Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời là thời khắc lịch sử thiêng liêng và trọng đại, là mùa thu mà mỗi người con đất Việt đều không thể nào quên. Đã 79 năm trôi qua kể từ Mùa Thu lịch sử ấy, sau biết bao thăng trầm, nước Việt Nam hôm nay đã mạnh mẽ vươn lên khẳng định vị thế, tầm vóc của mình trên trường quốc tế. Những mùa thu lịch sử đã và đang đi qua mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc rằng: Không có sức mạnh nào to lớn hơn sức mạnh của Nhân dân. Khi dân đồng sức, đồng lòng với chính quyền thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua và mọi kẻ thù đều có thể đánh thắng. Khi có khát khao và quyết tâm đủ lớn, có một tinh thần, niềm tin đủ mạnh, chúng ta sẽ làm nên được những điều diệu kỳ.
Nhìn lại những mùa thu lịch sử với bao thăng trầm đất nước đã đi qua luôn mang lại niềm xúc động lớn lao đối với mỗi người và là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạp chí Sông Lam trân trọng gửi tới độc giả chùm thơ ghi lại những xúc cảm thiêng liêng ấy. Đó là tấm lòng tri ân những người đã quên mình để bảo vệ đất nước; là lời nhắc nhớ về cội nguồn, về sức mạnh to lớn của Nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử; là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, yêu từng ngọn núi, lũy tre, biên cương, hải đảo, yêu màu cờ sắc áo, yêu tiếng nói quê hương,… và là niềm tự hào dân tộc, tự hào là người Việt Nam!
Nguyễn Trường Thọ
NHÂN DÂN
Biếc rừng trúc, xanh luỹ tre
Thu may hương cốm gọi hè hương sen
Khêu giọt bấc, thắp ngọn đèn
Thanh bần gạt những đớn hèn thiệt hơn
Nuốt cay đắng dụm thảo thơm
Đồng xa bóng rạ bóng rơm bóng làng
Vượt nghèo đói gắng giàu sang
Chân bùn tay lấm dịu dàng thiết tha
Đại ngàn suối Mẹ núi Cha
Gốc rễ nguồn cội ông bà tổ tiên
Dâu ngoan thảo rể đẹp hiền
Sinh con đẻ cái nối liền thế gian
Trời mây trắng đất khói lam
Lặn qua mưa nắng hoà tan trong ngần
Nhân dân – khi Tổ quốc cần
Đồng lòng không tiếc muôn lần máu xương
Nhân dân – hai tiếng quê hương
Tít tắp hải đảo biên cương gũi gần
Nhân dân – lam lũ tảo tần
Bốn mùa vun xới trắng dần bát cơm.
Nguyễn Ngọc Phú
TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA
Tổ quốc ở Trường Sa là sắc màu cờ đỏ
Máu ông cha đã nhuộm thắm đất này
Có đồng đội đã thành mộ gió
Ngôi sao trên mộ chí vẫn còn bay…
Tổ quốc ở Trường Sa là tiếng mẹ
Tiếng Việt ngàn đời luyến láy ở trong ta
Tiếng Việt vượt lên ngàn ngọn sóng
Ở Trường Sa nghe khúc hát dân ca.
Tổ quốc ở Trường Sa xanh màu xanh rau muống
Ai đi xa vẫn nhớ đến tương cà
Chan bát canh giữa trưa hè sóng sánh
Tổ quốc ở đây có căn bếp mỗi nhà.
Tổ quốc ở Trường Sa tiếng chuông chùa ngân vọng
Gió biển khơi thêm đậm áo cà sa
Bên mái chùa cong là khóm tre mọc thẳng
Ngỡ như là sống giữa xóm làng xa.
Tổ quốc ở Trường Sa trẻ học bài trong lớp
Chữ O như trứng vích* căng phồng
Em mặc áo hải quân mai lớn thành người lính
Giữ bình yên tổ quốc phía hừng đông…
* Vích là loại rùa lớn ở Trường Sa
Văn Hiền
MÙA THU XANH
Ngỡ đời thường, tất tả hôm nay
Quên những khát khao một thuở
Bất chợt ánh trăng
Sắt se ngọn gió
Nôn nao nhớ về cội nguồn mùa thu
Em sống khác xưa rồi
Chỉ còn lời ru
Thành phố đỏ cờ trước toà công sứ
Những phu mỏ, phu xe
Mặt vàng như nghệ
Chào nhau đồng bào, đồng chí
Khàn hơi, hát Tiến quân ca.
Rồi thành phố đi qua
Tháng năm lửa đạn
Vinh – đêm đêm pháo sáng
Bom rơi vào ngõ phố không tên
Mẹ mong một khoảng bình yên
Bữa cơm tối không còn
đèn phòng không che kín.
Thành phố ơi! Còn ai nhớ đến
Gương mặt người qua những mùa thu
Người thợ chiếm toà công sứ xa xưa
Giờ ở tầng năm vắng dần bè bạn.
Anh lính phòng không về hưu quá muộn
Cặm cụi vá xe kiếm sống bên đường
Điện thừa ca ba, thợ chưa đủ việc làm
Những ngổn ngang công trình xây dở.
Cô văn công hát câu thương, câu nhớ
Yêu nửa cuộc đời này, còn nhớ nửa cuộc đời kia
Dẫu thành phố sống chưa hết mình với Một mùa thu
Mùa thu khai sinh đất nước
Cả tình yêu gian nan anh với em một thuở
Cả mất mát, buồn vui dang dở
Cả trăng tròn dành cho trẻ nhỏ
Sẽ ra sao nếu vắng một Mùa Thu?…
Cao Xuân Thưởng
NHỮNG NGÔI MỘ KHÔNG TÊN
Nhiều năm rồi
Mỗi lần lên Nghĩa trang liệt sĩ xã thắp hương
Tôi đều đứng lặng trước bốn ngôi mộ không tên…
Họ là những chiến sĩ pháo phòng không,
hy sinh khi đánh máy bay Mỹ vào năm 1968.
Thi hài các anh được dân làng an táng
Không một ai biết tên,
Không thấy ai tìm kiếm.
Hơn 50 năm
Hẳn là ở một vùng quê nào đó xa xăm
Sẽ có 4 bà mẹ nước mắt cạn dòng,
Mấy vạn đêm thao thức…
Và ở đây 4 linh hồn thất lạc
Tìm đâu lối về?