Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 24 tháng 11 năm 2021 tại Paris, Pháp đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua. Việc UNESCO và các nước thành viên thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các danh nhân Việt Nam (cho đến nay nước ta đã có 6 danh nhân được tôn vinh) mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức, và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam.

Xung quanh thân thế, cuộc đời và thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương đến nay còn nhiều điều bí ẩn. Tuy nhiên, vượt lên trên những tranh luận về đời tư, về một số bài thơ đang được xem xét là “con ranh con lộn” (chữ của Đỗ Lai Thúy) không phải của bà, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương vẫn sừng sững đi vào lịch sử văn học, chiếm một vị trí đặc biệt, không thể thay thế trong văn học trung đại của dân tộc. Đã là người Việt Nam, không ai không biết, không thuộc một vài câu thơ, bài thơ của Hồ Xuân Hương. Trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam ngột ngạt, chịu ảnh hưởng sâu nặng của tư tưởng Nho giáo, thân phận người phụ nữ bị coi như hạng người bên lề xã hội, bị đủ thứ ràng buộc, nào “tam tòng tứ đức”, nào “nam tôn nữ ti”, nào “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”…; thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói phê phán mãnh liệt chế độ phụ quyền và những hủ tục của xã hội phong kiến; khẳng định quyền sống, quyền bình đẳng của người phụ nữ; đề cao khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ.

Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đã được nghiên cứu, tôn vinh trong nước, với các công trình tiêu biểu của Trương Tửu, Xuân Diệu, Nguyễn Lộc, Lê Hoài Nam, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Lê Trí Viễn, Đào Thái Tôn, Đỗ Lai Thúy… Đã có nhiều cách tiếp cận, giải mã thơ Hồ Xuân Hương từ các góc nhìn khác nhau: xã hội học, phong cách học, thi pháp học, phân tâm học… Không chỉ được đề cao trong nước, thơ Hồ Xuân Hương còn có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay thơ bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Bungari, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong khuôn khổ những bài viết, công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài mà chúng tôi có được (không kể các học giả người Việt ở nước ngoài), chúng tôi thấy âm hưởng chung là ca ngợi, vinh danh cuộc đời và sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương cả về nội dung và nghệ thuật. Các bài viết thường đặt Hồ Xuân Hương vào bối cảnh xã hội phong kiến phương Đông ngột ngạt để đề cao tư tưởng nữ quyền, khát vọng sống, sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương. Nhà Việt Nam học người Nga N.I. Niculin khẳng định: “Bà là con đẻ của thời kỳ mà nền tảng gia pháp của đạo Khổng ở Việt Nam đã bị rung chuyển (…). Hồ Xuân Hương không những chỉ tán thành những quan điểm tiên tiến đương thời mà bà còn lên tiếng bảo vệ những quan điểm ấy một cách bạo dạn, kịch liệt hơn bất cứ một người nào khác hồi đó”. Về sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương, tác giả cho rằng: “Thơ Hồ Xuân Hương là một cái gì khác thường. Hiện tượng văn học không chịu bó mình vào khuôn khổ của truyền thống, nó không có một mẫu nào tương tự trong văn học Việt Nam trước đó cũng như sau đó”. N.I Niculin cũng phân tích khá tinh tế về ý nghĩa giá trị của “con người tự nhiên”, về “tính dân chủ”, về mối quan hệ giữa “nỗi buồn” và “sự táo tợn” trong thơ Hồ Xuân Hương. Đặc biệt, vận dụng lý luận của M. Bakhtin về sáng tác của François Rabelais, nhà nghiên cứu người Nga đã có những phát hiện về “những truyền thống văn học dân gian có liên quan đến Hồ Xuân Hương”: “Cũng như M. Bakhtin đã nhìn thấy “ở Rabelais đỉnh cao của xu hướng phi chính thống” trong sáng tác dân gian vốn chỉ xâm nhập có mỗi một lần vào văn học cao cấp thời Phục hưng tại châu Âu, chúng ta cũng có thể xem sáng tác của Hồ Xuân Hương như là sự xâm nhập vào ngôn ngữ nghệ thuật cao cấp của nền văn hóa nhân dân bị cấm đoán ở Việt Nam thời cổ truyền – nền văn hóa này thường được biết qua những ngày hội quần chúng, trên những bục sân khấu bình dân…”. Theo chúng tôi, cho đến nay, bài viết của N.I. Niculin vẫn là bài viết công phu nhất và có nhiều phát hiện về thơ Hồ Xuân Hương trong các học giả nước ngoài.

Cũng cùng âm hưởng đề cao sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương, với những câu văn đầy chất thơ bóng bẩy, H. Lopes (cộng hòa Pháp) đã viết lời tựa cho tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Pháp: “Thực ra, những bài thơ này không cần giới thiệu cũng chẳng cần giải thích. Chỉ cần tên tác giả, tên đất nước Nàng đã sống và đã mơ mộng cuộc sống là đủ. Có lẽ cũng cần nêu cái thế kỷ trong đó những tình yêu của Nàng lại thắm nở hơn những tình yêu thời thanh xuân của chúng ta”; “Sự tinh tế của trí tuệ và sự tinh tế của tính gợi dục quyện vào nhau trong cách lập lờ nước đôi chọn lựa bởi những người muốn luồn lách né tránh những nghiêm lệnh và sấm sét của sự kiểm duyệt khắc nghiệt và lạnh lùng”. Cùng lời đề tựa thứ 2 cho tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương dịch ra tiếng Pháp nói trên, nhà nghiên cứu J.Ristat đánh giá Hồ Xuân Hương như một hiện tượng tiêu biểu của châu Á. Ông viết: “Đây là một tuyển tập thơ của Hồ Xuân Hương, một trong những tên tuổi lớn nhất của văn học Việt Nam, và không chút nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của châu Á. Đây là một người phụ nữ của thế kỷ XVIII mà những bài thơ cho tới nay vẫn làm ta rung động bởi sự táo bạo, chân thực, hào hoa và giá trị văn chương”. Nhà nghiên cứu đã có những phát hiện sâu sắc về tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương: “Tình yêu thân xác là tình yêu toàn vẹn. Nó bao gồm cả thiên nhiên trong đó. Tất cả đều xoay về tình yêu. Một ngọn đèo, một núi đá, một cây thông, một lá liễu: những yếu tố của tự nhiên, những thân thể và những trái tim đổi trao với nhau trong một ẩn dụ mênh mông không ngừng chuyển động, trong đó mọi cái đều có thể hiểu theo nghĩa khác trong khi vẫn giữ nguyên ý”.

Tranh của Bá Siếu

Thơ Hồ Xuân Hương cũng đã được dịch sang tiếng Trung và được dư luận đánh giá cao. Sự gần gũi về văn hóa, văn học, nhất là dưới thời phong kiến trung đại khiến cho giới nghiên cứu Trung Quốc có những cảm nhận khá giống với các học giả trong nước. Nhan Bảo, một giảng viên dạy môn tiếng Việt trong bài viết của mình đã lưu ý nhiều vấn đề còn tranh cãi về thơ Hồ Xuân Hương, tiến hành đối sánh các văn bản thơ để chỉ ra một số bài thơ nghi vấn là “món hàng giả mang nhãn hiệu Hồ Xuân Hương”. Riêng về vấn đề “dâm” và “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương, nhà nghiên cứu đã có sự đối sánh với Câu chuyện mười ngày của Boccacio (Italia) và Kim Bình Mai (Trung Quốc) để khẳng định: “Nếu đem so sánh thơ Hồ Xuân Hương với một số tác phẩm nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới thì Hồ Xuân Hương còn kém xa về “dâm” và “tục” rất nhiều” 5.

Tuy khác xa về văn hóa, nhưng thơ Hồ Xuân Hương dịch ra tiếng Anh đã được dư luận Mỹ hào hứng đón nhận (bản dịch của John Balaban, NXB Copper Canyon Press, năm 2000). Sách in 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương, mỗi bài được trình bày trang trọng dưới 3 thứ tiếng: tiếng Nôm, tiếng Việt, tiếng Anh. Nhà nghiên cứu Sam Howe Verhovek cho biết: “Cuốn thơ đã lôi kéo giới điểm sách một cách sôi nổi ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, từng được tổng thống Clinton đề cập đến trong một bữa tiệc nhân chuyến đi Việt Nam vào hồi tháng 11 năm 2000. So với mức tiêu thụ thơ, cuốn sách này đã bán chạy một cách đáng ngạc nhiên: chỉ từ tháng 10 đến nay đã in lại đến lần thứ 3, sau khi đã bán hết khoảng 10000 ấn bản trong 2 lần in trước”6. Tác giả bài viết cho biết người dịch thơ Hồ Xuân Hương là nhà thơ John Balaban – nhà thơ của tiểu bang North Carolina, người đã 2 lần được đề cử giải thưởng Sách quốc gia và đã đoạt 2 giải thưởng uy tín về thơ ở Mỹ, người từng đến Việt Nam và biết thơ Hồ Xuân Hương từ những năm chiến tranh – “đã nghiền ngẫm những bài dịch này trong 10 năm trời” và rất ngưỡng mộ Hồ Xuân Hương. Ông tâm sự: “Tôi hy vọng các độc giả cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm ấy, khi đọc từ cuộc đời cô quạnh và thông minh của Hồ Xuân Hương, những bài thơ tinh tế và thấm thía của bà, sự bướng bỉnh, sự châm chọc mỉa mai của bà, sự can đảm của bà, khiếu khôi hài phá bỏ những tôn kính ước lệ và tấm lòng trắc ẩn của một vị bồ tát trong thơ bà”7. Cũng là một nhà nghiên cứu người Mỹ, ông M.D.Frenier – giáo sư Sử học của trường Đại học Minnesota, Morris – đã phối hợp với 2 nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện một dự án gồm 2 phần: “Thu thập và xác minh tất cả những bài thơ của Hồ Xuân Hương; phần thứ 2 sẽ bao gồm việc nghiên cứu về vị trí của bà trong nền văn hóa dân gian của Việt Nam (…), đặt Hồ Xuân Hương và thơ của bà, cũng như lòng yêu mến bà và thơ của bà vào trong bối cảnh của lịch sử và đời sống của phụ nữ ở Việt Nam”. Nhà nghiên cứu khẳng định: “Ở phương Tây, tôi biết không có nữ tác giả nào có phong cách tương tự như Hồ Xuân Hương”8.

Trong các bài viết về Hồ Xuân Hương của các tác giả nước ngoài, cũng không phải là không có những sai sót trong tư liệu, những nhận định còn phải tiếp tục tranh luận. Tác giả Nhan Bảo (trong bài viết đã dẫn) có đưa ra một bài thơ tứ tuyệt nói là của Nguyễn Khuyến ca ngợi Hồ Xuân Hương, nhưng bài thơ này nhiều người nghi ngờ vì nó không thấy có mặt trong các tuyển thơ Nguyễn Khuyến9. Bài viết của M. Durand (cộng hòa Pháp) vận dụng tiếp cận phân tâm học để giải mã thơ Hồ Xuân Hương nhưng có đoạn lại rơi vào cứng nhắc, thô thiển: “Ngoài sự thông minh lanh lợi, ở Hồ Xuân Hương còn có một sự nhạy cảm do một bản chất bệnh hoạn thần kinh đưa lại và những mặc cảm do hoàn cảnh mồ côi và do có một thân hình kém hấp dẫn. Bà quả là không được đẹp lắm, nếu xét đoán theo hai câu sau:

Thân em như quả mít trên cây

Vỏ nó xù xì múi nó dầy”10

Nhìn chung lại, qua những đánh giá rất trọng thị, đề cao thơ Hồ Xuân Hương của các học giả nước ngoài, chúng ta càng thêm tự hào về một nữ sĩ Việt Nam tài năng, độc đáo, có thể sánh ngang hàng, nếu không nói là có nhiều mặt vượt trội so với nhiều cây bút gần gũi với bà trên thế giới ở cùng thời điểm. Hy vọng việc tổ chức UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ là một dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, lan tỏa những giá trị cao đẹp mà Hồ Xuân Hương đã khẳng định trong các bài thơ của mình.

Chú thích

1,2.  N.Niculin, “Lời giới thiệu Thơ Hồ Xuân Hương”, Nxb Khoa học, Maxcơva,1968; in lại trong Hồ Xuân Hương, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2003, tr. 430, 431.

  1. H. Lopes, “Tựa tuyển tập Hồ Xuân Hương”, báo Thể thao và Văn hóa, Số 48, ra ngày 28/11/1987.
  2. J.Ristat, “Sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng”, báo Thể thao và Văn hóa, Số 2, ra ngày 09/01/1988B
  3. Nhan Bảo, “Đôi điều về hiện tượng Hồ Xuân Hương”, Hồ Xuân Hương, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2003, tr. 449.

6,7.  Sam Howe Verhovek, “Hồ Xuân Hương, từ bản khắc gỗ đến máy điện toán”, Tiền Phong Chủ nhật, số 16, ngày 22/4/2001.

  1. M.D.Frenier, “Một nỗ lực hợp tác, sưu tầm và bình luận thơ Hồ Xuân Hương”, Nghiên cứu và tranh luận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996; in lại trong Hồ Xuân Hương, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2003, tr. 442, 443.
  2. Bài thơ Nhan Bảo đưa vào bài viết như sau:

        Thi thánh thi tiên thế hữu truyền

        Tung hoành thi quỷ thị hy nhiên

        Thế nhân tiển thánh xưng tiên mỹ

        Thi quỷ thùy tri ức thánh tiên.

  1. M. Durand, “Hồ Xuân Hương”, Tác gia, tác phẩm văn học Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005, tr.86.

Đinh Trí Dũng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 25, tháng 7/2022)