Từ bao đời nay, người Mông ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An vẫn duy trì kỹ thuật làm giấy thủ công từ cây tre. Giấy làm từ cây tre không chỉ sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng mà còn để trang trí, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong không gian ngôi nhà của người Mông.
Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm khắp các bản làng người Mông bước vào mùa làm giấy. Những cây măng tre cao khoảng 5–6m chưa ra lá, được chặt thành từng khúc cho vào nồi đun. Sau khi nấu khoảng vài ngày, cây măng tre được vớt ra ngâm nước lạnh chừng hơn 1 tuần cho mềm nhũn, vớt ra đập thật kĩ thành sợi li ti như bột. Lúc này, người dân sẽ đổ nước vào khuấy đều và bắt đầu làm giấy.
Những tấm giấy này được người Mông dùng dán trong nhà dịp năm mới hay lễ cúng dòng họ, trong những ngày làm vía,… Theo quan niệm của người Mông ở Kỳ Sơn, khi cúng những tấm giấy này cho thần linh và tổ tiên sẽ mang lại may mắn cho gia đình.
Ngày nay, tuy ít nhiều có mai một nhưng nghề làm giấy vẫn được nhiều gia đình người Mông ở Kỳ Sơn duy trì. Bởi loại giấy này đã đi vào cuộc sống tâm linh của đồng bào Mông, là sự gắn kết giữa người còn sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.
Nội dung: PV