Có một thực tế khá kỳ lạ rằng: văn học nghệ thuật hiện diện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta song khi nhắc đến lĩnh vực này nhiều người thường khá thờ ơ, thậm chí không mấy coi trọng. Mỗi bài thơ, bài văn ta đọc, mỗi bài hát ta cất lên trong những cuộc vui, mỗi bộ phim ta xem,… từ đâu mà có? Không phải là từ những nhà văn, nhà thơ, những người mà ta vốn không mấy mặn mà, thậm chí đôi khi còn giễu cợt hay cho rằng họ chẳng làm được gì, chỉ biết bám vào “bầu vú” của Nhà nước để tồn tại đấy sao?

Một số báo chí văn nghệ trên cả nước, nguồn ảnh: toquoc.vn

    Cùng chịu chung số phận với lĩnh vực này, báo chí văn nghệ và những người làm báo chí văn nghệ xưa nay phải đối diện với khó khăn trăm bề. Các tờ báo, tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương đều có nguồn kinh phí rất thấp, số lượng phát hành giảm mạnh, cơ sở vật chất của tòa soạn thiếu thốn đủ đường; các phóng viên, biên tập viên làm việc tại cơ quan báo chí chuyên về văn học nghệ thuật có đời sống thấp so với các cơ quan báo chí khác;… Và, trong thời buổi xã hội tập trung cho cuộc sống vật chất; chạy theo những thông tin nhanh, vội, không quan tâm nhiều đến các tác phẩm văn chương, nghệ thuật như hiện nay thì để báo chí văn nghệ cạnh tranh được là rất khó. Báo chí văn nghệ Trung ương gặp khó một thì tại các địa phương lại khó khăn đến trăm lần. Với nguồn kinh phí được cấp ít ỏi, số lượng phát hành hạn chế, sự quan tâm đầu tư của địa phương không nhiều, một số tờ tạp chí thậm chí chỉ nghĩ đến tìm cách tồn tại, khó nói đến chuyện phát triển.

    Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ nhưng trên thực tế đó là lĩnh vực luôn gắn với 2 chữ: sau (ưu tiên đầu tư sau) và ít (kinh phí cấp hạn hẹp so với các ngành khác). Đành rằng, người ta có thể chết vì đói, khát, vì bệnh tật, thiên tai,… chứ không chết vì thiếu đi những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhưng, việc chết mòn trong tâm hồn cũng là câu chuyện rất đáng quan tâm. Một xã hội lao vào cuộc sống vật chất khiến chúng ta gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần mà không hay biết. Nó đang âm ỉ tác động vào xã hội và những hiện tượng bề mặt đau lòng thời gian gần đây đã cảnh báo điều đó, khi mà chúng ta ngày càng phải chứng kiến nhiều hơn những vụ tự tử, bạo hành, xung đột, tệ nạn xã hội,… Hai năm qua, khi đối mặt với đại dịch Covid-19, khi trải qua những ngày tháng giãn cách, ngồi yên trong nhà, hạn chế tương tác có lẽ đủ để khiến không ít người nhận ra rằng tiền bạc, danh vọng, quyền lực không phải là tất cả. Hơn lúc nào hết, đó là khi ta cần những món ăn tinh thần để vững tâm vượt qua nghịch cảnh. Với mỗi cá nhân, sức khỏe tinh thần quyết định chất lượng cuộc sống. Với mỗi quốc gia, dân tộc, những giá trị văn hóa tạo nên bản sắc, hồn cốt để không bị hòa lẫn, để không bị đồng hóa. Sức mạnh kinh tế, quân sự sẽ không thể giúp chúng ta giữ được Tổ quốc nếu lòng dân không còn tình yêu, không tha thiết gìn giữ những giá trị của đất nước mình. Đầu tư vào văn hóa văn nghệ là đầu tư không thể nhanh chóng sinh lời trước mắt như các lĩnh vực khác mà nó là đầu tư cho lâu dài, cho thế hệ mai sau, cho sự tồn vong của một dân tộc. Vậy lý do gì những người làm công việc sáng tạo, phục vụ cho hiểu biết, cho nhu cầu giải trí, cho đời sống tinh thần của mỗi người và lớn lao hơn là đồng hành với vận mệnh đất nước, gìn giữ những giá trị dân tộc lại không được trân trọng? Tại hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc diễn ra vào năm 2013, những khó khăn của các cơ quan báo chí văn nghệ đã được đề cập nhiều. Các tham luận đã thể hiện lo ngại sâu sắc cho sự tồn tại của các tờ báo, tạp chí văn nghệ và trăn trở tìm cách thay đổi. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, tình hình đến nay vẫn chưa mấy cải thiện.

    Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Theo đó, mỗi tỉnh có một tạp chí văn học nghệ thuật thuộc hội văn học nghệ thuật tỉnh. Từ đây, các tạp chí văn nghệ địa phương có cơ hội để khẳng định vị trí của mình. Nói cách khác, họ không phải chịu số phận là một sân chơi phụ, không còn quá lo tìm cách tồn tại. Tuy nhiên, việc “có danh phận” này chưa đem lại nhiều thay đổi về mặt thực tế. Hiện các cơ quan báo chí văn nghệ, cụ thể tại khu vực Bắc Trung Bộ, vẫn đối diện với nhiều bất cập. Một số tạp chí đã tách thành cơ quan độc lập từ trước đây, song một số tạp chí lâu nay chỉ là một bộ phận thuộc hội văn học nghệ thuật tỉnh và sau quy hoạch báo chí mới tiến hành các thủ tục xin thành lập cơ quan báo chí hoạt động độc lập. Khi những quy định nhà nước còn chồng chéo, vướng mắc thì việc được hoạt động với tư cách một cơ quan báo chí độc lập, xây dựng bộ máy và vận hành theo hướng báo chí chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn. Theo quy định hiện nay, hội văn học nghệ thuật tỉnh không được phép thành lập cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy nên, các tạp chí văn nghệ sẽ tồn tại theo hình thức nào vẫn là một câu hỏi chưa được giải quyết thấu đáo. Khi mô hình hoạt động chưa rõ ràng thì việc cấp kinh phí hay chủ động nguồn thu của đơn vị cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.

    Bên cạnh những khó khăn do yếu tố khách quan, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, chính các cơ quan báo chí văn nghệ và những người công tác trong lĩnh vực này còn có nhiều hạn chế. Trước hết, đội ngũ người làm nghề còn thiếu chuyên nghiệp, lực lượng mỏng; một bộ phận trình độ chuyên môn không sâu, không chú trọng học tập nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí, không đổi mới tư duy để bắt kịp những thay đổi của xã hội. Chẳng biết từ bao giờ người ta quen với quan niệm nhà văn, nhà thơ hay những người làm trong lĩnh vực liên quan văn học nghệ thuật là thường gắn với cái gì cổ điển, chầm chậm, đơn sơ, nghèo khó và không màng đến những giá trị vật chất?! Dường như quan niệm ấy cũng thấm dần vào một bộ phận người làm báo chí văn nghệ để rồi họ bằng lòng với hình thức cũ, hoài niệm những gì đã qua trong khi cuộc sống vẫn vận động không ngừng. Họ khép mình, tự ti hơn và đôi lúc chọn than thở, buông xuôi thay cho trăn trở tìm ra hướng đi mới, sáng tạo những con đường mới để nâng tầm giá trị văn chương và hòa vào nhịp sống thời đại. Bên cạnh đó, chất lượng các tạp chí văn nghệ hiện nay chưa cao, chúng ta chưa khai thác được nhiều tác phẩm hay của tác giả địa phương. Nhiều lúc, vì thiếu bài, các tờ báo, tạp chí chấp nhận đăng những tác phẩm chất lượng kém. Đội ngũ biên tập một số nơi còn khá cẩu thả trong nghề nghiệp. Hệ quả tất yếu là độc giả dần rời đi và các tờ báo, tạp chí thì tồn tại một cách mờ nhạt.

Hội thảo Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung: Đổi mới để phát triển sẽ diễn ra từ ngày 14/7 – 16/7/2022 tại Nghệ An

    Đã đến lúc cần thay đổi, sự thay đổi mang tính cách mạng cho hệ thống báo chí văn nghệ địa phương. Văn học nghệ thuật phải đồng hành với nhịp sống của thời đại và không ngừng sáng tạo, tìm ra cái mới, cái độc đáo, hấp dẫn. Một lĩnh vực thiên về sáng tạo không thể dung nạp người làm nghề có tư duy cũ và ngại thay đổi. Song song với những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa văn nghệ, chúng ta phải tự mình vươn lên, hăng hái nhập cuộc. Trong xu thế thị trường báo in ngày càng thu hẹp và khó cạnh tranh, các tờ tạp chí phải làm quen với hình thức điện tử và hướng đến chuyển đổi số. Để làm được điều này đòi hỏi sự đầu tư về trang bị, cơ sở vật chất đồng thời cả về con người. Các phóng viên cần được đào tạo nhiều hơn về kỹ năng, nghiệp vụ; làm quen với nhiều loại hình báo chí, thành thạo trong xử lý tin bài. Các tòa soạn cũng cần chủ động đào tạo nhân lực thiết kế, trình bày, quản lý mạng,… Đặc biệt, các tạp chí văn nghệ cần thay đổi tư duy hoạt động nghề nghiệp và xác định rõ đối tượng độc giả của mình, chú trọng hơn đến công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu. Chúng ta tập trung đầu tư chuyên môn sâu, cẩn trọng và nghiêm túc trong nghề nghiệp song cũng cần biết cách để tăng nguồn doanh thu từ các hoạt động sáng tạo của mình. Đó là điều chính đáng và cần làm để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

    Trong một buổi tập huấn về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gần đây, giảng viên đã nói rằng quá trình chuyển đổi số phải “bắt đầu từ chính nỗi đau của mình”. Có lẽ, không chỉ chuyển đổi số, mọi thay đổi cũng sẽ đến từ sau nỗi đau. Báo chí văn nghệ đã nếm trải đủ khó khăn, đã có không ít “nỗi đau” trước thời cuộc thì hơn ai hết họ phải nhận ra nhu cầu thay đổi bức thiết nhường nào. Chỉ thay đổi mới giúp chúng ta bước ra khỏi tình trạng trì trệ hiện tại để phát triển. Chỉ thay đổi mới giúp chúng ta minh chứng được giá trị của mình, xóa tan nghi ngờ của xã hội về sự tồn tại của các cơ quan báo chí văn nghệ hay các hội văn học nghệ thuật. Còn nếu chấp nhận đứng yên, chấp nhận với những thứ lâu nay ta đã quen thì có nghĩa là ta đang tự mình lùi lại và bước ra khỏi sân chơi chung – một sân chơi hấp dẫn và đầy thứ mới lạ luôn sẵn sàng chờ ta khám phá. Thay đổi để phát triển hay đứng yên để rồi bị loại khỏi dòng chảy chung của thời cuộc – lựa chọn hoàn toàn nằm ở chúng ta!

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 25, phát hành tháng 7/2022)