Chiều ngày 15/9, tại nhà thờ họ Hồ, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Hội LH Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức chương trình Thơ nhạc Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp tỉnh Nghệ An đón nhận Nghị quyết của tổ chức UNESCO vinh danh và cùng tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi, đại diện dòng họ Hồ cùng đoàn đại biểu làm lễ dâng hương tại nhà thờ họ Hồ. Ảnh: Lê Nhung

  Trước khi chương trình thơ nhạc bắt đầu, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi, đại diện dòng họ Hồ cùng các đại biểu đã tiến hành dâng hương tại nhà thờ họ Hồ và tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lê Nhung
Các em học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu tham dự chương trình thơ nhạc Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ảnh: XT

    Đến dự chương trình, về phía đại biểu cấp tỉnh có: bà Nguyễn Thị Thu Hường – UV Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Võ Thị Minh Sinh – UV Ban thường vụ, Chủ tịch MTTQ tỉnh; ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh; ông Hồ Ngọc Sỹ – Chủ tịch họ Hồ tỉnh Nghệ An. Về phía lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Đôi có: ông Lê Xuân Kiên – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; ông Nguyễn Văn Thưởng – UV thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Hồ Quang Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã  cùng đại diện các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh; các văn nghệ sỹ tỉnh Nghệ An, 200 học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu cùng đông đảo con cháu họ Hồ và bà con nhân dân xã Quỳnh Đôi.

Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An phát biểu khai mạc. Ảnh: Lê Nhung

    Phát biểu khai mạc, ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Trong lịch sử thơ ca dân tộc, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương chiếm một vị trí đặc biệt. Trong bối cảnh xã hội phong kiến ngột ngạt, tư tưởng Nho giáo chi phối nặng nề, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói phê phán mãnh liệt chế độ phụ quyền và những hủ tục lạc hậu; khẳng định quyền sống, quyền bình đẳng, đề cao giá trị và vai trò của người phụ nữ; đề cao khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ. Về nghệ thuật, Hồ Xuân Hương đã dân tộc hóa cao độ thể thơ Đường luật, đưa cuộc sống trần tục và cái đời thường vào một thể thơ đài các, quý phái. Thơ Hồ Xuân Hương cũng có nhiều sáng tạo và thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày và đưa ca dao, thành ngữ, tục ngữ vào thơ.”

Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nghệ An đánh trống khai hội. Ảnh: Kiều Nga

    Buổi giao lưu để lại nhiều ấn tượng cho người xem với những tiết mục đặc sắc. Bên cạnh diễn ngâm các sáng tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương như Thương ôi phận gái, Tự tình 2,…chương trình còn mang đến những vần thơ, ca khúc viết về Hồ Xuân Hương, về làng Quỳnh, về mảnh đất xứ Nghệ với những con người tài hoa, cá tính và nặng tình nặng nghĩa. Đó là một “Lỗi nhịp nhân gian” của nhà thơ Vân Anh với những cảm nhận, đồng thời là bức phác họa về chân dung “tâm hồn” nữ sỹ Hồ Xuân Hương; là niềm kiêu hãnh ngầm định của một người con có bà mẹ là người làng Quỳnh, và có lời nhắn gửi với nữ sỹ Xuân Hương về “con đường thơ” mà họ cùng đã chọn trong “Quỳnh Đôi quê mẹ” của nhà thơ Thu Hà; là một câu hỏi tu từ “Dân gian đã hóa thơ bà/ Hay hồn thi sỹ chính là dân gian” để minh chứng về tầm vóc, sức sống của thơ và con người nữ sỹ, cũng là một cách để bày tỏ lòng ngưỡng vọng về bà chúa thơ Nôm của nhà thơ Thạch Quỳ trong “Gửi Hồ Xuân Hương“,…Đặc biệt, người xem còn được thưởng thức các tiết mục ca trù độc đáo đến từ CLB ca trù Diễn Châu.

NSUT Ngọc Hà diễn ngâm tác phẩm “Thương ôi phận gái” của nữ sỹ Hồ Xuân Hương
Tiết mục ca trù của CLB ca trù huyện Diễn Châu. Ảnh: Lê Nhung

Bài: Trang Đoan, Ảnh: Lê Nhung, Kiều Nga