Thời gian lý tưởng tốt nhất để đọc Tạp chí, sách báo là vào dịp Tết, mừng Xuân. Vậy thì không nên bỏ qua đọc Tạp chí Sông Lam đẹp, bắt mắt, bài vở hay, nhiều thông tin hấp dẫn thiết thực, đọc và mua làm quà cho bạn bè, người thân là một việc rất có ý nghĩa ấm áp và nhân văn. Kính mời bạn đọc đến với Tạp chí Sông Lam số 2 Xuân Canh Tý 2020, phát hành thứ Sáu, ngày 17 /1/2020 (tức ngày 23, tháng Chạp, năm Kỷ Hợi)

         Mừng Xuân Canh Tý  năm 2020, Tạp chí Sông Lam số 2 đặc biệt 150 trang nội dung, trong đó có 10 trang in 4 màu đẹp, trang nhã, với sự có mặt đông đảo của các hội viên, và tác giả ngoài tỉnh, người Việt định cư ở nước ngoài được bạn đọc mến mộ như Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Tống Ngọc Hân (Lào Cai), Ngô Xuân Khôi, Lê Huy Tiếp, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Xuân Hòa, Vương Cường, Hữu Việt, Hoàng Quốc Hải, Võ Thị Xuân Hà, Bùi Việt Thắng, Hồ Anh Thái, Lê Thị Hạnh Liên, Phạm Trung Dũng (Hà Nội), Hồ Ngọc Thắng (Cộng hòa Liên bang Đức), Sơn Tràng (Quảng Bình) Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai)

Bìa Tạp chí Sông Lam số 2 Bộ mới

   Tạp chí Sông Lam số 2 phong phú các bài viết thuộc nhiều thể loại. Có thể điểm qua một số tác phẩm thú vị, mới mẻ: Bài phỏng vấn với Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy về mùa Xuân và sáng tạo, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của VHNT suốt chiều dài lịch sử và trong cuộc sống hôm nay, việc đánh giá, tôn vinh các đóng góp của văn nghệ sỹ… Chuyên mục Thời luận, bạn đọc gặp lại tác giả Nguyễn Khắc An với lối viết hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc trước một Xuân mới, cùng nhìn lại thành quả của 1 năm và nhắn nhủ chúng ta biết tận hưởng những điều kỳ diệu “một cách sáng suốt và có trách nhiệm”. Những bài ký mang hơi thở của cuộc sống, mà rưng rưng xúc động của Lang Quốc Khánh về một cái Tết ấm tình đồng đội của những người lính đã một thời sát cánh bên nhau nơi chiến trường Lào, về sắc mới nơi miền đất gian khó Bảo Thắng (Kỳ Sơn) của một cây bút mới kết nạp hội: Hữu Vi.

Phần truyện ngắn của số Xuân cũng thực sự đặc sắc (gồm 7 truyện ngắn) với các cây viết tài hoa, giàu suy tưởng, như nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Đỉnh Tuấn Mã). ‘Ngay cả tình yêu thời trai trẻ, người ta cũng chỉ có thứ tình yêu thán phục chứ đâu có thứ tình yêu cưu mang?”

Các cây viết: Trần Hoài, Tiến Dũng, Nguyễn Ngọc Lợi…cũng trở lại cùng bạn đọc với những truyện ngắn đầy tính hiện thực mà không kém xúc động. Ngoài 2 truyện ngắn của 2 tác giả mới toanh Phát Dương với “Chị Hai Chuột Nhắt”, Sơn Tràng với “Nước mắt chảy quanh” cũng nhiều thú vị, thì chắc chắn bạn đọc sẽ phải rơi nước mắt với “Bến trăm năm” của nhà văn Tống Ngọc Hân.

Phần thơ, các tác giả: Nguyễn Văn Hùng, Đặng Phi Khanh, Lê Quốc Hán, Đinh Hạ, Cẩm Thạch, Hồ Mậu Thanh, Vũ Toàn, Phạm Bá Thái Tâm, Thạch Quỳ, Trương Quang Thứ, Võ Văn Thoan, Văn Hiền…là những cây bút hội viên, cộng tác viên quen thuộc. Đặc biệt có những cây bút lần đầu xuất hiện trên Sông Lam: Đỗ Văn Xuân, Nguyễn Quyền, Nguyễn Thị Thanh Yến, Nguyễn Chí Diễn, Trần Nam Phong, Vương Đình Khanh… Bạn đọc cũng sẽ gặp những tác giả là những nhà thơ nổi tiếng, các nhà thơ tỉnh bạn đã yêu mến gửi bài cho Sông Lam như Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Quốc Ca, Lâm Bằng, Lò Cao Nhum, Đoàn Xuân Hòa, Vương Cường, Hoàng Anh Tuấn, Đinh Tiến Hải…

Nhà thơ Thạch Quỳ chọn và giới thiệu đến bạn đọc 2 bài thơ của tác giả Gerardo Nam Việt, một giọng thơ mới đã xuất hiện trên Tạp chí số 1 và gây được chú ý với bạn đọc.

Chuyên mục Đất Nghệ- người Nghệ có bài viết về vùng quê cách mạng ở Nam Đàn của tác giả Lê Thị Hạnh Liên, một bài viết thiết thực đón mừng Kỷ niệm Thành lập Đảng. Ngoài ra, cũng rất thú vị khi một cây viết từ CHLB Đức (tác giả Hồ Ngọc Thắng, từng làm việc tại Bộ Nội vụ của Đức. phụ trách di cư và tị nạn) đã gửi bài cộng tác với Sông Lam. Tác giả không phải người Nghệ nhưng lại có những trang viết thấm đẫm nghĩa tình về xứ Nghệ.

Phần tạp bút, bạn đọc sẽ gặp lại cây bút nổi tiếng trên văn đàn – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với “Biết sống”. Đọc “Biết sống” để biết sống chậm lại, để biết tận hưởng giá trị của cuộc đời, để “biết đủ”. Và bạn đọc sẽ gặp được triết lý sống của Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm qua giọng kể nhẹ như không của chị.

Nếu như “Biết sống” dành cho ta suy nghĩ thì “Ngày tết nói chuyện quê” của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc sẽ cho ta…nhớ. Nhớ quê, thương quê, và yêu quê…hơn trong những ngày tết đầy hương vị sum vầy.

Các em viết- viết cho các em sẽ có thơ dành cho các em của 2 tác giả…người lớn quen thuộc là nhà thơ Dương Huy và tác giả Hoài Linh. Đặc biệt, cây bút mới Hồ Nhật Thi, một học sinh lớp 9 ở trường THCS Cửa Nam (TP Vinh) với truyện ngắn “Cụ tò he” cũng là một “điểm nhấn” đáng yêu của chuyên mục. Có thể thấy lấp lánh một giọng văn, trở thành một cây viết sau này?

Ký sự nhân vật dành tặng bạn đọc những ấn tượng về nhạc sỹ sinh ra trên đất Nghệ và trở thành một cây đại thụ của âm nhạc Việt- ông vừa mới qua đời- nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Bài viết này của nhà văn Võ Thu Hương, gửi về từ TP Hồ Chí Minh cho Sông Lam.

Chuyện làng văn sẽ đặc biệt thú vị khi cung cấp cho bạn đọc thông tin về bài thơ “Thăm lúa” nổi tiếng của nhà thơ Trần Hữu Thung, về căn nguyên ra đời cũng như những câu chuyện đời xung quanh nhà thơ.

Phần nghiên cứu phê bình có các tác giả: Bùi Việt Thắng, Hồ Anh Thái, Hữu Vinh, Đoàn Mạnh Tiến, Tùng Bách. Trở lại với câu chuyện tiểu thuyết lịch sử qua cây bút Nguyễn Thế Quang, hiểu hơn về câu đối – một thể văn biền ngẫu, vè giặm xứ Nghệ nói về nạn cờ bạc… Một bài tham luận thú vị tại cuộc hội thảo Đổi mới thơ của nhà thơ Tùng Bách cũng được chọn giới thiệu trên số Xuân này. Bên cạnh đó là bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về một số từ ngữ “thời thượng” đang được phổ biến hiện nay sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về sự ra đời cũng như số phận của nó.

Mục Văn học với nhà trường giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Lê Thanh Nga “Mấy điểm nhấn của thi pháp truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) rất thiết thực với thầy cô giáo cũng như học trò trong trường phổ thông. Đặc biệt chuyên mục này còn giới thiệu đến bạn đọc một bài văn cảm nghĩ về vấn đề thời sự được đánh giá cao của một học sinh trường THPT Đô Lương III, một cây bút trong nhóm Dòng Lam mới được các cô giáo dạy văn phối hợp với Tạp chí Sông Lam hình thành.

Văn học nước ngoài giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ Những cây anh đào nở hoa của một nhà thơ Hungary do dịch giả Phạm Trung Dũng dịch. Dịch giả Phạm Trung Dũng là người Thanh Chương, ông hiện ở HN và có nhiều năm sống tại Hungary. Truyện ngắn Cô Eveline khá đặc sắc do dịch giả Nguyễn Duy Bình dịch từ nguyên bản tiếng Anh của tác giả James Joyce một trong những nhà văn Anh gốc Ai len có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.

Cuộc trò chuyện của nhà thơ Hữu Việt và nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng hứa hẹn là một cuộc trò chuyện vô cùng hấp dẫn với bạn đọc. Nhà văn Hoàng Quốc Hải không chỉ bày tỏ quan điểm “Cái đầu tiên nghệ sỹ cần là tự do sáng tạo chứ không phải tiền”, mà ông còn nêu ra trách nhiệm của nhà văn trong đời sống hiện này. Nhiều nhân vật lịch sử cũng được ông mổ xẻ, phân tích ở một góc nhìn mới lạ, gần gũi trong cuộc trò chuyện này.

Tiểu phẩm “Thi kén rể” khép lại các chuyên mục viết với câu chuyện của ông bố kén rể cho cái gái nhân năm con Chuột của tác giả trào phúng quen thuộc Vũ Ba Lan.

Câu đối của 2 tác giả Đinh Thanh Quang, Trần Hà cũng làm nên nét Xuân mới lạ trong Tạp chí số này.

Ngoài ra, phần in 4 màu đã dành cho các tác phẩm tranh, ảnh, nhạc…đặc sắc. Ngoài tranh bìa được thiết kế riêng cho Tạp chí Sông Lam của họa sỹ Ngô Xuân Khôi, thì Sông Lam số Xuân cũng giới thiệu chùm tranh tuyệt tác của họa sỹ Lê Huy Tiếp, tranh về mùa Xuân, sức trẻ của các họa sỹ: Nguyễn Bá Siếu, Nguyễn Đình Truyền, Tạ Tâm, Trọng Hiệp, Nguyễn Thị Hải Nhung… Đặc biệt hơn có phần tranh của các em vẽ về mùa Xuân và năm Tý.

Chuyên mục Nhiếp ảnh giới thiệu sắc hoa Xuân trên mọi miền quê xứ Nghệ, những bức ảnh được các nghệ sỹ sáng tác trong năm 2019, và giới thiệu một tay máy mới Ngô Văn Dương. Đặc biệt Khu Di tích Quốc gia Kim Liên với những hình ảnh chân thực, sinh động nhất sẽ đến cùng với bạn đọc trong số Xuân mới này.

   Theo quy luật của đất trời, một mùa xuân mới lại đang về khắp toàn cầu, trong giờ khắc giao thừa thiêng liêng, mỗi người đều có những nghĩ suy, nhìn nhận lại năm cũ đang qua đi và hồi hộp chờ đón năm mới với niềm tin, hy vọng chất chứa nguồn năng lượng hoài bão mong ước cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, và  bình yên trong cuộc sống.

Tạp chí Sông Lam mong muốn là bạn thân thiết tri kỷ của các hội viên, bạn đọc cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp tin yêu của con người từ miền xuôi tới miền ngược, từ Mũi Cà mau đến địa đầu Móng cái, từ hải đảo xa xôi đến bên kia bán cầu…

   Hy vọng Tạp chí Sông Lam luôn là món quà tốt nhất cho tất cả chúng ta trong ngày Tết và cuộc sống mãi sau.

BBT

Kính mời bạn đọc đoc Tạp chí Sông Lam số 1 Bộ mới Tạp chí giấy tại đây