LTS: Tác giả Đậu Hải Nam là cộng tác viên tích cực, tiêu biểu của Tạp chí Sông Lam từ những năm 2000. Ngòi bút của anh luôn giữ được sự chừng mực, tinh tế, thể hiện sự tôn trọng quá khứ, biết đồng cảm và sẻ chia với niềm vui, nỗi đau của con người, cũng như hướng thiện, và sự nỗ lực khắc phục khó khăn, hướng tới tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Đậu Hải Nam sinh năm 1974, quê ở huyện Thanh Chương, cư ngụ tại thành phố Vinh, đã tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang. Nhưng do mệnh yểu, anh mất năm 2009 ở tuổi 35. “Tài sản” về văn chương, báo chí của Đậu Hải Nam để lại có hàng trăm truyện ngắn. Truyện ngắn sau đầy ắp vốn sống, ngồn ngộn khí chất nghĩa tình của con người xa xứ hoài niệm về nơi “chôn rau cắt rốn” của một thời trẻ trung và tình yêu nóng bỏng như “Gió Lào”.

                                                         ********

   Anh cầm lá thư trên tay và không tưởng, đó là lá thư của Diệp. Vẫn những chữ tròn trịa, run run ấy, vẫn kiểu phong bì ấy nhưng thấm thoắt đã hai mươi năm. Ngoài trời những bông tuyết vẫn mải miết rơi, rơi…
Những bông tuyết đã làm anh lạnh cóng hồi mới đến. Thành phố Copenhagen cổ kính trắng xóa một màu. Hôm nay Bà chúa Tuyết đi săn trên chiếc xe quen thuộc của mình do những con tuần lộc kéo. Susan vợ anh đang rửa bát đĩa dưới bếp. Con trai anh, Christian Hồ đã thiu thiu ngủ. Ngoài trời lạnh 10 độ âm nhưng trong nhà vẫn ấm áp. Riêng anh mồ hôi lấm tấm rịn ra, anh cảm thấy nóng bức. Trận gió Lào từ quê hương thổi đến làm bùng lên những gì tưởng như đã đóng băng, nguội tắt trong anh. Anh ườn người cởi nốt chiếc áo lót ném lên ghế salon rồi quyết định xé thư ra đọc nhưng lại ngập ngừng liếc nhìn Susan ở dưới bếp. Nghĩ thế nào, anh mở cửa văn phòng ra và khóa trái lại. Anh run lên “Diệp”! Tại sao lại là em?
“Chắc anh không thể tin được đây là thư của em phải không anh!? Chắc anh cũng ngạc nhiên là tại sao em biết được địa chỉ của anh, người mà em đã bặt tin đúng 21 năm 8 tháng 13 ngày. Em tình cờ xem được “Lễ trao thưởng Vật lý Quốc tế hàng năm trên kênh CNN diễn ra tại Viện Hàn lâm Massachuset. Em thấy anh lên nhận giải thưởng về tự động hóa năm nay. Chính vì tên giải thưởng nên em mới chắc chắn đó là anh, bởi tự động hóa là chuyên môn chính ngành anh học. Chứ ban đầu em cũng không tin vào mắt mình. Sau đó, em chạy đôn đáo khắp Hà Nội để hỏi tin tức về người được nhận giải. Cuối cùng Giáo sư, Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam cũng giúp em được toại nguyện. Và giờ đây, anh đang cầm lá thư của em trên tay với tất cả những gì nguyên xi y như hồi chúng mình mới gặp nhau.”

Minh họa: Bá Siêu

Anh bồi hồi nhớ những gì xưa cũ. Hồi anh và Diệp đều là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp. Anh học khoa Lý còn Diệp học bên khoa Văn. Anh học sau Diệp 2 khóa  nhưng lại nhiều tuổi hơn bởi anh đã tham gia nghĩa vụ quân sự 5 năm, chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Tình yêu nảy nở giữa 2 người đồng hương bằng một sự tình cờ thú vị. Lần đó anh có việc phải qua bên phòng nữ để gặp người quen có chút việc riêng. Đang đầu giờ chiều, mọi người đi học hết. Cửa phòng khép hờ. Do không để ý nên anh chẳng gõ cửa mà cứ thế bước vào. Ở kia, trên giường tầng, Diệp gần như là khỏa thân. Cô đang thay quần áo chuẩn bị đi học. Tất cả những gì tuyệt mỹ nhất của người con gái đồng trinh hiện ra trước mắt anh, một người mà bạn bè vẫn cho là khô khan, khắc khổ. Bản năng và định mệnh đã giữ chân anh lại. Anh không quay mặt đi. Còn Diệp thì hét lên một tiếng khe khẽ rồi đưa hai tay ôm ngực…Sau cùng, anh bước ra khỏi phòng nhưng chẳng bỏ đi. Vài phút sau, anh quay lại và đó là những bước chân đầu tiên đến với tình yêu.
“Anh, những gì xảy ra giữa hai chúng mình thật đẹp, thật buồn phải không!? Tất cả những ngày chúng mình bên nhau em vẫn giữ làm cổ tích. Từ đó đến nay em vẫn sống với thời gian, không gian bằng thủy tinh, nguyên xi và trong suốt. Em đã không trưởng thành, không thay đổi được nữa. Cho dù, nói ra với anh cũng chẳng ích gì. Em biết anh đã có gia đình, nhưng kỷ niệm thì đẹp mãi phải không anh. Đầu tiên em sống bằng nỗi nhớ mong chờ anh trở lại. Nhưng anh thì biền biệt xa, không tin tức, không thăm hỏi. Sau đó em lại sống bằng tình yêu của anh đã dành cho em. Còn bây giờ thì em sống bằng kỷ niệm của tình yêu đó”.
Anh rên lên:
– Thế bây giờ em vẫn chưa lấy chồng ư, Diệp! Trời ơi, thế mà anh cứ  tưởng…
Tiếng chuông nhà thờ Saint Nicholas đổ hồi. Tiếng chuông như những nhát búa đập vào tâm hồn anh làm rạn nứt tảng băng ký ức.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Diệp được nhận về công tác tại một cơ quan văn hóa tỉnh nhà, còn anh thì vẫn tiếp tục theo học. Ngày anh sắp ra trường thì được tin Diệp chuẩn bị lấy chồng. Cha Diệp ép cô lấy con trai của một vị lãnh đạo của tỉnh. Anh ta là sinh viên, vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về, trắng trẻo, đẹp trai, có tiền đồ chứ không đen đúa và mồ côi cả cha lẫn mẹ như anh. Đó là lời của cha Diệp. Biết được tin từ bạn bè, anh chẳng nói một lời. Tất cả niềm tin và hy vọng của anh, cả ngôi nhà hạnh phúc mà anh đã xây dựng hằng đêm hoàn toàn sụp đổ. Một thời gian mất ngủ với suy nghĩ là nếu lấy anh chàng kia thì Diệp sẽ được hạnh phúc và sung sướng hơn đối với mình, anh lao vào học tập để giành một suất học bổng ở Liên Xô. Trước khi rời xa Tổ quốc, anh về thăm quê, thăm Diệp lần cuối. Anh chúc Diệp hạnh phúc rồi xin lỗi ngày mai không tới dự đám cưới được.
Ở nước cộng hòa Ucraina anh học một mạch đến xong luận án tiến sĩ. Trong thời gian đó, anh tuyệt không nghe, không muốn nghe một tin tức gì về Diệp cho dù anh có thể hỏi thăm. Người biết chuyện giữa anh và Diệp không nhiều nên câu chuyện được ngủ yên. Thời gian bao bọc lấy vết thương để nó trở thành viên ngọc. Viên ngọc tình yêu đó anh cứ tưởng mãi sẽ ngủ yên, mãi sẽ là kỷ vật thiêng liêng của thời sinh viên sôi nổi. Nhưng anh đã nhầm, Diệp là một cái gì đó lớn hơn thế. Sớm mồ côi cha, mẹ nên Diệp là người yêu, người bạn, người chị, là mẹ và bây giờ cũng có nghĩa là quê hương ở trong anh. Lá thư của Diệp đã làm tan chảy viên ngọc kỷ niệm kia. Những ký ức xa xăm gợi về làm anh cảm thấy bơ vơ nơi đất khách và nhớ quê hương da diết. “Hôm anh ra đi, vì quá tuyệt vọng, em đã uống một lượng lớn thuốc ngủ. Nhưng, người nhà phát hiện kịp thời và đưa em đến bệnh viện nên em vẫn còn lại ở trên đời này. Giá như hôm ấy anh chỉ nói một câu, một câu thôi, em sẽ bỏ tất cả để theo anh, đằng này…Cha thấy em làm liều cũng không dám ép em lấy anh chàng kia nữa.
Không hiểu vì sao mà cho đến tận bây giờ em không thể yêu ai được. Cho nên em vẫn vậy, vẫn độc thân. Cha mẹ em đã mất cả. Cha mới mất năm trước. Trước khi mất cụ xin em và anh tha lỗi cho cụ. Cụ cũng không yên lòng nhắm mắt khi thấy cảnh con gái vò võ một mình
Thật ra, cũng có nhiều người đàn ông khác đến với em. Nghiêm chỉnh đứng đắn có, cợt nhả lả lơi có, cả những người chưa có gia đình, đang có gia đình riêng và cả những người bị chết vợ hay vợ bỏ cũng có. Thế đấy anh ạ! Nhưng trong số họ chẳng ai hiểu em và cái chính là em không có thể còn rung động thương yêu. Có lẽ vì em đã yêu anh đến mức không còn một tí tình cảm nào dành cho người khác nữa chăng. Đối với em khái niệm “yêu”, “rất yêu”, “quá yêu”…chỉ là một. Em tự gọi khu nhà mình ở là “Đồi gió hú”. Em cũng giống như anh chàng Henclief trong câu chuyện. Yêu một lần là kiệt sức”

Tranh sơn dầu: Nguyễn Sơn

Anh ngừng đọc và hình dung về những gì mình đã trải qua: Sự sụp đổ về tình yêu bị phản bội, sự thiếu thốn về vật chất, tình cảm…Anh chạy trốn vào khoa học như tìm kiếm một sự chở che.
Liên bang Xô Viết hùng cường tan rã. Anh theo chân thầy giáo mình sang định cư ở đất nước Bắc Âu lạnh giá này. Tất cả đều đã dần quen thuộc với anh. Từ những dụng cụ thí nghiệm bừa bộn, những giá sách cao lớn, im lặng trong thư viện, những con đường lát đá của Copenhaghen, cả những bông tuyết rơi mê mải nữa. Susan là phụ tá thí nghiệm của anh. Cô đến với anh bằng cả tình yêu và lòng kính trọng. Christian cũng chuẩn bị đi học bậc tiểu học. Đất nước Đan Mạch, quê hương của Đại văn hào Andecxen đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Anh tưởng rằng mình đã vùi chôn được quá khứ. Nhưng, lá thư của Diệp đã làm sống dậy tất cả. Những gì Diệp để lại trong anh lớn đến mức anh không thể kiểm soát được.
“Từ ngày anh đi đến nay, đất nước đã đổi thay nhiều lắm. Lúc trở lại anh sẽ không nhận ra được nữa đâu. Đời sống vật chất được tăng lên, không còn chế độ một tháng 13 cân gạo, 6 lạng thịt như ngày trước. Nam giới cũng như phụ nữ đều ăn mặc đẹp hơn, đa dạng và phong phú hơn chứ không độc mốt “quần loe, tóc tốt” cho con trai, “quần lụa quả táo, áo phin trắng” cho con gái như hồi anh còn ở nhà. Tà áo dài dân tộc đã được tôn vinh và giới thiệu rộng rãi ra toàn thế giới. Chẳng còn cảnh “áo chuyên gia, xe cố vấn” mà có nhiều người đã sắm được tivi, xe gắn máy, thậm chí cả ô tô. Nói chung là khác lắm anh ạ. Em có nói ra cũng chẳng hết mà anh phải tận mắt chứng kiến cơ.
Sau thời gian đổi mới, cách nghĩ, cách làm, cách sống cũng đã khác ngày xưa nhiều. Nhưng đối với em ngày xưa đó lại là những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời, khi em được ở bên anh. Em cứ nhớ mãi chỉ những chủ nhật có anh, em mới dám đi cửa hàng mua về 2 lạng thịt phiếu. Đó chính là những miếng thịt lợn ngon nhất đời em. Sau này, được đi nhiều nơi, ăn nhiều món khác nhau nhưng không có gì ngon như thế nữa. Anh nhớ không, cái quần xi mi ly anh nhờ em “tích kê” mà bỏ đi không kịp lấy ấy. Bây giờ em vẫn cất kỹ trong rương. Thỉnh thoảng, em lại lấy nó ra, nhìn ngắm nó, ôm nó vào lòng như ôm cả tình yêu, ôm cả thời gian kỷ niệm
Có một thời gian em được sống lại những ngày xưa ấy. Đó là hồi em được cơ quan cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nơi chỉ tập trung những người mà em cho là 100% cộng sản. Thật sung sướng biết bao, ở đó chúng em chỉ có việc học, và học thật giỏi. Không có chức vụ, không có giàu nghèo chỉ có các học viên và thầy giáo. Người ta đánh giá nhau bằng điểm số môn học, bằng các hiểu biết sâu sắc, bằng các phép ứng xử tế nhị, lịch lãm chứ không phải bằng cái gì khác. Những lúc ấy em cũng buồn nhớ anh nhưng việc học cứ cuốn em đi anh ạ…
Hiện nay, em đang sống với một đứa cháu gái là sinh viên sư phạm. 2 cô cháu sớm tối có nhau vừa đỡ buồn lại vừa đỡ sợ. Thời gian của em được dành hết cho công việc biên tập và sáng tác văn học. Chỉ có ở trên trang viết em mới cảm thấy được tự do, yêu hết mình, ghét hết mình, được làm điều mình muốn. Và cũng chỉ ở đó, anh của em mới không bỏ đi như thế.
Bây giờ gặp nhau, anh không còn nhận ra em nữa đâu. Em đã già, khô và xấu lắm, chẳng còn tí nào nhan sắc tươi tắn ngày xưa. Nhưng anh hãy tin em, em vẫn còn tinh khiết như thuở nào cho dù những cơn đau nhức của sự đòi hỏi xác thịt cũng có hành hạ em. Đúng, em đã chiến thắng, khô quắt và tinh khiết…”
Anh gục xuống. Nước mắt đã ướt nhòe lá thư tự bao giờ. Anh sung sướng nhận ra rằng mình vẫn còn có thể rung động mãnh liệt đến như vậy. Anh nhớ quê hương  xa xôi của anh, nơi có dòng sông xanh, có những lũy tre xanh xao xác, nơi có hòn vọng phu bằng đá, cả những hòn vọng phu bằng xương bằng thịt chờ chồng suốt chiều dài của các cuộc chiến tranh. Anh cảm thấy mình như là người có tội, anh cảm thấy mình như là kẻ phản bội. Anh không xứng đáng với quê hương, với tình yêu của Diệp…
Anh thiểu não thốt lên:
– Không, Diệp không đáng bị đối xử như vậy. Diệp xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Điếu thuốc sau khi oằn mình để rơi cái tàn dài màu tro xuống nền nhà lăn tăn trên mặt bàn. Không gian đặc quánh lại vì khói thuốc. Như chợt nhớ ra điều gì, anh bật dậy, với lấy máy điện thoại và quay số:
– Allo! Peterson đấy à! Cậu đang làm gì vậy? Cho mình hỏi xem bên Bộ hợp tác – Đầu tư phát triển Quốc tế các cậu có dự án gì với Việt Nam thế? Thủy sản, Y tế, Văn hóa, Công nghệ cao à. Có hợp phần nào cho mình tham gia với. Cậu đòi thù lao ư? OK! Mình sẽ giới thiệu cậu với một cô gái Việt Nam đúng như những điều mình đã nói về họ. Xinh không ạ? Bí mật. Thế bao giờ chúng mình bay? 2 tháng nữa à? Hẹn gặp lại nhé! Xin chào!
Anh khép cửa rồi qua phòng con trai. Cậu bé thở đều đều. Cậu khẽ cựa quậy, mỉm cười trong giấc mơ. Anh tha thiết nhìn con và thầm nói: “Rồi cha sẽ đưa con về thăm quê nội. Ngủ ngoan con nhé!”.
  Chiếc giường ấm áp, thơm mùi tình yêu. Susan giụi đầu vào ngực anh nũng nịu: “Hôm nay, anh lại làm việc khuya rồi!”. Anh hôn vào trán cô: “Ừ! Em ngủ đi. Anh có bận một chút”.
Anh với tay tắt công tắc điện. Trần nhà tối đen trở thành màn ảnh thần tiên, sống động. Nó đưa anh về lại ngày xưa. Trong giấc ngủ nhẹ nhàng kéo đến. Anh thì thầm trên môi: “Diệp em phải được hạnh phúc. Nỗi đau của chàng Trương Chi sẽ sớm được hóa giải. Hẹn sớm gặp lại em”.

Đậu Hải Nam

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 3/Bộ Mới/2020)