Ra đời vào năm 2016, đến nay, Tiktok đã có khoảng 1 tỷ người sử dụng. Được biết đến là mạng xã hội phát triển nhanh hàng đầu thế giới, TikTok cuốn hút người dùng, đặc biệt là giới trẻ, bằng việc trình chiếu những video ngắn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Ấn Độ, một số nước EU, Anh,… đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị công.

Lý do các quốc gia, tổ chức này ban hành lệnh cấm là bởi lo ngại ứng dụng TikTok có thể thu thập thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng; truyền bá nội dung độc hại và thậm chí có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về số người dùng TikTok với khoảng 49,9 triệu tài khoản. Với số lượng người sử dụng lớn như vậy, có lẽ, chúng ta không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra, trước những lo ngại và động thái của các quốc gia khác.

Top 10 quốc gia có người dùng TikTok nhiều nhất thế giới. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Nhiều người cho rằng không chỉ TikTok mà mạng xã hội nào cũng có những mặt trái của nó, vấn đề là ở người sử dụng. Điều đó đúng. Tuy nhiên, đáng nói ở đây là tốc độ phát triển rất nhanh, khả năng lan truyền, tính “gây nghiện” và thuật toán của ứng dụng TikTok. Hơn nữa, chúng ta không thể chờ đợi sự thay đổi, chuyển biến nhận thức của cộng đồng để biết lựa chọn nội dung nào đáng xem trong khi những nội dung xấu, độc thì cứ lan truyền với tốc độ nhanh như vậy. Chúng ta không thể để mặc con em mình tiếp cận với những nội dung độc hại hàng ngày mà không kiểm soát như hiện nay.

Chưa đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng hơn cần có bằng chứng chứng minh như rò rỉ thông tin hay đe dọa an ninh quốc gia, các tác hại khác của TikTok là có thể dễ dàng nhận thấy. Trước hết, TikTok đang tiêu tốn rất nhiều thời gian của chúng ta, gây sao nhãng trong công việc, học tập và ngày càng hình thành thói quen lười đọc, lười tư duy, lười suy nghĩ. Không khó để thấy hình ảnh những người ngồi lướt xem video ngắn ở khắp nơi, từ quán cà phê đến nhà ở hay thậm chí cả chỗ làm việc. Người ta dường như không dứt ra nổi khỏi sự hấp dẫn của những đoạn video ngắn để rồi cứ liên tục bị cuốn đi. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc, học tập và cả những mối quan hệ trong gia đình lẫn ngoài cộng đồng. Chưa bàn đến những video phản cảm có nội dung không phù hợp, những video có nội dung ổn cũng có thể gây hại đến chúng ta. Nói cách khác, đó là sự cám dỗ của những cái tưởng chừng sẽ tốt. Thật vậy, ví dụ như nhiều người hiện nay có xu hướng nghe những đoạn tóm tắt nội dung phim/sách thay vì xem trọn vẹn chúng. Điều này dẫn đến thói quen lười đọc, lười tư duy và hạn chế dần khả năng cảm thụ, phân tích cũng như làm chai mòn dần cảm xúc. Theo thời gian, người ta trở nên cái gì cũng biết nhưng thực chất lại không biết gì vì tất cả đều được lướt qua một cách chung chung, vội vàng. Thói quen tưởng chừng đơn giản ấy, lâu ngày có thể tác động rất lớn đến nhận thức, cảm xúc và hành động của mỗi người trong cuộc sống thường ngày.

Việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của con người. Chúng ta đang chứng kiến một xã hội mà ở đó con người ngày càng trở nên thiếu gắn kết, dễ cáu giận; xu hướng bạo lực tăng cao,… Một trong số những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là chưa quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Việc trẻ em cũng như người lớn không dành thời gian cho nhau, đắm chìm với thế giới trên mạng, gắn chặt với các thiết bị điện tử có thể gây tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, tinh thần, cảm xúc. Đáng tiếc là điều này lại đang không được quan tâm đúng mức.

Có nên cấm TikTok hay không là một câu hỏi cần nghiêm túc xem xét

Và, đáng nói nhất, vẫn là sự lan truyền nhanh chóng của những sản phẩm có nội dung độc hại, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, cổ vũ những trào lưu không tốt trên TikTok. Người ta dần say sưa với những trò đùa nhảm nhí, vô bổ; thậm chí làm theo để có được sự chú ý từ cộng đồng. Mạng xã hội như TikTok lại có xu hướng trình chiếu video dựa trên mối quan tâm của người xem. Chỉ một lần chọn/tìm kiếm video có nội dung nhảm nhí để xem thì sau đó sẽ có vô số video tương tự xuất hiện “lôi kéo” người sử dụng. Ngoài ra, một số ý kiến chỉ ra rằng ứng dụng này còn lọc/gợi ý video theo từng quốc gia. Nghĩa là nếu bạn ở Việt Nam thì sẽ có xu hướng video khác với quốc gia khác như Trung Quốc. Vấn đề đáng nói ở đây là một số nghiên cứu cho hay xu hướng video mà TikTok gợi ý, đưa đến người dùng ở các quốc gia thường có nội dung giải trí vô bổ nhiều hơn những nội dung giá trị. Chúng ta cứ nghĩ sau thời gian làm việc căng thẳng sẽ cần những giây phút giải trí mà không hay biết có thể bị cuốn vào những đoạn clip với trò đùa ngớ ngẩn ấy lâu dài. Điều này đặc biệt nguy hại đối với giới trẻ bởi nó có thể dần ảnh hưởng đến nhận thức, làm lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Không gì nguy hại hơn đối với một quốc gia khi người ta cứ tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ những thói quen hưởng thụ, vui chơi, tư duy tạo tiếng cười và sự chú ý từ những điều nhảm nhí.

Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nỗ lực để ngăn chặn các nội dung xấu, độc trên mạng xã hội. Điều này là cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi cá nhân nên tự nhìn nhận và suy xét lại để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Đừng đánh đổi tương lai của con em mình, đất nước mình sau này chỉ bằng những giây phút giải trí vô bổ.

Trang Đoan