Trong bối cảnh hiện nay, các gia đình trẻ đang đối diện với nhiều thách thức đến từ toàn cầu hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa. Vậy nên, lựa chọn giá trị nào đối với các cặp vợ chồng trẻ đang là bài toán quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn đến một tương lai xa hơn khi nó góp phần quyết định diện mạo mới trong đời sống gia đình lẫn xã hội.

Gánh nặng kinh tế

Xã hội hiện đại như một dòng thác cuốn con người chạy theo sự phát triển kinh tế. Kinh tế trở thành vấn đề của mọi vấn đề trong các gia đình trẻ. Các cặp vợ chồng trẻ thường mới bắt đầu vào quá trình kiến tạo cuộc sống kinh tế, cũng như bước vào giai đoạn đầu của quá trình lập nghiệp, lập thân. Nên họ cần sự thể hiện bản thân mình và xem đấy là một tiêu chí quan trọng mà vợ, chồng công nhận nhau cũng như sự tôn trọng của người ngoài. Và thường thì người ta nhìn nhận từ bề ngoài, mà kinh tế là sự thể hiện quan trọng. Nào là kiếm tiền để chăm lo con cái học hành. Nào là kiếm tiền để mua nhà mua cửa cho có chỗ xây dựng mái ấm. Nào là mua xe cộ, điện thoại cho bằng bạn bằng bè. Tất cả đều là kinh tế.

Thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện tại lựa chọn giá trị kinh tế làm cốt lõi của gia đình. Chạy theo kinh tế trở thành một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Từ trên các mạng xã hội, trong mấy năm gần đây xuất hiện nhiều trend liên quan đến vấn đề này. Nhà cửa, xe ô tô, trang phục hàng hiệu, đi du lịch và ăn uống, check in ở những chốn sang trọng… trở thành những tiêu chí của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Và họ chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để thỏa mãn nhu cầu kinh tế, nhu cầu hưởng thụ của mình. Nhiều cặp vợ chồng khi chạy theo những tiêu chí đánh giá mức độ hạnh phúc hay nói cách khác là mức độ thành công của họ trong xây dựng gia đình và so sánh với những cặp vợ chồng khác vô hình chung lại đẩy chính gia đình mình vào nguy cơ tan vỡ. Nhiều vợ chồng cãi cọ, trách giận nhau, thậm chí đi đến ly thân, ly hôn chỉ vì so sánh các tiêu chí chưa bằng các gia đình khác. Một người vợ trách chồng rằng hàng năm không thể mua cho mình những hàng hiệu, đưa vợ con đi du lịch những nơi xa và có thể thường xuyên đi chơi một số nơi sang trọng như chồng của bạn mình đã làm với vợ con của họ. Những suy nghĩ và so sánh như vậy trước hết là tạo ra tâm lý nặng nề lên người chồng, và cũng tạo ra sự căng thẳng trong gia đình. Nhưng thực sự, trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu kinh tế vẫn là gánh nặng vô cùng lớn. Bỏ ra ngoài những tiêu chí vốn không phải ai cũng theo đuổi trên thì kinh tế còn nhiều vai trò khác trong gia đình.

Du lịch đang trở thành một tiêu chí kinh tế được nhiều cặp vợ chồng trẻ coi trọng (ảnh Long Hồ)

Vợ chồng trẻ phải có điều kiện kinh tế đủ mạnh để chăm lo cho con cái chẳng hạn. Nếu như ở nông thôn, việc học tập của con trẻ gần như khá giống nhau giữa các gia đình, thì ở đô thị câu chuyện lại hoàn toàn khác. Trong nhiều năm qua xuất hiện một trào lưu thi đua cho con cái vào học trường chuyên, trường điểm hay trường quốc tế. Các vợ chồng trẻ không ngại chi rất nhiều tiền để cho con vào học các trường quốc tế với nhiều định hướng khác nhau như sau này cho đi du học hay là tạo căn cơ từ bé cho con trở thành một “công dân toàn cầu”. Cho con vào học trường quốc tế cũng là sự thể hiện của đẳng cấp của bố mẹ, là một kiểu “hi sinh đời bố củng cố đời con” kiểu mới. Để con cái học ở các trường này thì bố mẹ phải chi một khoản tiền lớn, tùy vào từng khu vực cũng như các trường khác nhau. Nhưng như GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, một nhà toán học nổi tiếng, từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục khi còn sống đã thốt lên rằng: “Tôi nói nhiều bạn bè quốc tế không tin nhưng lương hưu của tôi – một giáo sư đầu ngành, nguyên thứ trưởng, lại chưa đủ để đóng học phí cho cháu nội khi vào học trường quốc tế”. Cuộc chạy đua này ngày càng phổ biến hơn và trở thành gánh nặng với nhiều cặp vợ chồng trẻ dù rằng nó cũng có những giá trị chính đáng.

Đối diện với nhiều yếu tố văn hóa mới

Nếu như các gia đình truyền thống với ba, bốn thậm chí năm thế hệ cùng sinh sống với nhiều chuẩn mực đạo đức gia đình chịu nhiều ảnh hưởng từ Nho giáo đã định hình một cấu trúc nhất định, thì các gia đình trẻ hiện nay vẫn đang loay hoay đi tìm cấu trúc văn hóa của mình. Các gia đình trẻ hiện nay chủ yếu là các gia đình hạt nhân gắn với sự coi trọng các giá trị vật chất hiện đại. Trong gia đình, những yếu tố mang tính vật thể bao gồm trang thiết bị, đồ đạc trong nhà được đem ra để so sánh với nhau. Rồi cả khu vực sinh sống, không gian sinh sống cũng vậy. Ở khu quốc tế khác với ở khu ổ chuột. Tiếp đó là những giá trị biểu hiện của kinh tế về nhà cửa, xe cọ, hàng hiệu, du lịch… được xem như các tiêu chí đánh giá về gia đình trẻ. Nhưng các giá trị văn hóa khác, nhất là các giá trị liên quan đến tinh thần lại trở thành vấn đề thật sự với các cặp vợ chồng trẻ. Nói không quá khi nhận định các gia đình trẻ hiện nay quá thừa về vật chất so với trước nhưng lại thiếu thốn các giá trị văn hóa tinh thần. Vì sao ra nông nỗi vậy?

Dù trong bối cảnh nào, “thuận vợ thuận chồng” vẫn là giá trị quan trọng của gia đình (ảnh Long Hồ)

Trước hết, cần phải nhận thấy rằng, trong hơn ba thập kỷ qua, văn hóa gia đình ở Việt Nam đối diện với nhiều sự thay đổi nhanh chóng. Nhìn xa hơn nữa, có lẽ những biến đổi này bắt nguồn từ một thế kỷ trước, khi mà hệ giá trị văn hóa gia đình Nho giáo lung lay và mất dần vị thế. Không chỉ trong văn hóa gia đình mà sự thay đổi văn hóa còn diễn ra trên hầu hết mọi lĩnh vực. Sau Đổi mới 1986, khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường thì văn hóa gia đình lại càng chịu tác động mạnh mẽ từ nhiều luồng gió khác nhau. Đó là toàn cầu hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa. Nhiều mối quan hệ cốt lõi trong gia đình cũng có sự thay đổi khi mà gia đình hạt nhân ngày càng chiếm ưu thế, ông bà thường ít khi sống cùng với cháu chắt. Chính sự thay đổi trong đời sống gia đình cũng làm cho nhiều giá trị văn hóa quan trọng bị đứt quãng, mai một và mất mát, nhưng các giá trị văn hóa mới cũng chưa tìm được vị thế xứng đáng, chưa thay thế được các giá trị văn hóa cũ vốn đã mất dần đi.

Trong cuộc sống gia đình, những mối quan hệ cơ bản như chồng-vợ, cha/mẹ-con, anh/chị-em cũng có những thay đổi nhất định. Trong quan hệ vợ chồng, giá trị chung thủy vẫn được coi trọng nhưng bên cạnh đó nó không còn quá khắt khe như trước. Quan hệ hôn nhân và tình dục ngày càng có sự độc lập nhất định. Nếu như trước đây, tình dục gắn liền với hôn nhân thì nay, những quan hệ tình dục ngoài luồng, ít gắn với quan hệ hôn nhân đang trở nên phổ biến hơn. Điều này cũng làm cho quan hệ vợ chồng có những biểu hiện mới, lỏng lẻo hơn và hệ quả là tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng lên cao hơn. Quan hệ giữa cha/mẹ với con cái cũng không còn quá ngăn cách thế hệ như trước khi mà cha mẹ gần gũi và lắng nghe con nhiều hơn thay vì áp đặt như trước. Con cái cũng suy nghĩ, lựa chọn lối sống, hướng đi một cách chủ động hơn và dựa nhiều vào bản thân hơn. Những “công dân toàn cầu” bắt đầu xuất hiện và ngày càng đông lên với những giá trị văn hóa hoàn toàn mới. Quan hệ anh chị em trong gia đình cũng ngày càng trở nên độc lập hơn.

Vợ chồng hòa thuận là nền tảng cho con cái học hành chăm ngoan (ảnh Trang Tuệ)

Một điều quan trọng nữa chính là xuất hiện của nhiều mô hình gia đình mới với những giá trị văn hóa mới. Đó là gia đình đơn thân (hay gia đình khuyết thiếu (cha hoặc mẹ sống với con), gia đình đồng tính… Việc nhiều người trẻ tuổi lựa chọn những mô hình gia đình mới này đã vượt qua nhiều khuôn phép về đạo đức xã hội truyền thống, vượt qua cả những dư luận xã hội vốn rất gay gắt với những vấn đề này để rồi dần được công nhận. Và qua nhiều thay đổi, những giá trị văn hóa của các mô hình gia đình này đang dần được phổ biến, được nhiều người tôn trọng và chấp nhận. Đây là những biểu hiện mới trong văn hóa gia đình.

Hài hòa dựa trên tình yêu thương

Những thay đổi trong đời sống văn hóa gia đình đang đặt ra vấn đề là các gia đình trẻ sẽ lựa chọn những giá trị nào để tồn tại và phát triển. Ai cũng mong muốn các gia đình trẻ vừa kế thừa được các giá trị truyền thống của văn hóa gia đình, vừa tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới một cách phù hợp. Tuy nhiên, để làm được điều đó còn phải vượt qua nhiều thách thức lớn đến cả từ bối cảnh khách quan lẫn nhận thức và lựa chọn chủ quan. Tuy nhiên, dù như thế nào, thì gia đình cũng là tế bào của xã hội, là đơn vị quan trọng trong quá trình phát triển. Vậy nên cần phải tìm được sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Những đứa trẻ sẽ vui vẻ hơn khi được sống trong một gia đình hạnh phúc (ảnh Trang Tuệ)

Hơn hết, trong gia đình, tình yêu thương là giá trị quan trọng bậc nhất. Dù lựa chọn mô hình gia đình nào, lựa chọn giá trị văn hóa nào thì cũng phải dựa vào tình yêu thương. Gánh nặng về kinh tế đang tạo ra sức ép lớn đối với các cặp vợ chồng trẻ. Họ cũng phải đối diện với nhiều sự thay đổi về văn hóa gia đình. Nhưng hơn hết, họ phải khẳng định được tình yêu thương trong gia đình. Không phải ai cũng may mắn để kiếm được nhiều tiền và giải quyết vấn đề kinh tế. Cũng không phải khi nào người ta cũng có đủ điều kiện để lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp với gia đình mình. Nhưng tình yêu thương là thứ mà vợ chồng, cha mẹ, con cái được phép lựa chọn, là đặc ân mà tạo hóa ban cho mọi con người. Từ tình yêu thương của vợ chồng dành cho nhau, của cha mẹ dành cho con cái, của anh chị em trong gia đình cùng chia sẻ, người ta sẽ tìm ra được những giá trị văn hóa hài hòa cho chính gia đình mình. Đó là giá trị tình cảm gia đình, giá trị của tình yêu thường.

Trang Tuệ