Đầu Đông, sắp hết thời gian của một năm, bao nhiêu chuyện khác lạ so với nhiều năm trước. Thời gian của màn hình phẳng diễn biến hàng ngày. Cuối năm, mưa rả rích, buồn. Cả thế giới buồn vì Covid-19. Dịch bệnh kéo dài. Đất nước và Nhân dân gồng lên chống dịch để mà tồn tại. Nó làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế, sức khỏe của toàn cầu. Bệnh tật là tai họa, con người lo âu, mệt mỏi, chết chóc không phải ít. Những người an toàn trong năm tháng dịch dã được coi là thực hiện tốt 5k, và cũng là may mắn. Dịch gây khó khăn và vất vả không kể xiết, nhưng chính nó cũng đem lại cho con người một phép thử về nhân cách. Sau này, chuyện dịch bệnh đi vào dĩ vãng, nhưng không ai quên những tháng ngày lo âu, khó khăn, đau khổ của bao người bị nhiễm bệnh phải giành giật sự sống. Cũng không ai quên các phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã và đang được tỏa sáng ấm áp trong những ngày căng thẳng chung sức đẩy lùi dịch bệnh với cả thế giới. Từ chị tổ trưởng, hay bác trưởng khối hàng ngày lầm lũi bịt kín mặt mũi đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát từng bó rau, túi hoa quả, nhắc nhở mọi người đi test trong những ngày bị phong tỏa. Không ai quên hình ảnh dòng người tùm hum đồ đạc sinh hoạt cũ kỹ trên những chiếc xe máy cà tàng tháo chạy dịch họa từ thành phố để về quê trong mưa rét đến não nùng, xót xa. Cái đói khát mệt mỏi của kẻ tha hương làm lay động lòng người, tình đồng bào, các nhà hảo tâm trỗi dậy. Những nhà từ thiện, tốt bụng với gương mặt đồng cảm sẻ chia, sẵn sàng đứng chờ dọc đường trong đêm khuya tiếp đồ ăn, nước uống và tiền bạc ủng hộ đoàn lữ khách đang cố bươn về phía trước, hồi hương.

Hình minh họa, nguồn: vnexpress.net

   Chưa bao giờ tình người, nghĩa đồng bào, đức hy sinh vì người khác bằng lòng tự nguyện, vô tư, trong sáng không hề bon chen suy tính được thể hiện lồ lộ trên mọi nẻo đường của đất nước Việt Nam. Trong gian khó mới thấy hết cái đẹp của tình người. Không thể nói hết, viết hết, kể hết những điều tốt đẹp mãi mãi đi vào lòng người, lịch sử của đất Việt. Cảm ơn đất trời đã cho thế gian này những con người biết sống vì cộng đồng. Họ đã đem của cải, công sức và quên cả mạng sống của mình lo cho đồng bào. Tạ ơn người tốt, họ đã giữ gìn truyền thống “lá lành đùm lá rách” chỉn chu của đất nước. Dân tộc này trường tồn một phần nhờ vào những con người vô danh như thế.

   Nhưng cũng từ dịch dã này, không thể che giấu được nhiều điểm yếu kém trong năng lực, suy thoái trong nhân cách của rất nhiều cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương, từ đất liền cho đến biển khơi. Đau nhất là lúc dịch bệnh đang bùng phát, lúc cần đến chiến sĩ áo trắng cứu người thì không ít những thầy thuốc tay nghề cao, đứng đầu ở bệnh viện lớn đã bị khởi tố liên quan đến kinh tế trong thời điểm nhân dân đang đói kém, bệnh tật. Và đau lòng hơn nữa, khi biển khơi đang có giặc ngoại xâm rình rập thì bộ máy lãnh đạo của cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua đã bị kỷ luật, cách hết các chức vụ. Xót lòng, đau đớn không kể xiết khi Nhà nước đã bỏ bao công sức và tiền bạc đào tạo họ thành vị tướng để bảo vệ Tổ quốc. Nghẹn lòng khi đọc những dòng tin tức buồn phiền dày đặc trên các tờ báo lớn, tức cả lồng ngực như thể đã bị nhiễm bệnh dịch. Ấm áp trong cõi lòng biết bao khi có người tốt “đồng cam cộng khổ” với đồng bào lúc gian nan, lại tái tê và oán giận trước ứng xử của những kẻ vô cảm, lợi dụng dịch bệnh, lòng tốt của nhà hảo tâm để trục lợi từ chiếc khẩu trang, bộ test xét nghiệm, thuốc giả cho đến việc đấu thầu trang thiết bị y tế đã “vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng”. Đau nhất là mất mát, đau thương do dịch bệnh đã cướp đi hàng vạn sinh mạng, hàng chục ngàn người bệnh đang nằm trong các bệnh viện, trung tâm hồi sức và tại gia đình. Nặng lòng hơn, không ít thi thể phải xếp hàng ở các lò thiêu bởi quá tải. Hàng chục ngàn học sinh thiếu vắng ông bà, cha mẹ, anh chị em qua mùa dịch dã, các em thiếu thốn tình cảm đã đành, mà còn không có thiết bị và đường truyền Internet để học trực tuyến.

  Thật kinh khủng khi dịch bệnh lây lan gây ra bao nỗi đau cho con người. Giận dữ vô cùng đối với những kẻ táng tận lương tâm đã nghĩ ra những mánh khóe kiếm tiền hèn hạ trong nỗi đau của đồng loại. Tội ấy trời không dung, đất không tha, người đời không bao giờ quên. “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Ấy nhưng, thời gian qua, sống trong tâm dịch, cơn bão khiến con người thay đổi rất nhiều về quan điểm lối sống, gần như trở thành người khác. Nhận thức rõ hơn về giá trị cuộc sống, mỗi người chủ động thay đổi hành vi, thói quen, hình thành lối sống tích cực, lành mạnh, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người tự cứu mình trước khi trời cứu. Học cách yêu thương tầm xa dẫu đang ở cùng thành phố. Học cách tự chữa bệnh cho mình, thử thách sức chịu đựng của bản thân. Học thêm sự chịu đựng lúc thiếu tiện nghi, lúc cần sống một mình, lúc cô đơn vẫn tự thấy ổn. Chi tiêu tiết kiệm, không tiêu xài hết tất cả những gì mình đang có. Và nữa, dần dà văn hóa xếp hàng khác ngày trước, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt, thói quen chen chúc gần như không còn. Thích nghi với những thay đổi bất ngờ, biết cách nhường cơm sẻ áo, xót thương những ai đói khổ hơn mình. Lòng tri ân với người tốt giúp đỡ lúc khó khăn, bệnh tật, mãi mãi không quên.

Hình minh họa, nguồn: vnexpress.net

   Cách sống, sinh hoạt của con người gần như chầm chậm lại, biết rõ về vô thường, không gì bất biến, hiểu sâu sắc sự sống mong manh! Trái đất vẫn quay, thời gian của cuộc sống bình thường hàng ngày vẫn trôi. Nhưng chưa bao giờ thấy hạnh phúc, ấm áp tròn trịa vô cùng qua các mùa Covid-19 mà mình đang khỏe mạnh, bình an. Đừng lãng mạn mơ hồ với lời hứa hẹn như xưa chỉ để gió thổi mây bay, không ảo tưởng cuộc sống bảy sắc cầu vồng ở trời Tây xa xôi.

Mỗi người tự thấy mỗi ngày là một ngày vui đáng trân trọng. Trân trọng từ ly cafe, một cốc trà đá, gặp người thân hay bạn bè nơi hàng quán khi có điều kiện gặp gỡ.

   Dịch bệnh đã và đang làm xáo trộn, thay đổi những lối sống cũ mòn xa xưa, thay vào đó hình thành lối sống khác, chủ động hơn. Tự con người xây dựng cho mình nếp sống mới tích cực về sức khỏe, vệ sinh môi trường. Dịch tễ xảy ra bất ngờ, không ai mong muốn, nhưng bên cạnh những mặt tiêu cực Covid-19 để lại, ở khía cạnh nào đó nó đã làm thay đổi lối sống, mang đến những nét văn hóa, văn minh mới trong cộng đồng.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 19, tháng 11+12/2021)