Cứ đến ngày mồng 4 tết ta hàng năm, làng Phượng Kỷ lại tổ chức hội cờ người,vui ơi là vui. Cả một bãi rộng người vòng trong vòng ngoài reo hò chỉ trỏ, cờ quạt tung bay, trống chiêng om sòm. Nam thanh nữ tú được chọn đóng quân cờ ăn mặc cứ y như trong bài tam cúc. Lại thêm vài chú hề vẽ mặt ngộ nghĩnh, miệng pha trò, tay đánh thanh la xủng xoảng càng làm tăng thêm vẻ náo nhiệt. Các đấu thủ mặc áo lương đội khăn đóng, tay cầm cờ đuôi nheo phất phất chỉ huy quân mình đi lại trong bàn cờ, đĩnh đạc oai phong như các vị tướng cổ .
   Hội cờ đi vào lòng người dân Phượng Kỷ như một niềm tự hào, một nỗi nhớ. Chẳng thế mà nhiều người xa quê nếu tết không về được thì ra Giêng cũng lặn lội hồi hương chỉ để được xem hội cờ vài ngày cho đỡ khắc khoải.
Một trong những người đó là ông Cao Lẫm
Nhắc đến ông Lẫm dân cả làng Phượng Kỷ ai cũng biết, bởi  khi còn nghỉ hưu ở quê ông là người thẳng thắn độ lượng, hiểu biết và  giao tiếp rộng. Đặc biệt ông rất mê cờ tướng. Chính ông là người đề xuất và đứng ra tổ chức phục hồi hội cờ của làng ngay khi đất nước vừa mở cửa. Chiều chiều, tại nhà ông, các kỳ thủ thường tập trung giao đấu. Người ta thích đến nhà ông ngoài việc ông là người cao cờ còn bởi ông bà  là những  người mến khách. Đến đó họ được tiếp đãi nồng hậu, ấm áp. Ngày ông mới về hưu, mọi người còn đến để thử sức. Nhưng về sau tất cả đều “tâm phục, khẩu phục” bởi những nước cờ biến hóa, thâm hậu của ông. Rồi tiếng tăm của ông bay ra khỏi làng, nhiều cao thủ hàng huyện, hàng tỉnh cũng tìm đến nhà để đọ tài cao thấp. Với những danh thủ đẳng cấp ấy, việc nhiều người đánh thắng ông cũng không có gì lạ. Điều đáng quý ở chỗ khi đến họ là đối thủ cờ, khi về họ đã là những người bạn tâm  giao. Nhiều người trước đây vì mê cờ bỏ bê cả việc nhà, huênh hoang khoác loác, sau một thời gian chơi với ông họ trở thành người khiêm nhường, chăm chỉ…
Nội quy của giải cờ Phượng Kỷ quy định: trừ các kỳ thủ đã thành danh có đẳng cấp hàng huyện, còn các đấu thủ làng khác nếu đăng ký cũng được tham gia. Chính điều này đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của giải

Minh họa: Trọng Hiệp

Vài năm đầu ông Lẫm cũng tham gia thi đấu và năm nào ông cũng đoạt giải quán quân. Các năm sau ông chỉ ngồi trên bàn trịch làm trưởng ban giám khảo và cùng các cao thủ hàng huyện nhìn vào bàn “trịch” mà bình cao thấp. Các kỳ thủ làng Phượng Kỷ vì được cọ xát nhiều  với cao thủ hàng huyện nên xem ra họ có trình độ cao hơn làng khác. Suốt mấy năm, các đấu thủ láng giềng hầu hết đều bị loại từ vòng ngoài, thỉnh thoảng cũng có người vào vòng hai. Nhưng tuyệt đối chưa ai đoạt giải. Người dân Phượng Kỷ tự hào lắm. “Phải thế chứ, đất “choa” là đất văn hiến chứ đùa đâu”. Có lẽ vì thế nên năm ấy, vị lãnh đao của làng vừa là trưởng ban tổ chức giải khi họp chuẩn bị thi đấu đã cao giọng tuyên bố :
– Tôi giao nhiệm vụ cho các đồng chí, đồng thời cũng xem như bổ sung vào nội quy nội bộ của giải là: dứt khoát không để giải cờ làng mình lọt vào tay làng khác . Đây là trách nhiệm, là danh dự của làng.
Ông Lẫm thay mặt anh em đứng lên nói từ tốn:
Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, nhưng cờ là môn thể thao trí tuệ, không thể có nội quy bắt buộc được. Tổ chức giải cờ là để tôn vinh nét đẹp nhân văn của làng. Đặt điều kiện ấy ra e sẽ bị người ta cho là tự cao tự đại.
Vị trưởng ban vẫn khăng khăng :
– Không thể như thế được, hội cờ là hội của làng ta, để mất giải thì còn gì nữa. Cứ như thế đi, không phải tranh luận nữa.
Các kỳ thủ nhìn nhau im lặng.
Vào giải, ông Lẫm vẫn ngồi trên bàn trọng tài xem các đấu thủ so tài. Trên ghế ban tổ chức, ông trưởng ban chẳng biết mô tê chi cờ quạt la hét om sòm:
– Tiến lên, tiến lên hỡi các anh em. Phượng Kỷ quyết thắng!
Mặt ông Lẫm đỏ nhừ, có lẽ ông ngượng với mấy cao thủ cờ hàng huyện ngồi cạnh ông .
Bất ngờ đã xảy ra, một thanh niên trẻ măng đâu như người vùng biển đã lần lượt hạ đo ván các đấu thủ Phượng Kỷ tiến vào trận chung kết. Người làng hậm hực lắm. Nó là thằng nào, trông mặt non choẹt thế kia mà thắng như chẻ tre trước các kỳ thủ làng mình?. Theo dõi ván chung kết, ông Lẫm cũng nhiều lần vỗ đùi đen đét:
– Hay, nước pháo liệt tuyệt diệu!
Khi tiếng trống ván cuối vừa dứt với phần thắng tuyệt đối về tay chàng trai làng khác, sân cờ lặng phắc rồi bỗng nhao cả lên: ông Lẫm  đâu rồi, sao không ra quân?
Vị trưởng ban mặt nặng như trời động giông, rẽ đám đông đến cấu vào người ông Lẫm:
– Thế nào bác Lẫm, phải ra quân cứu vớt danh dự của làng đi chứ, để tôi giới thiệu?
Rồi không để ông Lẫm phản ứng, ông ta cầm lấy micro tuyên bố oang oang:
– Đấu thủ Nguyễn Văn Hoàng làng Hoa Lũy đã thắng đối thủ Chắt Hòe Phượng Kỷ. Bây giờ xin mời bà con xem trận đấu cuối cùng giành giải quán quân giữa người thắng cuộc với đấu thủ Cao Lẫm của làng Phượng Kỷ.
Cả sân cờ vỗ tay như sấm. Đến nước này, ông Lẫm không còn cách nào khác. Ông rẽ đám đông đến trước bục phát biểu nhỏ nhẹ :
– Thưa bà con, năm nay tôi không đăng ký thi đấu nên không có tên trong danh sách đấu thủ. Vì vậy, theo nội quy thì anh Hoàng đoạt giải quán quân là đúng. Nhưng thể theo nguyện vọng của bà con, tôi xin mời anh Hoang chơi một ván giao hữu. Nếu anh đồng ý thì xin cho ý kiến…
– Hoan hô, hoan hô
Sân cờ lại rộ lên tiếng vỗ tay. Ừ thì không thành giải nhưng ít ra cũng gỡ được danh dự cho làng.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hoàng từ tốn bước lên, anh cúi chào bàn dân thiên hạ rồi nói khúc chiết :
–  Kính thưa toàn thể bà con làng ta, cháu là Nguyễn Văn Hoàng người làng Hoa Lũy. Hiện cháu đang học năm thứ 3 trường Đại học Thể dục Thể thao, bộ môn cờ vua. Trong khi học cũng nghiên cứu cả cờ tướng. Hôm nay nhân đầu Xuân cháu xin đến góp vui với hội làng ta, lại được các cao thủ nhường cho thắng mấy ván, cháu xin cảm ơn nhưng xin không nhận giải mà nhường cho bác Chắt Hòe. Từ lâu cháu đã nghe danh về đức độ và tài cầm quân của bác Lẫm. Hôm nay xin hân hạnh được hầu bác một ván giao hữu, có gì mong bà con lượng thứ .
Trên ghế, trưởng ban tổ chức toát mồ hôi: “Chết cha, thằng này xay tiền của bố mẹ, mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường chỉ để nghiên cứu cách đánh cờ. Thì “vua” với “tướng” cũng cùng nòi phong kiến với nhau. Phen này ông Lẫm mắc “cục xương” rồi, phải dừng ngay”. Ông định lên tuyên bố dừng cuộc đấu thì ông Lẫm đã cầm micro :
-Thưa bà con, hội cờ làng ta được tiếp một kỳ thủ chuyên nghiệp là một vinh dự cho giải. Xin thay mặt các đấu thủ cảm ơn anh Hoàng và xin được tiếp anh một ván để học tập.
Quân cờ lại được dàn ra, cờ quạt vẫn tung bay nhưng trống thì không thấy thì thùng nữa. Mấy anh hề cũng ngồi im một góc. Tất cả im lặng theo dõi ván cờ với nét mặt lo âu trao gửi.

Minh họa: Nguồn internet

Vào trận, ông khai cuộc bằng thế “mã bình phong” còn chàng trai thì “tượng giằng pháo gánh” rõ ràng cả hai đều thận trọng. Đến trung cục hai bên vẫn giữ thế bình quân. Ông Lẫm vừa đánh vừa thầm khen chàng trai tuổi trẻ tài cao. Sau một hồi giằng co, ông quyết định thí bớt quân để nhanh đến tàn cuộc với mong muốn sự chín chắn từng trải sẽ chế được sự nhanh nhảu của tuổi trẻ. Quả vậy, sau một hồi bức thí, hai bên ngang quân nhưng ông Lẫm được thế thượng phong. Mặt người làng giãn ra, tiếng mách nước nhao nhao. Tay hề bên ông Lẫm lại ra sân theo sát chàng trai vỗ thanh la loảng xoảng mong làm rối trí đối phương. Mấy cao thủ hàng huyên cũng phá nội quy thò cổ xuống mách nước tấn công mà vẫn chưa phá vỡ được thế trận của đối phương. Bất ngờ Hoàng đi một nước phao lửng như sơ suất. Lập tức ông Lẫm dùng xe chiếu rút bắt được.
Khán giả Phưởng Kỷ nhảy dựng lên reo hò
–  Ăn pháo, ăn pháo… tùng tùng tùng
– Thắng rồi thắng rồi ….xoảng xủng xoảng
Ai cũng nghĩ ông Lẫm ăn hơn con pháo là chắc thắng. Duy có Trương Văn Công cao thủ cờ hàng tỉnh đang ngồi trên bàn trịch bỗng đứng dậy nói với người bên cạnh
– Thôi chết, bác Lẫm mắc kế “điệu hổ li sơn” rồi.
Chưa dứt lời, Hoàng đã nhảy “mã ngoại tào” chuyển thủ sang công cùng với con xe chiếu liên tục. Quân ông Lẫm kẹt cứng lấy nhau, không sao rút về kịp đành chịu thất thủ.
Tiếng trống kết thúc trận đấu đã vang mà sân cỏ vẫn lặng phắc. Thua rồi, ông Lẫm thua thật rồi .
Trên ghế, trưởng ban tổ chức hậm hức bỏ về.
Trời lạnh mà trán ông Lẫm lấm tấm mồ hôi. Ông  giang tay ôm Hoàng, tấm tắc :
– Hậu sinh khả úy. Cháu giỏi lắm! Chiều nay ở lại đến nhà bác chơi.
Rồi ông cười, vẫn nụ cười thân thiện nhưng phảng phất một cái gì như là ngượng ngập.
Ván cờ năm ấy vẫn được bàn tán mãi nhiều năm sau. Giải cờ Phượng Kỷ vẫn duy trì hàng năm nhưng trong nội quy bỏ điều  bắt buộc Phựơng Kỷ phải thắng. Tuy đến giờ, giải quán quân vẫn chưa lọt ra ngoài làng.
Chiều chiều nhà ông Lẫm vẫn đông bạn cờ
Năm nào ông Lẫm cũng nhắc đến Hoàng và có ý chờ nhưng không thấy anh trở lại. Nghe đâu anh ra trường, đang công tác tai Sở Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang là kiện tướng cờ quốc gia.
Khi đã ở tuổi trên bảy mươi, bà Lẫm quy tiên. Người con cả đón ông ra Hà Nội. Ông dùng dằng mãi nhưng cũng phải ra đi với điều kiện: Cứ tết đến phải đưa ông về ăn tết và và dự hội cờ với làng. Từ đó, hàng năm, đầu Xuân lại thấy ông trong hội cờ, râu tóc trắng như cước, da đỏ au. Gặp ai cũng hỏi han ân cần, dáng dấp vẫn còn phong độ lắm.
Bẵng đi vài năm nay không thấy ông về nữa, có lẽ do tuổi quá cao, già nua bệnh tật đi lại khó khăn. Bỗng giáp tết Mậu tý, người làng nghe ông Cao Lan (em ông Lẫm) thông báo: ông Lẫm ốm nặng khăng khăng đòi về để được chết gần tổ tiên. Con cháu cùng bầu đoàn thê tử chở ông về trên hai chiếc xe con bóng lộn .Tối hôm đó đã là 27 tết, cả làng đổ đến hỏi thăm ông. Tuy nằm liệt giường nhưng ông vẫn tỉnh táo. Thỉnh thoảng vẫn trả lời và cười với dân làng xem ra mãn nguyện lắm .
Khuya hôm đó, xem chừng ông đã yếu lắm. Con cháu xúm xít xung quanh để nâng giấc. Ông giơ tay ra hiệu cho con cháu lại gần. Biết bố đã ở phút lâm chung, anh con cả cầm tay ông hỏi khẽ :
–  Thầy ơi, thầy có điều gì dặn lại chúng con xin thầy cứ dạy!
Ông đưa mắt nhìn khắp một lượt con cháu rồi cầm tay anh cả, giọng ông thều thào:
– Thầy đã gần 90 tuổi. Nhìn các con phương trưởng thuận hòa, lại được về sum họp cùng tiên tổ, thầy ra đi thanh thản lắm. Riêng với làng Phượng Kỷ, thầy có điều hơi ân hận.
Mọi người xúm lại ghé sát giường ông nét mặt lo lắng . Lỡ trong cuộc đời có gì thất thố khiến ông buồn chăng ?
Giọng ông nhỏ hẳn, nhưng rành rẽ :
– Thầy ân hận vì ván cờ năm ấy, nếu thầy đừng nóng vội ăn quân pháo mà lên sĩ trước thì đã không thua, làm mất danh dự của làng.
Anh con cả cầm tay ông nước mắt dàn dụa :
– Con lạy thầy, chuyện nhỏ ấy thầy bận tâm làm gì, ai cũng hiểu thầy mà. Thầy cứ an tâm mà về với tổ tiên.
Như ngọn nến bỗng vụt sáng lên một lần trước khi tắt, ông Lẫm nói to và rõ ràng :
– Với thầy, việc thua thắng một ván cờ không sao cả. Nhưng với làng đó là danh dự, là sự trao gửi, không được xem là việc nhỏ. Các con nên nhớ, dù đi đâu làm việc gì cũng không được để mất danh dự của làng .

Nói xong, ông buông tay anh cả.  Mọi người ùa đến lay gọi thì ông đã đi rồi .

Cao Xuân Thưởng
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/tháng 8+9/2020)