24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Đặng Thiên Sơn – giật mình chợt nhớ làng nhàng làm thơ

Đó là câu thơ Sơn viết trong bài Về quê mà chẳng gặp quê của anh. Cái giật mình ấy là tâm trạng xa xót, tiếc nuối, buồn thương khi cảnh quê của hiện tại khác xa quá khứ. Cái giàu có bất ngờ của quê đã phải đánh đổi bao nhiêu thứ. Đối lập giữa giàu có về vật chất là sự vơi hụt về tinh thần. Đối lập giữa những thứ hào nhoáng hiện đại là sự mất mát của nghĩa tình. Nhận ra và hối tiếc, nhận ra và tự thẹn khi mình chỉ là anh chàng “làng nhàng làm thơ” trong khi bạn bè đã là những đại gia.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn.

Đó là tâm trạng không chỉ của Đặng Thiên Sơn mà của bao người con ra đi từ cánh đồng làng, trở về mà ngỡ như lạc giữa làng quê. Anh tự nhận “làng nhàng làm thơ” thế thôi, chứ được “làng nhàng” như Đặng Thiên Sơn cũng khối người ao ước.

Tôi không nhớ cụ thể đã quen biết Sơn từ khi nào. Giữa chúng tôi có nhiều nét tương đồng. Cùng sinh ra và lớn lên ở những làng quê nghèo của quê lúa Yên Thành, hoàn cảnh gia đình đều khó khăn nên thi vào sư phạm ngữ văn để đỡ gánh nặng kinh tế. Chúng tôi cùng tập tạnh làm thơ khi bước chân vào giảng đường đại học, đều được sự nâng đỡ, chắp cánh của tập san “Áo trắng” và tác phẩm đầu tiên được đăng của chúng tôi cũng từ tờ báo này. Tất nhiên, Sơn có nhiều hoài bão, khát vọng hơn, có sự dấn thân vì văn chương mà tôi không làm được.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, sinh năm 1983 tại Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An (quê gốc ở xã Diễn Quảng, Diễn Châu – một xã nghèo ven sông Bùng hiền hòa, thơ mộng). Anh học Sư phạm Ngữ văn khóa 28 tại Trường Đại học Quy Nhơn. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, Đặng Thiên Sơn đăng ký thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Quy Nhơn. Phải nói rằng, một cậu trai nghèo, không thân không quen mà nộp đơn thi vào một trường công lập lớn ở thành phố Quy Nhơn là chuyện không hề dễ. Tìm được việc làm ngay thành phố và công việc ấy lại đúng chuyên ngành mình yêu thích thì đó là cả một cố gắng. Suốt hai năm đứng trên bục giảng tại trường THPT, có thể nói đây là thời gian đầy ý nghĩa của cuộc đời anh. Hai năm ngắn ngủi ấy đã giúp Sơn thực hiện được ước mơ mà mình đeo đuổi suốt 16 năm ngồi trên ghế nhà trường là được làm một thầy giáo, được gần gũi các em học sinh với những tiếng cười, niềm vui. Sau hai năm làm nghề giáo, Sơn nghỉ dạy, ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội để sống với đam mê của mình. Anh vào công tác tại một đơn vị truyền thông, xuất bản.

Một số tác phẩm của Đặng Thiên Sơn.

Sơn đến với văn chương khá muộn so với nhiều bạn viết cùng trang lứa. Khi còn đi học ở quê, chúng tôi chưa biết nhiều đến văn chương bởi quê chúng tôi còn nghèo, lại xa thị trấn nên không có sách báo để đọc, để mà mê văn chương. Sơn quan niệm: Thơ ca là một cuộc chơi nghiêm túc. chơi, bởi tôi yêu thơ, thích thơ, la cà với thơ ca như người ta thích đi câu, đi đá bóng, đi bơi hay chơi tennis. Nghiêm túc bởi tôi lấy thơ làm thế mạnh cho con đường sáng tác của mình. Tôi yêu thơ và sống với thơ có trách nhiệm chứ không chỉ để lớt phớt cho vui. Tuy tài mọn nhưng tôi sẽ gắng viết được gì đó đồng cảm với mọi người”. Tập thơ đầu tay của Sơn có tên “Blog thời sinh viên”. Phần lớn các tác phẩm trong tập thơ này viết về thời áo trắng. Kỷ niệm khiến Sơn vui sướng nhất với tập thơ này là nó đã “cháy hàng” chỉ sau một tháng ra mắt bạn đọc.

Từ thơ, Sơn đến với kinh doanh cũng trong lĩnh vực liên quan đến con chữ. Anh nói rằng, anh đến với kinh doanh xuất bản phẩm bằng con đường dích dắc. Học văn, biết làm văn, viết báo, rồi thân quý với những người làm sách, Đặng Thiên Sơn theo họ đi làm sách, sau nhiều năm anh học được nghề và muốn thử sức mình khi đứng ra làm độc lập. Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản, Sơn còn là người đa tài, đa nghề. Anh có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn tham quan từ trong nước đến nước ngoài. Anh buôn bán các sản phẩm đặc sản xứ Nghệ như mật mía, giò bê khắp thành phố Hà Nội. Anh làm để có được thu nhập duy trì sự sống cho bản thân và gia đình một vợ, hai con giữa thủ đô hào nhoáng và đắt đỏ.

Không chỉ tài năng, am hiểu nhiều lĩnh vực, Đặng Thiên Sơn còn là người quảng giao, quen biết rộng. Anh tự nhận, dường như mình rất có duyên với những người họ Đoàn. Đầu tiên là người anh xem là bậc thầy văn chương của mình, nhà thơ Đoàn Thạch Biền – người vẫn luôn theo sát, động viên anh, giúp anh bước vào con đường văn chương bằng việc đăng những bài thơ đầu tiên. Hai năm công tác trong ngành bản quyền tác giả, anh làm việc cùng với nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, một con người đáng kính. Khi về đầu quân cho nhà sách Đông Tây, anh được làm việc cùng dịch giả Đoàn Tử Huyến. Đoàn Tử Huyến là một dịch giả cần mẫn, uyên bác, ông làm việc với văn chương hết mình khiến Sơn luôn kính nể. Mỗi lần làm việc với dịch giả Đoàn Tử Huyến, anh đã học được rất nhiều từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến những văn bản đa ngôn ngữ…

Trong sáng tác văn chương, Đặng Thiên Sơn thấy mình may mắn được các nhà thơ cùng quê đi trước cổ vũ động viên như cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Giáng Vân, nhà thơ Vương Cường, nhà thơ Trương Đăng Dung, nhà thơ – nhà văn Thiên Sơn, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh… là những chỗ anh hay qua lại. Các cô chú, anh chị đều dành cho Sơn rất nhiều tình cảm cả trong lĩnh vực sáng tác cũng như trong đời sống. Qua gặp gỡ các nhà thơ cùng quê đi trước, anh học được từ họ rất nhiều, nhất là sự nghiêm túc, cẩn trọng với nghề.

Trên con đường thi ca, Đặng Thiên Sơn thể nghiệm ở nhiều thể loại nhưng thế mạnh của anh vẫn là thể thơ tự do bởi nó cho phép người viết khai phóng được năng lượng con chữ nhiều hơn.

Về đề tài, quê hương xứ Nghệ là nguồn cảm hứng vô tận cho Sơn sáng tác. Anh cũng biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ viết hết được những gì mình nghĩ, mình yêu thương với đất và người xứ Nghệ. Sơn chia sẻ: “Khi nào còn cầm bút, chắc chắn tôi sẽ còn viết về xứ Nghệ, quê hương tôi”. Sơn tự nhận, lâu nay anh chưa thể viết được cái gì hay hơn đề tài quê hương và mẹ. Có lẽ mảnh đất xứ Nghệ, nơi anh sinh ra và lớn lên, trải qua những tháng năm khốn khó đã là một “mỏ quặng” quý báu để anh cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa. Khi viết về quê hương, anh cũng dùng lối thơ tự do. Nhờ thể thơ tự do mà Sơn đã nói được nhiều điều về những trăn trở với quê hương, với mẹ, gia đình, bạn bè…

Hiện nay Đặng Thiên Sơn đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông quốc tế VFS, một doanh nghiệp tư nhân chuyên về lĩnh vực xuất bản. Anh là chủ biên, tuyển chọn, tổ chức bản thảo nhiều đầu sách văn học, giáo dục có chất lượng. Anh còn là bà đỡ mát tay cho nhiều tác giả trên cả nước, đặc biệt là các tác giả trẻ. Bản thân tôi cũng đã được Sơn biên tập, xin giấy phép và in hai tác phẩm. Và may mắn, tập thơ “Làng ơi” (NXB Hội Nhà văn 2018) của tôi do công ty Sơn xuất bản đã được giải Khuyến khích Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ VI (2015 – 2020) của tỉnh Nghệ An. Xã Sơn cách xã tôi khá xa, nhưng thật tình cờ, vợ Sơn lại là người xã tôi nên hai anh em có khá nhiều dịp để gặp nhau. Còn nhớ, lần đưa tập thơ Làng ơi về cho tôi, hai anh em cùng ngồi ở quán vừa lai rai vừa nói đủ thứ chuyện về văn chương.

Đặng Thiên Sơn là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, anh tham gia quản lí Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội, nơi vừa cho ra đời các ấn phẩm Văn+ rất được công chúng đón nhận. Đặng Thiên Sơn tự mình lập ra nhà sách online ThienSonBook.com để đưa văn hóa đọc đến với rộng rãi người đọc. Anh đã xuất bản nhiều đầu sách như: Blog thời sinh viên (tập thơ), NXB Thanh Niên, 2009; Trong hố cầu thang (tập thơ), NXB Hội Nhà văn, 2017; Bé làm quen với thế giới xung quanh bằng thơ (thơ thiếu nhi 4 tập), NXB Khoa học xã hội, 2017; Đường về xa lắm (tản văn), NXB Văn học, 2014; Ngồi chơi với phố (tản văn), NXB Hội Nhà văn, 2016; Niềm hạnh phúc của con là mẹ (truyện ngắn thiếu nhi), NXB Dân Trí, 2018…

Tương lai phía trước của Sơn vẫn là những dự định về công việc kinh doanh xuất bản sách, giúp Ban Văn học trẻ Hội Nhà văn Hà Nội phát hiện và tạo sân chơi cho người viết trẻ Thủ đô; xuất bản những tập thơ, văn mà anh đang ấp ủ. Chúc cho Đặng Thiên Sơn, anh chàng Liều đem tiếng Nghệ kiếm cơm Hà thành” đạt được ước mơ của mình.

Đinh Hạ

VIDEO