Ðọc lại bài báo từ 90 năm trước

báo Công Luận, số tết 1934. Nguồn ảnh: Website của Hội Nhà văn Việt Nam

Cụ Bùi Thế Mỹ (BTM) sinh năm 1904, mất năm 1943. Bài báo của cụ nhan đề “Một vấn đề rất khẩn thiết: văn học nhi đồng”, in trên tờ “Công luận”, Sài Gòn, số Tết Giáp Tuất, 1934[1]. Bài báo ra đời đến nay (2024) vừa tròn 90 năm, nhưng nhiều ý kiến của cụ về những vấn đề liên quan đến văn học thiếu nhi tôi thấy vẫn mới mẻ, còn nguyên giá trị.

1. Phần đầu bài báo nói về tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội, trong đó có câu: “Muốn cải tạo xã hội của loài người cho tận gốc, thì ắt phải cải tạo con người ta cho tận gốc. Mà muốn cải tạo người ta tận gốc, thì ắt phải lo mà giáo dục cho nhi đồng về ‘tâm tình’ và ‘cái đẹp’”. Và nữa: “Ai lại chẳng biết nhi đồng ngày nay tức là quốc dân ngày sau, chúng ta đã lao tâm vận động về văn hóa mà nếu chẳng lo cho nhi đồng thì có khác nào như xây đắp lâu đài trên bãi cát, kết quả e cũng đến toi công vô ích mà thôi[2].

Đọc câu này, tôi nhớ lần đi dự lớp học làm sách văn học cho thiếu nhi ở Đan Mạch, nghe một số nhà văn bên đó bày tỏ: những gì tốt đẹp nhất, chúng tôi dành cho thiếu nhi trước tiên.

Ở ta, nói về thiếu nhi, về văn học cho thiếu nhi, cũng lắm điều hay ho. Nhưng đã xây dựng được nền móng vững chắc chưa, hay vẫn chỉ là xây “lâu đài” trên “bãi cát”? Theo tôi, câu trả lời đích đáng còn phải chờ, có khi chờ lâu.

  1. Quan niệm về văn học cho thiếu nhi:

– “Văn học nhi đồng cố nhiên rằng có ngụ ý dạy dỗ ở trong, nhưng phải dạy sao cho kín đáo nhẹ nhàng chớ chẳng phải dạy chăm bẵm và cứ nhai đi nhai lại những ‘gái thì phải nầy, trai thì phải khác’ như cái kiểu thường thấy trong bài gia huấn cũ của ta”.

Thực ra bây giờ có nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi đã nhận thức rõ về điều này. Dạy những bài học thô thiển, lộ liễu thì khỏi phải bàn. Nhưng “kín đáo nhẹ nhàng” cũng có nhiều mức độ. Có “thông điệp” của tác phẩm người đọc dễ dàng nhận, mười người tương đối giống nhau cả mười. Nhưng cũng có khi phải cần một độ lùi thời gian nhất định – cùng với thời gian, vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm mới ngày một trở nên sâu sắc, thấm thía hơn.

Tuy vậy, không hẳn cái tinh thần “tuyên giáo” lộ liễu trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi ngày nay đã được dọn sạch. Cách đây không lâu, tôi đã từng đọc thấy những cái tên truyện ngắn trong một tập truyện viết cho thiếu nhi của một nhà văn ít nhiều thành danh: “Lòng kiên nhẫn”, “Cái giá của ghen tị”, “Hãy dũng cảm nhận lỗi”,…

– “Văn học nhi đồng, vô luận là muốn làm theo thứ hình thức nào, hoặc ĐỒNG THOẠI, ĐỒNG DIÊU, NGỤ NGÔN hay KỊCH KHÚC, luôn luôn cũng phải dùng thứ văn mà trong đó nhi đồng là bản vị. Văn học nhi đồng rất trọng về CẢM TÌNH và TƯỞNG TƯỢNG, nên đại để tánh chất nó cũng giống với thơ; khác nhau chỉ bởi lấy chỗ tâm lý nhi đồng làm chủ thể và lấy trí lực nhi đồng làm chuẩn thằng mà thôi”.

Câu này, ý thứ nhất, khẳng định đối tượng của văn học thiếu nhi phải là thiếu nhi, sáng tác cho các em trước hết là để các em đọc. Ý thứ hai, theo tác giả, tính chất quan trọng nhất của văn học cho thiếu nhi là tình cảm và tưởng tượng (gần với thơ).

Xác định đối tượng “phục vụ” như vậy là điều hiển nhiên. Riêng ý thứ hai, trong sáng tác cho thiếu nhi, tôi cũng rất coi trọng hai thứ: tưởng tượng và hài hước. Nội dung đúng đắn, lành mạnh khỏi phải bàn. Còn giàu tưởng tượng và hài hước không những là yếu tố gây hấp dẫn hiệu quả nhất cho tác phẩm, mà còn là những phẩm chất tinh thần vô cùng quý giá của con người nói chung.

– “Một nhà nhi đồng văn học đúng đắn đồng thời cũng là một thi nhơn đúng đắn; song bọn thi nhơn thì không hẳn người nào cũng đều có thể làm văn học nhi đồng cả đâu”.

Quá rõ. Viết cho thiếu nhi cũng cần có nghệ thuật. Không ít nhà văn tay nghề cao thừa nhận: viết cho trẻ con rất khó. Thực tế có nhà văn không thể viết cho trẻ con.

– “Đứng về phương diện sáng tạo mà nói thì tất phải là người hiểu rõ tâm lý nhi đồng, hay là người lớn mà trong lòng còn chưa mất hẳn những tình cảm lúc trẻ thơ, rồi khi viết văn lại phải tỷ như tự mình hóa làm trẻ em, đặng tỏ bày tâm tình và tưởng tượng ra một cách tự do mới được… Nhiều người hiểu tâm lý nhi đồng mà không biết dùng thứ văn tự nhi đồng để bày tỏ ra; nhiều người khác lại dùng văn tự nhi đồng để bày tỏ tâm lý của kẻ lớn; cả hai hạng văn sĩ ấy đều không thể làm nhà văn học nhi đồng…”.

– “Con nít và người lớn vẫn khác nhau rất xa ở những trạng thái về sanh lý và tâm lý. Thân thể của con nít quyết chẳng phải là cái hình rút nhỏ của thân thể người lớn, cũng như tâm lý của người lớn quyết chẳng phải là cái ảnh phóng đại của tâm lý con nít”.

Đó là sự khập khiễng giữa những điều cần diễn tả và khả năng diễn tả, cũng có thể hiểu là giữa nội dung và hình thức.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, tôi khẳng định: viết cho trẻ con, trước hết trẻ con phải thích đọc, chúng không đọc thì hay ho giời biển gì cũng bằng bỏ đi. Lại nữa: đừng tưởng tác phẩm của mình viết cho trẻ được phụ huynh của trẻ hào hứng đón nhận, khen ngợi, là mình thành công. Nên nhớ: cái thích của người lớn rất ít khi trùng hợp với cái thích của trẻ. Người lớn thích, chưa chắc trẻ đã thích… Cách quan sát, cảm nhận thế giới của trẻ rất khác của người lớn. Người lớn thấy chim “đậu” trên cành cây, nhưng trẻ con có thể thấy chim “ngồi” trên cành cây. Người lớn dùng sữa tắm để tắm cho người, nhưng trẻ con có thể dùng sữa tắm để tắm cho cá cảnh trong bể cá. Người lớn đừng vội cười, đừng vội chế giễu khi trẻ con ngửi thấy mùi “hôi” của việc “bắt nạt” (ý thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh)… Còn nhiều ví dụ nữa. Tôi nghĩ đơn giản: viết cho trẻ con giống như chơi với trẻ con, trò chuyện với trẻ con. Trẻ con chắc chắn thích chơi với nhau, chuyện trò với nhau hơn là với người lớn. Không có tâm thế của một đứa trẻ mà viết cho trẻ thì rất khó. Cho nên mới có những trường hợp người lớn “nhập đồng” không nhuyễn, rơi vào tình trạng “cưa sừng làm nghé”, ngọng nghịu, buồn cười.

Thực sự, tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú khi đọc bài báo của cụ Bùi Thế Mỹ.

Trần Đức Tiến

  1. Tài liệu sưu tầm của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân, trên facebook Lại Nguyên Ân.
  2. Những dòng in nghiêng trong bài này là trích từ bài báo của cụ BTM.