Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế hệ từng thuộc lòng câu văn của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”; hay trong “Cổng trường mở ra” của Lý Lan: “Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra””. Dù có trải qua nhiều đổi thay thế nào đi nữa thì ngày khai trường có lẽ vẫn luôn là một dấu mốc đầy thiêng liêng của mỗi người, đặc biệt là đối với những em học sinh bắt đầu bước vào các cấp. Đó là khoảnh khắc đánh dấu chặng đường mới, sự trưởng thành của một đứa trẻ; là giây phút những người làm cha làm mẹ không khỏi xúc động khi được chứng kiến con mình bắt đầu bước vào một hành trình mới đầy thử thách.
Đáng tiếc thay, nhiều năm gần đây, lễ khai giảng không còn thực sự mang đến nhiều cảm xúc cho học sinh và cả phụ huynh. Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ các em tỏ ra thờ ơ, thậm chí không thích ngày đến trường. Việc tham gia ngày khai giảng giờ đây mang tính hình thức nhiều hơn là có ý nghĩa thiêng liêng thực sự đối với con trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học sinh không háo hức tham dự khai giảng nhưng tựu trung lại có lẽ là bởi những áp lực từ trường lớp tạo nên và từ cách thức tổ chức ngày tựu trường. Hiện nay, khối lượng kiến thức khá nặng, lịch học dày đặc, những áp lực về thành tích khiến cho việc học trở thành nỗi ám ảnh của không ít trẻ em. Gần như các em không có khoảng thời gian nghỉ hè khi liên tục phải đi học thêm. Thậm chí, nhiều học sinh mẫu giáo còn được cha mẹ cho đi học suốt mấy tháng hè để biết chữ trước khi vào lớp 1. Điều đó khiến việc học tập, trường lớp trở thành một nỗi ám ảnh hơn là niềm vui với các em. Đặc biệt, cách thức tổ chức lễ khai giảng càng ngày càng mang tính hình thức, rườm rà, quá nhiều bài phát biểu của lãnh đạo các cấp. Học sinh tham gia khai giảng một cách thụ động trong khi đáng lẽ các em phải là nhân vật chính của ngày trọng đại ấy. Ở một số trường, trước ngày diễn ra lễ khai giảng chính thức, học sinh còn phải tiến hành tập duyệt khá nhiều để đảm bảo chương trình được diễn ra suôn sẻ. Những điều này dẫn đến việc học sinh chỉ tham dự lễ như một việc bắt buộc phải làm và diễn lại những gì đã được tập.
Tất cả những nguyên do trên đang khiến cho ngày khai giảng không còn là một ngày trọng đại, thiêng liêng đối với học sinh. Điều này tưởng chừng không để lại hậu quả quá nghiêm trọng song xét trên góc độ tâm lý học đó là cả một vấn đề. Chúng ta, với việc quan trọng hình thức và thành tích đang đè nặng lên vai của các thế hệ con em những áp lực tâm lý. Nếu không tạo được niềm yêu thích, say mê và tự giác trong học tập cho các em sẽ khiến các em dần trở thành những cỗ máy, hoạt động một cách thụ động và ép buộc. Từ đó có thể tác động tiêu cực vào tâm lý, tình cảm của con trẻ và dần hình thành nên những tính cách không tốt. Giáo dục chỉ chú trọng kiến thức mà không quan tâm đến nhân cách, tâm hồn sẽ dẫn đến phát triển không toàn diện. Câu chuyện ngày khai giảng chỉ là một trong số rất nhiều những dẫn chứng cho thấy chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề này đúng mức. Ngày nay, xã hội đang phàn nàn quá nhiều vào việc thế hệ trẻ sống vô cảm, thờ ơ song lại không nhìn lại cách chúng ta giáo dục và bồi đắp tình cảm cho chúng đã đúng hay chưa.
Để giữ xúc cảm cho ngày khai trường, thiết nghĩ, việc thay đổi cách thức tổ chức nghi lễ này chỉ là một phần. Bên cạnh việc giảm bớt những nghi lễ hình thức, rườm rà, cho các em được chủ động tham gia, thực sự là nhân vật chính của lễ khai giảng, thì việc tạo một môi trường giáo dục thân thiện, công bằng, nhân văn, chất lượng có ý nghĩa mang tính quyết định. Chúng ta phải làm sao để việc học tập, trường lớp, điểm số không còn là một gánh nặng, không còn là nỗi ám ảnh với các em. Phải làm sao để giảm thiểu bạo lực học đường, xóa bỏ hiện tượng bắt nạt, kỳ thị trong trường học. Phải làm sao để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui như câu khẩu hiệu ta vẫn thường nhắc đến thì chắc chắn giây phút được trở lại trường sau ba tháng nghỉ hè hay giây phút đầu tiên được chính thức bước chân vào cánh cửa trường học sẽ luôn là khoảnh khắc đáng nhớ và đầy xúc động đối với các em.
Hôm nay, khắp cả nước hân hoan ngày tựu trường, chính thức bắt đầu năm học 2024-2025 – một năm học với nhiều quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục. Hy vọng chúng ta sẽ đạt được những kết quả tích cực trong năm học này, và, trên hết, mong những người trong nghề luôn quan tâm đến việc nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển cảm xúc chân thực, trong sáng cho trẻ. Xin đừng làm mất đi cảm xúc hồn nhiên của các em bằng những tính toán của người lớn! Xin giữ cho các em những xúc cảm đẹp đẽ của ngày đầu đến trường để đó sẽ luôn là một kỷ niệm đẹp trong hành trang cuộc đời của các em!
Trang Đoan