Ông ngoại tôi là cậu ấm con quan, cho nên thường được bà con gọi là ông Ấm. Ông Ấm ấy nguyên quán ở Nghệ An, nhưng thành một ông thầy thuốc thì đi chữa bệnh từ Bắc qua Trung vào Nam. Ông vào Nam, có thêm bà hai ở trong ấy, rồi cuối đời định cư ở Thủ Dầu Một.

Bà ngoại tôi quê Hải Dương, chẳng biết duyên phận thế nào mà lại lấy chồng xa thế, phải theo chồng vào tận xứ Nghệ. Mẹ tôi, Hồ Thị Diệp, có một người chị ruột là bác Hồ Thị Hạ (thân sinh của nhà thơ thiếu nhi Dương Huy), cũng là một nữ cán bộ hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp bỏ tù, bị tra tấn đánh đập, ra tù vài năm thì ốm đau quá mà mất. Sau mẹ tôi có năm ông em trai. Suốt hai mươi mốt năm trời chia cắt Bắc – Nam (1954-1975), nỗi lo thường xuyên của mẹ tôi là mấy đứa em trai phải đi lính cho phía bên kia, cầm súng bắn về bên này. Sau ngày 30-4-1975, cha tôi lập tức viết thư về địa chỉ ngôi nhà cũ của ông ngoại ở Thủ Dầu Một, không dám tin rằng có thể liên lạc được sau bằng ấy năm trời đầy biến động chiến tranh. Thế mà may mắn ở đấy còn một ông cậu nhận được thư. Rồi tìm được đủ bốn ông cậu còn sống. Một ông là họa sĩ, thuộc nhóm Họa Sĩ Trẻ của Sài Gòn là họa sĩ Hồ Hữu Thủ, khi ấy đã có nhiều thành tựu. Cùng lúc anh Tài tôi là lính thông tin vào tiếp quản Sài Gòn, tìm đến ông cậu lớn, ông Hồ Hữu Tú. Những ngày hòa bình đầu tiên, dân Sài Gòn còn hoang mang chưa biết chính quyền mới cư xử với văn hóa ra sao. Nhỡ đâu sách báo cũ bị coi là văn hóa phản động. Ông cậu tôi định mang sách trong nhà đi đốt. Ông cháu là bộ đội thì tiếc, bèn xin lại một số sách quý như Lũ người quỷ ám, Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, sách triết của Krishnamurti… mà lúc ấy miền Bắc chưa dịch. Anh mang ra Bắc và những cuốn sách ấy vẫn còn trong tủ sách nhà tôi đến tận bây giờ.

Các cậu tôi sinh ra ở Nam Bộ nhưng đều lấy sinh quán là quê nội ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Một góc xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồ Đức Vỹ

Cha mẹ tôi đều thuộc rất nhiều thơ. Nhờ cha tôi, nhà báo Hồ Sỹ Lãng của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ bé tôi đã thuộc những bài thơ kháng chiến rất lãng mạn, như bài Em tôi của nhà văn Huy Phương mà sau này gặp chính tác giả, tôi đã đọc thuộc lòng lại cho chú nghe. Cả những câu thơ bâng khuâng của Hồng Nguyên: Đêm đó chúng tôi đi / Nòng súng nghiêng nghiêng / Đường mòn thấp thoáng / Trong điếm nhỏ mươi người trai tráng / Sờ chuôi lựu đạn / Ngồi thổi nùn rơm / Thức vừa rạng sáng / Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi… Hoặc hùng khí và lãng mạn như Quang Dũng: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm / Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm / Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh / Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Nhưng phải nhờ mẹ thì tôi mới biết nhiều thơ hơn. Từ khi bắt đầu biết nói và biết nghe, tôi đã hằng đêm được nghe mẹ đọc thơ trước khi đi ngủ, như trẻ con bây giờ được mẹ đọc truyện đêm khuya. Mẹ tôi đọc Kiều: Vân rằng chị cũng nực cười / Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa… Mẹ ru tôi bằng những câu thơ thật là cổ kính của Chinh phụ ngâm: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo việc đao cung / Thành liền mong tiến bệ rồng / Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời / Chí làm trai dặm nghìn da ngựa / Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao / Giã nhà đeo bức chiến bào / Thét roi cầu Vị ào ào gió thuÁo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in… Bảo làm sao mà cho đến giờ tôi vẫn thích Chinh phụ ngâm hơn cả, còn hơn bất cứ một áng thơ cổ nào khác.

Vẫn là thơ cổ điển, mẹ tôi còn đọc nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương. Mẹ bảo Hồ Xuân Hương là bà cô tổ nhà mình đấy. Rồi mẹ mỉm cười, ngày xưa các cụ bảo phụ nữ mà làm thơ như thế là nghịch nữ. Còn bé, tôi không hiểu thơ Hồ Xuân Hương, càng chẳng hiểu tại sao lại bảo là bà nghịch. Nghịch ngợm phải là mấy thằng con trai trèo me trèo sấu và văng tục ngoài đường kia chứ nhỉ.

Tượng nữ sỹ Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thúy Hoa

Rồi từ mẹ mà tôi biết cả một kho thơ ca. Mẹ đọc thơ của bác Thông tôi, nhà thơ Hoàng Trung Thông: Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi / Xóm làng tôi còn nhớ mãi / Các anh đi bao giờ trở lại / Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong… Hoặc Bài ca vỡ đất: Chúng ta đoàn áo vải / Sống cuộc đời rừng núi bấy nay… Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm… Thậm chí cả những bài thơ chỉ phổ biến thời chống Pháp, sau này không mấy người còn nhớ như bài của chú Hoàng Trung Nho về anh hùng Cù Chính Lan: Bà cụ già móm mém gửi lời sang / Nhà có vạt khoai lang chăm cho rành tốt / Đợi anh Lan về nghỉ phép / Mời sang nói chuyện giết Tây chơi

Có lẽ phần thưởng thơ ca cho mẹ chính là suốt thời tôi học cấp hai và cấp ba phổ thông, tôi đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi văn cấp thành phố và cấp toàn miền Bắc. Mà cũng không học lệch, các môn toán lý hóa cũng đạt điểm từ 7/10 đến 9/10. Ba năm cuối phổ thông, đã đành không phải nộp học phí, lại còn được học bổng lớp chuyên văn, mỗi tháng bảy đồng rưỡi. Tiền ăn cho một đứa học trò nghèo thời ấy chỉ khoảng mười hai đồng một tháng. Tiền học bổng tôi đem về nộp hết cho mẹ.

Năm 1936, mười tám tuổi, mẹ tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp. Năm ấy bắt đầu Mặt trận Bình dân bên Pháp lên cầm quyền, chính sách thuộc địa có những nới lỏng, dẫn đến phong trào dân chủ ở Đông Dương 1936-1939. Mười chín tuổi, cô Diệp lấy chồng, vẫn tiếp tục tham gia hoạt động ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha tôi có bà chị đã có gia đình ra ở riêng, đằng sau cha còn bốn đứa em trên dưới mười tuổi. Mẹ tôi là dâu trưởng, phải giúp cai quản đàn em lít nhít này. Chú Ba tôi sau này là bác sĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhưng hồi ấy mới mười bốn tuổi. Ban đêm chú muốn ra ngoài đi giải còn sợ ma, phải bắt chị dâu là mẹ tôi dẫn đi. Bà chị dâu phải đứng sau canh ma. Xong xuôi rồi, chú không dám nhìn trước ngó sau mà đâm đầu chạy ù vào trong nhà, bỏ mặc chị dâu chậm chân.

Hằng ngày mẹ tôi vẫn bận rộn họp hành, đi bàn biện pháp tổ chức đấu tranh chống Pháp. Cha tôi thì đi hoạt động bí mật, danh nghĩa là đi dạy học tư ở Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc. Bà nội tôi không thích con dâu cứ họp hành hội kín hội hở như vậy. Đêm bà khóa cổng, về muộn thì đứng ngoài. Mẹ tôi không đứng ngoài mà phải xé rào chui vào, rách cả áo. Sau này cũng có khi mẹ nhắc lại, coi như mình có thể đi vận động quần chúng khắp nơi, chỉ trừ bà nội là không vận động được.

Tôi là con út trong nhà có bảy anh chị em. Mẹ sinh tôi khi đã bốn mươi hai tuổi, nhà đông con như vậy là vất vả lắm. Mới hai tuổi, cùng một năm tôi mắc ba thứ bệnh phải đi cấp cứu: lên sởi, đi tiêm chủng thì bị sài uốn ván giật lên đùng đùng, vừa mới khỏi thì bị bệnh bạch hầu không thở được. Nhưng chỉ ba lần đi bệnh viện ấy thôi, suốt một đời đi làm việc không phải vào bệnh viện, cho đến khi về hưu.

Năm 1965, máy bay Mỹ đánh gắt hơn vào các thành phố miền Bắc. Phải sơ tán người già và trẻ em ra khỏi thành phố, về nông thôn là nơi không có nhà máy xí nghiệp, không gần các quốc lộ đầy xe chở vũ khí và lương thực tiếp tế, đầy tàu xe đưa bộ đội vào Nam. Cha mẹ tôi ở lại thành phố làm việc. Chị Thoa tôi hai mươi mốt tuổi được điều đi dạy văn ở một trường cấp hai gần Phủ Giày, Nam Định. Tôi phải theo chị về đấy, coi như đi sơ tán. Tôi cầm cái túi quần áo, chào: Con chào cậu mợ con đi sơ tán, hai năm con về. Chẳng ai dạy mà nói cả thời hạn là chỉ đi sơ tán hai năm thôi. Thực tế là phải hơn ba năm, mãi đến 1968, Mỹ tạm dừng ném bom miền Bắc, mới thực sự có mấy năm được về lại thành phố. Cho đến tháng 4-1972 lại sơ tán một lần nữa, tránh bom B52. Đến 27-1-1973, Mỹ chịu ký hiệp định Paris chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, lúc ấy dân miền Bắc mới thực sự được trở lại thành phố và không còn lần nào phải đi sơ tán nữa. Nói cho chính xác thì sau sự kiện 17-2-1979, “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới / gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới”, dân chúng lại phải rục rịch chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sơ tán mới.

Chiến tranh thì cứ con người là khổ. Trẻ em, người già, phụ nữ có cái khổ riêng. Tôi xách túi đi theo chị Thoa đến nơi sơ tán. Đoạn này tôi đã viết lại trong cuốn Tự kể: “Được một tuần. Mẹ tôi từ thành phố lên thăm. Mẹ ở chơi một buổi rồi quay lại thành phố. Lúc ấy tôi mới đòi theo về bằng được. Chị Thoa giữ tôi lại để mẹ lên một chiếc xe ngựa chạy ra khỏi làng. Tôi giằng ra được, chạy theo cái xe vừa gào vừa khóc. Một anh nào đó đi ngang đường tóm được tôi lại, nhưng tôi đã như lên cơn điên, lại giằng được ra khỏi tay anh ấy. Chạy đuổi theo cái xe mà khóc. Mợ ơi. Mợ ơi.

Mẹ tôi bảo xe dừng lại. Rồi bước xuống dắt tôi lên. Thôi, để tôi cho cháu về. Mẹ cười nói với mọi người.

Về sau trong nhà, mọi người vẫn nhắc lại cái câu ấy để trêu tôi. Con chào cậu mợ con đi sơ tán, hai năm con về.

Về lại thành phố. Mỗi đêm ít nhất dăm bảy lần phải chạy ra gầm cầu thang ngay bên hông nhà để trú. Còi báo động hú lên. Loa truyền thanh rọt rẹt rồi vang lên giọng phát thanh viên: Đồng bào chú ý, máy bay địch cách thành phố tám mươi ki lô mét. Yêu cầu đồng bào xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu… Tôi đang mê mệt ngủ thì mẹ đập đập vào vai: Em, dậy đi. Trong nhà tôi là bé nhất, là em của tất cả, nên mẹ gọi là em thay cho các anh chị. Được vài lần đầu tôi còn loạng quạng bò dậy chạy theo mẹ ra gầm cầu thang. Hoặc chui xuống cái hầm lõng bõng nước mới đào dưới gầm giường, cóc nhái nhảy tòm tõm. Nhưng một đêm không chỉ vài ba lần báo động. Máy bay địch vừa bay đi, vừa vào giường được một lúc thì nó quay lại. Mẹ lại đập vai tôi: Em, dậy đi. Tôi lơ mơ biết, nhưng cứ ì ra. Không chịu dậy. Thế là mẹ vội vàng xốc tôi lên, rồi cứ thế mà bế chạy xuống hầm. Những lần sau cũng thế. Tôi cứ ì ra, chẳng sợ gì, mà cũng vì biết rằng thế nào mẹ cũng phải bế chạy. Trẻ con có cái ác của trẻ con. Hồn nhiên và vô tình mà ác. Mẹ tôi cao khoảng 1,56 mét, hồi ấy gầy gò chỉ khoảng bốn chục cân. Thế mà một đêm dăm bảy lần phải xốc một thằng bé sáu tuổi chạy xuống hầm…”

Ở trên tôi đã kể, thời phổ thông được học bổng lớp chuyên văn, mỗi tháng bảy đồng rưỡi. Đem về nộp thì mẹ thích. Nhưng mẹ không thích tôi cứ cắm đầu vào học. Buổi tối đều đặn ngồi tự học, bắt đầu từ bảy giờ. Mới chín giờ rưỡi, đang say mê với bài vở thì mẹ vào bảo, thôi, đừng học nữa, đi ngủ đi em. Cha mẹ tôi khuyến khích tôi đi chơi nhiều hơn chứ không muốn con mình mọt sách như thế. Còn tôi thì ấm ức. Nhà người ta thì cha mẹ nào cũng bắt con cái học nhiều hơn. Chỉ có mẹ tôi là “đừng học nữa, đi ngủ đi em”.

Năm 1992, sau bốn năm liền ở Ấn Độ, tôi mới được về phép. Lúc ấy mẹ tôi đã yếu lắm. Giãn phế quản nhiều năm trời, có khi ho ra máu đến mức tưởng là ho lao. Đêm nằm có lúc không thở được, phải ngồi dậy, cha tôi cũng phải ngồi dậy theo. Ông nhà báo về hưu giờ kiêm luôn thầy thuốc. Cha phải lấy thuốc cho mẹ uống, tiêm cho mẹ, rồi cha tôi phải ngồi có khi cả đêm, lấy lưng mình cho mẹ tôi tựa.

Tôi về phép được vài tuần, lúc ra đi không nghĩ đây là gặp mẹ lần cuối. Mẹ tôi đứng lâu thì mỏi, phải ngồi xuống trước cửa, chỉ nhìn theo mà không nói gì, nói thôi cũng mệt. Tôi xách va li ra, quay lại, chỉ nói được một câu: Con đi đây mợ. Rồi đi luôn. Người phương Đông thế đấy, đến bộc lộ tình cảm gia đình cũng không lộ liễu. Cứ như là khô khan.

Một năm sau, có lần tôi gọi điện về cơ quan anh Tài ở văn phòng Quốc hội. Thời ấy chưa có điện thoại di động. Ở nhà cũng chưa có điện thoại bàn. Thỉnh thoảng tôi phải tính giờ rồi gọi về cơ quan anh Tài đúng vào giờ làm việc, hỏi chuyện nhà. Lần này cũng chẳng có linh tính gì. Gọi đúng vào một cậu nhân viên cùng phòng anh. Cậu báo: Bà mất rồi anh ạ, anh Tài đang chạy đi lo việc tang.

Thời ấy không phải cứ đặt vé máy bay là đi được ngay. Ở nhà mọi người đều biết thế nên không báo cho tôi về. Tôi chỉ còn biết tiễn biệt mẹ từ xa.

Mỗi lần nhớ lại ngày chào mẹ để đi, tôi lại nghĩ lẽ ra mình phải nói được câu gì hơn thế, không phải là câu con đi đây mợ. Phải có được một cử chỉ gì hơn thế, người Âu – Mỹ người ta ôm cha mẹ khi chia tay, bày tỏ trực diện. Mình thì cứ thế mà đi. Để bây giờ ăn một miếng lại nhớ ngày xưa mẹ mình thích món này mà không phải lúc nào cũng có mà ăn. Chắc là nhiều người nhớ về mẹ mình đều có ý nghĩ tương tự.

Tôi không có mặt ngày mẹ tôi mất, không tận mắt thấy mẹ mất, sau này bốc mộ cho mẹ, tôi cũng không đi cùng mọi người, vì không muốn mắt mình nhìn thấy mẹ chỉ còn là hài cốt. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ tôi mất. Chỉ là đi rất xa và đi rất lâu.

Hồ Anh Thái

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, phát hành tháng 10/2022)