Nếu tính từ năm 1995 – cái mốc đánh dấu tác phẩm tiểu luận – phê bình văn học đầu tay Văn chương và Tác giả ra đời cho đến nay vừa tròn 25 năm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã xuất bản được 9 tác phẩm in riêng và 37 tác phẩm chủ biên. Tác phẩm thứ 9 vừa mới trình làng, đó là Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật. Cuốn chuyên khảo này dày 360 trang in, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Vốn dĩ là một nhà lý luận, phê bình văn học có bề dày nghề nghiệp, nên hướng nghiên cứu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nào Nguyễn Ngọc Thiện cũng gặt hái được những thành công nhất định, được bạn đọc, giới nghiên cứu và đồng nghiệp ghi nhận, nhất là hướng nghiên cứu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được Nguyễn Ngọc Thiện theo đuổi, dành nhiều tâm huyết, trí lực nhất trong 43 năm nay. Cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhưng Nguyễn Ngọc Thiện lại có hướng đi riêng, đó là đi sâu vào quá trình hình thành và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; đồng thời, làm rõ sự nhất quán của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh, đáp ứng kịp thời sự nghiệp cách mạng ở từng giai đoạn và hiện nay.

   Cuốn chuyên khảo được chia làm thành hai phần chính. Phần thứ nhất: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam – sự nhất quán và phát triển. Phần này thoát thai từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ban Đảng do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – nghệ thuật Trung ương chủ trì. Phần này với 180 trang, đi sâu khảo sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay. Những vấn đề Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra, luận bàn trong chuyên luận đều được lập luận và minh chứng cụ thể, rõ ràng. Phần thứ hai: Tiểu luận và phê bình. Phần này có tổng số 160 trang, tập hợp 17 bài tiểu luận, phê bình tiêu biểu được công bố ở các hội thảo, đăng tạp chí, báo,…Cả hai phần này không có sự tách rời nhau, trái lại có sự thống nhất, bổ trợ và minh họa cho nhau; đồng thời làm sáng rõ những giá trị có tính phổ quát về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong suốt quá trình hình thành và phát trển, nhất là trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phần I: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam – sự nhất quán và phát triển là một chuyên luận, có cấu trúc chặt chẽ, logic. Với một lối tư duy mạch lạc, Nguyễn Ngọc Thiện đã chứng minh những giá trị to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn; về những định hướng, chỉ đạo của Đảng trong sự nghiệp hình thành và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ; về sự đúng đắn, khoa học cũng như thành tựu của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; về sự kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng lý luận và thực tiễn đời sống văn hóa, văn nghệ… Lần đầu tiên, tác giả đã nêu ra định nghĩa về đường lối văn hóa, văn nghệ Việt Nam một cách chính xác. Đó là, đường lối văn hóa, văn nghệ là “một bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, từ khi thành lập (3/2/1930), giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra trong từng giai đoạn lịch sử” (tr.28). Tác giả tiếp tục phân tích cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của đường lối văn hóa, văn nghệ,… Những vấn đề này được tác giả luận bàn dựa trên nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ. Dựa trên cơ sở đó, tác giả tiếp tục chỉ ra nền tảng khoa học, ý nghĩa lịch sử, quan điểm cơ bản của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) – tác phẩm mở đầu đã trở thành kinh điển, tuyên ngôn, kim chỉ nam của Đảng trong việc định hướng, chỉ đạo đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ của dân tộc. Qua thực tiễn cho thấy, văn kiện đầu tiên này được bổ sung, hoàn thiện dần, trở thành một nguồn lực mạnh mẽ trong việc phát huy, tập hợp sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Tác giả cũng đề cao sự đóng góp to lớn của các nhà lãnh đạo cao cấp xuất sắc của Đảng, đồng thời là các nhà văn hóa, văn nghệ xuất sắc như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu,… Đặc biệt là những ý kiến chỉ đạo, định hướng mang tính chiến lược, cụ thể nhằm soi sáng thực tiễn văn hóa, văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các ý kiến của Người đã “chỉ rõ mối quan gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị của giai cấp lãnh đạo cách mạng; vai trò văn nghệ là vũ khí sắc bén; phẩm chất chiến sĩ của văn nghệ sĩ trên trường đấu tranh của mặt trận văn nghệ với các lực lượng thù địch; con đường để tác phẩm văn nghệ đến với công chúng, được công chúng hiểu và yêu thích” (tr.48 – 49). Những ý kiến đúng đắn ấy của Người đã trở thành “tài sản” quý giá của dân tộc, đặc biệt là thế hệ hôm nay và mai sau trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp nối sự đóng góp to lớn ấy là các học trò của Người, trong đó Trường Chinh – nguyên Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam là một học trò xuất sắc. Với trí tuệ mẫn tiệp, kiến thức sâu rộng trong mọi lĩnh vực, đồng thời lại sâu sát thực tiễn của đời sống cách mạng, sinh hoạt học thuật và văn chương nước nhà, ông đã có những ý kiến, chỉ đạo về văn hóa, văn nghệ phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế của đất nước lúc bấy giờ. Đặc biệt, ông đã soạn thảo văn kiện lý luận văn hóa, văn nghệ Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam và trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 họp tại Việt Bắc tháng 7 năm 1948 với tầm nhìn, tư duy sâu sắc, tâm huyết, nhạy bén với tiền đồ văn hóa, văn nghệ dân tộc. Tác giả  kết luận: Công trình Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam chính là “sự tiếp nối, hoàn chỉnh sáng tạo trên tầm cao mới chiến lược phát triển nền văn hóa dân chủ mới được sơ khởi từ văn kiện đầu tiên Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943)” (tr.55 – 56).

Ngoài những ưu điểm, thành tựu to lớn đó, Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã thẳng thắn, mạnh dạn nêu ra một số hạn chế khó tránh khỏi như vấn đề tầm nhìn, nhận thức, phương pháp lãnh đạo văn hóa, văn nghệ: “…Tuy nhiên, trong quá trình đó, trên tinh thần phê bình và tự phê bình, Đảng đã nhận ra những hạn chế, khuyết điểm và thiếu sót trong việc vạch ra đường lối, chỉ đạo thực hiện đường lối, qua từng giai đoạn cách mạng, để tìm cách khắc phục đưa cách mạng tư tưởng và văn hóa đáp ứng với những yêu cầu và thực tiễn đặt ra ngày một cao, đòi hỏi không ngừng tiến lên” (tr.123 – 124). Tác giả đã nêu 4 hạn chế, thiếu sót của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay. Thứ nhất là, mặc dù Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra trong văn kiện đầu tiên Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) chính là nền tảng vững chắc của cách mạng tư tưởng và văn hóa của nước ta, có ý nghĩa lâu dài cho sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong những giai đoạn kế tiếp. Nhưng trong quá trình vận dụng vào thực tiễn vẫn không tránh khỏi một số thiếu sót, hạn chế nhất định như: “Về sự bao quát, tầm nhìn, về phạm vi khái niệm văn hóa, Đề cương đã không đặt cho mình nhiệm vụ đưa ra một định nghĩa đầy đủ về văn hóa, mà xuất phát tự thực tiễn cách mạng, Đề cương chỉ mới đặt vấn đề văn hóa theo nghĩa thiết thực nhất mà người ta thường hiểu, xem văn hóa là sự phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, tập trung thể hiện trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật – tức là những phương diện của văn hóa tinh thần” (tr.124). Thứ hai là, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954, Đảng ta chủ yếu “tập trung vào việc triển khai vận dụng những quan điểm, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, dân tộc dân chủ nhân dân theo các phương châm: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa mà Đề cương đã nêu ra” nhưng lại “ít ra nghị quyết về công tác văn hóa, văn nghệ, chậm đề ra những chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ. Những văn kiện của Đảng về lý luận văn nghệ còn quá ít và không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, nhất là những khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới” (tr.267). Chính vì thế, trong hơn 10 năm trước và sau Cách mạng tháng 8/1945 nền văn hóa, văn nghệ của nước ta chưa thật sự có những tác phẩm đỉnh cao, xứng đáng với tầm vóc to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với toàn thể nhân dân anh dũng được cả thế giới ngưỡng mộ, cảm phục. Theo tác giả phần chuyên luận, thì những nhược điểm trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan: “Đó là những nhược điểm của một nền văn hóa, văn nghệ trẻ tuổi, xây dựng trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, thiếu thốn, buổi đầu còn bị phong tỏa,… Song nhược điểm ấy phần chủ yếu cũng do khuyết điểm của chúng ta gây ra – của trình độ non yếu của đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ các cấp, từ những nguồn gốc khác nhau chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc những tư tưởng, quan điểm và nhiệm vụ mà đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đã chỉ đạo, để vượt qua những quan niệm cũ, nhận đường với nhận thức mới của chủ nghĩa Mác – Lênin” (tr.128-129). Thứ ba là, trong hơn 20 năm dài tập trung chống Mỹ cứu nước, Đảng ta cũng đã định hướng rõ nét việc xây dựng văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đấu tranh chống xâm lược, bè lũ tay sai để giành độc lập, thống nhất nước nhà. Nhưng trong thời kỳ này Đảng ta chưa ra nghị quyết có tầm chiến lược, có ý nghĩa cương lĩnh, định hướng nhằm nối tiếp, nhất quán văn kiện đầu tiên Đề cương văn hóa Việt Nam để tiếp tục phát triển văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới; những văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ còn quá ít, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu mới; thiếu nhạy bén trong việc sớm nhận ra những nguy cơ ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, của chủ nghĩa xét lại trong văn học nghệ thuật, của cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp,… Thứ tư là, Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, đường lối đổi mới của Đảng đã thổi luồng gió mới vào đời sống văn hóa, văn nghệ, thế nhưng, vẫn không tránh khỏi một số thiếu sót trong vấn đề lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật; vấn đề sáng tác và phê bình; vấn đề cơ chế quản lý, tổ chức, các chế độ, chính sách đối với văn hóa, văn học nghệ thuật; vấn đề cán bộ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp văn hóa, văn nghệ thuộc các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị,… Việc nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót như vậy nhằm tìm cách khắc phục qua từng thời kỳ lịch sử thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ. Từ đó, đảm bảo một cách chắc chắn để “đường lối ngày càng hoàn thiện, phát huy cao nhất hiệu quả của nó trong tiến trình đi vào thực tiễn để đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhằm khai tâm con người, khai trí xã hội, khai sáng đất nước, nuôi dưỡng nguồn lực tinh thần và vật chất để Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh cường thịnh với nền văn hóa cao đẹp nhất trong lịch sử” (tr.139).

Sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng lý luận, thực tiễn nghệ thuật

Sau khi nêu bật, phân tích những thành tựu, ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nguyễn Ngọc Thiện đã rút ra được 4 bài học xác đáng có ý nghĩa cả lý luận lẫn thực tiễn, đảm bảo hiệu quả đối với việc thực thi đường lối đó. Một là, luôn luôn kiên trì, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Hai là, đề cao, tôn trọng quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân. Ba là, nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách, thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Bốn là, coi trọng công tác, nghiên cứu đề xuất lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển, bổ sung, hoàn thiện lý luận,… Tác giả cũng đã đưa ra các kiến nghị: Kiên trì và nhất quán lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở nền tảng định hướng chiến lược; quán triệt quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn, văn nghệ theo đường lối của Đảng, đảm bảo quyền văn hóa của nhân dân,…

Phần thứ hai: Tiểu luận và phê bình như trên đã nói, là sự cụ thể hóa, đi sâu vào thực tiễn đời sống văn hóa, văn nghệ ở nước ta. Những vấn đề đặt ra trong các bài viết này được Nguyễn Ngọc Thiện luận bàn, trao đổi một cách thẳng thắn, trên tinh thần đối thoại, dân chủ, đầy trách nhiệm. Mở đầu là bài tiểu luận Văn hóa, nghệ thuật cần “vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “soi đường cho quốc dân đi”, tác giả tập trung luận bàn về tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh, khẳng định ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn của tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh. Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp là một bài viết sâu sắc, có tính thời sự trong việc luận bàn về tính chuyên nghiệp của phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta. Bài viết Về đội ngũ hoạt động lý luận phê bình VHNT hiện nay ở các Hội văn học nghệ thuật, tác giả đã nêu ra thực trạng của đội ngũ lý luận, phê bình VHNT hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp, những kiến nghị thiết thực, phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT. Ở bài viết Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam và các yêu cầu, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tác giả tiếp tục dành sự quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ trước những yêu cầu và thách thức của công cuộc Đổi mới.

Nguyễn Ngọc Thiện cũng có những ý kiến hay, thiết thực về những vấn đề quản lý và nâng cao chất lượng của báo chí văn nghệ như Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam – cầu nối và bạn đồng hành giữa văn nghệ sĩ với công chúng; Quản lý báo, tạp chí chuyên ngành trong Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam – thực trạng và giải pháp; Tuyên truyền, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trên Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam những năm gần đây,…

Góp thêm sự phong phú, đa dạng cho phần II, Nguyễn Ngọc Thiện đã dành sự quan tâm, tấm chân tình của mình đối với những người thầy, đồng nghiệp và bạn bè qua những bài viết như: Kỷ niệm về GS.VS. Hoàng Trinh – người Thầy, người Anh, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học hàn lâm; Đồng chí Lê Khả Phiêu với Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; Cuốn sách quý, gắn bó với một vùng biên viễn phía Đông Bắc; Tư tưởng và phong cách nhà văn – những vấn đề lý luận và thực tiễn của GS.TS. Trần Đăng Suyền; Một danh họa bậc thầy, lão thực,…

  Cuốn chuyên khảo này chính là sự tổng kết 43 năm nghiên cứu về đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng; đồng thời, nó cũng thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người, về một số khía cạnh của văn hóa, văn nghệ và báo chí văn nghệ,… của một nhà nghiên cứu, phê bình từng trải, giàu nội lực ở cái tuổi xưa nay hiếm – ngoài thất thập. Cuốn sách có giá trị to lớn trong việc tổng kết cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn trong việc triển khai, thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử. Đây là cuốn sách thứ 7 nghiên cứu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được công bố mới nhất, rất bổ ích cho bạn đọc, nhất là những người quan tâm đến văn hóa, văn nghệ nước nhà.

BÙI NHƯ HẢI

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 10/Chào Xuân tân Sửu 2021)