ?

Ồ, không! Phụ nữ vẫn là phụ nữ. Vẫn phải yếu đuối. Ai chẳng mong có lúc mình yếu đuối, được tựa vào ai đó – Người thực sự hiểu mình, thông cảm cho mình.

Chúng ta phải độc lập, phải khẳng định vị trí của mình, phải tạo ra giá trị riêng và biết tự lo cho bản thân nhưng không có nghĩa là luôn cứng rắn, nghiêm khắc. Sinh ra là phụ nữ thì cũng phải điệu một tí, phải uyển chuyển, linh hoạt và ứng xử phù hợp với môi trường, hoàn cảnh.

“Phụ nữ vẫn là phụ nữ. Vẫn phải yếu đuối. Ai chẳng mong có lúc mình yếu đuối, được tựa vào ai đó – Người thực sự hiểu mình, thông cảm cho mình.”

– Rất cảm ơn những chia sẻ sâu sắc, thú vị của bà. Kính chúc bà sức khỏe, hạnh phúc, chúc bà tiếp tục để lại nhiều thành tựu, dấu ấn trên lĩnh vực Ngoại giao và luôn là một người phụ nữ cuốn hút, nổi bật mỗi lần xuất hiện. 

Cám ơn bạn và Tạp chí đã cho tôi cơ hội chia sẻ những suy nghĩ này. Chúc phụ nữ chúng ta luôn hạnh phúc, xinh đẹp và khẳng định được vị trí của mình!

Trang Đoan (Thực hiện)

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 18, tháng 10/2021)