Sáng 21/12/2019, tại Trụ  sở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã diễn ra buổi Tọa đàm “Đổi mới thơ”. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch chuyên môn của Ban Thơ (Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An) năm 2019.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Dự buổi tọa đàm có Nhà thơ Hồ Mậu Thanh, Uỷ viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, Chủ tịch Hội; PGS – TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; bà Phạm Thùy Vinh – Phó chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, Trưởng Ban Thơ; các Ủy viên BCH cùng với sự có mặt của các hội viên Ban Thơ.

Hiện nay, Ban Thơ Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An có 83 hội viên, trong đó có 9 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cuối năm 2019, đầu 2020 sẽ kết nạp thêm 12 hội viên, nâng số hội viên Ban Thơ lên 95 người. Đây là ban có số lượng đông nhất trong số 7 ban chuyên môn của Hội.

Ban chuyên môn của Ban Thơ gồm nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ Lê Quốc Hán, nhà báo Phạm Thùy Vinh.

Trong phát biểu đề dẫn, đại diện cho Ban chuyên môn, nhà thơ Thạch Quỳ đã nói về mục đích, nội dung của buổi toạ đàm: “Đã khá lâu, các hội viên ban Thơ mới có được một cuộc gặp mặt tương đối đầy đủ. Mục đích của cuộc gặp mặt không gì khác ngoài việc cùng bàn về thơ, về chất lượng thơ, về công việc của người sáng tác và các vấn đề về mối quan hệ giữa các hội viên thơ, với tiểu ban thơ và với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội. Mọi sự bàn bạc cũng chỉ  nhằm mục đích là làm sao cho thơ của chúng ta ngày một hay hơn, đóng góp được nhiều hơn cho yêu cầu nâng cao chất lượng văn học nói chung và nâng cao chất lượng của Tạp chí Sông Lam- tiếng nói văn học của tất cả hội viên.

Sáng tác là công việc đặc thù, đặc trưng nhất của mỗi cá nhân nhà văn. Nhân cuộc gặp gỡ, mọi người cùng nói lời cởi mở, bày tỏ cùng bè bạn, cùng đồng nghiệp của mình những suy nghĩ về thơ, về thơ đổi mới, về những nhận xét, nhận định về thơ của chính mình, bè bạn mình trong dòng chảy thơ chung của toàn Hội. Và có thể là chúng ta sẽ đặt thơ Nghệ An của chúng ta vào trong tương quan so sánh với mặt bằng chung thơ cả nước.

Ngoài ra các hội viên cũng có thể tâm sự cùng bạn bè, ngỏ lời cùng ban Thơ, cùng lãnh đạo Hội về hoàn cảnh, những khó khăn, thuận lợi của bản thân mình trong việc viết lách, sáng tác. Các hội viên biết hoàn cảnh của nhau, sẽ động viên nhau, cảm thông cho nhau, giúp nhau luôn được “hâm nóng’’ nhiệt tình và những cảm xúc trong tâm hồn, trong công việc sáng tác cũng là điều cần thiết”.

Các đại biểu và hội viên Ban Thơ dự buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội, khẳng định: tọa đàm đổi mới thơ là một hoạt động rất cần thiết, nó nằm trong mục tiêu nâng cao chất lượng Hội, góp phần đổi mới Hội. Đổi mới thơ diễn ra ở hai phương diện là đổi mới về nội dung và hình thức. Đổi mới về nội dung thì rất khó, vì suy cho cùng, thơ đều phản ánh về thiên nhiên và cuộc sống, vậy muốn đổi mới nội dung, các nhà thơ phải tìm ra những tứ thơ, những ý tưởng mới mẻ mà chưa ai nói tới. Đổi mới hình thức trong thơ là vấn đề tự thân, bắt buộc của sáng tác, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, bất cứ thực thể nào muốn tồn tại đều cần phải đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới trong thơ thì cái mới không phải là sự phủ nhận cái cũ mà luôn có sự kế thừa và song song tồn tại giữa yếu tố mới và cũ.

Nhà thơ Tùng Bách cũng cho rằng đổi mới thơ cần gắn với truyền thống. Từ xưa, cha ông ta đã luôn đổi mới, nó thể hiện qua rất nhiều tác giả, tác phẩm của thơ hiện đại luôn có sự gắn bó mật thiết với văn học dân gian. Đành rằng thơ thì phải ý tại ngôn ngoại, nhưng nếu “ngoại” đến mức nằm ngoài khả năng liên tưởng của độc giả thì lại không còn là thơ nữa.

Nhà thơ Tùng Bách phát biểu tham luận và còn đọc bài thơ về chủ đề của cuộc tọa đàm.

Đồng quan điểm với nhà thơ Tùng Bách, nhà thơ Vân Anh cho rằng: Rất có thể “đổi” mà không “mới”, đó gọi là “bình mới rượu cũ ” ; Và có thể “mới” mà không “đổi” – gọi là “rượu mới đựng vào bình cũ”. Bản thân tôi luôn ủng hộ và tôn trọng sự đổi mới trong thi ca. Bản chất triết học của cái mới là khi ra đời luôn mang tính lập dị, khác biệt với cái cũ xung quanh. Đón nhận cái mới như đón nhận mầm cây tách hạt, nếu quất nắng lửa, gió nồng thì mầm sẽ bị chết yểu mà cứ từ từ sưởi ấm để nó lớn dần lên. Đổi mới thơ không phải vặn cái quen cho thành lạ mà phải tìm được cái lạ ẩn sâu giữa cái quen.

Nhà thơ Vân Anh phát biểu tham luận.

Hội viên Hữu Vi (hiện là hội viên trẻ nhất Ban Thơ, là người vừa được Ban Chấp hành Hội thông qua danh sách kết nạp) đến từ huyện Con Cuông cũng bày tỏ những cảm xúc của mình khi được trở thành hội viên Ban Thơ, quan điểm về thơ và đổi mới thơ. Các hôi viên khác như Ngô Đức Tiến, Trương Quang Thứ không có mặt dự tọa đàm nhưng cũng đã gửi các ý kiến tâm huyết của mình đến với Ban Thơ. Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, cử tọa còn được nghe ý kiến của các nhà thơ như Dương Huy, Nguyễn Đăng Chế, Cao Khắc Tương… bàn về đổi mới thơ với quan điểm cần phải đổi mới để bắt nhịp với thời đại nhưng thơ mới cần có sự kế thừa thơ ca truyền thống.

Buổi tọa đàm được đánh giá là một sinh hoạt chuyên môn hữu ích, nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của đông đảo hội viên Ban Thơ. Đây cũng là một dịp gặp mặt của các hội viên, để tâm sự, trao đổi đồng thời nói lên những tâm tư, nguyện vọng với hoạt động của Ban Thơ, của Hội. Các nhà thơ đã có nhiều ý kiến trên tinh thần xây dựng và khao khát được đổi mới, được sống trong không khí văn nghệ vui vẻ, trân trọng lẫn nhau.

P.V