Tôi gặp Nguyễn Sĩ Thành từ lâu, hồi ấy cái gọi là nhà anh chỉ mấy cái cột tre nhẫn nại chống đỡ nửa mái với những viên ngói vỡ toang hoác; chúng tôi đã từng ngồi trên một nửa chiếc ghế đệm ô tô rách, và một mẩu cói mà, trong quá khứ xa xăm có thể là cái chiếu, đọc của anh – sũng nước – những bản thảo thơ, những bài thơ, và cả truyện ngắn, đã đăng ở các báo.
  Hơn 12 năm qua, kể cả thời đi học ở Hà Nội, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng liên lạc với nhau, ngày tôi về Vinh, đều ghé thăm anh, và cảm thấy dường như anh không còn nhiều thời gian cho thơ nữa. Tôi tự nhủ mình “không sao cả, cầu cho hắn thoát khỏi cái mớ lùng nhùng này để mà chuyên tâm với cái mớ lùng nhùng khác”  ai chả có vợ con, cơm áo). Nhưng một buổi sáng không may, Thành mang đến cho tôi một tập bản thảo, bảo tôi xem qua. Đúng là chết cái nết chẳng chừa. (Vì mê nghệ thuật, mất xích lô – phương tiện kiếm sống duy nhất. Rồi, ông Phan Hồng Khánh, hồi đó còn sống, xin cho anh một chiếc xe đạp để hành nghề xe lai, mất nốt – sự kiện này đã cho anh bài thơ đáng nhớ: Anh ăn mày cho tôi/ Tôi ăn mày cho lũ trẻ/ Lũ trẻ xưa nay vẫn thế/ Ngửa mặt, nàng thơ ngửa tay. Tôi muốn xem lần này anh mất những gì).
Dĩ nhiên, ở đó, cái tên Bức kí hoạ không màu đã tỏ rõ một tư tưởng, một tư duy thơ nhất quán: Nguyễn Sĩ Thành nhìn cuộc sống bằng một cái nhìn giản dị (nhưng không giản đơn), và nhìn thẳng! Thơ anh không cầu kì. Là thơ tự do thì gần với ngôn ngữ đời thường, thậm chí còn cả thứ ngôn ngữ nói gấp khúc, nhưng lành, nhưng rất thơ, là lục bát thì đẫm hơi thở dân gian. Ngay cả với những tứ thơ, ý thơ thuộc hàng “cực độc”, triết lí và cảm động, anh viết cứ lạnh băng:
Tôi quay lưng vào em
Em quay lưng vào tôi
Chút hơi ấm chuyển lên đầu
Nuôi hai ý nghĩ
(Hơi ấm)

Vợ chồng tác giả Nguyễn Sỹ Thành. Ảnh: Nguồn internet

Có lẽ Nguyễn Sĩ Thành vì hoàn cảnh, vì mối tương liên, đồng khí, nên có những câu thơ thể hiện mối đồng cảm, tương cảm với người lao động – những người thường xuất hiện trong cái nhìn sỉ nhục của những kẻ ăn trên ngồi trốc. Nhưng hình như anh không muốn chia sẻ những đói nghèo, cực nhọc theo sự sẻ chia cơ học và nông cạn, mà luôn tìm đến thứ hiện thực có tính thơ. Đây là hình ảnh anh chụp được về một lão xích lô và đứa trẻ sơ sinh, cháu lão:
Ôm cháu vào lòng lão nựng
Không biết cả hai đang khóc hay cười.
(Nước mắt)
Và đây là một hình ảnh, một tình cảnh:
Nếu ngày mai nhà ta thiếu gạo
Sẽ có cháo loãng cho các em ăn
Nếu…
Nếu…
Nếu…
Tôi chợt nhận ra
Con gái mình
Là mẹ
Là chị gái…
(Giả thiết với con gái)
Nguyễn Sĩ Thành là thế, một người bình thường nhưng ít chịu chấp nhận lối nghĩ, lối nói bình thường. Mọi cái nhìn của anh thường xoáy vào những điều khá đặc biệt. Rất nhạy cảm, rất ê chề, anh là con người luôn khát khao phát hiện những sự chân, giả của cuộc đời, của kiếp người. Lắm khi anh phẫn nộ:
Bị nhát búa phũ phàng
Gỗ cẩm lai thành củi
Với nhân tâm giả dối
Bùn ruộng hoá tượng thờ
Và đành than thở trong bất lực, như một sự sẻ chia, như một sự nối tiếp truyền thống thi ca từ dân gian đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và bao thi sĩ khác:
Có thể đập nát những tượng bằng bùn đất
Nhưng cứu sao được cẩm lai khi đã hoá tro than.
Tội nghiệp bao con sông lạc dòng cạn khô trên sa mạc
Oan uổng những Trương Chi tài hoa hồn ẩn gỗ bạch đàn.
(Độc thoại)
Cũng từ sự nhạy cảm đó, đôi lúc, Nguyễn Sĩ Thành hình như thất vọng, không nhìn thấy, không cảm thấy được sự sẻ chia trong cõi sống thế tục này, nên anh thường tìm kiếm sự sẻ chia ở những người bạn, người quen trong văn chương, hoặc trong nỗi ưu hoài của các nghệ sĩ, những người luôn vướng víu, và thất bại trong quá trình tìm kiếm, khẳng định giá trị của cái đẹp: anh đau xót trước cái chết của Lưu Quang Vũ; anh bất lực và thất vọng trước bi kịch của Trương Chi; anh chia sẻ một chút với Đào Phương, một chút với Phan Hồng Khánh, và thậm chí, một chút với một người dưng. Cách thứ hai để Nguyễn Sĩ Thành khắc chế cái tình thế của thực tại là tìm về kỉ niệm. Dẫu là với một cô thanh niên mở đường, một người bạn tình cờ gặp, một cô gái xưa nơi làng quê, một ánh mắt, một nụ cười… Nguyễn Sĩ Thành đều luôn tỏ ra tinh tế, để cảm nhận được hết mọi ngóc ngách của đời sống tâm hồn, gọi dậy đúng chất của kỉ niệm. Đấy là cảm nhận của anh về cô gái mở đường:
…quần áo họ giống nhau
Chân đi dày khăn bịt kín đầu
Chỉ đôi mắt là nét riêng từng người một
(Gặp em, cô thanh niên mở đường)
Những kỉ niệm trong thơ Nguyễn Sĩ Thành bao giờ cũng da diết, và lãng mạn, và đằm thắm. Đấy cũng là sào huyệt cuối cùng trong cõi đi về của anh:
Xa nhà mẹ thường dặn
Giấy rách giữ lấy lề
Nơi phồn hoa – đô hội
Luôn nhớ mình chân quê.
(Bùa mê)
Ba mốt bài cho một tập, như thế là không nhiều. Nhiều mà làm gì, miễn là đáng đọc, tuy còn chỗ này chỗ khác tôi chưa thật sự ưng ý mấy. Nhưng mà thế giới cái gì chẳng có chỗ bất toàn. Mong Nguyễn Sĩ Thành cứ nhẫn nại mà viết, như cái tôi trữ tình trong thơ anh ấy, cứ lầm lụi mà đi, cô đơn mà đi, đi tìm sự thật, đi tìm cái đẹp.

Lê Thanh Nga