Phan mê mẩn ngắm rừng đào cổ thụ bát ngát sắc hoa hồng thắm trên nền xanh của dãy Pù Leng hùng vĩ. Phan đã đến Tây Tạng, Nam Kinh, Mông Cổ nhưng không đâu làm anh mê mẩn như rừng đào này. Những cây đào mọc lên từ đá xám. Cây oằn oại, uốn lượn dáng rồng, cây cụt ngọn chỉ còn ụ gốc hình thù cổ quái, già nua có đến mấy chục chân như những chiếc vòi bạch tuộc bám chắc vào đá núi… Cây nào cũng khoác vẩy rong rêu, xù xì mốc thếch như những thân cây đã chết. Nhưng, những mầm non bật lên trên mình nó đầy sức sống. Và hoa, những cánh hoa dịu dàng, e ấp như môi cười thiếu nữ. Phải chăng tinh túy của ngàn năm, của sông núi đất trời đã giao hòa với nhau tạo nên sắc hoa kiều diễm?!

Phan là tiến sĩ, giảng viên của trường đại học Tokyo, khoa nghiên cứu châu Á, châu Phi. Phan đến Tương Dương để nghiên cứu về tộc người Ơ Đu – dân tộc ít người nhất Việt Nam. Đang mải mê với rừng đào, với những dự định, chợt một người con gái khoảng đôi mươi bận bộ đồ thổ cẩm, chít khăn màu xanh trứng sáo xuất hiện trước mặt làm Phan giật mình. Anh định buông tiếng chào thì cô gái nhanh nhảu: “Chào tiến sĩ Phan!” Phan ngạc nhiên:

– Cô là ai? Sao cô biết tên tôi?

– “Em là nữ thần Nậm Nơn, là thổ địa rừng đào nên cái gì cũng biết. Em còn biết anh là người Nhật gốc Việt nữa”, cô gái cười tinh nghịch.

Cô thật vui tính. Phan nghĩ có lẽ cô làm ở Phòng Văn hóa huyện mới biết về anh.

– Ồ! Chào nữ thần, cô thật xinh đẹp, xứng đáng là nữ thần!

– “Không dám…”, cô gái cười bẽn lẽn.

– Này nữ thần, cô có biết nguồn gốc của rừng đào này không?

– Biết! Anh thấy rừng đào như thế nào?

– Trên cả tuyệt vời. Tôi như lạc vào xứ tiên. Rừng đào này phải đến mấy trăm năm tuổi nhỉ?

– “Anh đến lạ, ai lại hỏi tuổi đào”, cô gái cười, nụ cười như hoa đào nở, “anh về đây nghiên cứu đào à?”

– Không! Tôi nghiên cứu về tộc người Ơ Đu.

– Anh về đây nghiên cứu bao lâu?

– Tôi ở một tháng nhưng nơi này làm tôi rất thích, cái gì cũng thú vị. Tôi sẽ ở lại thêm một thời gian.

– Anh nên ở lại, càng ở lâu anh càng khám phá những điều rất kì lạ ở vùng rừng núi này.

Cô gái cười, nụ cười như hoa đào, đôi mắt lúng liếng. Phan nhìn vào đó chợt mênh mang một xúc cảm lạ. Như cung đàn ai đó vừa chạm tay vào ngân lên. Phan nhìn dòng Nậm Nơn trong xanh uốn lượn như dải lụa êm đềm giữa hai dãy núi cao chót vót, thốt lên: “ôi nữ thần Nậm Nơn, nữ thần dòng sông!” Phan và cô gái ngồi trên tảng đá phẳng lỳ bên gốc đào cụt ngọn nói chuyện thân mật như thể họ đã quen nhau từ lâu.

“Này nữ thần, cô có thể kể cho tôi nghe về rừng đào này không?” Một làn gió thoảng tới, muôn ngàn cánh hoa đào rắc như mưa. Những làn mưa hoa tuyệt đẹp. Tiếng chim pa rinh ríu ran chuyền cành, có những con tinh nghịch nhào theo những cánh hoa rơi. Cô gái nhặt cánh hoa đào, nhíu mày ngắm nghía như thể trong cánh hoa lưu giữ cả nguồn cội của nó. Cô kể rằng.

“Ơ Đu xa xưa cũng có vua, có cung điện, thành quách, có tiếng nói và chữ viết riêng. Nhưng, do xung đột với các tộc người khác nên Ơ Đu bị tiêu diệt. Một cuộc thảm sát đẫm máu. Dòng Nậm Mộ máu đỏ suốt mấy năm ròng. May mắn thay, người Ơ Đu chưa tuyệt diệt, vẫn còn một số người trốn thoát. Họ trốn vào rừng sâu, thay tên đổi họ, giấu biệt gốc tích để tránh hoạ diệt vong. Cuộc sống chui lủi nơi thâm sơn cùng cốc như muông thú khiến một số người đã bị ma hủi tấn công. Bệnh hủi khi đó là một bệnh gớm ghiếc, họ sẽ bị đuổi khỏi cộng đồng. Anh biết đuổi như thế nào không? Thế này nhé! Năm chuỗi hú nối tiếp nhau lúc nửa đêm vang vọng khắp đại ngàn. Đó không phải tiếng hú của loài vượn, loài hắc tinh tinh mà là tiếng hú của con người, của tộc trưởng Ơ Đu. Âm thanh của chuỗi hú làm cho màn đêm rùng mình, gió ngừng lay, búp cây đang hé môi cười bỗng khép lại, con chồn rụt cổ vào hang, chúa sơn lâm đang rình mồi chợt cụp đuôi, dỏng tai ngơ ngác. Tiếng hú đã lôi người từ lưng chừng đỉnh Pù Leng đổ xuống, từ hữu ngạn hai bờ sông Nậm Nơn, Nậm Mộ kéo lên, ánh đuốc bừng sáng như những con rồng lửa trườn về chân thác Piêng Ơng. Màn đêm vỡ oà bởi tiếng người, bởi đống lửa như trái núi cháy đùng đùng và tiếng thác gầm gào. Người vây xung quanh đống lửa la hét. Cạnh đống lửa là chiếc thuyền độc mộc được khoét từ cây gỗ Pơ mu, một loài gỗ thơm đuổi được cả ruồi muỗi. Trên chiếc thuyền một người đàn ông, hay một người đàn bà ngồi ủ rủ, hai bàn tay bị cụt được vấn bằng thứ vải màu nâu xỉn; hai chân cụt ngón bị ma hủi ăn đỏ lòm, dòi bọ lúc nhúc. Ánh lửa da cam ma quái táp vào mặt vẫn không xoá được nét tái xanh vì sợ hãi của họ. Người đàn ông, đàn bà kia chút nữa sẽ vĩnh viễn biến khỏi lũ người. Họ xem bệnh hủi là bệnh gớm ghiếc nhất, con ma hủi cần được đuổi vào rừng. Anh sẽ như chiếc lá bị bứt khỏi cành, không được xào xạc ca hát cùng gió. Anh, chị sẽ không còn được sống với vợ con, với chồng con, với bản làng. Ôi biệt ly, giây phút cuối cùng! Ôi! Quãng đời người vón vào những giây phút biệt li đang quay cuồng trong đầu anh, đang cô lại thành nước trong mắt và nó tuôn trào như suối, nhưng cũng có kẻ mắt khô khốc. Vì sao ư? Vì còn đâu nước mắt nữa mà khóc. Mỗi người, Phà chỉ cho từng ấy nước mắt, khóc cạn rồi thì thôi. Chỉ một lát nữa thôi, anh sẽ được uống một vò rượu, ăn một đùi lợn rừng nướng. Sau đó, hai tráng niên sẽ đưa anh vượt thác, đến bờ bên kia họ sẽ bỏ anh lại. Anh sẽ ở đó để làm mồi cho hổ báo, cho chó sói. Anh không thể quay trở về được nữa. Lũ người, kể cả người thân của anh không ai rơi nước mắt, họ la hét và uống rượu. Thật man rợ!

Minh họa của Tiến Dũng

Một mùa rẫy, tộc trưởng phải hú vài lần đồng nghĩa với việc có hai người phải sang sông. Sang sông được tổ chức nghi lễ như vậy đấy. Bên kia sông là một cánh rừng ma thiêng, đầy hổ báo và chó sói. Họ sẽ bị hổ báo, chó sói ăn thịt? Đúng vậy! Nhưng họ không muốn chết. Chẳng có sinh vật nào muốn chết. Ma hủi gặm dần da thịt, gặm dần tinh thần nhưng họ vẫn muốn sống. Vậy thì phải đấu tranh. Một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt giữa những con người cụt tay, cụt chân không tấc sắt trong tay với hổ báo, chó sói, với khắc nghiệt của rừng thiêng đã diễn ra. Cuộc chiến đó như thế nào anh thử tưởng tượng đi. Nó kinh khủng và gay cấn nhất trong tất cả các cuộc chiến. Thế mà họ không chết. Những người sống sót họ lại tìm đến nhau, tựa vào nhau để chiến đấu, sinh tồn. Ma hủi gặm dần da thịt nhưng chưa bao giờ gặm ham muốn, gặm bộ phận sinh dục. Tự nhiên như cây rừng họ vẫn sinh con đẻ cái.”

Phan nổi da gà khi hình dung những con hổ đói và đàn chó sói đuổi theo những con người tội nghiệp kia. Và họ sống như thế nào được nhỉ?

– Này cô, vùng rừng núi mà họ bị đưa đến ở đâu vậy?

– Nó là nơi anh ngồi, là nơi anh nhìn thấy. Anh có thấy nơi này có điểm gì khác không? Đây là nơi nóng nhất Đông Dương và mùa đông thì buốt giá. Thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ, những con người bị ma hủi gặm nhấm vẫn sống, vẫn sinh sôi. Khi họ đến đây, những cây đào này gặp hơi người mới nở hoa. Nghe bảo cả ngàn năm rồi nó chưa nở. Nó xù xì những vẩy nên gọi là đào vẩy rồng hay đào hủi. Anh thấy nó mọc trên đá chứ? Những người hủi họ nhìn đào để sống. Họ sống bằng cách nào anh biết không? Nhiều cách. Phà không lấy hết của ai đâu. Cái này khuyết thì cái kia bù. Họ không có tay chân thì có miệng. Họ dùng miệng vặt lá rừng ăn như nai, như hươu. Anh biết họ bắt cá như thế nào không? Họ dùng chân khoắng vào hang hốc cho cá nhảy lên rồi lấy miệng tớp. Họ tớp trúng phóc. Không bàn tay, bàn chân nhưng họ bắt được cả bò tót nữa đấy! Họ làm được nhà trên những chạc cây cổ thụ… Họ sống bằng săn bắt và hái lượm, lấy lửa bằng đá, quần áo làm bằng vỏ cây… Cứ thế họ sinh sôi thành một bản “người hủi” sống biệt lập với thế giới bên ngoài.

Phan biết nhiều tộc người thiểu số, nhiều bộ lạc đang còn lạc hậu trên thế giới nhưng kiếp người hủi nơi rừng đào này thật đặc biệt, nó làm anh xúc động rơi nước mắt.

– Ồ! Anh cũng thật đa cảm!

– Vâng, tôi thấy tội nghiệp những con người ấy quá…!

Nắng quái nhuộm đỏ cả đại ngàn, những cánh hoa đào vẫn rắc như mưa, tiếng chim pa rinh vẫn ríu ran, tiếng thác nước Piêng Ơng rì rầm như lời tự sự.

Cô gái lại đưa bàn tay những ngón thon trắng ngà lên mái tóc gỡ cánh hoa đào, nhíu mày ngắm nghía như thể đang đọc trong từng cánh hoa câu chuyện về kiếp hoa, kiếp người mang tên hủi.

Một chiều nắng vàng mơ, mây trắng vờn bảng lảng, không biết chim ở đâu bay về nhiều thế, chúng chao lượn, tấu lên giàn hợp xướng đủ âm điệu, cung bậc làm thú trong rừng cũng chạy ra nhún nhảy, cá dưới sông vọt lên bờ. Và hoa đào bỗng nhiên nở bát ngát cả thung lũng Piêng Ơng. Không hiểu sao nó nở sớm thế, sớm hơn những mùa đào năm trước một tháng. Đó là điều không bình thường. Và không bình thường thật. Ở giữa rừng đào xuất hiện một người con gái lạ. Cô gái tóc dài chấm gót, đầu chít khăn xanh. Cô mặc chiếc quần lụa màu đen, chiếc áo nhuộm củ nâu rách te tua. Nhưng phía sau bộ quần áo tồi tàn kia là một thân hình tuyệt mỹ. Khuôn mặt cô mang vẻ đẹp vừa ngây thơ, thánh thiện vừa có cái gì đó già dặn, ưu tư. Đôi mắt đen thăm thẳm, ẩn chứa nỗi niềm sâu hun hút. Cô ngồi trên phiến đá nhìn hoa đào nở, cô cười, nụ cười như hoa đào, mắt ánh lên niềm vui vô bờ bến. Cô cứ nhìn mê mải như chưa bao giờ được nhìn mà chẳng hề biết những con người cụt tay, cụt chân đang bò lổm ngổm vây lấy cô, họ nhìn cô như một vật thể lạ từ trên trời rơi xuống. Mà lạ thật, cô ta đến đây bằng cách nào chứ? Chẳng ai biết cô đến đây bằng cách nào. Chỉ có Phà biết. Vậy cô là tiên giáng trần, là con của Phà? Cô gái không ngạc nhiên khi nhìn những người cụt chân cụt tay bò lổm ngổm, có người chẳng còn tai, còn mũi đang la hét nhảy múa xung quanh cô. Cô cười với họ nụ cười thân thiện. Họ cũng cười với cô, nụ cười thân thiện. Nhưng tiếng nói của cô họ không nghe được và ngược lại. Cô trở thành nàng tiên giữa đoàn người hủi. Miếng gì ngon nhất săn được, củ gì ngon nhất đào được họ đều đem đến cho cô. Cô được ở trong ngôi nhà trên chạc cây to nhất, chắc chắn nhất. Cô trở thành người con được ưu ái nhất của bản người hủi. Qua thời gian cô cũng hoà nhập, trở thành đứa con của rừng. Nhìn dấu chân, cô biết đó là dấu chân mang hay dấu chân nai; nhìn lá, biết củ mài, củ khủa nằm dưới đất to hay nhỏ. Biết được mùa hoa goẹt nở là mùa cá diếc, cá chày; mùa hoa đào thì cá lăng tìm bạn, cá gáy tìm đôi; mùa hoa chạc chìu là mùa các loài cá đi trẩy hội… Cô gái được nhóm người đặt cho cái tên là Lo Ơng Mây. Mây đi đâu cũng có một con hổ to bằng nửa con trâu mộng đi theo. Con hổ này, trong một lần đi hái măng, Mây thấy nó bị thương nằm trong bụi lồ ô, hông bị toác một miếng lớn, người gầy thấy được những dẻ xương sườn. Vết thương bốc mùi thối nhức xộc lên tận óc, những con dòi bằng chiếc đũa bò nhung nhúc. Mây cầm ngọn lao định kết liễu đời con vật nhưng thấy nó rên như tiếng người, đôi mắt nhìn Mây như van lơn tha mạng, nước mắt nó từng giọt rơi xuống. Nó đã thôi thúc lòng trắc ẩn của Mây, lòng trắc ẩn đã làm tan biến nỗi sợ hãi. Mây lấy lá piên-ran, một loài lá làm thuốc bí truyền của người Ơ Đu để chữa trị cho nó, mang thức ăn cho nó như chăm người ốm. Gần một mùa trăng thì con hổ khỏi hẳn. Để trả ơn cứu mạng, con hổ ngày nào cũng tha về cho Mây khi thì con lợn, khi thì con nai, con hoẵng… Nó luôn quấn quýt bên Mây không muốn rời. Nó như một thợ săn siêu đẳng và mẫn cán. Nó trở thành trợ thủ, một vệ sĩ đắc lực của cả bản người hủi. Tình thương của con người đã cảm hóa được dã thú, hay thiên nhiên nguyên thủy đã làm cho con người và dã thú xích lại gần nhau? Chẳng thể nào lý giải nổi, chỉ biết con hổ và Lo Ơng Mây rất quấn quýt bên nhau. Mây đặt tên cho nó là Cún.

Sáng, Mây đang như đứa trẻ nhảy nhót nô đùa với những cánh hoa đào rắc như mưa chợt con hổ gầm lên một tiếng lao về phía bờ sông, Mây giật mình chạy theo. “Cún! Dừng lại”. Trước mặt Mây là một người đàn ông nằm sấp bên mé nước, đầu gác lên bờ, máu từ người hắn loang đỏ một vùng. Mây lại gần đặt tay lên mũi hắn. Còn sống! Con hổ giúp Mây lôi hắn lên bờ. “Hú hú…hu…”, tiếng hú của Mây kéo cả bản hủi tập trung bên bờ sông, họ la hét, nhảy múa. Người đàn ông bị viên đạn bắn vào bả vai, viên đạn phá một miếng bằng cái bát trước ngực. Chính lá piên-ran, một loài lá làm thuốc kỳ diệu của người Ơ Đu đã cứu sống hắn.

Khi tỉnh dậy, thấy những hình nhân kì quái bò lổm ngổm xung quanh, hắn kinh hoàng ngỡ như đang ở dưới quỷ môn quan nên chết giấc một lần nữa.

Cô ngồi xuống nâng đầu hắn dậy, kề ống bương vô miệng hắn: “Uống đi anh! Thuốc lá piêng-ran sẽ làm cho vết thương mau lành”. “Mình chết thật rồi. Đây là quỷ môn quan? Nghe bảo, phải qua chín tầng địa ngục. Có lẽ đây là địa ngục đầu tiên”. Hắn nghĩ vậy và sợ hãi cắn chặt răng không chịu uống. Nhưng miệng ống bương đã khéo léo dốc cạn vào họng hắn. Hắn cảm giác một thứ trùng gì đó đang chạy khắp cơ thể. Hắn chờ đợi… Đau! Đau lắm. Hắn thấy như có hàng trăm con bọ cạp cắn xé trong lồng ngực.

– “Anh chịu khó uống thuốc. Mươi hôm vết thương sẽ kín miệng. Thuốc đang chạy đó”, – cô gái nói.

Cơn đau đã làm cho đầu óc hắn tỉnh táo. Mình chưa chết. Nhưng tại sao bị bắn rơi từ trên thác xuống mà chưa chết? Phải chăng cô gái kia đã cứu mình? Hắn thều thào “Cô đã cứu tôi?” Cô gái mỉm cười gật đầu.

– “Cảm ơn… cô đã cứu… mạng. Nhưng, đây là… đâu?” Hắn liếc mắt về phía cửa hang.

– Con Cún hắn hiền như con chó nuôi thôi. Anh đừng sợ! Đây là hang Tạc Ngoi. Thuốc lá piêng-ran và nước trong hang ni đã cứu anh đó. Em tên Mây. Còn anh tên gì?

– Bư…ờ…ng…

Con hổ ngẩng cổ tru một hơi. Hắn giật mình sởn da gà khi thấy từ cửa hang những dị nhân cụt tay cụt chân, không tai, không mũi lũ lượt đi vào. Họ la hét và nhảy múa. Hắn nhìn cô gái cầu cứu. Cô gái cười: “Đây là những người bà con của em. Họ mừng cho anh đã sống lại đó”. Những cảnh tượng từ lúc tỉnh đến giờ hắn không tài nào hiểu nổi, cứ như thực, như mơ. Hắn cảm giác như đang ở một thế giới khác. Hắn cảm giác như vậy cũng đúng thôi. Hắn đang ở nơi đầu sông, gần trời, suốt ngày bảng lảng mây trắng vờn. Những ngôi nhà như tổ chim trên chạc cây cổ thụ. Hổ bạn với người. Và, những con người mất chân, tay, mất tai, mất mũi với những ngôn ngữ chẳng thể nào hiểu nổi…

Hắn được cô gái cứu từ chân thác Piêng Ơng lên nhưng chính lá piêng-ran, linh dược của người Ơ Đu đã cứu sống hắn. Vết đạn bắn sau lưng xoáy ra trước ngực bằng quả vả thế mà chỉ mươi ngày vết thương đã kín miệng. Hắn đã dậy đi lại được. Cô hỏi hắn tại sao bị thương? Hắn bảo: “Tui đi cướp bị người ta bắn! Tôi là tướng cướp, cô sợ không?” Nhìn khuôn mặt với vết sẹo dài từ đuôi mắt trái đến mang tai và thân hình vằn vện những hình xăm, cô tin hắn nói đúng. Nhưng, nơi rừng thẳm này không có khái niệm về cướp. Con hổ kia còn vằn vện gấp mấy lần hắn ấy chứ. Vậy mà nó trở nên thân thiết với cô đấy thôi. Cô không giật mình với hai từ tướng cướp nhưng cô tò mò:

– Tại sao anh lại thành tướng cướp?

– Chán đời, chán người!

– Vì sao?

Những ngày qua cô luôn túc trực bên hắn, bón cho hắn từng thìa cháo, ân cần đắp thuốc, làm vệ sinh cho hắn như người mẹ chăm con. Những con người nơi đây thật tốt bụng, có miếng gì ngon nhất họ cũng đem đến cho hắn. Người ta bảo hắn mặt sắt, vui không ai biết, buồn chẳng ai hay nhưng giờ đây ngồi trước mặt cô khuôn mặt hắn xô đầy tâm trạng. Phải chăng tình thương của cô gái, của những con người nơi đây hay thiên nhiên hoang sơ đã làm biến đổi hắn? Một xúc cảm như mạch nguồn tươi mát, đang lan tỏa trong hắn. Hắn im lặng nghe tâm hồn sa mạc của hắn trở mình. Bỗng nhiên hắn bật khóc, tiếng khóc tức tưởi, hắn cắn bật máu môi mà không kìm được. Có lẽ đời hắn bây giờ mới được khóc ngon lành vậy! Cô nhìn hắn khóc, bối rối chẳng biết an ủi thế nào. Cô chỉ biết lấy bàn tay dịu dàng của mình vỗ vỗ vào lưng hắn: “Nín đi anh. Con trai ai lại khóc!”

Số hắn là số chó đòi, sinh ra đang nằm nôi thì cha mẹ ly dị, bỏ hắn lại cho bà ngoại. Lớn lên ai cũng bảo hắn là đồ không cha không mẹ. Hàng xóm ai mất gì cũng bảo hắn lấy cắp. Mà thực tình hắn chẳng có tội tình chi. Hận đời, hận người, hắn đấm mấy thằng gãy răng cửa, sập mũi rồi bỏ nhà đi bụi và trở thành tướng cướp. Đơn giản thế thôi. Tướng cướp Trương Bường trở thành nỗi khiếp đảm khắp tuyến đường Thanh – Nghệ.

– Đận này tôi tổ chức cướp xe quá cảnh nhưng bị phát hiện. 3 thằng đi cùng bị bắt, tôi dùng súng chống trả hòng tẩu thoát thì bị dính đạn.

– Vết thương của anh sợ lắm. Em tưởng anh không qua khỏi.

– Cũng may ông trời cho tôi gặp cô. Ơn cứu mạng tôi nhớ suốt đời.

– Có gì đâu anh. Thấy người bị nạn thì ai cũng làm vậy thôi.

Từ khi biết mình chưa chết, hắn luôn nghĩ phải tìm cách thoát khỏi nơi này. Nhưng sẽ đi về đâu? Đời hắn chất chồng bao nhiêu tội lỗi. Lệnh truy nã đã dán khắp nơi. “Tại sao anh chưa đi?” Cô gái hỏi làm hắn giật mình, tưởng cô đọc được suy nghĩ của hắn:

– Tôi giờ cũng không biết đi đâu. Cô cho tôi ở lại?

– Tuỳ anh!

Cô nhìn lên dãy Pù Huông mây khói giấu một nụ cười. Cô hỏi vậy thôi chứ cô không muốn hắn đi một chút nào. Từ khi chưa có hắn, cô chỉ biết nói chuyện với dòng sông, với núi rừng, với hoa đào, với con hổ. Những người Ơ Đu này họ rất tốt với cô nhưng họ chỉ dành cho cô bằng tấm lòng, bằng hành động cụ thể chứ họ không biết nói chuyện và không thích nói chuyện. Họ trò chuyện bằng mắt, bằng nụ cười và ca hát nhảy múa.

– Mây này, người ở đây bị bệnh gì mà mất tai mất mũi thế?

– Hủi

Hắn thoáng rùng mình. Nhưng, máu giang hồ nghĩa hiệp trong hắn vẫn đầy. Ân đền, oán trả. Họ có ơn cứu mạng và đối xử tốt với ta thì ta ở lại. Sợ gì!

– Tại sao mà nhiều người bị như vậy?

– Em cũng không biết. Họ là người Ơ Đu. Tộc người này ai bị hủi là cho đóng thuyền đưa sang sông. Sang sông là đồng nghĩa với làm mồi cho hổ báo và chó sói. Vùng này như anh thấy đó. Hổ báo, chó sói, rắn rít nhiều vô kể.

– Vậy mà họ vẫn không bị hổ và sói thịt?

– Họ có bùa chú. Em nghe kể, già Tốn khi bị đưa sang sông, đàn sói hàng trăm con đến vờn như vờn quả bóng. Lúc đó trên đỉnh Pù Huông bỗng nhiên xuất hiện một đại hào quang bao bọc lấy người già nên hổ, chó sói không động được đến người. Sau, thần núi cho già mấy câu bùa chú. Thấy thú dữ, lẩm nhẩm trong mồm là linh nghiệm.

Hắn chẳng bao giờ tin chuyện ma cỏ hay thần linh, nhưng ở nơi thung lũng Piêng Ơng này hắn tin điều đó. Hắn đã thấy già Tốn cụt hai chân phi thân từ ngọn núi Pù Huông qua sông Nậm Nơn cắp về con chim chao cho ro. Hắn đã thấy cụ bà Lo Leng ngậm hạt po nao phụt chết con hoẵng cách xa vài quăng dao… Đối với hắn nơi đây thật huyền bí. Chính cô gái đang ngồi truớc mặt hắn đây cũng đầy bí ẩn.

– Mây này, tại sao ở đây chỉ có cô nói được tiếng Kinh?

– Em cũng là người Kinh mà.

– Nghe giọng nói của cô tôi cũng ngờ ngợ cô không phải người trên này. Nhưng, tại sao cô lại ở đây?

Cô buông tiếng thở dài. Bao nhiêu năm làm con của rừng bây giờ cô mới bật tiếng thở dài. Hắn đã gợi cho cô những nỗi đau đời mà bấy lâu cô đã cố quên đi.

– “Em ở vùng Phủ Diễn. Cha mẹ em cũng là người bị bệnh hủi”. Cô nghẹn ngào đưa hai bàn tay ôm lấy mặt. Quá khứ theo lời kể của cô đau đớn xô về.

Ngày đầu tiên đi học cô bị lũ bạn ném đá xua đuổi. Chúng vừa ném vừa hét “Cút đi đồ hủi! Ném chết con hủi”. Cô ôm đầu đầy máu chạy về phía biển, vục đầu vào cát mà khóc. Chỉ có biển mới hiểu nỗi đau của cô. Biển lau nước mắt cho cô và ru cô ngủ. Đau đớn, tủi hận nhưng cô không bỏ học. Khát khao con chữ đã giúp cô chống chọi với những bất hạnh đoạ đày của kiếp người và sự kỳ thị của mọi người để học, để sống. Tuy lớn lên trong bất hạnh, đói nghèo và khổ ải nhưng cô càng lớn càng xinh đẹp như đóa dương thủy nở hiếm hoi dưới đáy đại dương. Đàn ông từ trẻ đến già ai cũng nhìn cô thèm thuồng. “Nhìn thôi. Không ăn được. Quả ngon nhưng độc lắm”. Họ nói với nhau vậy. Họ cũng sợ hủi lây lắm chứ. Chả dại gì lao vào chỗ chết. Nhưng có một chàng trai không sợ chết. Chàng ôm chặt cô vào lòng. Bất chấp hủi, bất chấp tất cả. Anh sẽ yêu em suốt đời. Không ai chia lìa được chúng ta. Mây ngập chìm trong hạnh phúc. Nhưng một kẻ chia lìa được. Đó là mẹ chàng. Bà lấy tay chèo chĩa vào mặt cô. “Đồ mèo mả gà đồng. Đồ phong hủi mà dám quyến rũ con bà. Bà cho mày tuốt xác”. Cô bị phang hai tay chèo nằm quay đơ trên bờ biển. Còn chàng, bà nắm tai lôi về như lôi con nghé. Vậy là chàng chẳng dám chết bởi tình yêu. Chàng bỏ mặc nàng sống chết. Đau đớn, nhục nhã, cô bò về với biển. Biển ôm cô vào lòng ve vuốt: “Cô gái! chết làm gì. Ta không muốn cô chết đâu. Dũng cảm lên cô bé, còn sống, còn hy vọng”. Biển đẩy cô lên bờ và cô đi như kẻ mộng du trong tiếng rì rầm của biển, trong bóng trăng huyễn hoặc. Một kẻ nồng nặc mùi rượu xông ra đè cô xuống bãi cát. “Thích thì mần đi. Cho mi mần!”. Mây nói trong người vậy! Cô không thiết gì nữa. Cô không chống cự, nằm im như xác chết. Nhưng kẻ đó rú lên một tiếng như lợn bị chọc tiết rồi vùng dậy chạy như ma đuổi. Thì ra trong ánh trăng hắn đã nhận ra cô. Con hủi.

Cô lồm cồm bò dậy. Cô cứ đi, đi mãi chẳng biết bao nhiêu ngày. Cô đến một cánh rừng đầy hoa đào và cứ theo rừng sâu đi mãi, đi mãi cho đến lúc gặp con thác Piêng Ơng. Đây rồi. Ngọn thác gầm gào sâu chót vót sẽ là nơi cô yên nghỉ. Cô gieo mình xuống dòng thác nhưng ngọn thác đã nâng cô lên như nâng cánh hoa đào rồi đặt cô lên phiến đá. Và cô trở thành người con của bản hủi.

Phà run rủi cho những thân phận ấy dồn về một chỗ? Hay chính con người đã đẩy những người bất hạnh đến thung lũng này? Mẹ thiên nhiên vĩ đại và bao dung chấp nhận tất cả. Và cũng chính số phận đã đẩy họ đến với nhau. Hai mảnh bị đời vùi dập đã trôi về bên nhau. Đồng cảm và sẻ chia…. Hai con tim của hai kẻ bất hạnh đang rung lên cung đàn muôn điệu. Cung đàn lần đầu tiên ngân nga trong họ. Hắn, tên tướng cướp vẫn sợ ma hủi lây vào máu nhưng tình yêu của hắn lớn hơn tất cả. Trên phiến đá phẳng như chiếc giường dưới cây đào cụt ngọn đã diễn ra cuộc truy hoan giữa hắn và cô gái. Hai người mê đắm ngập chìm trong nhau. Ngập chìm trong xác hoa đào rơi, trong tiếng thác Piêng Ơng reo ca, thì thầm muôn thuở. Sau cuộc truy hoan đó Mây mang thai và sinh một bé trai. Thật kì lạ trên trán đứa trẻ có in hình bông đào đỏ. Phải chăng bông hoa ấy đã được Phà chạm khắc ghi kỷ niệm rừng đào và tình yêu vĩnh hằng? Ôi tình yêu thật vĩ đại, nó làm cho những điều không thể trở thành có thể!

Bộ lạc hủi thêm một gia đình mới. Người chồng hàng ngày vào rừng săn bắn, vợ địu con đào củ, hái măng. Con Cún cũng là một lao động chính và là vệ sĩ trung thành. Rồi một bé gái nữa ra đời. Hạnh phúc và nụ cười luôn đầy ắp trong căn nhà trên chạc cây pơ mu cổ thụ. Hai kẻ bất hạnh đã tìm được nơi nương náu, đã tìm được hạnh phúc. Thung lũng Piêng Ơng, những con người hủi và tình yêu là đấng cứu rỗi linh hồn họ. Nhưng, con người là loài động vật luôn đi về phía trước, chẳng ai muốn quay về cuộc sống thời tiền sử, chẳng ai muốn mãi mãi ở cùng với những người hủi. “Không thể ở đây mãi được em ạ. Con chúng ta phải có tương lai. Chúng mình rời núi đi!” Nhiều lần hắn thủ thỉ bên tai vợ như vậy. Cô cũng muốn về lắm chứ. Cô còn bố, mẹ. Không biết bây giờ họ sống như thế nào? Lòng cô cũng day dứt khôn nguôi. Rằng mình là đứa con bất hiếu. Quê hương gieo vào lòng cô đầy nỗi đau nhưng đó là nơi cô đã sinh ra. Ôi! Tiếng sóng mẹ biển cả dạt dào đang mênh mang trong lòng cô. Nhưng bây giờ, dẫu nhớ quê hương cũng chẳng thể quay về. Bởi quê hương còn nhiều nước mắt… Nghĩ đến trở về là cô sợ. Quá khứ của chồng, liệu pháp luật có dung tha? Rồi những sự kì thị, xa lánh của người đời?… Chồng con vào rừng săn thú rồi mà cô cứ bó gối ngồi vậy cho đến khi nghe tiếng ầm ào như có ngàn con trâu điên lồng lộn phi về, cô mới giật mình ngó xuống. Trời ơi! Lũ quét! Phía dưới chân cô là biển nước đỏ màu máu gầm réo cuốn phăng cây cối và mọi vật. “Anh ơi! Các con ơi!” Tiếng kêu của cô chìm nghỉm trong tiếng gầm của lũ. Cơn lũ đã cuốn trôi gần nửa số người của bản hủi. Mây như người điên sục từng bụi cây, lật từng xác người, cào cấu từng vũng bùn gọi tên chồng con cho đến khi kiệt sức nằm bẹp trong vũng bùn nhão nhoét. Con Cún cũng thở phì phò, dãi chảy ròng ròng vì suốt ngày tìm kiếm cùng cô! “Chồng con tao chưa chết đúng không Cún? Mi nói đi! Chồng con tao không thể chết, mi nói đi?” Con Cún rơi nước mắt gật đầu. Nó gật đầu vậy thôi chứ nó nghĩ chồng con Mây đã chết rồi. Nó là chúa sơn lâm đánh hơi tài gấp mấy lần chó mà sục cả ngày không tìm thấy thì không còn hy vọng gì nữa. Tại sao ông trời cứ giáng hết nỗi đau và tai hoạ xuống đời cô như thế chứ! Cô có tội tình gì chứ? Phải chăng cõi người là như thế? Ai mà biết được! Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào.

***

Có người bảo, chồng con cô Mây đã chết mất xác trong trận lũ kinh hoàng ấy. Cô mấy lần định nhảy xuống sông theo chồng con nhưng rồi không nỡ. Những đứa trẻ sinh ra nơi thung lũng Piêng Ơng rất cần cô. Cả bộ lạc hủi này rất cần cô. Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian. Chẳng có ai sống cùng nỗi đau mãi được, cần phải cố quên đi để sống. Niềm vui duy nhất của cô là dùng con chữ mình học được để dạy cho chúng – những đứa trẻ của bộ lạc hủi. Giấy vở là gốc cây, phiến đá, vách núi; bút là cành cây, than củi. Học để làm gì giữa chốn rừng sâu biệt lập với thế giới bên ngoài như thế này? Chẳng biết. Không chỉ mấy đứa trẻ học mà những ông bà già cụt tay, cụt chân, mất tai, mất mũi vẫn học. Hay thật! Một lớp học độc nhất vô nhị. Lớp học đặc biệt ấy và những con người hủi được phát hiện khi đoàn địa chất đi thăm dò khoáng sản. Vậy là các đoàn huyện, tỉnh, trung ương và quốc tế kéo về thăm sự kiện lạ. Một chiếc cầu treo được bắc qua sông. Đường vào bản hủi được thi công, cô giáo Mây được đặc cách vào biên chế, trở thành cô giáo cắm bản. Bản hủi đã sang trang, trở thành địa danh du lịch. Những người hủi được đưa đi chữa bệnh…. Nhưng cũng có người kể rằng, bà Mây chiều nào cũng ra bến sông ngóng từng chuyến đò qua. Bà vẫn tin, một niềm tin mãnh liệt rằng chồng con của mình đang sống ở đâu đó. Thế nào họ cũng sẽ về thăm bà. Cứ một mùa hoa đào về bà lại lấy dao chạm khắc trên phiến đá bên bờ sông một cánh hoa. Và rồi bà kiệt sức vì chờ đợi. Bà chết khi trên tay vẫn đang còn cầm con dao chạm bông hoa đào thứ 35. Bà được người dân nơi đây chôn dưới phiến đá có 35 đóa hoa đào như một tấm bia mộ. Bà Mây chết rồi nhưng con Cún vẫn không rời nấm mồ, thỉnh thoảng đêm trăng suông nó lại tru lên nghe thật thống thiết.

“… Trời ơi. Ta là đứa con của bản hủi ư? Là đứa con lưu lạc ư? Ta có nguồn gốc từ đây ư? Mẹ ơi! Em gái ơi! Nhưng! Không thể nào. Đó chỉ là giấc mơ thôi. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi! Nhưng kì lạ quá, mình cảm giác vùng rừng núi này rất thân quen. Nhưng hoa đào trên trán, chứng tích không thể chối bỏ. Mình tỉnh hay mơ đây? Sao thế này nhỉ?” Phan đứng dậy, anh cứ đi như kẻ mộng du trong thung lũng Piêng Ơng bảng lảng sương khói. Những ngôi nhà trên chạc cây không còn. Rừng núi vẫn hoang vu như chưa từng có sự hiện diện của con người. Nhưng chữ, trời ơi chữ! Những con chữ trên từng gốc cây, phiến đá như nhảy múa trước mắt Phan. Kìa! Cây đào cụt ngọn chỉ còn ụ gốc hình thù cổ quái mốc thếch, rỗng ruột, ngỡ như nó đã chết từ tám hoánh. Nhưng từ chỗ cụt trơ như khúc xương gẫy bỗng đâm lên một cành tươi xanh, bụ bẫm đầy những chồi non vươn lên kiêu hãnh. Phan cứ quỳ trước cành đào nhìn đăm đăm. Cành đào thật đời với sức sống mãnh liệt. Những nụ hoa bé xíu đang ngỡ ngàng ngó ra từ nách.

Lúc đó không biết chim từ đâu bay về nhiều thế. Và hoa đào bỗng nhiên nở đỏ cả thung lũng Piêng Ơng. Phan ôm lấy phiến đá bên suối rờ rẫm những cánh hoa, gào khóc nức nở. Trên trán anh có hình bông hoa đào đỏ. Bông hoa trên trán anh và những cánh hoa trên phiến đá không hiểu sao như cùng một khuôn đúc ra. Không hiểu sao ba mươi lăm đóa hoa đào trên phiến đá đồng loạt chảy ra những giọt nước đỏ màu máu. Người ta bảo. Đó là nước mắt của đá.

Tiến Dũng (Truyện ngắn đăng trên tạp chí Sông Lam số 26, tháng 8/2022)