Gìn giữ ký ức cộng đồng


Ký ức cộng đồng là một phần của lịch sử, là một phương diện thể hiện quan trọng, cũng là một phương pháp tiếp cận để bảo tồn di sản văn hóa, nhất là với văn hóa phi vật thể. Hiện nay, trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cần có một chương trình hành động để sưu tầm, bảo tồn và sử dụng ký ức cộng đồng một cách phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện đại.

Những lần lỡ dở

Năm 2019, khi đi khảo sát về cộng đồng dân tộc Tày Poọng ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tôi đã được gặp cụ Viêng Cả Phia, một già làng khi đó đã khoảng 94 tuổi. Ông là một trong những người đầu tiên đưa gia đình di chuyển từ vùng khe Thơi vào khu vực Tam Hợp để sinh sống, khai hoang lập bản và tạo lập nên bản Phồng hiện nay. Qua những câu chuyện ông kể, từ việc lúc còn nhỏ sống khổ cực, rồi theo chân cha mẹ di cư qua Lào. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thì gia đình lại di cư về vùng khe Thơi sinh sống. Sau đó, vì không có đất rừng canh tác, đời sống khó khăn, ông cùng với một số gia đình đưa nhau đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Rồi những câu chuyện ông tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng bản làng. Khi mới vào đời sống khổ cực, khi thì dịch bệnh, khi thì thiên tai mất hết mùa màng. Có năm được mùa tưởng khấm khá hơn thì làng bị cháy do cả làng ở quây quần bên nhau nên khi cháy thì lửa lan ra cháy gần hết làng, chỉ còn dăm ba hộ gia đình ở cách xa hơn chút là còn sót lại… Chỉ trong vài tiếng đồng hồ nghe ông kể lại, cả một khối tư liệu, kiến thức khổng lồ về người Tày Poọng, về lịch sử bản Phồng, về  văn hóa truyền thống cộng đồng… Tất cả đều hiển hiện trong ký ức của ông già trải qua gần thế kỷ. Nhưng vì lý do sức khỏe nên cuộc gặp cũng chỉ dừng lại sau một hồi trò chuyện miệt mài. Lúc đó tôi nghĩ một thời gian sau quay lại sẽ cố gắng ghi hình và ghi âm lại những câu chuyện của cụ Viêng Cả Phia vì đây là kho tư liệu sống lớn nhất của người Tày Poọng. Ấy vậy rồi đại dịch COVID-19 nổ ra, rồi công việc… mãi đến 3 năm sau, khi quay lại bản Phồng thì cụ Cả Phia đã không còn nữa. Thật sự không khỏi nuối tiếc khi mà khối tư liệu sống đang còn khai thác dở lại biến mất.

Gìn giữ ký ức cộng đồng
Cụ Viêng Cả Phia – Một trong những người đầu tiên về lập bản Phồng – Trung tâm của người Tày Poọng hiện nay. Ảnh: Bùi Hào

Trong cuộc hành trình nghiên cứu dân tộc học của mình, những trường hợp lỡ dở như trên không phải là điều ít gặp. Năm 2016, tôi về bản Cắm (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) gặp cụ Vi Xuân Tình lúc đó đã tuổi 85 và dành 2 buổi để trò chuyện, phỏng vấn cụ về lịch sử hình thành làng bản, về văn hóa truyền thống của người Thái. Năm 2017, về bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông), tôi gặp bà cụ Vi Thị Hoàng lúc đó cũng ngoài 80, là người hiếm hoi còn dệt thổ cẩm làm trang phục truyền thống và cụ kể cho nghe về hầu như toàn bộ những kiến thức liên quan đến nghề dệt may truyền thống của người Thái ở đây. Cũng năm 2017, khi về bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương), gặp ông Lo Văn Bình lúc đó đã ngoài 70 tuổi và là người Ơ Đu già nhất bản, ông đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về làng cũ, về văn hóa Ơ Đu, về tiếng nói Ơ Đu mất đi như thế nào (lúc đó cả bản ngoài ông chỉ còn hai người trẻ hơn biết một ít tiếng mẹ đẻ)… Còn có hàng chục người khác đã chia sẻ cho tôi nhiều tri thức quan trọng về lịch sử, văn hóa của các tộc người. Điểm chung của họ là tuổi đã cao, kinh qua cả hai hoặc ít nhất một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, biết nhiều về lịch sử và văn hóa tộc người, là người uy tín được cộng đồng mến mộ… Tiếc rằng, một thời gian sau trở lại gặp gỡ tiếp tục khai thác làm rõ thêm một số điều  thì hoặc họ đã mất, hoặc sức khỏe và trí nhớ đã kém đi không thể ngồi kể chuyện được. Đó có thể coi là những lỡ dở, mất mát lớn lao trong quá trình nghiên cứu dân tộc học.

Lịch sử cộng đồng từ góc nhìn cá nhân

Trong suy nghĩ của nhiều người, ký ức của những người già như đã kể ở trên chỉ là những câu chuyện vụn vặt, là ký ức thuộc về một người bình dân. Họ không phải là những người nổi tiếng, cũng không phải là những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc. Nên những câu chuyện của họ đơn giản là những câu chuyện cá nhân, không có giá trị về lịch sử cộng đồng, lịch sử địa phương; hoặc có nhưng rất ít giá trị.

Gìn giữ ký ức cộng đồng
Cụ Lô Thị Chung, người Thái ở xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Đàn đang kể về những kỷ vật theo bà từ ngày đi làm dâu cách đây hơn nửa thế kỷ.  Ảnh: Bùi Hào

Thực tế, lịch sử một cộng đồng, một địa phương hay một quốc gia, dân tộc thì cũng luôn gắn liền với lịch sử của những cá nhân. Họ dù là ai, nổi tiếng hay không thì cũng luôn mang theo một phần thông tin, dữ liệu về cuộc sống trong bối cảnh liên quan với họ. Câu chuyện cuộc đời của họ, vừa là câu chuyện của một cá nhân cụ thể, vừa là câu chuyện liên quan đến lịch sử cộng đồng. Cuộc đời cụ Viêng Cả Phia gắn với một góc lịch sử của bản Phồng, của người Tày Poọng. Cuộc đời cụ Vi Xuân Tình gắn với một đoạn lịch sử văn hóa của người Thái ở bản Cắm. Cuộc đời bà Hoàng cũng gắn với lịch sử nghề dệt may và quá trình khôi phục nghề dệt may ở bản Nưa. Hay cuộc đời ông Bình cũng thể hiện những thông tin lịch sử văn hóa về người Ơ Đu… Đó là lịch sử cộng đồng nhìn từ câu chuyện cuộc đời một cá nhân. Có những cá nhân xuất sắc đã tạo ra, thay đổi hay ảnh hưởng lớn đến lịch sử cộng đồng, nhưng mọi cá nhân đều là một phần của lịch sử cộng đồng. Câu chuyện của họ là câu chuyện của lịch sử cộng đồng.

Từ những năm 1970, Trường phái Chicago ở Mỹ đã xây dựng và sử dụng phương pháp nghiên cứu Lịch sử cuộc đời (Life History) hay phương pháp Câu chuyện cuộc đời (Life Stories) để tiếp cận những nhóm người thiểu số sống ở các khu ổ chuột trong đô thị. Đây là một phương pháp nghiên cứu định tính, đi sâu vào những ký ức, những câu chuyện cá nhân để tìm hiểu về văn hóa xã hội của các cộng đồng, các nhóm xã hội. Ở Việt Nam, nghiên cứu lịch sử cuộc đời hay câu chuyện cuộc đời xuất hiện từ cuối những năm 2000 và ngày càng phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội. Những vấn đề nhạy cảm, hay những nghiên cứu mang tính đi tìm bản sắc cá nhân và nhóm thì người ta hay vận dụng phương pháp này. Trong đó, cuộc đời một cá nhân như là một cái tâm điểm và mở rộng ra gia đình, bạn bè, hàng xóm, cơ quan, địa phương, cộng đồng… là những vòng tròn đồng tâm đó. Từ những câu chuyện của một cá nhân đặt trong mối quan hệ với các mạng lưới xã hội rộng lớn hơn để tìm hiểu về lịch sử văn hóa cộng đồng. Đây là phương pháp tiếp cận đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Và nó chứng tỏ rằng lịch sử cộng đồng nhìn từ các cá nhân luôn có những giá trị tích cực trong khám phá văn hóa xã hội.

Gìn giữ ký ức cộng đồng
Những phụ nữ người Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ giữ nghề đan võng gai truyền thống. Ảnh: Bùi Hào

Cần một chương trình ký ức cộng đồng

Từ nhiều cuộc lỡ dở đầy tiếc nuối trong quá trình nghiên cứu dân tộc học ở Nghệ An và một số tỉnh thành khác, cũng như nhận thức về vai trò và giá trị của ký ức cá nhân đối với lịch sử cộng đồng mà tôi luôn mong muốn về một chương trình ký ức cộng đồng được thực hiện để bảo tồn những di sản ký ức từ nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là ký ức của những người lớn tuổi. Họ đã kinh qua, đã trải nghiệm từ 3/4 thế kỷ trở lên thì ký ức của họ là một kho tư liệu liên quan đến cuộc sống. Những ký ức đó là những di sản văn hóa, là những thông tin tư liệu vô giá và nó mất đi khi họ qua đời.

Thực tế, đây không phải là ý tưởng mới mẻ, bởi từ nhiều năm nay đã có nhiều tổ chức, cơ quan bắt tay vào thực hiện công việc này. Năm 2008, một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đã đầu tư xây dựng một trung tâm về di sản các nhà khoa học. Họ tập trung hàng chục nghiên cứu viên đi gặp các nhà khoa học lớn tuổi để phỏng vấn nhằm ghi âm, ghi hình lại những câu chuyện xoay quanh cuộc đời các nhà khoa học. Trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, họ đã tổ chức ghi âm, ghi hình hàng triệu phút tư liệu về câu chuyện cuộc đời của hàng ngàn nhà khoa học trong cả nước, tạo thành kho tư liệu vô cùng quý hiếm đối với lịch sử khoa học nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. Hay ở miền Nam, Viện Social Life cũng tổ chức một chương trình Ký ức xã hội để tiếp cận, sưu tầm các câu chuyện của các cá nhân từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau nhằm khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua những ký ức của con người cá nhân cụ thể.

Gìn giữ ký ức cộng đồng
Những yếu tố văn hóa truyền thống nếu không được tiếp nối một cách phù hợp thì sẽ mất đi theo thời gian (Một lớp học tiếng Ơ Đu cách đây gần hai thập kỷ). Ảnh: Phan Thắng

Ở Nghệ An, ký ức cộng đồng chưa được quan tâm. Nghệ An là một vùng văn hóa đặc trưng gắn với nhiều cộng đồng khác nhau sinh sống trong một lịch sử lâu dài. Ở đó, hàng ngàn người lớn tuổi đang mang trong mình một khối lượng tư liệu về cuộc sống liên quan đến lịch sử, văn hóa của các cộng đồng, các địa phương và của tỉnh nhà. Đây là một kho tư liệu sống quý giá nhưng chưa được bảo tồn, khai thác. Có những người quan tâm khai thác nhưng là trên phương diện cá nhân để viết báo hay viết văn… Và những điều này chưa đủ để đảm bảo cho việc bảo tồn những di sản ký ức này được.

Thiết nghĩ, Nghệ An cần xây dựng và thực hiện một chương trình bảo tồn ký ức cộng đồng của riêng mình để phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách liên quan đến văn hóa hiện tại và tương lai. Chương trình này bắt đầu từ việc đi sưu tầm và lưu giữ những câu chuyện. Trang thiết bị để ghi âm, ghi hình và lưu trữ tư liệu ngày nay không quá đắt đỏ. Quan trọng nhất là tổ chức con người đi thực hiện việc ghi âm ghi hình những ký ức này một cách phù hợp và hiệu quả. Cùng với đó là tổ chức lưu giữ và phát huy nó như thế nào cho có giá trị. Việc này cần tổ chức thực hiện càng sớm càng tốt, không nên chậm trễ. Mỗi một ngày qua đi sẽ có một số người già rời khỏi cuộc sống này và mang theo một khối ký ức to lớn về lịch sử cộng đồng. Vậy nên nhanh một ngày thì sẽ có thêm một số di sản ký ức được lưu giữ, bảo tồn.

Trang Tuệ