LTS: Chiến tranh qua lâu rồi, tưởng là chấm dứt! Không, nó vẫn còn đeo đẳng, bám riết theo chị cho tới bây giờ: ốm đau, bệnh tật, mất quyền thiêng liêng làm mẹ. Và có thể hơn nữa, chiến tranh còn theo chị không buông tha cho đến hết một đời người. Chị là nạn nhân chất độc màu da cam! Biết vậy, nhưng chị luôn sống hồn nhiên như cây cỏ, không kêu ca phàn nàn cho dù bây giờ phải đi giúp việc tự nuôi mình, chị vẫn làm thơ, viết văn, có trách nhiệm góp tiếng nói của một công dân chân chính với xã hội.
Tên chị là Nguyễn Thị Minh Thìn, hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, sinh năm 1953, quê tại xóm 6, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. BBT Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu truyện ngắn : Di cư của chị tới bạn đọc !

***********

    Mỗi lần về quê giỗ tổ bà Phương không thể nào quên được ngôi làng xưa cũ. Ngôi làng đông đúc, trù phú bên bờ con sông Lam trong mát hiền hòa. Vậy mà giờ đây ngôi làng ấy không còn nữa.

Những mùa lũ lụt nước từ thượng nguồn đổ về, dòng sông đầy ắp réo sôi cuồn cuộn. Với sức mạnh bạo liệt nó cuốn phăng đi tất cả. Bởi thế mà bờ sông cứ lở mãi, lở mãi để bồi đắp cho phía bờ bên kia, nơi có ngọn núi Hồng lĩnh soi bóng xuống mặt nước trong xanh.

Khúc sông bên lở bây giờ không có một ngôi nhà nào tính từ trận lũ lịch sử hồi tháng tám năm đó.

Tranh sơn dầu: Trần Phúc Duyên

                        Cô bé Phương không bao giờ quên được cái ngày hôm đó. Khoảng hai giờ chiều trời đang nắng sáng, bỗng nhiên mây đen từ đâu tụ về quây kín trên đầu. Chẳng mấy chốc bầu trời đen kịt, và gió, gió mỗi lúc một mạnh dần, cuốn tung lên những đám bụi mù mịt, bay thốc thác cả vào nhà. Đa số người ta chưa kịp đóng cửa, hoặc đóng rồi lại bị bật tung ra. Có nhiều người về nhà chưa kịp, họ vừa chạy trên đường vừa la hét thất thanh. Nhưng tiếng kêu của họ bị chìm lấp trong tiếng gió ào ạt. Mưa đổ sầm sập, tưởng tượng như dốc cái thùng nước khổng lồ từ trên cao đổ xuống, và cứ thế nước rơi ròng rã không ngớt từ hai giờ chiều hôm qua cho đến sáng ngày hôm nay.

Phương thức dậy trên giường gọi váng lên:
– Bố ơi! Mẹ ơi! Cả nhà ơi! Nước tràn vào nhà rồi làm sao đây?

Đôi mắt đen tròn mở lớn, khuôn mặt xinh xắn bỗng nhiên méo đi vì sợ hãi. Trên khuôn mặt ngây thơ ấy bỗng hằn lên một nét đau đớn chạy ngang khóe miệng. Cả gia đình bảy người nằm chen chúc trên chiếc giường ọp ẹp. Nghe tiếng la thất thanh của Phương mọi người đều tỉnh ngủ, nhìn thấy dòng nước từ bên ngoài cứ ồ ạt tuôn chảy vào nhà, bật tung cánh cửa lớn và cứ thế tràn vào tất cả mọi ngỏ ngách. Cả góc bàn học tập của các cô, cậu có nhiều quyển vở từ trên bàn rơi xuống nổi dập dềnh trên mặt nước. Góc bếp nhỏ hẹp nước cũng lừ đừ vào thấm ướt trộn lẫn tro than và củi mục. Cho đến lúc nước dâng cao, lan rộng ra cả phòng ngoài. Màn nước trắng đục giờ đây tro, than nổi lềnh bềnh trông đến nhớp nhúa, bẩn thỉu. Sau Phương còn có bốn em nhỏ nữa, hai bé gái nhỏ nhất, một đứa trong tay mẹ, một đứa trong tay chị cả vậy khóc thét lên.

Ông bố dáng cao gầy, khuôn mặt sạm đen, khắc khổ. Xắn quần bước xuống sàn nhà, lội bì bõm trong nước đi dần ra phía cửa. Ông kinh hoàng khi thấy bên ngoài là cả một màn trời nước mênh mông. Tiếng mưa, tiếng gió gào rít, ầm ào, dữ dội. Ngôi nhà của ông run lên bần bật như sắp chơi vơi giữa biển trời trắng xóa. Ông hết sức kéo hai cánh cửa đóng chốt lại nhưng không được, chợt nhớ tới cái sập trong đó còn hai bì lúa, nếu bị ướt, hỏng hết, cả nhà bảy con người lấy gì ăn trong những ngày sắp tới. Ông quay trở vào, bốn cái chân sập được kê cao,  đáy sập vẫn còn được khô ráo. Ông mở nắp lôi hai bì lúa lên trên bề mặt của sập. Nước mỗi lúc một dâng to, hai chiếc giường sắp bị ngập, ông cuốn chiếu và giúp mấy mẹ con trèo lên trên sập. Tiếng khóc thút thít của hai cô con gái lớn, một mười bốn, một mười hai tuổi, tiếng dỗ dành, an ủi của người mẹ:

– Nín đi các con! Rồi mưa bão sẽ qua nhanh thôi.
Trong giọng nói của người mẹ có cái gì đó không thực, có cái gì đó thật mơ hồ. Mưa mới chỉ có ba ngày thôi mà như cách biệt với thế giới bên ngoài từ lâu lắm rồi. Nước ngập mênh mông ngôi nhà hoàn toàn bị cô lập.

Người đàn ông gầy guộc, mắt trũng sâu thâm quầng mệt mỏi, râu ria mọc lởm chởm trên cái cằm xương xẩu, cứ quầy trở không yên bên cạnh đàn con nhỏ và người vợ yếu ớt. Cả nhà đứng trên cái sập đựng lúa, nước đã ngập đến đầu gối. Hai bao lúa ông gác lên trên chạn, trên xà nhà. Cũng may trên đó còn có hai thanh gỗ bắc ngang. Nhưng giờ đây không ai để ý đến bao lúa nữa, bởi nước vẫn tiếp tục dâng, sự sống và cái chết đang kề trong gang tấc, bọn trẻ đứng bên cạnh người mẹ khóc rinh lên. Những tâm hồn non nớt trẻ thơ, rất sợ hãi trước biển nước mênh mông.

Những gương mặt quắt lại vì đói, vì thèm khát khung trời ngoài kia, nơi đó có con đường rợp bóng hàng cây, tiếng chim hót líu lo trong từng kẽ lá. Tiếng reo cười hớn hở của từng đám học sinh tung tăng cắp sách đến trường. Cổng trường rộng mở, tiếng trống báo giờ vào học, từng đám học sinh chạy ùa vào lớp, trên bục giảng cô giáo mỉm cười: “Chúc một ngày mới tốt lành”. Tất cả những điều đó giờ đây đã trở thành dĩ vãng rồi sao? Giờ đây trước mắt chị em Phương là ngôi nhà ngập nước. Nước bẩn thỉu, hôi hám cuộn xoáy réo sôi ùng ục. Ở ngoài kia  trời nước gầm gào, rên xiết có thể nuốt chửng cả mấy chị em Phương, cả bố mẹ bất cứ lúc nào.

Mẹ Phương là người phải chịu đựng nhiều nhất sự dày vò đau khổ vì đã không nghe lời chồng. Mấy lần đi họp về khuya ông thường tỷ tê vào tai vợ: “Mẹ nó à! Bây giờ nhà nước có chủ trương dắm dân lên miền ngược, hay là mẹ nó để tôi đăng ký rồi nhà mình cùng đi. Trong xóm cũng đã có nhiều gia đình viết đơn xin đi rồi. Chứ ở đây bao giờ cho hết đói khổ. Mưa gió bão lụt thường xuyên, rồi bom đạn chết chóc cứ rình rập trên đầu. Lên trên đó trước mắt họ cấp tiền cấp gạo cho để ăn, nhà họ làm sẵn chỉ việc lên đó ở. Rồi mình khai hoang vỡ đất, trồng lúa, trồng hoa màu. Cuộc sống no đủ, con cái nó có cái ăn, cái mặc, lớn lên khỏe mạnh hồng hào xinh xắn chứ không phải đói khổ quắt queo như bây giờ”.

Bà nghe tai nọ xọ  tai kia, bà không muốn đi đâu hết. Bà yêu thương cái mảnh đất này. Nơi  gốc gác, cội nguồn, nơi gắn bó hết bao đời của dòng họ tộc gia đình bà. Từ đời ông, đời cha đến đời con cái cháu chắt. Nó bám rễ rất sâu, không thể một chốc mà nhổ bật lên được. Hơn nữa cái tình cảm quê hương làng xóm, nó nặng nghĩa, nặng tình biết bao, làm sao mà có thể dứt đi được? Chưa nói đến việc lên trên đó, lên miền ngược nơi rừng thiêng nước độc, muỗi mòng, sên vắt rồi các loài rắn rết và các loài thú dữ ăn thịt người. Các loại bệnh như sốt rét, ghẻ lở, hắc lào vv. Người lớn còn chịu được chứ còn con nít thì sao? Chúng nó ốm đau quặt quẹo khổ thân lắm. Bà nghĩ vậy rồi bà làm mình làm mẩy với ông:

– Ông đi đâu thì đi, mẹ con tôi ở đây, sống chết cũng bám lấy mảnh đất quê mình, tôi không đi đâu hết.

Bà còn nói nhiều, nhiều nữa, rồi bà giận ông đến mấy ngày liền. Giờ đây, trước tình cảnh này bà cảm thấy thương ông và lo lắng cho cả gia đình đến thắt gan, thắt ruột. Nếu như cả nhà có bề gì thì bà là người có lỗi lớn nhất. Vả lại bà thấy có nhiều gia đình họ đã đi những đợt trước đây. Ngày giỗ, ngày tết cũng có đôi người về thăm quê, ai nấy đều khỏe mạnh, hồng hào. Qua lời kể của họ, bà biết họ làm ăn khấm khá hơn. Con cái được học hành đến nơi đến chốn, không ai bị đói rách khổ sở hay ốm đau quặt quẹo như bà tưởng tượng. Giờ đây bà rất hối hận.

 Sang đến ngày thứ tư bỗng dưng mưa ngừng hẳn, nước bắt đầu rút. Khoảng gần trưa ông mặt trời ló ra, vượt qua từng lớp mây mù, ông há cái miệng đỏ lòm toàn lửa để hút khô, hút sạch những màn nước khổng lồ quái ác.

”Ở ngoài kia  trời nước gầm gào, rên xiết”. Ảnh: Internet

Nước rút, những con đường hiện ra với vẻ nhầy nhụa, bẩn thỉu, hôi hám. Rác rưởi từ đâu trôi về giờ đây mắc kẹt ở các gốc cây, các mô đá. Chó mèo lợn gà và các loài súc vật đã chết , bụng trương phình lên nằm rải rác bên lề đường, ruồi nhặng bâu đầy, có cả dòi bọ nhung nhúc. Ai nấy qua đường đều phải bịt miệng bịt mũi và nhổ nước bọt cố đi thật nhanh.

Các gia đình đều được huy động dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các em thiếu nhi. Công việc này rất khó khăn vì môi trường hôi hám bẩn thỉu, tanh tưởi và ô nhiễm. Nhưng mọi người đều cố gắng vì đã được sống, được gặp lại nhau sau mấy ngày cách biệt.

Phương và các em lại tiếp tục cắp sách đến trường. Gặp lại bạn bè vui mừng khôn xiết. Nhưng trong cái đầu óc nhỏ bé của cô gái mười bốn tuổi đã sắp đặt một kế hoạch mà cô giữ bí mật. Bố mẹ và cả nhà ai cũng ngạc nhiên, dường như sau trận lũ lụt vừa qua Phương đã biến thành một con người khác hẳn. Không nhí nhảnh đùa cợt, không trêu chọc các em. Vẻ mặt nghiêm trang như người lớn. Quả thật như vậy, Phương đang có một ý chí kiên định hiếm thấy. Rồi một buổi tối sau khi cơm nước xong xuôi cô bảo:

-Bố mẹ ra ngoài uống nước. Con có chuyện này muốn thưa với bố mẹ.

Nghe Phương bảo vậy cả hai ông bà đều đoán già đoán non: Không biết nó định làm chuyện gì? Có lẽ nó muốn nghỉ học để đi làm giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học chăng? Cái con bé này mới tý tuổi đầu mà đã tập làm người lớn. Đã muốn gánh vác công việc gia đình rồi, tội nghiệp. Nhưng dù sao mình cũng phải cho nó học hết cấp ba bà nó ạ!

Bố Phương năm nay bốn mươi lăm tuổi, người cao gầy, khuôn mặt dài, hai má hơi hóp, nước da đen nên trông ông có vẻ già trước tuổi. Ngược lại, bà mẹ dáng người thấp đậm khuôn mặt tròn, cái miệng nhỏ cằm thon nên chị trẻ hơn chồng rất nhiều, đi ra đường có người còn tưởng là bố con, mà thực chất ông chỉ lớn hơn bà có bảy tuổi.

Hai ông bà ngồi xuống cạnh bàn, chiếc bàn nhỏ thô giản dị thường dùng cho các cô cậu ngồi học bài. Nhưng hôm nay là tối thứ bảy, cả mấy chị em đều đi ngủ sớm. Phương cũng gấp sách lại, cô cười rồi hết nhìn bố đến nhìn mẹ. Cô đang sắp đặt câu nói sao cho lọt tai để hai ông bà chấp nhận ý kiến của mình. Bố mẹ thì lại đưa mắt nhìn con bằng cái nhìn thương yêu trìu mến và ái ngại.

-Nào con gái! Có ý kiến gì hãy nói cho bố mẹ nghe đi.

-Vâng! Con sắp nói đây. Nhưng bố mẹ ạ! Bố mẹ đã công nhận con là người lớn chưa?

-Con còn bé lắm Phương à! Cuối năm nay con mới hết cấp hai mà. Con phải học cho hết cấp ba rồi còn đi học ngành nghề kiếm cái công việc nhà nước cho nhàn hạ tấm thân. Chứ làm nghề nông cực lắm! Dầu có đói khổ bố mẹ cũng phải cho con học hành đến nơi đến chốn. Không đứa nào được bỏ dở giữa chừng đâu đấy!

-Con đang học năm cuối cấp hai nhưng con làm lớp trưởng, hôm nay con được lên thẳng đoàn viên thanh niên, như vậy con thực đã là người lớn rồi phải không? Mà đã là người lớn thì có quyền tham gia ý kiến bàn chuyện gia đình.

-À! Thì ra là thế, bố mẹ chúc mừng con, con gái ạ!

 Ông bố vỗ tay vào đùi đánh đét rồi cười cười ha hả.

-Con chưa nói vào ý chính mà!

-Ừ! Con nói đi!

Vẻ mặt của hai ông bà, các thớ thịt như đang căng ra để chờ đợi. Thấy vậy Phương nói luôn:

-Nhà mình di dân lên miền ngược đi bố mẹ ạ!

Câu nói đột ngột của đứa con gái mười bốn tuổi làm cho không khí của gia đình lắng hẳn xuống. Một lúc ông bố đứng dậy dang hai tay ôm lấy đứa con gái vào lòng, vỗ nhè nhẹ sau lưng nó.

-Như vậy là tốt rồi! Tốt lắm con gái ạ!

Ông cười ha hả, nét mặt nở giãn ra, dường như ông trẻ lại đến mấy tuổi

-Giờ thì mẹ mày cũng phải đồng ý phải không?

Cùng lúc hai bố con quay sang nhìn mẹ để chờ đợi sự phản ứng. Nhưng hai bố con đã lầm. Nét mặt của người mẹ không có sự buồn rầu, thất vọng hay phản đối, trên cái khuôn mặt trái xoan vẫn còn lưu giữ những nét đẹp của thời con gái giờ đây thật rạng rỡ, bà tủm tỉm cười.

-Như vậy là trăm phần trăm số phiếu rồi nhé!

Phương đứng dậy hoan hô. Không khí trong gia đình bỗng vui hẳn lên, tâm hồn mọi người nhẹ nhàng thanh thản khi đã đi đến thống nhất một quyết định quan trọng như vậy

Hai tháng ! Cả làng có hai mươi gia đình di cư lên miền ngược. Vào một buổi chiều trong số những gia đình đó được chất lên xe, cả người, cả đồ đạc lỉnh kỉnh, sách vở giấy bút học sinh. Trẻ con la khóc ầm ĩ rồi ngủ thiếp đi trong những cú xóc nảy người. Đoàn xe cứ hun hút đi vào đêm tối, rồi dừng lại ở một khu lán trại, ở đây có người ra đón chỉ dẫn cho từng gia đình đi vào ngôi lán của mình. Bước xuống xe bố bế đứa em sáu tuổi, mẹ bế em út ba tuổi. Cả hai đều đang ngủ say. Còn Phương và Thân mười một tuổi, mỗi đứa đều phải xách một bịch đồ quần áo và cặp sách. Có một chú dân quân mang cho cả nhà một bao tải lớn, lỉnh kỉnh nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa. Chú bấm đèn pin hướng dẫn mọi người đi vào ngôi lán của mình. Giường chiếu được rải sẵn. Bọn trẻ mệt quá leo lên giường và ngủ một mạch cho đến sáng

Tranh sơn dầu: Đinh Cường

Nửa đêm Phương tỉnh giấc, lúc này khoảng hai, ba giờ sáng, cô mở to mắt trong đêm tối và lắng nghe bên ngoài tiếng gió hun hút, âm u của miền núi. Tiếng con mang toác, tiếng vượn hú từ xa vọng về. Nghe mà  sợ, buồn đến thấu gan, thấu ruột. Mới mười bốn tuổi đầu, đang tuổi ăn, tuổi học vậy mà giờ đây ngoài bố mẹ ra cô là người thứ ba phải gánh trên vai gánh nặng gia đình. Là chị cả cô phải có trách nhiệm giúp bố mẹ làm ra của cải, lương thực, thực phẩm để nuôi sống. Mà phải làm thế nào đây giữa khu rừng già này? Vạn sự khởi đầu nan. Cái gì cũng phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng!

                                                     *

        Đã hơn năm mươi năm trôi qua ! Hai mươi gia đình ngày đó đến nay con số có thể lên đến hàng trăm gia đình. Mà không chỉ có một cuộc di cư trong cái năm đó. Cả trước đó cả sau này, trên đất nước mình đã có hàng trăm hàng ngàn cuộc di cư. Mỗi một cuộc ra đi là nỗi đau, là nước mắt đòi hỏi ở con người sự hy sinh và lòng quả cảm, mới có thể đè nén con tim để dứt bỏ, chấp nhận muôn vàn khó khăn từ buổi đầu gian khổ!

Bằng những bàn tay, khối óc con người đã lập nên những làng, xã, thành phố đông vui nhộn nhịp. Những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ cho đất nước mở rộng, vươn dài, vươn xa. Chỉ cần nghĩ vậy, mẹ Phương mới thấy ấm lòng…

Nguyễn Thị Minh Thìn