Cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Adams từng nói: “Hạnh phúc, dù trong chế độ chuyên quyền hay dân chủ, dù trong sự nô lệ hay tự do, không bao giờ có thể tìm thấy mà không có đức hạnh.” Nghĩa là, muốn tìm được hạnh phúc thì mỗi một cá nhân cũng như toàn xã hội phải giữ cho được những giá trị đạo đức tốt đẹp. Một xã hội hạnh phúc cần những công dân có đạo đức và cả những quan chức có đạo đức. Lẽ dĩ nhiên, để có được điều này, không cách nào khác là chúng ta phải tập trung, chú trọng hơn nữa đến yếu tố văn hóa.
Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), hãy cùng nhìn lại những giá trị mà mỗi cá nhân cũng như quốc gia đã, đang theo đuổi để trả lời xem: liệu chúng ta đã thực sự hạnh phúc? Liệu quá trình phát triển văn hóa, văn nghệ của chúng ta thời gian qua đã thực sự vì hạnh phúc của người dân, đã góp phần vào công cuộc xây dựng một quốc gia hạnh phúc?

Hạnh phúc – Giá trị cốt lõi mà Việt Nam luôn theo đuổi
Không dễ gì để định nghĩa hạnh phúc bởi với mỗi người, hạnh phúc lại được nhìn nhận một cách khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ, dù quan niệm thế nào đi nữa thì chắc hẳn sẽ có những điều kiện chung, cơ bản để con người tìm đến hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo nên hạnh phúc của cộng đồng nhưng mặt khác, mỗi người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống trong một quốc gia hạnh phúc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói, hạnh phúc đích thực, lâu bền chỉ tìm thấy trong sự bình an. Sự bình an ấy không dễ gì có được nếu chúng ta phải sống trong một đất nước mà ở đó xã hội còn bất công, chiến tranh, bạo loạn, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh hay tham nhũng, hà khắc,… Chúng ta không thể sống hạnh phúc trong một xã hội mà các giá trị tinh thần bị lãng quên; không được đáp ứng các nhu cầu về văn hóa, giải trí. Chính vì vậy, trong hành trình xây dựng một quốc gia hạnh phúc, bên cạnh phát triển kinh tế thì văn hóa, văn nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động văn học nghệ thuật không chỉ mang đến hạnh phúc cho người được thỏa đam mê sáng tạo mà còn có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của công chúng, người tiếp nhận các sản phẩm. Chính vì văn học nghệ thuật mang trong nó sức mạnh chữa lành, giúp con người giải tỏa những khổ đau để tìm đến hạnh phúc nên hiện nay nhiều quốc gia đã đưa âm nhạc, hội họa,… vào quá trình trị liệu tâm lý. Điều đó thêm một lần giúp chúng ta tự tin khẳng định: để xây dựng một quốc gia hạnh phúc; để mỗi người dân có thể giảm bớt áp lực, tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày thì phải luôn chú trọng đến yếu tố văn hóa, văn nghệ.

Hạnh phúc, từ lâu đã được xem là một mưu cầu cơ bản của con người; là một giá trị phổ quát, là đích đến cuối cùng của mỗi một cá nhân cũng như quốc gia. Đó là thước đo cho tiến bộ xã hội, cho sự phát triển, sự ưu việt của mỗi chế độ. Khác với hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc quốc gia có những tiêu chí cụ thể để đánh giá, dù điều này cũng chỉ mang tính tương đối. Các tiêu chí này có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển. Theo đó, các chỉ số bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, tình trạng tham nhũng, sự rộng lượng/ hào phóng,… Những năm gần đây, yếu tố niềm tin của người dân vào chính quyền, vào xã hội ngày càng được chú trọng. Mà vốn dĩ, xây dựng niềm tin là điều không dễ dàng nên nó luôn đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ để phát triển, thay đổi.

Năm 2023, trong hơn 150 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65, tăng 12 bậc so với năm 2022.

Từ năm 1945 đến nay, hạnh phúc luôn là một trong ba giá trị cốt lõi được đặt trang trọng trong tiêu ngữ, ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam (Độc lập – Tự do – Hạnh phúc). Năm 1947, trả lời với báo chí nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Liên tiếp các kỳ đại hội Đảng đều đã khẳng định hạnh phúc của người dân là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu, theo đuổi. Tại Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc của Nhân dân tiếp tục được nhấn mạnh là khát vọng phát triển của đất nước, là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội. Văn kiện Đại hội XIII nhiều lần đề cập đến hạnh phúc, như: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; […] thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”; “…lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.” Điều đó chứng tỏ, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định với mục tiêu đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều cho sứ mệnh đó, kết quả là chúng ta đã cải thiện hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế cũng như vị trí trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của thế giới. Năm 2023, trong hơn 150 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65, tăng 12 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được lựa chọn là một trong những quốc gia đáng sống khi có một môi trường chính trị ổn định, hòa bình; người dân cởi mở, thân thiện; Chính phủ tạo điều kiện với nhiều ưu đãi,…

Dù vậy, phải thừa nhận rằng, vẫn còn rất nhiều điều cần làm để Việt Nam trở thành một đất nước thực sự hạnh phúc. Muốn có được điều đó, tất nhiên phải tập trung phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, giàu có chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải đảm bảo được sự công bằng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải tôn trọng quyền tự do của mỗi công dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, nhất là những người yếu thế. Nhà nước cần tập trung xử lý các tiêu cực, đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ để lấy lại niềm tin của Nhân dân, để dân thấy họ được tôn trọng. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa, có nền tảng tinh thần tốt đẹp với nhiều truyền thống quý báu. Duy trì, phát huy những giá trị này chính là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc, nhất là khi xã hội đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp đạo đức đáng báo động như hiện nay. Chỉ khi chúng ta biết gìn giữ các giá trị văn hóa; biết yêu thương, biết sẻ chia, rộng lượng, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cộng đồng; biết lan tỏa những điều tốt đẹp, biết giữ lấy những giá trị đạo đức đã làm nên truyền thống của người Việt thì mới có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình và tạo nên một xã hội hạnh phúc.

Văn hóa, văn nghệ phải vì hạnh phúc của con người

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bày tỏ mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà sẽ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; phải làm thế nào để “văn hóa sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”; “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng đã đưa ra ba nguyên tắc cơ bản để xây dựng nền văn hóa mới là: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Nguyên tắc đại chúng hóa cho thấy, ngay từ những ngày đầu, chúng ta đã xác định quần chúng nhân dân phải là đối tượng thụ hưởng, là cội nguồn sáng tạo của văn hóa. Nói cách khác, văn hóa phải vì hạnh phúc của người dân. Tư tưởng, tinh thần ấy chính là khởi nguồn, là động lực để chúng ta theo đuổi xây dựng một đất nước hạnh phúc.

Nguyên tắc đại chúng hóa trong Đề cương về Văn hóa Việt nam cho thấy, ngay từ những ngày đầu, chúng ta đã xác định quần chúng nhân dân phải là cội nguồn sáng tạo của văn hóa.

Thực tiễn cho thấy, từ đó cho đến nay, nền văn hóa văn nghệ Việt Nam cơ bản đã bám sát với hơi thở của thời đại, phản ánh những tồn tại của xã hội; thể hiện những nỗi niềm, khát vọng, trăn trở của người dân. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế, cũng đã có những khoảng thời gian văn hóa, văn nghệ bị xem nhẹ, chưa được đầu tư xứng đáng, chưa được đặt đúng vị trí. Những người theo đuổi sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật, làm công tác văn hóa gặp nhiều khó khăn nên đã có khi nản lòng, nhụt chí, hời hợt trong sáng tác. Chúng ta cũng chưa tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ phát huy tối đa sức sáng tạo của mình, đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới. Điều này dẫn đến thực trạng từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, Việt Nam thiếu vắng các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, có chất lượng; đời sống tinh thần, trình độ cảm thụ, thẩm mỹ của người dân chưa được nâng cao tương xứng với sự phát triển về đời sống vật chất. Chúng ta thiếu vắng những tác phẩm giàu tính chiến đấu, vạch trần đến cùng cái xấu, cái ác trong xã hội; thiếu trở trăn với thời cuộc và số phận con người.

Nhân dịp tròn 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và hướng đến ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngành văn hóa nói chung, những người làm công tác văn học nghệ thuật nói riêng cần nghiêm túc nhìn nhận lại con đường phát triển của mình, mục tiêu và định hướng của mình trong tương lai. Con đường đó, không thể khác, phải bám sát những chuyển biến của thời đại, phải thực sự vì hạnh phúc của Nhân dân, của đất nước. Văn hóa, văn nghệ sẽ không còn ý nghĩa nếu nó không giúp cho người ta lắng nghe cảm xúc của mình, của người để thấu hiểu, đồng cảm; để sống có đạo đức, giàu yêu thương; để vượt ra khỏi những thấp kém, tầm thường, giả dối và vươn đến chân, thiện, mỹ; để sống một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc hơn.

Hạnh phúc là điều vốn dĩ không tự nhiên đến hay dễ dàng có được, nó luôn đòi hỏi sự nỗ lực. Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc đầy khó khăn của mỗi cá nhân cũng như của quốc gia, hy vọng văn hóa, văn nghệ sẽ luôn đồng hành và xem đó là nhiệm vụ quan trọng, cao cả hàng đầu của mình. Bởi, suy cho cùng, còn gì vĩ đại hơn là sứ mệnh mang lại hạnh phúc cho con người!

Trang Đoan