Ảnh minh họa, nguồn: springschristianacademy.ca

    Một năm trước, trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng, khi nâng ly tiễn năm cũ, khi nhìn pháo hoa rực sáng trên bầu trời, có lẽ, chúng ta đều đã gửi gắm không ít niềm hy vọng. Hy vọng vào một năm 2021 tốt đẹp hơn, dịch bệnh lắng xuống và lòng người được bình an. Thế nhưng, dường như lời cầu nguyện ấy chưa được lắng nghe. Chúng ta đã phải bước qua một năm 2021 đầy sóng gió và đau thương để rồi lúc này đây, khi nhìn lại, ta không khỏi tự hỏi mình rằng: 2021 là một năm đáng nhớ hay đáng để quên?

    Có lẽ, dù đáng nhớ hay đáng quên thì những gì đã xảy ra vẫn cần nhìn lại. Nhìn lại để thấy những bất ổn, để tìm ra căn nguyên và để tìm cách tiếp tục bước đi.

    Thế giới đầy bất ổn

    Từ khóa lớn nhất và gây ám ảnh nhất đối với nhân loại trong năm qua vẫn là Covid – 19. Tính đến ngày 26/11, toàn thế giới đã có trên 260 triệu ca nhiễm và gần 5,2 triệu ca tử vong. Đáng lo ngại hơn, con số đó chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, làn sóng dịch mới đang bùng phát mạnh ở châu Âu buộc những nước này phải xem xét áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế. Đại dịch Covid – 19 đang ngày càng cho thấy mức độ tác động toàn diện, rộng lớn và khó lường của nó trên toàn cầu. Trong năm qua, hàng tỷ người trên thế giới đã rơi vào cảnh bị cô lập vì dịch bệnh. Họ không thể đi làm, không thể gặp gỡ; học sinh không thể đến trường; các hoạt động vốn được xem là nhu cầu bình thường trước đây giờ trở thành xa xỉ. Covid – 19 đã chi phối toàn bộ đời sống con người, làm thay đổi các mối quan hệ ở nhiều cấp độ khác nhau và thay đổi cục diện thế giới. Về kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, sản xuất đình đốn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, giá cả tăng cao,… Trong báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới công bố gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% (báo cáo tháng 7/2021 dự báo 6%), tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển cũng giảm xuống mức 5,2%. Lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đạt 2,8% (cao hơn so với mức 2,4% trong báo cáo tháng 7/2021).

    Đại dịch cũng mang đến nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đời sống an sinh bị đe dọa. Mỗi cá nhân, gia đình phải đối mặt với vô vàn gánh nặng chi tiêu, nguy cơ mất việc làm hay sự cô lập, mất mát khi có người thân, bạn bè qua đời vì Covid – 19. Do đó, những vấn đề tâm lý trong và sau đại dịch là chủ đề không thể bỏ qua.

    Đại dịch cũng đã tác động sâu sắc đến mối quan hệ giữa các quốc gia thông qua những hoạt động viện trợ, liên kết chống dịch và đặc biệt là chiến lược “Ngoại giao vaccine”. Điều này ít nhiều đã và đang làm thay đổi, định hình lại các mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của nước lớn. Những thay đổi này có thể đưa thế giới bước vào một trật tự mới mà ở đó chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng vô chính phủ toàn cầu trên mọi lĩnh vực, từ an ninh quốc tế đến thương mại cũng như quản lý dịch bệnh; sẽ không còn hình thức “một siêu nhiều cường” như trước hoặc có sự thay đổi tương quan, vị trí của các “siêu” và “cường” trong trật tự đó.

    Năm 2021 cũng là năm thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng khi mà giá dầu tăng vọt, tình trạng thiếu hụt năng lượng xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Cùng với dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng là rất nhiều những rạn nứt, chia rẽ, bất ổn khác diễn ra trong đời sống chính trị quốc tế.

    Một ngày giữa tháng 8, Kabul nhanh chóng thất thủ, lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước Afghanistan, Mỹ chính thức rút hết quân khỏi mảnh đất này. Cuộc xung đột kéo dài 20 năm ở đây đi đến hồi kết nhưng điều chúng ta nhìn thấy không gì khác là những cuộc tháo chạy, là sự hoang tàn và một tương lai đầy bất trắc.

    Ngày 16/9, Mỹ, Anh, Úc tuyên bố đạt được thỏa thuận đối tác 3 bên AUKUS. Sau đó, Úc bất ngờ hủy hợp đồng mua tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá 40 tỷ USD, chuyển sang đóng 8 tàu ngầm công nghệ Mỹ – Anh. Những động thái này đã làm tan vỡ niềm tin và đẩy mối quan hệ giữa các bên đi vào căng thẳng.

    Vấn đề Đài Loan cũng nóng trở lại từ đầu tháng 10 khi Trung Quốc điều khoảng 150 máy bay quân sự tiếp cận vùng trời ngoài khơi hòn đảo này. Trong khi đó, động thái của Mỹ về sự việc được cho là không rõ ràng. Cùng với đó, những cuộc biểu tình, bạo động, bất ổn chính trị vẫn diễn ra nhiều nơi mà có thể kể đến như: biểu tình tại Mianma chống quân đội đảo chính dẫn đến hơn 500 người chết và hàng nghìn người bị giam giữ; biểu tình và bất ổn tại Haiti sau vụ ám sát Tổng thống; biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Sudan khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương; bất ổn chính trị tại Romania, Nam Phi;…

    Dịch bệnh, thiên tai và bất ổn chính trị đã khiến tình trạng đói nghèo và mất an ninh lương thực trở nên đáng lo ngại trong năm 2021. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết nhiều quốc gia phải đối diện với nạn đói trầm trọng hơn trong năm nay, tiêu biểu có thể kể đến như: Ethiopia, Haiti, AfghanistanSyria, Nam Sudan, Yemen,… Theo thống kê của tổ chức Oxfarm, có khoảng 155 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực hoặc tồi tệ hơn và mỗi phút lại có 11 người chết vì đói, khát, suy dinh dưỡng.

    Và, những dòng người tị nạn vẫn rồng rắn kéo nhau, bất chấp hiểm nguy, đi tìm kiếm một cuộc sống mới mà họ nghĩ rằng sẽ tốt đẹp hơn. Hàng nghìn người mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, 27 người đã bỏ mạng khi vượt qua eo biển Manche, nhưng các quốc gia thì vẫn đang mải nghi kỵ, đổ lỗi cho nhau. Cuộc khủng hoảng di cư một lần nữa lại là liều thuốc thử cho không chỉ châu Âu mà cho toàn thế giới, xoáy vào lương tâm chúng ta vô vàn câu hỏi cần được trả lời.

Dòng người rời các tỉnh phía Nam về quê mùa dịch. Nguồn ảnh: Báo Lao Động

       Trong nước nhiều khó khăn

    Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã trải qua một năm 2021 đầy sóng gió. Covid -19 đã cướp đi hơn 23 ngàn sinh mạng và vẫn chưa dừng lại. Sau nhiều tháng giãn cách xã hội tại các tỉnh thành phía Nam, dịch bệnh tưởng chừng được kiểm soát thì nay lại trở nên phức tạp. Số ca nhiễm hàng ngày tiếp tục tăng cao, vượt ngưỡng 10 nghìn ca mỗi ngày.

    Có lẽ, hôm nay và mãi về sau, khi nhắc đến 2021, chúng ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh những trường học, hàng quán, đường phố, nhà ga,… im lìm; những hàng rào dựng lên ngăn cách, tiếng máy thở, tiếng còi xe cấp cứu, giọt nước mắt và tiếng khóc tuyệt vọng… Chúng ta sẽ không quên hàng nghìn người đã lũ lượt rời bỏ các tỉnh thành phía Nam về lại quê hương trong nước mắt. Chúng ta không quên nỗi phấp phỏng lo âu của những lần truy vết tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm,…

    Covid – 19 khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phá sản, công nhân mất việc, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch bị ngưng trệ, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó thiên tai vẫn luôn rình rập, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò và nhiều dịch bệnh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp năm qua khiến đời sống người dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

    Nhưng đừng từ bỏ hy vọng

   Chúng ta đang đứng trong giai đoạn đầy sóng gió và thử thách. Tuy nhiên, không có nghĩa bức tranh cuộc sống chỉ toàn màu xám. Giữa màn đêm của khổ đau và mất mát ta vẫn thấy lóe lên niềm hy vọng. Đó là khi ta chứng kiến những liên kết được nối lại, những căng thẳng dịu đi giữa các quốc gia. Là khi các nước sẵn sàng ngồi lại đối thoại để tìm giải pháp cho những vấn đề chung; cam kết viện trợ các nước nghèo trang thiết bị, vật tư y tế và vaccine để phòng chống Covid – 19. Là khi ta được thấy những con phố đông đúc xe cộ, hàng quán mở cửa đón khách, hoạt động sản xuất và nhiều dịch vụ khác được vận hành trở lại. Và, có lẽ, chưa khi nào chúng ta đặt niềm tin lớn lao như thế vào tình người. Trong khó khăn, thử thách, ta đã được chứng kiến vô vàn nghĩa cử cao đẹp của đồng bào trong nước dành cho nhau; thấy sự tận tâm và sẵn sàng hy sinh của lực lượng tuyến đầu cũng như của rất nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện trong xã hội. Sức mạnh của đoàn kết một lần nữa lại hiện diện rõ nét.

    Hơn bao giờ hết, giữa khó khăn, bộn bề, giữa chông chênh và mất mát, ta lại có quyền tin và hy vọng vào những giá trị tốt đẹp, vào sức mạnh của văn hóa và văn học nghệ thuật. Đó là nội lực đã giúp chúng ta vượt qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử và hôm nay đây cần được gợi lại. Chính vì thế, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 diễn ra trong tháng 11 vừa qua đã gửi gắm kỳ vọng khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc – Khát vọng vươn lên và phát triển, xây dựng một Việt Nam hùng cường từ những giá trị bền vững.

    Cuộc sống vốn dĩ vẫn luôn như vậy. Trong tận cùng đau thương bao giờ cũng sẽ lóe sáng niềm hy vọng, không thể khác! Với tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong năm 2021, ta có quyền tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn trong năm 2022. Bởi, như cựu Tổng thống Mỹ B. Obama đã từng nói: “Khi còn thở, chúng ta sẽ còn hy vọng”. Dẫu biết 2022 sẽ đến với không ít những bấp bênh, thử thách nhưng giờ đây, còn có cách nào hơn là tiếp tục hy vọng vào những đổi thay tích cực? Tuy nhiên, khi cùng nhau nâng ly tiễn năm cũ, khi gửi lên trời những lời nguyện cầu và niềm hy vọng trong giờ phút chuyển giao thiêng liêng thì cũng xin nhớ cho rằng, hy vọng mà không gắn với nỗ lực hành động thì chẳng bao giờ mang lại điều gì cả!

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)