Mỗi ngày, chúng ta được tiếp cận vô vàn luồng thông tin khác nhau từ trong nước đến quốc tế, trên đủ mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí,… Trong số rất nhiều những sự kiện ta được đọc, được xem hàng ngày ấy, có bao nhiêu điều lưu lại? Và, đã bao giờ ta tự hỏi: điều đó có ý nghĩa gì với mình?

   Có lẽ, phần lớn dòng thông tin sẽ trôi qua mỗi người mà đọng lại không nhiều, ngoài những ám ảnh liên quan đến vụ việc đau lòng hay ghê rợn. Dĩ nhiên, việc liên hệ là câu chuyện của từng cá nhân nhưng cách thức những người truyền tải thông tin, tổ chức sự kiện cũng có một tác động không nhỏ. Các sự kiện, khi gợi lại, không đơn giản chỉ để nhắc nhớ quá khứ, để thế hệ sau không lãng quên lịch sử, để tri ân một nhân vật nào đó mà quan trọng hơn là bài học nó mang đến cho mỗi một cá nhân cũng như quốc gia trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Nói cách khác, các sự kiện không nên chỉ được tuyên truyền như một nhiệm vụ chính trị đơn thuần mà phải làm sao để chúng thực sự gắn bó và có ý nghĩa với mỗi người dân. Chỉ như vậy mới tránh được cách làm truyền thông đơn giản, nhàm chán, sáo mòn. Đó cũng chính là điều cần được đặc biệt quan tâm khi tuyên truyền kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và lễ hội Làng Sen.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An). Ảnh: Trang Đoan

    Hàng năm, khi tháng 5 về, không chỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà khắp cả nước diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Những chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật; những nghi lễ linh thiêng và trang trọng,… là cần thiết để tri ân Người song có lẽ quan trọng hơn cả là phải làm sao để truyền đạt và làm sống lại những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay. Lẽ dĩ nhiên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không phải là câu chuyện trong một ngày, hai ngày mà phải trải dài cả cuộc đời, nối tiếp qua nhiều thế hệ song những dịp kỷ niệm như thế này chính là cơ hội tốt để chúng ta nhấn mạnh hơn; để mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên thêm một lần nghiêm túc tự soi vào và nhắc nhở mình. Chúng ta nhìn vào Người để nhắc bản thân rèn luyện cái tâm trong sáng bởi chỉ có cái tâm trong sáng mới là chìa khóa giải quyết tận gốc những vấn nạn xã hội hiện nay như tham nhũng, hối lộ, xuống cấp đạo đức; giải quyết những mâu thuẫn, xung đột.

   Thời gian qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi trên khắp cả nước và thu được một số kết quả khả quan. Điều to lớn nhất mà nó đem lại có lẽ là đánh động vào lương tâm của các cán bộ, đảng viên; khiến họ phải tự soi lại mình, cẩn trọng hơn trong lời nói và hành động. Công cuộc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, cũng nhờ đó có những tín hiệu khả quan khi nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng; nhiều lãnh đạo, kể cả cấp cao, đã phải trả giá cho những sai phạm của mình. Theo số liệu báo cáo tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng giai đoạn 2013 – 2020, hơn 87.000 đảng viên đã bị kỷ luật, trong đó có đến 113 cán bộ cao cấp diện trung ương quản lý. Từ năm 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ (24.410 bị can), xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ (22.600 bị cáo) về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đáng chú ý, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng cũng đã được đưa ra ánh sáng. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2020, có 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan thanh tra nhà nước với 105 cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực(1). Đặc biệt, thời gian qua, chúng ta đã mạnh tay xử lý những sai phạm trong lĩnh vực y tế mà tiêu biểu là hàng loạt cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ nâng giá kit test Covid – 19 của Công ty Việt Á. Trong một giai đoạn mà tính mạng con người cần phải được đặt lên trên hết; một giai đoạn mà cả nước đều căng mình chống dịch, Nhân dân dù thiếu thốn vẫn quyên góp tiền của, chung sức cùng chính quyền dập tắt dịch bệnh thì những kẻ có trách nhiệm lại tìm cách tư lợi. Đó là một biểu hiện của sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng và cũng là dấu hiệu cho thấy phong trào học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cần được đẩy mạnh hơn nữa để thấm sâu vào từng đảng viên, cán bộ. Những ràng buộc pháp lý, những cơ chế kiểm soát quyền lực, những chế tài mạnh mẽ lúc này rất cần thiết để răn đe, xử lý cán bộ sai phạm nhưng về lâu dài chúng ta phải làm sao để lựa chọn những người đủ đức đứng vào vị trí ấy; phải làm sao để khi nắm trong tay quyền lực, họ không bị lung lay bởi cám dỗ của vật chất. Dẫu biết tiền và quyền luôn có một ma lực rất lớn khiến người ta lắm lúc không làm chủ được mình, khiến họ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích nhưng nếu một người làm quan biết tự trọng và giữ được cái tâm sáng thì họ sẽ có bản lĩnh để vượt qua cám dỗ.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ kiệt xuất mà còn là một nhà báo xuất sắc và luôn quan tâm đến sự phát triển của báo chí. Không phải ngẫu nhiên hay lạc dòng khi đề cập đến điều này mà bởi tháng 5 cũng là dịp người cầm bút không quên kỷ niệm Ngày tự do báo chí thế giới (3/5). Bởi, hơn ai hết, mỗi nhà văn, nhà báo phải luôn không ngừng học tập và làm theo tấm gương của Người. Bởi đạo đức chính là yếu tố quan trọng hàng đầu của người cầm bút. Bác căn dặn: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Chỉ khi có một cái tâm sáng chúng ta mới không chạy theo lợi nhuận, không cẩu thả trong nghề nghiệp, không im lặng trước cái xấu, cái ác. Chỉ khi có tấm lòng trong ta mới dám đứng về phía người yếu thế để đấu tranh chống tiêu cực, để bảo vệ lẽ phải, để nói lên tiếng nói trung thực. Các nhà báo, văn nghệ sỹ phải thực sự đồng hành, bám sát với thời đại, với đất nước; phải phản ánh những gì diễn ra một cách trung thực, khách quan. Những bài viết không thể chỉ là dòng chữ đẹp đẽ mà sáo rỗng hay những câu chuyện hời hợt, nhạt nhẽo nhằm tán dương, ru ngủ nhau. Dẫu biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là lan tỏa những điều tốt đẹp, gương người tốt việc tốt nhưng sự phản ánh đó phải trung thực chứ không thể là những lời có cánh ngợi ca thái quá hay những câu chuyện được tô vẽ. Bên cạnh đó, khi phản biện, đấu tranh chống tiêu cực thì báo chí cũng cần bám sát thực tế; không thổi phồng, không bôi đen, bóp méo sự thật. Việc phản ánh sự thật sao cho thấu đáo, hiệu quả nhất là câu chuyện không hề dễ dàng, đòi hỏi những nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ phải thực sự dấn thân, bám sát diễn biến sự việc, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thu thập thông tin và lựa chọn cách thức truyền tải phù hợp. Để làm được những điều đó, luôn cần có bản lĩnh, trí tuệ, sự lương thiện và một môi trường thuận lợi. Đó là môi trường mà họ được tự do biểu đạt, sáng tạo trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 12/5/2022. Nguồn ảnh: Báo Thanh niên

    Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại bài học sâu sắc về tinh thần quốc tế trong sáng. Đoàn kết quốc tế trong tư tưởng của Người xuất phát từ chính lòng yêu thương con người, sự đồng cảm với những dân tộc bị áp bức, bóc lột; vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ chung của nhân loại. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động với những thay đổi địa – chính trị phức tạp như hiện nay, việc nêu cao tinh thần ấy là hết sức cần thiết để chúng ta xác định đúng vị trí, mối quan hệ của mình và có đường lối đối ngoại phù hợp. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 12/5/2022, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa đã khẳng định tinh thần ấy khi nhấn mạnh: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác, còn cạnh tranh phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”. Thủ tướng khẳng định “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.” Là một quốc gia trải qua biết bao đau thương của chiến tranh để có được ngày hôm nay, Việt Nam hiểu hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình và sức mạnh của chính nghĩa. Việt Nam đã có đủ bài học để biết lựa chọn đứng về hòa bình, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế. Và, sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta một lần nữa nhấn mạnh điều đó trong những ngày thế giới đang hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (29/5). Có thể nói, thời gian qua, hình ảnh những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã truyền đi bao thông điệp đẹp đẽ đến với thế giới. Thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, một Việt Nam nhân văn và có trách nhiệm trước các vấn đề chung của nhân loại!

   Thấm nhuần tư tưởng và tiếp nối những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn để xây dựng một Việt Nam nhân nghĩa, hòa bình, thịnh vượng, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế và trở thành một quốc gia đáng sống hơn chính là điều thiết thực nhất để kỷ niệm ngày sinh của Người, để tri ân Người. Thiết nghĩ, đó cũng chính là điều lớn nhất mà Người mong muốn ở thế hệ mai sau chứ không phải là những buổi kỷ niệm hoành tráng, những công trình, những tượng đài,…Và có lẽ, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng nên có sự điều chỉnh theo hướng thực chất, hiệu quả và tập trung hơn. Chúng ta phải làm sao để lan tỏa những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Người trong đời sống, trong mỗi trái tim người Việt; phải làm sao để mỗi hoạt động kỷ niệm hôm nay đều thực sự có ý nghĩa; để khi soi vào đó, ta thấy lòng mình trong sáng hơn!

Trang Đoan

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 23, phát hành tháng 5/2022)


  1. Theo thông tin từ trang Ban Nội chính trung ương, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202202/thach-thuc-va-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-o-nuoc-ta-hien-nay-310641/.