Tối 24/8 (tức 21/7 âm lịch), đông đảo đạo hữu, phật tử và bà con nhân dân đã tập trung về chùa Tùng Lâm Diệc Cổ, còn gọi là chùa Diệc, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đón xem chương trình văn nghệ “Sáng đạo trong đời” mừng mùa Vu lan năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Hoà thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hoá Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Diệc, nhấn mạnh: tháng 7 mùa vu lan, còn gọi là mùa biết ơn và đền ơn đối với những ai và những gì có ân nghĩa với chính mình. Điều đó đã được Đức Phật dạy trong đức kinh về 4 đại trọng ân là: ơn trời đất và muôn vật đã cho ta sự sống; ơn cha mẹ đã có công sinh dưỡng trưởng thành nên ta; ơn Tổ quốc và cộng đồng xã hội đã giúp ta có cuộc sống bình yên; ơn gia bảo đã chỉ đường dẫn dắt cho ta xa lìa tránh được biển khổ trầm luân. Như vậy ý nghĩa của hai chữ “Vu lan” của Phật giáo chính là đỉnh cao của “chân – thiện – mỹ” với 4 đại trọng ân là nền tảng xây dựng lối sống văn hoá hướng thiện, thuần lương cho cộng đồng nhằm góp phần phát triển xã hội trên nền tảng đạo đức. Văn hoá của Phật giáo và văn hoá Dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: như bóng với hình, tuy hai mà một. Việc bảo tồn giá trị của văn hoá Phật giáo cũng chính là bảo tồn giá trị văn hoá Dân tộc. Đêm văn nghệ có ý nghĩa như vậy.
Qua những ca khúc, đêm văn nghệ đã tôn vinh những giá trị của đạo Phật, ca ngợi quê hương, những người con ưu tú của non sông đất nước. Các ca sĩ đã hát bằng tất cả tâm hồn, cảm xúc, bà con phật tử được sống trong không gian ấm áp tình người, tình đạo hữu và những cảm xúc thiêng liêng.
Chương trình văn nghệ “Sáng đạo trong đời” diễn ra với những tiết mục văn nghệ tôn vinh tình cha, nghĩa mẹ, nêu cao tinh thần báo đáp tứ trọng ân của người con Phật, thể hiện truyền thống tri ân – báo hiếu của dân tộc Việt Nam. Đồng thời khẳng định những nét đẹp của văn hóa Phật giáo Việt Nam trong đời sống văn hóa, nêu cao tinh thần đồng hành cùng Dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
Nội dung: Hữu Vinh. Ảnh: Võ Khánh