Giấc mơ của gió

Sơn dầu của : Leonid Afremov

Tôi mải miết đi tìm giấc mơ của gió, một đời tôi, nhiều đời ai. Tôi vươn vai hát lời của sóng một đời tôi vạn đời ai. Tôi thênh thang đi tìm khát khao của biển để nghe gió thầm thì ngày xưa.

Biển mênh mông biển chẳng vô bờ
Con sóng nhỏ vu vơ đời phiêu lãng
Dã tràng đa mang xe cát vào vô hạn
Cánh buồm mơ tìm mãi bến thời gian

         Đó là bốn câu thơ tôi cảm thán trong một chiều thơ bé, lang thang dọc triền đê, con đê biển vạm vỡ bao bọc lấy quê tôi Thụy Trường – Thái Thụy – Thái Bình. Buổi chiều hôm ấy, giống như bao buổi chiều hoa mắm, hoa vẹt chan chát ngọt ngọt mời gọi bầy ong, nhìn ngọn thủy triều len lỏi dâng đầy trong những con lạch luồn lách ra phía khơi xa, tôi hình dung về một cánh buồm mà thủy tổ của tôi đã căng từ làng Quỳnh – Nghệ An để đến nơi đây gửi gắm ước mơ. Tôi gọi đó là giấc mơ của gió.

                             Giấc mơ của gió, đời người ai không một lần gửi những khát khao. Biết bao nhiêu câu hỏi cứ mông lung nhảy nhót trong trí não ngây thơ của một đứa trẻ: phía xa kia là gì, đằng sau những con sóng, đằng sau những cánh buồm, đằng sau những cơn gió, làm thế nào để vượt những đại dương… Mỗi một ngày giấc mơ về đại dương, về những bờ bến xa mờ cứ xanh thẳm hiện hữu và lớn dần trong tôi và nó trở thành thứ tôn giáo của riêng tôi mà tự khi nào tôi không nhận ra.

         Mùa hè năm ấy tôi được đi chơi trên một chuyến tàu của gia đình, con tàu xuất phát từ cảng Hải Phòng và cảng đích là Cam Ranh – Khánh Hòa. Ra khỏi luồng Hải Phòng tàu bắt đầu bươn mình vào Vịnh Bắc Bộ, bờ bến sau lưng nhạt dần, lần đầu tiên con mắt tôi được thỏa thê nỗi niềm vô cực. Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm ấy với tôi đã là một đại dương đầu đời cho tôi hình dung và cảm nhận được câu mà nhiều người đi biển từng nói: ra đến biển con tàu cũng chỉ như chiếc lá tre mà thôi…

                            Thuyền viên trên chuyến tàu buổi ấy ai cũng nói với tôi rằng số tôi đỏ, đi biển đúng vào dịp biển không còn thể êm hơn, lại đúng vào mùa trăng. Buổi chiều lịm dần trên vịnh, con tàu bình thản như đang trườn trên một đĩa thạch màu xanh khổng lồ, mặt trời ngẩn ngơ nhấp nhổm rồi giấu đi chút hào quang cuối ngày vào thâm cung thủy tận. Tôi như một chú ếch xanh bợt da thiếu nắng thiếu gió một ngày bỗng nhảy ra khỏi chiếc giếng sâu đời mình, cuộc sống ngoài kia còn có cả mặt trăng tròn hơn và trong hơn cái vòm giếng bấy lâu tôi ngồi. Vành trăng hôm ấy chẳng phải là một thứ ánh sáng dối lừa đã dẫn dụ tôi vào dạo chơi cuộc đời. Cuộc dạo chơi ấy có tên giấc mơ của gió.

Tôi đã từng nghe nói về hải đăng nhưng thú thật chưa thể hình dung cảm giác khi nhìn thấy hải đăng từ phía biển nó ra sao. Đêm ấy, qua một cơn mưa, trăng trốn vào trò chơi thị giác, biển tối đen và ẩm ướt, bầu trời thêm một lần nữa đẩy tôi vào những bí mật. Khi chúng tôi vừa bắt được tín hiệu: ” Đà Nẵng radio gọi các đài tàu…” cũng là lúc tôi thấy le lói hải đăng mũi Sơn Trà. Quả thật lúc đó tâm trạng của tôi khác hẳn tâm trạng của một người nhìn thấy ánh hải đăng từ phía đất liền, dường như ngọn đèn biển mà tôi đang thao thức đã có một linh hồn. Sau này sau này và sau này cùng biết bao nhiêu trải nghiệm những tuyến đường trên biển, đi qua biết bao những chớp sáng linh hồn, nhưng mỗi lần tôi đều có những tâm trạng khác biệt. Tôi gọi nó là mắt biển.

Qua chuyến đi biển ấy, giấc mơ của gió, hình dung về thủy tổ của tôi một ngày đã vượt sóng làng Quỳnh để ra khơi cứ nhen nhóm và thôi thúc tôi về một ước mong thủy thủ. Tôi cần phải làm gì đó, tôi cần phải đi xa hơn, tôi muốn ngắm nhìn thế giới này bằng con mắt của chính mình chứ không phải là con mắt của người khác. Nhưng để làm được điều đó thì phải là kỹ sư điều khiển tàu biển, phải theo học đại học hàng hải, trong khi tôi lại học khoa quốc tế học trường đại học khoa học xã hội và nhân văn. Quả là một sự thật trớ trêu.

                         May mắn thay, mấy năm sau tôi đã có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của một người đi biển chuyên nghiệp, với bằng cấp và những chứng chỉ quốc tế giúp tôi có thể làm việc trên những con tàu lớn và đến bất kỳ một hải cảng nào trên thế giới. ” Không có mảnh đất nào xa lạ. Chỉ có kẻ lữ hành là người lạ” – Robert Louis Stevenson. Tôi luôn tâm niệm điều đó.

                     Có hai bài hát về biển về thủy thủ đã ảnh hưởng rất lớn tới sự trưởng thành và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Ấy là Tâm tình người thủy thủ của nhạc sỹ Hoàng Vân và Xa khơi của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Có nhiều hải trình đằng đẵng sóng gió và hiểm nguy hay ở những phương trời xa lạ, nỗi cô đơn làm cho tôi thấy mình trở nên bé nhỏ, khi ấy cây guitar luôn mang theo bên mình vỗ về bầu bạn:

“… Nhổ neo ra khơi, anh biết rằng dẫu ở cuối trời
Dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu
Hay có người thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô
Cũng không thể làm anh xa được em yêu
Nhưng em ơi, nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió
Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao
Có lẽ nào xứng với tình em.”

Eo biển Malacca, nơi tôi đã nhiều lần đi qua.

            Hay có những kỳ nghỉ trở về nhà, biển và vô vàn sắc màu lại dập dềnh trong nỗi nhớ, tôi lại như một người cuồng chân ngứa cẳng, chỉ muốn bật dậy đi ngay, âm hưởng Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ làm trái tim tôi muốn vỡ:

“Nắng tỏa chiều nay
Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ươm chân trời
Biển lặng sóng thuyền em dong khơi
Khoan giọng hò thương anh cách vời
Kìa biển rộng con nục, con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi
Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ
Nhớ thương anh ơi …”

                                       Duyên nợ với Nghệ An như một thứ tình thân mến thương cứ đeo đẳng vấn vít lấy cuộc đời tôi. Chuyến đi biển quốc tế đầu tiên của tôi xuất phát từ cảng Hải Phòng nhưng lại ghé qua cảng Cửa Lò để tiếp nhiên liệu. Khi tàu rời cảng, rời đất mẹ yêu thương tôi hăm hở như một cánh buồm ngoan gió và tất nhiên hình ảnh tổ tôi trong tâm can dòng tộc lại bừng sáng trở về. Khát vọng ra khơi và giấc mơ của gió…

Luồng vào cảng Bangkok – Thailand

Cảm xúc cần phải luôn mới mẻ, nếu cảm xúc không tìm đến thì hãy nghĩ cách để gọi mời nó đến. Cuộc sống của một người thủy thủ đã tự vinh danh nó với những cung bậc cảm xúc, đi và đi, đến và đến, tâm hồn bạn như những dòng hải lưu mà hồng cầu nuôi dưỡng nó là khao khát và đam mê. Tôi đã dừng chân ở bao nơi, đã đi qua bao con đường vô danh, ai mà nhớ được chỉ biết rằng tôi là một người giàu có.

                        Biết bao kỷ niệm rối rít hoan hỷ ùa về, băng qua Malacca, buổi chiều réo rắt, đàn cá voi bày tiệc ở Vịnh Bengal, chúng chổng mông nhào lộn rồi phun những cột nước thân thiện lên bầu trời phóng khoáng. Lại nhớ những ngày nhạt mồm nhạt miệng, đi mua rượu ở xứ sở Hồi Giáo len lén lun lút, môi môi giới giới như kẻ tội đồ tìm cái chết trắng ở Việt Nam. Có những buổi dừng chân ở Kemaman, cả thủy thủ đoàn cùng nhau đi săn chó hoang, lên núi đào giềng dại hái lá mơ hoang mang về bày biện quốc túy quốc hồn.

              Sau này trong những chập chờn mộng mị yêu thương, con giang chiều gọi bạn, con nục con măng tung tăng, tôi lại thấy mình đè sóng cưỡi gió lướt đi trong thủy triều đỏ. Cánh buồm của tổ tông lại vẫy gọi, tôi nghênh ngang nổi chìm, tôi săn đuổi mặt trời, tôi tìm kiếm hải đăng, tôi lặn lội vào gió, vào sóng, vào những đam mê đời mình. Tôi mải miết đi tìm giấc mơ của gió, một đời tôi, nhiều đời ai. Tôi vươn vai hát lời của sóng một đời tôi vạn đời ai. Tôi thênh thang đi tìm khát khao của biển để nghe gió thầm thì ngày mai.

Hồ Huy