Khuya phố

  Những ồn ào náo nhiệt không dành cho tôi
Những nhà cao uy nghi không dành cho tôi
Không dành cho tôi công viên tuổi nhỏ
Tình nhân của liễu, của mặt hồ
Tôi về phố khuya
 
Một thời chỉ thuộc đường ra ga và thư viện
Một thời ba lô hồn tàu phía Bắc
Tôi bây giờ
Vẫn tên đường tên phố lơ mơ
Em đi về nơi khác
Tìm đâu những ánh rêu mờ
 
Không nhìn rõ con đường xưa
Không gặp lại vẹn nguyên câu thơ nước mắt
Ngõ Giếng cỏ chưa xanh lại
Hoa rum vô tình
Gió lạnh về loay hoay
 
Như đã xa niềm vui tìm người trên phố
Quán nhỏ ai ngồi lơ đãng thời gian
Tờ báo cũ mực phai tên người cũ
Rau dưa chen lấn ngoại thành
 
Năm năm, mười năm
Giọt rơi tí tách
Mắt người thăm thẳm
Có gì đâu, có gì đâu mà mang nặng
Bây giờ phố đang về khuya…

Bùi Sỹ Hoa

*******

    Khuya là quãng thời gian đặc biệt của một ngày – thời điểm thường gợi những ưu tư, những nỗi niềm, bởi ở đó người ta dễ có cơ hội đối diện với chính mình. Văn chương kim cổ nhiều lần lấy thời khắc đêm khuya để khởi động tâm tình. Bùi Sĩ Hoa cũng có một cái “khuya”, nhưng đấy không phải là cái khuya của thời gian vật lí, không mượn “khuya” như là một thời điểm có khả năng tác động đến tình cảm, mà khuya ở đây là khuya phố: tức đêm khuya trong con phố của chủ thể trữ tình, con phố của tâm hồn, nơi ta đối diện với chính ta. Bốn câu đầu của bài thơ vẽ cảnh phố xá rất chung, nơi cuộc sống có điều kiện nhất để thể hiện hết bản thân nó với những ồn ào náo nhiệt, “nhà cao uy nghi”, “công viên tuổi nhỏ”, “liễu”, “mặt hồ”. Đây là những diễn tiến cuộc sống không chỉ về đêm, mà cả ban ngày, nói đúng ra là anh vẽ bức tranh cuộc sống một cách bao quát trên cả hai bình diện không – thời gian bằng vài nét chấm phá, nhưng những nét chấm phá ấy lột tả được sự vận động tất yếu với đủ thứ cung bậc của nó. Có điều “tôi” đối lập với tất cả. Chẳng có gì trong số đó dành cho, hoặc thuộc về chủ thể trữ tình. Không thể nói cái tôi trữ tình này không được cuộc sống tiếp nhận, mà đúng ra, tự nó khước từ những cái nó biết chắc không phải là mình. Cái tôi ấy đành về phố khuya, xin nhắc lại là không phải con đường của một chủ thể tiếp cận một khách thể mà bằng sự trở về bản thể, với bao kỉ niệm chỉ biết với, và cho riêng mình.

Hàng quán phố khuya. Ảnh: NT

Sau khi khước từ “những ồn ào náo nhiệt”… chủ thể trữ tình trở về với thế giới riêng, một thời – nơi phải đối diện với ga tàu và thư viện là những điểm đến quan trọng và hình như không thể khác, không gì khác. ở thời điểm ấy, chiếc ba lô như một thứ hành trang duy nhất, nhưng trong đó có thể ăm ắp những kỉ niệm, gắn chặt và biểu hiện cho sự tồn tại của một số phận hay một kiểu số phận. Chữ hồn tàu được Bùi Sĩ Hoa sử dụng một cách da diết càng nói lên sự gắn bó định mệnh mà có lúc sẽ trở nên nghiệt ngã. Hai câu thơ có cả sự gợi nhớ kỉ niệm, nhưng quan trọng hơn là nó khắc họa được chân dung không chỉ của một người, mà là cả một thời, sẽ theo suốt cả số phận của nhân vật với sự nghiêm khắc của thành kiến. Và với thành kiến hay định mệnh ấy, chủ thể trữ tình hiển nhiên không thể nào hòa nhập được với cuộc sống đang tươi nguyên và sôi nổi, một thứ sôi nổi, tươi nguyên lạ lẫm, đến mức khiến con người trở nên ngơ ngẩn. Cuộc sống theo quy luật vẫn vượt lên phía trước, chỉ có sản phẩm của một thời đứng lại, khiên cưỡng và lạc loài như là một thứ tồn tại bất hợp lí hay một biểu hiện bất hợp lí của tồn tại. “Em đi về phía khác”. Không là em trai em gái, không là người yêu, đấy chỉ là những kỉ niệm, những giá trị đẹp qua rồi. Đã không thể “tìm đâu những ánh rêu mờ”, đã “không gặp lại vẹn nguyên câu thơ nước mắt”, “Ngõ Giếng cỏ chưa xanh lại”… tất cả những kỉ niệm, những tấm lòng chân thật đã xa; hoang phế chưa phục hồi song vẫn chờ để được tái sinh. Đâu đó ai đã không còn cảm giác thời gian, đâu đó kí ức đang xa dần và đâu đó, có một sự sống, một hiện thực khác vừa ló dạng: rau dưa chen lấn ngoại thành…

” Bây giờ phố đang về khuya…” Ảnh: NT

Khổ thơ cuối cho phép ta hình dung gương mặt thời gian ngồi tính đếm một cách khắc khoải sự ra đi của chính mình trong từng “giọt rơi tí tách”, và trong hoàn cảnh ấy, “mắt người thăm thẳm” quả là một phát hiện. Hai câu cuối viết tưng tửng: “có gì đâu, có gì đâu mà mang nặng/ bây giờ phố đang về khuya’’ như một phát biểu về triết lí về sự lãng quên của một cái tôi đầy trải nghiệm. Không quên làm sao được, nhưng cũng quên làm sao được, vì phố đang khuya một mình.

Thơ Bùi Sĩ Hoa, trong đó có Khuya phố, khiến tôi thích, bởi những triết lí có vẻ giản dị, thậm chí tưởng vu vơ, nhưng có chiều sâu, dễ động đến những tâm can ưa tìm về lối cũ. Không câu nệ vần điệu, cũng chẳng nắn nót khi tìm chữ. Chất liệu cuộc sống bỗ bã vào văn bản, có chất kí, phóng sự. Tưng tửng và vô sự, đấy là một cách độc đáo để tạo chiều sâu rất riêng.

Lê Thanh Nga