Nhận được tập thơ Khoa học nhà nông, Nxb Nghệ An, 2024, của tác giả Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An gửi tặng, tôi lấy làm khâm phục ý tưởng dùng thơ để phổ biến những kiến thức nông nghiệp của tác giả. Tập thơ tập hợp 100 bài, trình bày một cách hệ thống, cụ thể, sinh động kỹ thuật canh nông. Tập thơ thể hiện tâm huyết của một cán bộ luôn đau đáu với những thành bại trong sản xuất kinh doanh của bà con nông dân. Để thơ đi vào cuộc sống Nguyễn Thế Thắng đã chọn lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp.
Là người đam mê văn học nghệ thuật, từng làm thơ, sáng tác âm nhạc, nhiếp ảnh, viết báo, Nguyễn Thế Thắng đã phần nào khẳng định được năng lực của mình qua nhiều giải thưởng như: giải Khuyến khích cuộc thi Ảnh thời sự – nghệ thuật “Nông dân làm theo lời Bác” của Hội Nông dân – Hội Nhà báo Nghệ An năm 2022; ca khúc “Cửa Lò biển yêu thương” đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Ca khúc viết về Cửa Lò, năm 2022; ca khúc “Tự hào Nghệ An” đoạt giải Nhì lĩnh vực âm nhạc trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người, văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” năm 2023, ca khúc này được đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Đô Lương biểu diễn và đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tỉnh Nghệ An năm 2024; ngoài ra Thế Thắng còn có hàng chục ca khúc viết về các làng, xã trong tỉnh thường xuyên được biểu diễn nhân các dịp lễ hội của địa phương.
Trước khi làm Chủ tịch Hội làm vườn Nghệ An Nguyễn Thế Thắng là anh giáo nghèo, từng lặn lội buôn bắp cải, buôn trầu cau, hoa quả, nuôi dế, trồng rau… từng mở nhà hàng chế biến, kinh doanh thành công các sản phẩm từ côn trùng như ve ve, rắn mối, châu chấu, dế, bọ xít, trứng kiến, đuông dừa… Nguyễn Thế Thắng có nghệ danh là “Thắng dế” bởi anh khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi dế mèn. Từ việc nuôi thử nghiệm một vài thùng, Nguyễn Thế Thắng đã phát triển thành cơ sở chăn nuôi có quy mô trung bình. Do không có mặt bằng đủ lớn, anh đã kí hợp đồng cấp giống và thu mua dế mèn thương phẩm cho bà con nông dân ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi có số lượng lớn và ổn định, Thế Thắng mở nhà hàng dế mèn, côn trùng để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá thành sản xuất. Cơ sở của anh cũng là nơi cung cấp dế thành phẩm cho nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Chính vì dấn thân và trải nghiệm, Nguyễn Thế Thắng được bà con nông dân ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tin tưởng mời đi tư vấn kĩ thuật nuôi trồng, kĩ thuật xây dựng vườn theo chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Nguyễn Thế Thắng cũng là diễn giả được Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh, các sở, các trường đại học, cao đẳng, các huyện mời chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, chuyển giao kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Là Thạc sĩ kinh tế, Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An, Nguyễn Thế Thắng chịu khó đọc, mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp của nhiều trang trại. Hàng tháng anh thường về các hộ sản xuất kinh doanh ở các địa phương để hướng dẫn làm vườn theo chuẩn nông thôn mới, hướng dẫn nuôi và trồng các loại cây, con đúng kỹ thuật. Anh đã đúc kết được nhiều kiến thức khoa học nông nghiệp, kiến thức kinh tế. Thế nhưng đi mấy cũng không xuể, Thế Thắng xác định cần tập hợp kiến thức nông nghiệp trong một tập sách để bà con đọc, hiểu và vận dụng. Vì vậy anh đã chọn cách xuất bản sách hướng dẫn kĩ thuật để giúp nông dân ứng dụng trong lao động sản xuất. Anh suy nghĩ, trăn trở chọn cách viết nào cho phù hợp, giúp bà con dễ tiếp nhận. Nếu viết hàn lâm có thể sẽ khô cứng, rườm rà gây chán nản, khó tiếp thu cho người đọc. Anh đã chọn viết thơ để truyền đạt kiến thức sao cho cô đúc, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ nhất.
Có thể chia tập thơ “Khoa học nhà nông” làm 4 phần: kĩ thuật nuôi các loại con (31 bài); kĩ thuật trồng cây (30 bài); cách ngừa bệnh cho cây, con; hướng dẫn về cách làm vườn, làm đất và một số kiến thức khoa học khác (31 bài); Chuyện đời tư gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của tác giả (8 bài).
Các bài trong tập thơ hầu hết được viết theo thể lục bát, giúp nông dân dễ thuộc, dễ nhớ, lại dễ hiểu.
Phần hướng dẫn trồng cây, nuôi con, tác giả nhắm vào những loại cây, con phổ biến, cây, con mới du nhập vào Việt Nam có lợi ích kinh tế cao nhưng đòi hỏi kĩ thuật chăm sóc như: nuôi bò nhốt chuồng, nuôi chồn hương, nuôi đà điểu, nuôi lợn rừng, nuôi hươu sao, nuôi cừu, nuôi dúi, nuôi thỏ, nuôi chim trĩ, nuôi dế mèn, nuôi bọ cạp, nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế, nuôi các loại cá… kĩ thuật trồng nho, trồng thanh long, trồng sen, trồng dâu tây… Mục tiêu của tác giả là truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên ngôn ngữ giản đơn nhưng cũng khá uyển chuyển:
“Muốn nuôi cá rô đầu vuông
Về nhà chia thửa chia khuông mà làm
Diện tích thì khoảng một ngàn
Bờ ao sạch sẽ đáy sàn bằng nhau”
Đi vào chi tiết, tác giả trình bày thật rõ ràng, mạch lạc:
“Một gang bùn đáy thật nhàu
Bảy yến vôi rải sạch làu khắp nơi
Một tuần để vậy mà phơi
Để diệt nấm khuẩn hại đời cá nuôi”
Ngoài hướng dẫn, tác giả còn cảnh báo đối với một số loài đắt đỏ, thị trường rất cần nhưng khó nuôi để nông dân cẩn trọng hơn:
“Bạn muốn nuôi giống chồn hương
Phải đi thực tế tìm đường học ngay
Lý do là chúng thế này
Giá thành đắt đỏ ngày nay làm giàu”…
Hàm lượng kiến thức được tác giả trình bày dễ hiểu:
Nói về loài sâu xám
Ta ngao ngán vô cùng
Mười ngày dạng ấu trùng
Ẩn mình dưới lòng đất
Gió nảy mầm phơ phất
Rồi bò lên cây trồng”…
Rồi các bước xử lý được trình bày cụ thể:
“Để không cho trứng rụng
Ta bẫy bướm bắt ngài
Trước canh tác mùa dài
Ta vệ sinh đồng ruộng
Làm sạch cỏ phơi luống
Dẫn nước ngạp phơi nông
Tiêu diệt hết ấu trùng
Mới đưa vào canh tác”….
Ngoài ra, tập thơ có nhiều bài giới thiệu các tri thức mới như: “Chế phẩm Anisaf có lợi ích gì cho cây”; “Công dụng viên nén Nano S.EM”; “Cách xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp”; “Nông nghiệp 4.0 là gì?”…
“Bài toán cung cầu” là vấn đề muôn thuở với nông dân. Được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn là bài toán khó giải. Tác giả gợi mở cho bà con một số hướng đi:
Thị trường bất chợt đỏ đen bất thường
Muốn thắng tìm hiểu đôi đường
Rồi về canh tác theo phương tìm cầu
Hoặc làm hội chợ bắt đầu
Hai bên gặp gỡ trúng thầu cả đôi
Hoặc về làm công ty thôi
Làm chuỗi giá trị đến nơi khách hàng”…
Nhờ kết hợp kiến thức nông nghiệp và kiến thức kinh tế, tập thơ chứa đựng nhiều thông tin hữu ích cho bà con nông dân. Trong xu thế “trí thức hóa nông dân” đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp, nông thôn thời công nghệ 4.0 đòi hỏi người sản xuất nông nghiệp phải nắm vững kiến thức khoa học, kiến thức kinh doanh thì đây là tập sách có ý nghĩa công cụ hỗ trợ rất cao. Tuy nhiên thành bại phụ thuộc vào việc tiếp nhận thông tin, khả năng thực hành của mỗi người.
Châu An