Nhắc đến thời khắc lịch sử 30/4/1975, có lẽ, trong tâm trí người Việt thường hiện lên hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay hay những chiếc xe tăng húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập trong khí thế hào hùng và niềm hân hoan tột đỉnh… mà ít nhớ về một sự kiện gây xúc động không kém trong buổi phát thanh lịch sử của Đài Phát thanh Sài Gòn ngay sau giải phóng. Đó là tiếng hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Không nhạc đệm, không guitar, không có sự chuẩn bị trước nhưng có lẽ tiếng hát ấy có sức lay động và hay hơn bất kỳ bản thu âm nào khác bởi đó là tiếng hát cất lên từ trái tim, minh chứng cho nhu cầu, khao khát hòa giải dân tộc của chính phủ, nhân dân Việt Nam. Đó cũng là minh chứng cho vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật trên hành trình không mấy dễ dàng này.

Ít ai có thể ngờ rằng trong buổi phát thanh ngay sau thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975 lại có sự xuất hiện của một nhạc sĩ với lời phát biểu kêu gọi các văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên hãy hợp tác với Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, rằng “Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đến đây với thái độ hòa giải tốt đẹp, các bạn không có lý do gì sợ hãi để phải ra đi cả. Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập”. Trịnh Công Sơn, đại diện cho văn nghệ sĩ, trí thức lúc bấy giờ, ngay từ những giờ phút đầu tiên khi đất nước thống nhất đã nói lên cái khao khát lớn lao và cần thiết hơn bao giờ hết là hòa giải dân tộc. Bởi, không có hòa hợp, không có đoàn kết thì sự thống nhất về mặt lãnh thổ sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều. Kể từ đó đến nay, Chính phủ, Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để thực sự cho “vòng tay lớn” được nối kết nhưng câu chuyện đó chưa bao giờ dễ dàng và kết quả vẫn chưa được như ý muốn.

Tiếng hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong thời khắc lịch sử 30/4/1975 là minh chứng cho nhu cầu, khao khát hòa giải dân tộc của Chính phủ, Nhân dân Việt Nam

Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, có lẽ sau 1975 không phải là dấu mốc duy nhất cần nói đến sự hòa giải. Chúng ta đã từng trải qua nhiều lần biến đổi về lãnh thổ; trải qua nhiều chia cắt, phân tranh từ thời Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn…Tất cả dấu vết lịch sử ấy đã từng để lại trong lòng dân tộc không ít sự phân ly nhưng chúng ta đều vượt qua bằng những chính sách đúng đắn trong từng thời kỳ để hôm nay Việt Nam là một quốc gia chung sống hòa thuận của 54 dân tộc anh em, của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Nghĩa là, chúng ta đã từng tiến hành những cuộc hòa giải, thu phục lòng người trong lịch sử thành công bằng lòng khoan dung và tinh thần hòa hiếu nhưng chỉ cho đến sau 1975, người ta mới nhắc nhiều đến câu chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Điều ấy có lẽ là dễ hiểu trong bối cảnh lịch sử bấy giờ và cả sau này.

Mỗi lần nói đến tiến trình hòa giải dân tộc sau 1975, có lẽ không ai trong chúng ta không nhớ chia sẻ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. […] Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.” Đúng, thời gian có thể làm lành những vết thương nhưng chỉ khi người ta không tiếp tục cứa vào nó. Đó là điều kiện tiên quyết, trước khi nói đến những nỗ lực “trị liệu” khác.

48 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để hàn gắn những vết thương chiến tranh. Chúng ta đã gác lại quá khứ để mở ra tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Hoa Kỳ. Chúng ta có nhiều chính sách quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, luôn dang rộng vòng tay chào đón con em nước Việt trở về quê hương. Từ trước đến nay, Việt Nam thực hiện một chính sách nhất quán với mong muốn huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tiêu biểu có thể kể đến Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học – công nghệ, hoạt động văn hóa – nghệ thuật.” Tinh thần và chủ trương đó tiếp tục được nhấn mạnh qua các kỳ Đại hội Đảng, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để xây dựng, phát triển đất nước. Thực tế chứng minh những nỗ lực thời gian qua đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Bà con kiều bào không những ngày càng hướng về đất nước mà còn đóng góp, hỗ trợ rất nhiều tài lực, vật lực cho quê hương. Chương trình “Xuân quê hương” được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của hàng nghìn kiều bào, không chỉ là dịp để Đảng, Nhà nước, Nhân dân trong nước bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của kiều bào mà còn để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ; để nhắc nhớ cộng đồng người Việt trên khắp thế giới những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc; để chúng ta thấy dân tộc Việt Nam luôn là một.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đâu đó trong lòng đất nước và cả từ bên ngoài vẫn còn những vết thương chưa được hàn gắn, vẫn còn sự bất đồng. Tại sao vậy? Có lẽ bởi lâu nay, những chính sách chúng ta triển khai chưa thực sự đồng bộ; bởi chúng ta chú trọng những nỗ lực hàn gắn về mặt chính trị, ngoại giao mà chưa để tâm nhiều đến khía cạnh văn hóa. Trong khi đó, muốn lòng người thực sự quay về thì tất nhiên không thể chỉ cần những chính sách, chủ trương, nghị quyết,…Chúng ta cần sự thấu hiểu, cần khơi dậy trong lòng người Việt những giá trị chung, những truyền thống tốt đẹp vốn là bản sắc, là hồn cốt dân tộc. Đó là lòng khoan dung, vị tha, nhân hậu, thủy chung; là tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia; là tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Chỉ khi làm được điều đó, chỉ khi cùng tìm ra một mẫu số chung, một giá trị chung để tất cả mọi người, dù sống trên lãnh thổ Việt Nam hay không, dù có quá khứ ra sao, đều thấy mình có sự gắn kết không thể tách rời với mảnh đất này thì khi đó mới thực sự hiện thực hóa được giấc mơ hòa hợp dân tộc.

Hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Trang Đoan

Trên hành trình đầy khó khăn ấy, văn học nghệ thuật đảm nhận một vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ đó là lĩnh vực của tâm hồn, bởi lẽ văn học nghệ thuật có “ngôn ngữ” riêng để tác động đến cảm xúc con người hiệu quả nhất. Bài hát “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn vang lên trong giờ phút lịch sử năm 1975 là minh chứng rõ nét cho sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, vì lẽ gì đó, lâu nay, các văn nghệ sĩ chưa hăng hái đảm nhận lấy trọng trách ấy. Chúng ta đã có những trang viết, ca khúc ca ngợi chiến thắng; chúng ta đã có những tác phẩm phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại; chúng ta đã có một thời kỳ văn học nghệ thuật trở thành nguồn sức mạnh động viên tinh thần để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù nhưng chúng ta lại chưa có nhiều tác phẩm chú tâm đến những vết thương cần được chữa lành trong tâm hồn người và cả hồn dân tộc.

Văn nghệ sĩ với sự nhạy cảm của mình phải làm sao để giúp cho người với người xích lại gần nhau, xóa bỏ những khác biệt, hận thù. Muốn làm được điều đó, lẽ dĩ nhiên, cần sự mẫn cảm với thời cuộc, cần góc nhìn đúng đắn về lịch sử và cần một trái tim. Chỉ khi có được những điều ấy người cầm bút mới có cái nhìn đủ khách quan và nhân văn để mang vào các tác phẩm của mình, để viết về những góc khuất trong chiến tranh, để có cái nhìn đồng cảm từ hai phía, để thấu hiểu và hàn gắn. Mặc dầu, đến nay, số lượng các tác phẩm theo hơi hướng này chưa thực sự nhiều nhưng chúng ta cũng đã có những cái tên gây chấn động một thời như: Miền cháy (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Thượng Đức (Nguyễn Bảo),.. Có những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay được xuất bản và phát hành trong nước lẫn trên thị trường Hoa Kỳ như tiểu thuyết “Hương” của Nguyễn Thụy Kha. Chúng ta có những nhà văn, nhà thơ luôn đau đáu, trở trăn với tiến trình hòa giải dân tộc… Đặc biệt, trong nước ngày càng chú ý và đón nhận nhiều tác phẩm của các tác giả hải ngoại. Bên cạnh những tên tuổi thế hệ trước đã thành danh như Phạm Duy, Du Tử Lê, Anh Bằng, Vũ Thành An,…thì có thể kể đến những cái tên gần đây gây xôn xao văn đàn trong nước như: Nguyễn Thanh Việt, Phạm Duy Khiêm, Doan Bui, Ocean Vương,…như một sự nối tiếp. Đó là những tín hiệu và chuyển biến tích cực minh chứng văn học nghệ thuật đang dần xóa bỏ đi những ranh giới, phân biệt để hòa nhập và xích lại gần nhau.

Trong tiến trình hòa giải, hòa hợp về văn hóa, một điều cần đặc biệt lưu tâm là cách ứng xử đối với các tác phẩm và tác giả miền Nam Việt Nam trước 1975. Làm sao để đánh giá đúng và ghi nhận, dung nạp những tác phẩm chất lượng thì chúng ta sẽ làm phong phú và giàu có thêm cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực hướng tâm hồn con người đến cái đẹp, cái thiện; đến yêu thương và lòng nhân ái vậy thì hà cớ gì nó không đảm nhận vai trò hàn gắn những vết thương tinh thần đâu đó trong lòng dân tộc? Có lẽ, dẫu câu chuyện không còn mới, dẫu đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng đây vẫn là thời điểm cần để các văn nghệ sĩ nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong sứ mệnh ấy. Đây cũng là lúc cần nhìn lại những đường lối, chính sách về văn hóa văn nghệ, phải làm sao để tạo điều kiện, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực tham gia vào tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chúng ta, những người cầm bút, cần dũng cảm đứng ra mà nhận lấy trọng trách ấy về mình bởi thiết nghĩ đó là sứ mệnh thiêng liêng hơn bất kỳ sứ mệnh nào!

Trang Đoan