Trong tâm trí bọn trẻ chúng tôi, câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương, áo lông ngỗng đưa đường, ngọc trai giếng nước… trong truyền thuyết là hoàn toàn có thật. Có thật bởi những chứng tích vẫn “sờ sờ” ra đấy, không ở đâu xa mà ngay trên đất Diễn Châu quê tôi. Thế nên ai cũng tin và xót xa cho số phận nàng Mỵ Châu ngây thơ trong sáng, tiếc và uất hận cho vận mệnh đất nước mình đã từng rơi vào tay giặc.

Những cảm xúc chân thành ấy đã theo chúng tôi suốt một thời tuổi thơ. Sau này, mỗi lần qua đền Cuông, ngước nhìn mái đền trên bầu trời bàng bạc lại nhớ khôn nguôi những câu chuyện ông bà kể lại.

Đền Cuông không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn là một danh thắng nổi tiếng. Ảnh: Kiều Nga

Ngôi đền huyền thoại gắn với những sự kiện ly kỳ

Đền Cuông nằm trên trên núi Mộ Dạ, thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An, không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn là một danh thắng nổi tiếng. Hàng năm, cứ đến Rằm tháng 2 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Thục An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu.

Ngày nhỏ, tôi vẫn thường được nghe mọi người kể những câu chuyện, tình tiết kỳ bí về ngôi đền thiêng này mà đến bây giờ, chuyện hạc trắng bay về và cá voi cụt đầu vẫn để lại trong tôi vẹn nguyên cảm xúc.

Chuyện kể rằng, cũng vào dịp lễ hội đền Cuông, năm 1995, khi du khách thập phương đang đắm chìm trong không khí lễ hội thì bất ngờ, một con hạc trắng to chao lượn quanh đền Cuông rồi sà vào một người đi hội. Ai cũng tin rằng, đó là linh hồn của Đức An Dương Vương hoặc Công chúa Mỵ Châu hiển linh trần thế.

Người dân cung kính rước Hạc vào đền. Tuy nhiên, một ngày sau khi lễ hội kết thúc thì hạc chết. Ngay sau đó, lãnh đạo địa phương đã tổ chức họp và tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, quyết định đưa hạc ra Hà Nội ướp xác, rồi cho vào lồng kính chuyển về Nghệ An. Ngày nay, xác ướp con hạc vẫn còn trong lồng kính được đặt tại đền Cuông là một chứng tích về sự kỳ bí, thiêng liêng của ngôi đền nhuốm màu huyền thoại này.

Khoảng một năm sau, một con cá voi lớn bị trôi dạt vào bờ biển xã Diễn Trung, giáp Diễn An. Người dân bản địa nói rằng, đây là nơi Thục An Dương Vương đã chém Mỵ Châu rồi gieo mình xuống biển. Đây cũng chính là nơi nhân dân lập miếu thờ An Dương Vương năm xưa.

Liên tiếp những hiện tượng lạ, ly kỳ như vậy diễn ra tại một địa danh linh thiêng đã thu hút người dân khắp nơi tìm đến đền Cuông.

Nơi đây đã gắn với đời sống tâm linh của bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Ảnh: Trang Đoan

Một di tích cổ, một danh thắng non nước hữu tình

Đền Cuông có lịch sử khá lâu đời, đầu tiên là một ngôi miếu do nhân dân vùng phía Nam huyện Diễn Châu lập nên tại Cửa Hiền, cạnh mỏm núi Đầu Cân để tưởng nhớ công lao của Thục An Dương Vương.

Theo các tài liệu về Diễn Châu ghi lại, năm 1802, vua Gia Long lên ngôi đã cho tu sửa lại đền. Năm Giáp Tý 1864, dưới thời Tự Đức, triều đình lại cho tu sửa và nâng cấp như quy mô ngày nay. Năm 1897 cho sửa lại thượng đền để phù hợp với nơi thờ phụng; năm 1916 tu bổ lại phần ngoại thất để hài hòa với cảnh quan…

Kiến trúc đền Cuông xưa được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” gồm Tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc; các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý như: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức Thục An Dương Vương.

Trải qua thời gian, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, chống Pháp và chống Mỹ, đền bị hư hại khá nhiều. Miếu thờ Mỵ Châu và tường của đền bị bom Mỹ tàn phá hư hỏng nghiêm trọng. Trong một thời gian dài, lễ hội đền Cuông bị lãng quên, đến năm 1990, đền Cuông mới được trùng tu một cách quy mô. Năm 1995, Lễ hội đền Cuông được khôi phục trở lại, với quy mô và tầm ảnh hưởng lớn, thu hút sự quan tâm của của không chỉ người dân ở Nghệ An. Đền Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 21/2/1975.

Thời gian trôi đi, trải qua bao biến động lịch sử, đền Cuông vẫn còn đó, linh thiêng trên núi Mộ Dạ, xung quanh là rừng thông bốn mùa xanh ngát. Cách đó không xa là biển Cửa Hiền với bãi cát trắng kéo dài như ru hồn người xưa yên giấc. Từ đền Cuông nhìn về hướng Tây là núi Mụa, ngọn núi có dáng voi phục, như ngày đêm chầu về đền ngưỡng vọng. Nơi đây không chỉ ghi dấu những chứng tích lịch sử, nhắc nhở bài học dựng nước và giữ nước mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và gắn bó với đời sống tâm linh của bao thế hệ người dân xứ Nghệ.

Hữu Vinh