Hồi ký

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những con người đã đi qua cung đường Bắc- Nam không ai quên ga Hoàng Mai- Cầu Giát, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không lực Hoa Kỳ những năm tháng cuối sáu mươi, đầu bảy mốt!
Nhưng còn có một ga nữa, ở trên đất Quỳnh Lưu, chắc bây giờ nhiều người đã quên, dù rằng công lao của ga rất lớn, quan trọng, làm trung chuyển giữa Hoàng Mai và Cầu Giát. Đó là ga Quỳnh Hoa!

Có lẽ phải ngược lại những năm tháng ngày ấy cho rõ tỏ tưởng điều muốn nói!
      Cách đây 48 năm, vào một ngày cuối tháng 8 năm 1971 của thế kỷ trước, chúng tôi – những học sinh rời làng Quỳnh Đôi, lên đường nhập ngũ tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Tôi còn nhớ, tối hôm trước ngày nhập ngũ bà con láng giềng qua nhà động viên giúi vào tay những hào bạc sờn nhiều nếp gấp. Thế là trong túi tôi có 5, 6 đồng, trở thành “triệu phú”, bằng tiền phụ cấp 1 tháng của lính binh nhì, binh nhất.

       Hôm rời quê ra đi vào buổi sáng trời trong xanh đến lạ. Ánh mặt trời lấp lánh xuyên qua tán lá hai hàng phi lao cao vút qua khu mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, anh hùng Cù Chính Lan, bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương, là chặng đường cuối cùng của làng Quỳnh. Tôi đi, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại những gì thân quen của làng với bao bạn bè đã lớn lên nơi đây. Mẹ cùng đi phải nhắc chú ý kẻo vấp ngã. Hôm xa nhà, xa làng, tôi may mắn có chị gái và mẹ cùng lên Quỳnh Hồng nên cảm giác nhớ nhung vơi dần. Lúc ấy tôi cứ lẩm nhẩm câu thơ của Tố Hữu: “Bảy mốt đến nghiêm trang như người lính/ Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng”. Tuổi trẻ chúng tôi những năm chống Mỹ, cứu nước hầu như sống trong khoảnh khắc như thế.

Tranh minh họa: Sưu tầm

Thủ tục giao quân ở Quỳnh Hồng nhanh gọn, chúng tôi được phân về đại đội 15, tiểu đoàn 4(C15-K4), Đoàn 22 Quân khu 4, đơn vị chuyên huấn luyện chiến sỹ mới. Hồi đó lính mới chưa được cấp quân trang như hiện nay, nên chúng tôi giống như dân quân, thanh niên xung phong vậy, trang phục nhôm nhoam, người áo trắng, quần xanh. Người áo xanh sĩ lâm, áo nâu, quần cỏ úa như thời đi học, dưới sự chỉ huy của cán bộ khung từ tiểu đội, đến trung đội, đại đội. Qua Truông Thọ, rồi Truông Ách, “đoàn quân” không duy trì được khoảng cách ban đầu vì nhiều thanh niên rộp chân, mỏi gối. Đó là thử thách ngày đầu quân ngũ cũng qua nhanh khi đầu chiều hôm đó, chúng tôi  đến xã Ngọc Sơn nơi đóng quân của đại đội 15.

Tổ 3 người chúng tôi gồm Phan Văn Thắng, người xã Quỳnh Bá, lớn tuổi  là tổ trưởng, còn tôi và Hồ Đức Liêu phân công ở nhà anh Thiêm. Hồ Đức Liêu được tín nhiệm giữ súng trung liên, anh Thắng giữ súng AK, còn tôi giữ súng CKC có lưỡi lê, thấy oai lắm! Ai cũng xúng xính, tự hào trong bộ quân phục mới tinh, mũ cứng gắn sao vàng lấp lánh. Mỗi khi tập trung đi huấn luyện hoặc cơ động xuống nhà ăn đại đội ở ngoài cánh đồng bìa làng ai cũng nghiêm trang chỉnh tề. Cuộc sống quân ngũ giúp chúng tôi dần dần đi vào nề nếp, tác phong và kỷ luật nơi đóng quân. Anh chị Thiêm hơn chúng tôi khoảng chục tuổi, cả 2 anh chị đều hiền, có 2 con, quê xã Quỳnh Ngọc. Chúng tôi được học tập chính trị, quán triệt về những yêu cầu khi ở nhà dân, tổ 3 người thay nhau làm dân vận sau thời gian huấn luyện, tranh thủ quét dọn vệ sinh, giúp gia đình chủ những công việc vặt khi có điều kiện. Có lẽ, do quý các chú bộ đội nên thỉnh thoảng anh chị Thiêm mời ăn đĩa khoai luộc, lúc thì bánh quà quê.

Tranh minh họa: Sưu tầm

 

Trung đội trưởng khung hồi đó là vị chuẩn úy quê Thanh Hóa, ai cũng nể phục về tác phong, điều lệnh dứt khoát, chính quy của ông. Nhất là khi ông thực hành đi đều, đi nghiêm. Cánh lính trẻ học tập được rất nhiều ở ông. Đáng tiếc vì thời gian, vì những năm tháng chiến đấu ác liệt rồi hòa bình, rồi chiến tranh biên giới, những người phục viên chuyển ra ngoài, biết bao khó khăn của thời giá lương tiền, mưu sinh đã vùi lấp trí nhớ, khiến tên của người chỉ huy năm ấy, tôi mãi vẫn chưa tìm ra!

Ngày ấy, được các anh đi trước truyền kinh nghiệm, vào một ngày nghỉ, tổ chúng tôi tìm đường đến một hiệu ảnh gần tỉnh lộ chụp ảnh để kỷ niệm cho nhau và gửi về gia đình. Người ta hay nói ảnh chụp 3 người rất kiêng kỵ và người ở giữa hay gặp điều xui xẻo, nhưng đến nay, 3 chúng tôi vẫn vẹn nguyên.

Mấy tháng đóng quân huấn luyện ở xã Ngọc Sơn gắn với tên làng Khe Sài, Khe Sơn, Làng Mịt, Trại Mới, Hồ Khe Giang (Quỳnh Lưu) cũng qua nhanh. Chia tay gia đình anh Thiêm với nhiều tình cảm chân thành chưa dám hẹn ngày trở lại. Chúng tôi được lệnh hành quân lên vùng rừng núi Quỳnh Thắng theo con đường chiến lược 15 đầy sỏi đá và ổ gà, ổ trâu vì bom đạn của không lực Hoa Kỳ. Từ mờ sáng đoàn quân ra đi lặng lẽ. Qua mấy tháng rèn luyện, những người lính sạm nắng gió thao trường, quen đi rừng lấy củi, giúp chúng tôi cuốc bộ mấy chục cây số với ba lô con cóc và súng trên vai nhưng vẫn khá dẻo dai.

Đến Quỳnh Thắng, chúng tôi không ở nhà dân mà là nhà tạm của các đơn vị trước để lại. Đơn vị tiếp tục thêm 5 tháng huấn luyện bài bản nâng cao nhằm đáp ứng cho chiến trường Nam Bộ hay còn gọi là B dài. Có lẽ đợt huấn luyện của chúng tôi là một trong những khóa huấn luyện chiến sỹ mới trong thời chiến kéo dài nhất gần 8 tháng ròng rã. Còn trước đó, hay sau này có đợt huấn luyện chỉ 3, 4 tháng thậm chí tháng rưỡi hoặc 2 tháng là bổ sung gấp gáp cho các mặt trận. Tạm biệt những ngày huấn luyện ở Quỳnh Lưu.

          Kết thúc những ngày tháng huấn luyện, chúng tôi sẵn sàng bổ sung cho chiến trường Miền Nam. Đêm hôm trước 10/4/1972, chúng tôi đã nghe tin loáng thoáng về lệnh chuyển quân. Sau một ngày học tập chính trị, cánh lính trẻ chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường, tuy không mệt như những ngày huấn luyện, nhưng đến giờ ngủ theo điều lệnh, ai cũng thiếp đi nhanh chóng. Bỗng tiếng còi báo động theo quy ước vang lên trong đêm khuya. Ba lô chiến sỹ gọn gàng, các tiểu đội, trung đội điểm danh nhanh chóng cơ động về vị trí tập trung của đại đội 15- tiểu đoàn 4( C15-K4 )- Đoàn 22, Quân khu 4. Lệnh hành quân, đoàn hướng ra đường chiến lược 15A, bước đi lặng lẽ. Trong đêm vắng, chỉ nghe tiếng bước chân thậm thịch. Thỉnh thoảng có tiếng ho húng hắng nhưng hình như được các chiến sỹ kìm nén. Trời sáng dần, bình minh đang lên báo hiệu ngày mới trong lành. Bóng đoàn quân đổ dài, nhấp nhô trong nắng sớm. Một đàn chim sải cánh vút ngang xa dần như mang đến tin vui với đoàn quân.

Trên cung đường sắt Bắc- Nam tiếp nối ga Hoàng Mai về phía nam là ga Cầu Giát. Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đây là 2 ga thuộc trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Tuy nhiên, các ga vẫn duy trì hoạt động không có ngày ngưng nghỉ, nhất là vào ban đêm, không khí hoạt động càng rộn rịch hơn. Chúng tôi ngày ấy đã quen với tên ga Hoàng Mai – Cầu Giát. Nhưng thắc mắc tại sao lại hành quân tới “ga Quỳnh Hoa” nhỉ? Trong hàng quân rì rầm nhắc đến tên ga này? Tuổi trẻ thích tìm tòi khám phá. Thì ra thế này: Quỳnh Hoa là một xã của huyện Quỳnh Lưu cách ga Cầu Giát về phía bắc hơn 1 cây số, có con đường nhỏ đi men đồi che khuất tầm nhìn của máy bay địch. Một thung lũng cỏ xanh khá bằng phẳng thuận lợi cho các đơn vị chuyển quân tập kết trước khi lên tàu hướng vào Nam. Vì vậy, các đợt chiến sĩ vào Nam với số lượng lớn đều dừng chân chờ đợi ở thung lũng xanh này. Cái tên “Ga Quỳnh Hoa” được hình thành từ ngày ấy, theo yêu cầu của thời chiến.

        Đoàn quân đi bộ tập kết tại “Ga Quỳnh Hoa”. Trang nhật ký người lính còn ghi về ngày 11 tháng 4 năm 1972 nhận lệnh bổ sung cho chiến trường: “Nhận nhiệm vụ chiến đấu, náo nức và yêu thương. Hành quân đến Quỳnh Hoa gặp mẹ, bác Hồng Phiên, chị gái Phan Thị An và mự Điềm mẹ Hồ Sỹ Quý ở xóm mới Bờ Rậm. Thật bất ngờ, phút chia tay đột ngột và phút gặp gia đình cũng đột ngột, muốn nói nhiều, nhiều lắm, mà hoài có nói được đâu. Đoàn quân và những ánh mắt ấm áp vững bước đang thẳng hướng vào chiến trường, hứa hẹn nhiều điều”. Ai đã từng đi qua chiến tranh mới hiểu hết thế nào là tình cảm thiêng liêng trong thời đánh Mỹ. Đoàn tàu hú còi, xình xịch, xình xịch, khớp nối của các toa va vào nhau ken két theo chiều chuyển động về phía trước, phía sau dải dài nón trắng nhấp nhô và những bàn tay điệp trùng vẫy vẫy trong ánh chiều, sao mà yêu thương lạ. Ra đi lần này, ai cũng hiểu trong cuộc chiến đấu sinh tử vì “Độc lập, Tự do”, tránh sao được những mất mát. Và mỗi người đều xác định được điều đó. Theo tiếng gọi quê hương, tiếng gọi tha thiết yêu thương của từng ánh mắt đẫm lệ. Buổi đầu ra đi của chúng tôi từ “ga Quỳnh Hoa” như thế đó. Rất giản đơn và mộc mạc. Nhưng tình cảm quyến luyến giữa người ra tiền tuyến, người ở hậu phương rất Việt Nam!

 

Tranh minh họa: Sưu tầm

     Giờ chiến tranh đã đi qua, “Ga Quỳnh Hoa” chỉ còn trong quá khứ, nhưng  tôi mãi không quên thung lũng Cửa Vậy. Một bến nước đã từng mang tên “Ga Quỳnh Hoa” với đoàn tàu, hồi còi dài âm âm vọng vào núi đồi, đầu máy tàu chạy than thở phì phì, xình xịch, xình xịch, bánh sắt trôi trên đường ray  những toa tàu chuyển bánh. Trời chiều Quỳnh Hoa nắng dát vàng loang loáng cửa sổ tàu. Chúng tôi ngày ấy liều lĩnh ghé đầu qua ô cửa thấy một rừng nón, rừng khăn dù pháo sáng vẫy theo đoàn tàu cho đến khi toa cuối khuất hẳn. Thung lũng Cửa Vậy, “Ga Quỳnh Hoa” mờ dần, mờ dần, mắt tôi nhòe đi. Rừng nón chỉ còn những chấm nhỏ phía trời xa rồi mắt hẳn. Đoàn tàu xé không gian lao nhanh và chỉ dừng vài phút ở những ga tiếp theo. Khoảng 21 giờ đêm hôm đó, đơn vị chúng tôi xuống ga xép Quán Hành, dừng chân ở trạm giao liên đầu tiên ở Nghi Lộc. Nửa đêm đơn vị được chuyển lên xe tải quân sự hướng vào chiến trường phía Nam.

Ôi, “ga Quỳnh Hoa”, một cái tên cần phải ghi vào lịch sử, không quên, và không được quên!

 Phan Văn Toàn

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 1/Bộ mới/2019)