Thời nào cũng vậy, những người lính Cụ Hồ luôn đùm bọc, yêu thương nhau như anh em một nhà, đặc biệt là thời chiến tranh. Đó là một trong các cơ sở giúp trả lời câu hỏi: “Tại sao các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, bất chấp hy sinh để đánh bại mọi kẻ thù hung bạo có vũ khí tối tân?”. Đôi khi, những người lính “chân trần chí thép” – như lời của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G. Zumwalt trong cuốn sách cùng tên viết về những con người dũng cảm của cách mạng Việt Nam, chỉ cùng nhau sống và chiến đấu trong một quãng thời gian ngắn, nhưng suốt đời họ không quên những kỷ niệm vui buồn, đặc biệt là khoảnh khắc mà cái chết cận kề.

  Chính ký ức sinh tử, nếm mật nằm gai đó đã thôi thúc họ, khi cuộc chiến qua đi, lại đi tìm nhau. Và tôi cũng vậy, sau khi rời quân ngũ, tôi đã có hành trình dài hàng chục năm để tìm lại đồng đội của mình năm xưa. Nhiều người trong số họ là người con của quê hương xứ Nghệ, một vùng đất mà tôi gắn bó từ ngày còn đi chân đất đến trường. Và hành trình đó, không chỉ mang lại cho tôi niềm vui, mà đôi khi cả nỗi buồn về sự mất mát.

Tuần đầu tiên của tháng 4.1972, khi vừa tròn 18 tuổi và đang ôn thi để tốt nghiệp trường phổ thông hệ 10/10, thì tôi nhận được giấy báo nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở vùng rừng núi của tỉnh Hòa Bình, tôi bắt đầu hành quân vượt dãy Trường Sơn tham gia chiến dịch Xuân – Hè Trị Thiên năm 1972. Tại Quảng Trị, tôi được bổ sung vào Trung đội thông tin của Tiểu đoàn 1 bộ binh, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Từ tháng 7.1972, Tiểu đoàn của tôi được giao nhiệm vụ giữ tuyến chốt chợ Sãi áp sát Thành Cổ về phía đông Bắc. Sang tháng 10.1972, tôi được giao nhiệm vụ duy trì thông tin liên lạc giữa hầm chỉ huy của Tiểu đoàn và một khẩu đội cối 82 ly đặt tại sân nhà thờ Hà My đã đổ nát. Tháng 11.1972, Tiểu đoàn của tôi nhận lệnh bàn giao điểm chốt này để ra bảo vệ cảng Cửa Việt. Trước khi vượt sông vào cảng, Trung đội thông tin của chúng tôi ém quân nhiều ngày ở khu vực phía Bắc cửa biển thuộc huyện Gio Linh. Do yêu cầu của chiến trường, trước đó các chiến sĩ trong trung đội thông tin cùng với tôi thường được bố trí rải rác ở các đại đội bộ binh hoặc đơn vị hỏa lực. Vì vậy, trong thời gian chờ vượt sông, lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp mặt và làm quen với tất cả đồng đội trong Trung đội. Họ đến từ nhiều tỉnh thành, nhưng đông nhất là Thanh Hóa và Nghệ An. Đa số chiến sĩ của trung đội nhập ngũ khi còn là sinh viên và học sinh trường phổ thông. Một trong số đồng đội đó có Thái Duy Tráng, người con của huyện Yên Thành, Nghệ An. Kể từ đó, tôi và Thái Duy Tráng gắn bó với nhau như anh em cùng cha mẹ. Anh hơn tôi 5 tuổi và có nhiều điểm khác biệt trong đường đời so với tôi, nhưng có lẽ vì thế chúng tôi có thể bổ sung cho nhau trong những tình huống khó khăn. Nhiều lần tâm sự, anh kể, trước khi nhập ngũ, ở quê nhà – vùng sơn cước của huyện Yên Thành, anh chuyên làm nghề nông và lâm nghiệp. Có lẽ những năm tháng gắn bó với công việc đồng áng đã tạo cho anh dáng người vạm vỡ, đôi bàn tay to chai sạn và đôi bàn chân với tất cả đặc điểm của “người Giao Chỉ”. Còn tôi, cho đến ngày nhập ngũ chỉ biết cắp sách đến trường, chưa bao giờ lao động chân tay nặng nhọc, nên phải nói là về thể lực thì tôi thua xa anh.
Sau những ngày chờ đợi căng thẳng và giờ G đã đến. Trong một đêm mưa phùn của tháng 12.1972, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Đào Công Mưỡi, quê Đô Lương, nhập ngũ khi đang học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay gọi là Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), chúng tôi vượt sông bằng xuồng máy. Trời gần sáng, tôi và đồng đội đặt chân an toàn vào khu vực phía Nam của cảng Cửa Việt, không xa cột cờ nơi có rạch nước chảy ra hướng sông Hiếu. Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi đóng quân ngay tại điểm đó, nhưng không thể thực hiện được vì tàu chiến của Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên lăm le ở ngoài khơi liên tục nã đại bác vào khu vực quanh cột cờ. Cuối cùng, tôi và đồng đội nhận được lệnh di chuyển về phía nam khoảng 1,5 km. Tại chân điểm cao nằm giữa tỉnh lộ 64 (Quân giải phóng gọi là đường 4 đi thị xã Quảng Trị) và thôn Hà Tây, chúng tôi tìm được những hầm chữ A kiên cố do các đơn vị bạn thuộc lực lượng đặc công Hải quân xây dựng trước đó. Ở đó, tôi, Tráng và Luyên (quê Đông Hưng, Thái Bình) ở chung một hầm. Tại khu vực này, chúng tôi được “thưởng thức” một trận bom rải thảm của máy bay B52 và đó là một trong những phi vụ cuối cùng mà “pháo đài bay” của không quân Mỹ thực hiện trong chiến tranh Việt Nam, trước khi Hiệp định Paris về ngừng bắn và lập lại hòa bình có hiệu lực.
Quãng thời gian từ tháng 12.1972 đến tháng 1.1973, cuộc chiến ác liệt đã xảy ra khu vực phía Nam cảng Cửa Việt. Với cái gọi là “cuộc hành quân Tango City”, đối phương muốn bằng mọi giá tái chiếm cảng biển duy nhất lúc đó nằm trong tay Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Để bảo vệ được cảng, đơn vị tôi, Sư đoàn 325 và các đơn vị khác phải chịu sự tổn thất không nhỏ. 31.1.1973 là ngày tôi không bao giờ quên. Từ sáng sớm hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ duy trì thông tin giữa một khẩu đội đại liên ở điểm chốt ngoài cùng sát biển và hầm chỉ huy của tiểu đoàn. Sau khi toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến của quân ngụy bị tấn công dữ dội và buộc phải chạy thục mạng về hướng Hải Lăng, tôi trở lại hầm trú ẩn và gặp anh Tráng. Anh mừng rỡ và nói với giọng xứ Nghệ: “Chúc mừng, tao tưởng mi không khi mô trở về vì xe tăng địch tràn qua chổ nớ đông quá”.

Ảnh: Cựu chiến binh Thái Duy Tráng và con gái.

Sau trận Cửa Việt, Trung đội thông tin của chúng tôi về đóng quân ở bãi cát sát thôn Hà Tây, nơi có con sông cụt. Ở đây, chúng tôi sống trong những cái lều tự dựng lên bằng các tấm tôn kim loại của Mỹ. Từ đó, chúng tôi di chuyển đến thôn Đại Hào gần chợ Thuận. Sau một thời gian dài chỉ ngủ trên võng khi vượt Trường Sơn và ở chiến trường trong hầm trú ẩn dưới lòng đất, ở đây chúng tôi được sống trong nhà của người dân vừa xây dựng lại sau khi trở về từ nơi sơ tán ở Vĩnh Linh. Gia đình ông Tồn nhường cho chúng tôi một cái giường. Như một gia đình đông con, buổi tối tôi lại cùng các anh Tráng, Luyên, Thiện nằm chung một giường. Cuối cùng, Trung đội chúng tôi cùng Tiểu đoàn bộ di chuyển về làng Lệ Xuyên (Tây). Bên con kênh có nước trong vắt, chúng tôi xây dựng doanh trại kiên cố. Nhiều lần, tôi cùng anh Tráng và đồng đội lên sân bay Ái Tử bóc các tấm ghi bằng nhôm khỏi đường băng để làm bàn ăn, giường ngủ… Chúng tôi vận chuyển bằng cách cứ hai người khênh một tấm, đi bộ hơn 10 km. Lúc nào tôi cũng đi cùng anh Tráng để anh đỡ cho những công việc nặng nhọc. Để có vật liệu xây dựng và củi đốt, chúng tôi hành quân bộ lên khu rừng già của huyện Hương Hóa lấy gỗ rồi đóng thành bè mảng cho xuôi dòng qua Cam Lộ, rồi ngã ba sông Gia Độ về Lệ Xuyên. Với tôi, đây là lần đầu tiên thực hiện một hành trình vất vả, nguy hiểm trên sông nước, nhưng may mắn luôn có anh Tráng ở bên cạnh.
Cuối năm 1974, tôi nhận lệnh ra Bắc đi học ở Trường Văn hóa quân đội. Vào thời điểm đó, Trung đoàn 101 hành quân lên miền tây Thừa Thiên rồi nổ súng tấn công Cao điểm 363, từ đó cùng các cánh quân khác tiến về phương Nam để rồi cuối cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đoàn quân quân tiến công như vũ bão có anh Tráng. Sau kỳ thi đại học trong mùa hè 1975 và khóa học ngoại ngữ ở Hà Nội, mùa thu 1976 tôi sang CHDC Đức học Đại học Luật. Tuy vẫn nhớ về các đồng đội, nhưng do khoảng cách địa lý quá xa, tôi không thể bắt liên lạc với họ. Thông tin về tình hình trong nước, lúc đó tôi có được bởi các báo như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân… Qua nguồn tin đó, tôi biết được, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tôi đã anh dũng ngã xuống ngay trước ngày toàn thắng. Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi, anh Nguyễn Ánh Dương (quê Thái Bình) đã hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn vào hôm 27.4.1975. Sau tốt nghiệp đại học, cuối năm 1981 về nước, tôi đã nghĩ ngay đến việc tìm lại anh Tráng. Nhưng hồi đó, cuộc sống của thời bao cấp với vô vàn khó khăn, đi lại khó khăn, hơn nữa tôi không có địa chỉ cụ thể của anh.
Từ Đức, nơi đang sinh sống, tôi nhiều lần gửi thư cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An và huyện Yên Thành vì muốn có thông tin về Cựu chiến binh Thái Duy Tráng, nhưng chưa bao giờ được thư trả lời. May mắn, qua mạng xã hội, năm 2018 tôi làm quen với một Việt kiều ở Đức quê Yên Thành. Trước khi về thăm quê, anh có gửi cho tôi tin nhắn: Chú có thích quà gì từ quê hương Nghệ An để cháu mang sang? Tôi trả lời ngay: Món quà làm tôi vui nhất là tìm được Thái Duy Tráng. Thật không ngờ, từ Yên Thành tôi nhận được tin nhắn: Cháu có một tin vui và một tin buồn cho chú, cháu đã tìm được gia đình chú Tráng, nhưng chú ấy đã mất năm 2010. Sau hơn 40 năm, tôi nhận được tấm hình anh Tráng chụp chung với người con gái. Tôi không thể cầm được nước mắt. Trong tâm trí tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh của anh, một người con xứ Nghệ hiền lành, chất phác và tốt bụng. Tuy buồn, nhưng tôi cũng vui cho anh vì anh đã toại nguyện như một lần anh tâm sự với tôi: “Hết giặc, tao về quê cưới vợ rồi vui với công việc nhà nông, còn mi mần chi?”. Tôi trả lời, đi học đại học rồi làm giáo viên dạy ngữ văn. Qua tin nhắn, người con gái của anh Tráng sau đó viết cho tôi: Sau ngày nước nhà thống nhất, bố cháu xuất ngũ, sang tháng 10.1976 bố mẹ cháu tổ chức lễ cưới, gia đình làm nông nghiệp và lâm nghiệp, cháu có hai anh trai và một em trai, anh trai hiện là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 2006 bố cháu ốm nặng và qua đời năm 2010… Trước đó tôi cũng nhận được một tin buồn. Đồng đội tôi, anh Trình, một người con xứ Nghê, sau khi xuất ngũ đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh sốt mà anh mang trong người từ hồi vượt Trường Sơn.
Hành trình đi tìm đồng đội của tôi vẫn chưa kết thúc, bởi vì tôi muốn biết số phận của một đồng đội quê Quỳnh Lưu tên Thức. Vào thời điểm 1972, anh Thức và tôi là 2 chiến sĩ trẻ nhất của Trung đội thông tin (sinh năm 1954). Nếu còn sống, có thể hôm nay anh vẫn còn một vết sẹo trên mặt do bị thương ở chiến trường. Trước khi trở thành chiến sĩ thông tin, thì anh là chiến sĩ bộ binh. Trong một trận đánh, anh đứng sau một chiến sĩ bắn súng chống tăng B41 và khi viên đạn phóng đi, lửa phụt ra phía sau làm anh bị bỏng ở mặt. Sau khi ra viện, anh được bổ sung vào Trung đội thông tin của chúng tôi. Biết đâu, qua bài viết này, bạn đọc sẽ giúp tôi để liên lạc với một người bạn đã cùng tôi trải qua những năm tháng lửa đỏ trên chiến trường Quảng Trị.
    Từ năm 1972 cho đến ngày miền Nam được giải phóng năm 1975, Trung đội thông tin của chúng tôi thường xuyên được bổ sung chiến sĩ mới, vì trong các trận đánh, nhiều người đã vĩnh viễn năm lại tại chiến trường. Trong số đó có Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tác giả cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20. Máu của anh Thạc và các anh hùng liệt sĩ khác đã đổ để dân tộc trường tồn. Nhận thức được điều đó, nên tôi luôn nâng niu cuộc sống của ngày hôm nay, và sẽ tiếp tục góp sức nhỏ của mình vào sự nghiệp mà vì nó, các anh đã chiến đấu, hy sinh. Cuộc đời của anh Tráng và các đồng đội làm tôi liên tưởng tới những dòng sau mà Nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi đã viết trong bài thơ Việt Nam quê hương ta: “Đất nghèo nuôi những anh hùng / Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên / Đạp quân thù xuống đất đen / Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

Hồ Ngọc Thắng ( Tác giả hiện sống, làm việc tại Đức)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 9/Chào năm mới 2021)