Bác Hồ trong trái tim đồng bào dân tộc thiểu số luôn có môt vị trí quan trọng. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ vật, mỗi lời ca điệu múa, dù ít hay nhiều chỉ cần liên quan đến Bác thì đồng bào đều luôn trân trọng, nâng niu. Trong mắt họ, đó có thể là những kỷ vật, kỷ niệm thiêng liêng.
Trong những hành trình điền dã đân tộc học vùng dân tộc thiểu số, tôi có cơ duyên được nghe nhiều câu chuyện của đồng bào về Bác. Gần đây, trong chuyến đi khảo sát về cộng đồng người Thổ ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, tôi lại tiếp tục được nghe những câu chuyện cảm động. Ở huyện Tân Kỳ, người Thổ là một cộng đồng dân tộc quan trọng. Người Thổ đam mê văn nghệ và luôn dành những tiết mục nghệ thuật truyền thống hấp dẫn nhất để chào mừng tết Độc lập ngày 2/9. Ông Bùi Công Lý, người già uy tín của xóm Kẻ Min – một làng dân tộc Thổ lâu đời ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ cho biết: Việc tổ chức tết Độc lập 2/9 không chỉ là một lễ hội để mọi người cùng vui vẻ, để các cháu chuẩn bị bước vào một năm học mới, để tăng thêm tình đoàn kết giữa mọi người với nhau, mà còn để tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước, tấm lòng biết ơn của người dân đối với Bác Hồ. Ông Lý cũng kể thêm rằng, trước đây, người Thổ ở đây tổ chức ngày 2/9 không long trọng lắm. Nhưng từ năm 1969, khi Bác Hồ qua đời thì sự kiện này được người dân tổ chức trọng thể hơn. Ông Lý đi vào nhà một lúc rồi ra, trên tay cầm một cuốn sổ nhỏ cũ kỹ. Đây là cuốn sổ in những lời di chúc của Bác để lại cho dân tộc. Giở cuốn sổ vẻ mặt ông bần thần xúc động khi nhớ lại không khí ngày Bác Hồ qua đời năm 1969.
Ông còn nhớ, khi đó, bố ông là cụ Bùi Văn Nhân, sinh năm 1926, là một lão thành cách mạng tham gia kháng chiến chống Pháp về địa phương và làm việc ở chính quyền xã. Bố ông từng làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hoàn, rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã Mai Xuân Tiến. Ngày 2/9/1969, buổi tối, bố ông đi làm về muộn, ai cũng nghĩ do trời mưa. Khi về thấy mặt bố rất buồn, cứ tưởng ông ướt mưa nên mệt. Rồi bố ông không vào ăn cơm mà ra bàn ngồi uống nước và trầm ngâm nghĩ gì đó. Một lúc sau, bố ông bảo “Thế là Bác Hồ của chúng ta đã mất rồi”. Cả nhà im lặng, nhiều giọt nước mắt đã rơi.
Sáng hôm sau đến trường, nhà trường cũng thông báo với toàn thể học sinh về thông tin Bác Hồ qua đời. Lúc đó, ông Lý đang học lớp 5 dù khi đó ông đã gần 15 tuổi, nhưng do điều kiện gia đình đông con khó khăn nên ông đi học muộn. Ông còn nhớ, ngày Bác mất, trời mưa tầm tã. Khi nhà trường thông báo tin Bác Hồ kính yêu qua đời, giáo viên và học sinh đều khóc. Người khóc thành tiếng, người ướt khóe mắt, ai cũng buồn ảo não. Dù gần như toàn bộ trường chưa mấy ai được gặp Bác, hay biết nhiều về Bác. Nhưng tất cả đều khóc, đều buồn như mất đi một người thân trong gia đình. Đến sau này, ông cũng chẳng hiểu được cảm xúc đó từ đâu đến mà nó chân thật, mà mãnh liệt như vậy?
Một thời gian sau, toàn bộ di chúc của Bác Hồ được công bố toàn dân, trên nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có in vào những cuốn sổ tay và phát về các cơ quan để nhắc nhớ mọi người về những tâm nguyện mà Bác gửi gắm lại. Bố ông Lý lúc đó đang làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nên được trên phát cho một loạt các cuốn sổ ghi chép loại nhỏ có in di chúc của Bác Hồ để phát cho cán bộ và một số người dân trong xã. Để động viên cậu con trai cố gắng học giỏi hơn, bố ông đã giữ lại một cuốn tặng ông. Từ cuốn sổ, ông đọc thuộc lòng di chúc của Bác, còn cho bạn bè mượn chép lại. Rồi cũng từ cuốn sổ đó, sau này, ông đã ghi chép lại những câu nói tâm đắc mà ông đọc được hay nghe được. Sau đó, con trai ông Lý là Bùi Công Long cũng thường xuyên lấy cuốn sổ của bố ra để đọc lại di chúc của Bác, để đọc những câu mà bố đã ghi chép và chép bổ sung thêm một số câu mà cậu tâm đắc. Ví như: “Các mức độ giải phóng phụ nữ là thước đo tự nhiên của sự giải phóng chung” (Các Mác), “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người hay ngại núi sông” (Ăng-ghen)… Ông còn ghi chép lại cả những câu thơ về Bác mà ông thích: “Bác ơi! Nhà Bác cũng nghèo/Quê hương Bác cũng như ngàn quê hương/Nhưng vì Bác rộng lòng thương/Cho nên nắng ấm ngàn phương kéo về”… Chỉ là một cuốn sổ nhưng nó đi theo ông qua hơn nửa thế kỷ từ bố ông qua ông và đến con ông, là qua ba thế hệ trong gia đình. Cứ mỗi lần đến ngày 2/9, ông lại lấy cuốn sổ cũ, đọc lại những lời di chúc của Bác. Đọc lại một số ghi chép của mình. Với ông, đó là để biết ơn Bác Hồ, để nhớ đến người bố quá cố của mình và cũng để nhắc con cháu phải giữ vững tinh thần yêu nước.
Tết Độc lập là một sự kiện lớn của đất nước, cũng là lễ tết của toàn dân. Từ một sự kiện lịch sử, Tết Độc lập 2/9 đã được dân gian hóa thành lễ tết và gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, tết Độc lập cũng gắn với Bác Hồ, với lòng thương nhớ và sự biết ơn. Người Thổ ở Tân Kỳ cũng vậy, họ tổ chức tết Độc lập rất trang trọng. Từ cuối tháng 8, hầu hết các làng bản người Thổ đều chuẩn bị chu đáo, vệ sinh làng bản sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc để đón tết. Tùy theo điều kiện gia đình mà có nhà còn làm mâm cỗ cúng tết, có nhà thì tổ chức đơn giản. Đêm đó, người dân còn tổ chức văn nghệ, nổi cồng chiêng cùng nhau múa hát, uống rượu cần mừng ngày lễ. Bên cạnh những tiết mục văn nghệ truyền thống, nhiều người còn sáng tác những ca khúc mới theo giai điệu truyền thống để biểu diễn nhân dịp này. Đó là những ca khúc về Đảng, về Bác và về xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới. Ngày trước, các nghệ nhân ở đây thường làm hò, vè và các bài hát về Bác Hồ bởi người dân xem đây cũng là dịp giỗ Bác. Họ thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với Bác qua những ca từ mộc mạc. Giờ thì những sáng tác như vậy ít hơn và cũng dần ít người biết hát các ca khúc của thời kỳ trước nhưng văn nghệ chào mừng dịp quốc lễ thì vẫn vô cùng long trọng.
Trang Tuệ