Ngồi trước tôi là ông cụ đã bước vào tuổi 90. Ấy vậy mà, nếu không nói thì ai cũng tưởng ông chỉ ngoài bảy mươi thôi. Da dẻ săn chắc, cơ bắp không có dấu hiệu nhễu nhão của người già. Đặc biệt, đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói vẫn chắc nịch. Chỉ có một bên tai hơi kém, ông bảo là: “Do bị bom ở Quảng Bình khi tôi vào công tác trong đó”. Khi đó ông đang làm việc trong ngành Hải sản của Nghệ An.

Những câu chuyện của ông cuốn hút tôi từ cung bậc này sang cung bậc khác. Cuộc đời của ông là những khúc quanh gồ ghề. Con đường ông đi không xuôi chèo mát mái. Tôi hình dung ra ông, lúc nào cũng như một tay đua thuyền dũng mãnh, gò lưng quạt nước, quyết đưa con thuyền vượt nhanh về phía trước. Trên đường đua của cuộc đời, ông đã từng vấp ngã, đứng dậy đi tiếp, và ông đã thành công.

Ông Nguyễn Xuân Tạo

   Chuyến đò nên duyên

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bồng, nhưng sau đổi thành Nguyễn Xuân Tạo, vì một lý do của câu chuyện tình từ một chuyến đắm đò hi hữu.

Năm 1947, lúc đó chàng thiếu niên tên Bồng đang ở tuổi mười lăm. Tại bến Vích, sông Bùng, Bồng cùng nhiều người trong xã đi trên chuyến đò từ phía Kim Lũy sang bên làng Thanh Bích. Đang giữa tháng Sáu, nước sông Bùng ngập bãi mênh mông, con đò chở khoảng bốn, năm chục người dập dềnh trên mặt nước. Ra đến giữa sông, con đò chòng chành rồi chìm vào dòng nước, mấy chục con người với gánh gồng, thúng mủng nhốn nháo giữa dòng sông. Một cơn vùng vẫy hoảng loạn của người già, phụ nữ, đàn ông, người nọ bám lấy người kia, chìm xuống, nổi lên, tiếng la hét kinh hoàng, náo động. Trong cơn hỗn loạn đó, Bồng bám được vào một tấm ván lót đáy thuyền nổi dật dờ trên mặt nước. Trong một phút trấn tĩnh, anh nhìn lại phía sau thì thấy một cô gái đang chới với “giã gạo” giữa dòng, anh vội đạp mạnh chân vào nước cho tấm ván trôi về phía đó. Bồng đưa tay kéo cô gái lên, mặt cô nhợt nhạt, mái tóc rối tung, bết bát. Lúc này, dù đã mệt nhưng anh vẫn gắng dùng hết sức của mình để đưa cô gái vào bờ. Hai người cập bờ, nằm lả ở bãi sông, giữa dòng vẫn nhốn nháo, người trong làng chạy ra ứng cứu khá đông, các thuyền đánh cá trên sông cũng lao đến vớt những người đang hấp hối. Tuy vậy, vụ đắm đò cũng đã cướp đi mười sinh mạng.

Cô gái tên Đào, năm đó 17 tuổi. Hai người cùng lớn lên ở một làng, Đào lớn hơn Bồng 2 tuổi. Sau vụ đắm đò, mẹ Đào làm một mâm cỗ cúng gia tiên rồi mang sang biếu bố mẹ Bồng để cám ơn anh. Từ đó, hai người đến với nhau như tri kỷ. Bồng đổi tên thành Tạo để hai người có một tên đôi là Đào – Tạo liền vần. Đôi bạn trẻ cùng sinh hoạt trong chi đoàn thanh niên của địa phương, anh tham gia đội trinh sát của xã nhà trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tình yêu của họ cứ lớn dần hòa với niềm vui trong công tác đoàn thể. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ thì họ cưới nhau, gia đình hai bên hởi lòng hởi dạ, bạn bè thân hữu hết sức mừng vui. Từ đây, chị chu tâm chăm sóc việc nhà, anh làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa ở xã, rồi làm cán bộ Đoàn ở địa phương. Năm 1961, Nguyễn Xuân Tạo vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, niềm vui lớn cho cả gia đình. Người vợ thảo hiền, xinh đẹp, nết na rất đỗi tự hào về người chồng luôn phấn đấu và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng.

   Vào ngành Hải sản

Nghỉ dạy bổ túc văn hóa ở địa phương, ông đi dân công hỏa tuyến thượng Lào một năm. Khi hết hạn về quê, ông được mời làm việc cho Trạm Hải sản Diễn Châu, được một thời gian lại lên làm cho Công ty Hải sản của tỉnh Nghệ An. Tiếng là lên tỉnh, nhưng cơ quan cũng đóng loanh quanh trong mấy xã của huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành và huyện Quỳnh Lưu. Vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nên công ty phải sơ tán hết nơi này đến nơi khác để đảm bảo an toàn sản xuất. Từ một thanh niên ở thôn quê, khi bước vào nghề làm hải sản, ông phải bỏ nhiều thời gian để học hỏi kỹ thuật chế biến, quy trình sản xuất nước mắm, mắm tôm. Ông lại được giao làm thư ký công đoàn lao động tiền lương, được bầu là Phó Bí thư chi bộ phụ trách tổ chức. Ông say sưa với công việc hàng ngày, tận tâm, tận lực để hoàn thành xuất sắc mọi việc được giao. Tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ của ông xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của một người đảng viên. Ông như một tấm gương để cán bộ, nhân viên trong cơ quan học tập, noi theo. Thời gian này vợ chồng ông đã có ba con nhỏ, đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Tuy ở cách nhà không xa lắm nhưng ba, bốn tuần ông mới tranh thủ về nhà một lần vào Chủ nhật. Lương tháng chẳng được bao nhiêu, ông tiêu pha dè sẻn, còn lại phải dành dụm cho vợ nuôi con, rau cháo qua ngày. Được cái, bà vợ rất thương yêu ông, thông cảm cho ông, luôn động viên ông cố gắng hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao phó.

Làm việc trong công ty hải sản của tỉnh, ông thường đi công tác về các huyện miền núi và ra cả tỉnh ngoài để khai thác cây tràm, củ nâu, mây… để đóng xảm thuyền và sản xuất các dụng cụ đánh bắt cá. Mỗi lần ông đi công tác chỉ bằng chiếc xe đạp cá nhân, lọc cọc đạp trên đường đèo dốc, có ngày đi hàng trăm cây số. Ăn uống dọc đường phải tự túc. Trên xe phải đèo thêm gạo, mắm, cá khô, xoong, bát, củi. Đến đâu là vào nhà dân nấu nhờ hoặc nhóm bếp bên đường tự lo cơm nước đơn sơ cho qua bữa. Việc của ông là khai thác nguồn hàng, thống nhất với các hợp tác xã mua bán của các bản làng về số lượng rồi quay về báo lại với cơ quan để cơ quan cử người đến thanh toán và thuê người khai thác, vận chuyển về trạm.

Trong một chuyến công tác Quảng Bình, ông đi cùng một cán bộ nữa, tên là Yên, người xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Sau khi xong công việc, hai người đạp xe trở ra. Vừa đến phà Ròn, máy bay Mỹ lao xuống thả bom. Hai người chỉ kịp xuống xe nấp vào vệ đường. Hàng loạt bom nổ dưới bến phà dựng lên từng cột nước, đất đá trên bãi bắn ra tung tóe, mảnh bom bay ràn rạt trên đầu. Một quả bom nổ gần, hất ông tung lên đột ngột. Ông chỉ biết có vậy rồi ngất lịm, người ta đưa ông đi cấp cứu ở trạm xá xã, năm ngày sau mới báo được cho gia đình và cơ quan đón ông về.

   Người chủ nhiệm HTX năng nổ

Vào tháng 4 năm 1970 cơ quan giảm biên chế, không nằm trong diện giảm biên nhưng ông muốn nhường cho người khác, ông xin về quê, để tiện vừa công tác vừa chăm sóc gia đình. Trở lại địa phương, ông được bầu làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Xuân Hương, kiêm trồng dâu nuôi tằm, làm nghề cá, làm chiếu và làm thảm xuất khẩu. Trong ban chủ nhiệm còn có ông Phạm Nhơn, làm Bí thư chi bộ.

Một đống công việc bộn bề. Suốt ngày ông bám ruộng đồng, bám bãi, bám xưởng ươm tơ, điều động nơi này, hướng dẫn nơi kia. Lòng ông luôn đau đáu làm sao cho HTX chạy công chạy việc, làm ra nhiều sản phẩm, ăn chia cho xã viên có ngày công cao. Tuy vậy, trong cơ chế “cào bằng” của thời bao cấp, xã viên thường đi muộn, về sớm. Trong lao động thì cầm chừng, né tránh việc khó, đùn đẩy nhau, nên sản phẩm làm ra chẳng được là bao, thu nhập của xã viên mỗi ngày công chỉ được tính bằng vài lạng thóc. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo HTX Xuân Hương bàn bạc với nhau, thống nhất khoán ruộng đất, khoán sản phẩm đến từng tổ, từng đội và khoán đến người lao động. Ai làm vượt chỉ tiêu thì được động viên, khen thưởng. Sau khi thực hiện cơ chế khoán, xã viên lao động tự giác, mọi người đều có trách nhiệm cao trong sản xuất, thi đua cải tiến kỹ thuật. Trong nông nghiệp thực hiện thâm canh, tăng vụ, trong ngành nghề xã viên đi sớm về muộn, tranh thủ làm thêm, huy động cả các cháu học sinh tham gia lao động trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm dâu tằm và sản phẩm chiếu, thảm đều được nâng cao. Hàng ngày đi trên cánh đồng, lòng ông phơi phới khi thấy những bãi ngô, khoai, đậu… được trồng xen vụ lên xanh mơn mởn. Mùa thu hoạch, xã viên hớn hở gánh sản phẩm về nhà, chất đầy bồ đầy cót. Cuộc sống vui như ngày hội.

Cuộc sống thôn quê đang phơi phới đi lên thì năm 1972, đội công tác 192 của tỉnh Nghệ An về địa phương thực hiện công tác chỉnh đốn Đảng. Nhiều cuộc họp trong chi bộ và Đảng bộ xã được tổ chức. Cuối cùng, đội công tác kết luận việc làm của Ban Quản trị HTX đã vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng (dù trước đó, chủ trương khoán sản phẩm đã được một số nơi, một số người thực hiện, mà tiêu biểu là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc). Ông Phạm Nhơn (Bí thư chi bộ) và ông (Nguyễn Xuân Tạo – Chủ nhiệm HTX) bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng. Việc đó như một xô nước lạnh dội vào bếp lửa đang ngùn ngụt cháy, xã viên ngao ngán, đảng viên buồn rầu. Ông như người bước hụt giữa mảnh đất quê hương mà ông vô cùng yếu dấu, vô cùng trăn trở để đưa xóm làng thoát khỏi cảnh đói nghèo, cơ cực bao năm. Nhiều đêm nằm bên người vợ yêu thương, ông thở dài nẫu ruột. Bà Đào tìm lời an ủi, động viên để ông nguôi ngoai trong cuộc sống. Các con ông, chỉ có cô con gái đầu đã đến tuổi trưởng thành, là đoàn viên nên rất ngượng ngùng mỗi khi đi cùng chúng bạn. Còn sắp nhỏ đang ở độ tuổi thiếu niên, đang vô tư, nhưng nhiều khi nghe mọi người bàn tán chuyện bố mình bị khai trừ khỏi Đảng, chúng không khỏi chạnh lòng.

Năm 1973, lại đến kỳ tổ chức đại hội HTX, ông như người mất hồn đến dự với tư cách một xã viên. Đến phần đề cử, bầu cử, nhiều ý kiến tiến cử ông. Ông đứng dậy ngập ngừng, xin phép bà con cho được rút vì cảm thấy không đủ tư cách để gánh vác công việc cho HTX. Ý kiến đại biểu rộ lên “Ông cứ làm đi, chúng tôi ủng hộ ông”! Ông xúc động trước tình cảm của bà con. Kết quả bỏ phiếu kín đạt 99% tín nhiệm.

Tiếp tục gánh vác công việc của HTX, thấy cần phát triển nghề làm muối để giải quyết lao động dư thừa của địa phương, ông lên kế hoạch và vận động bà con tổ chức khai hoang, mở rộng diện tích đồng muối. Công việc hết sức khó khăn, nhiều người nhìn vào cánh đồng hoang hóa mênh mông mà nản. Ông huy động nhân dân đắp đê cổ ngựa từ Vạn Đông đến sác Cồn Giếng, sác Cầu. Nhận thấy sức người không kham nổi việc san lấp mặt bằng, ông đưa ra quyết định thuê máy cơ giới từ trên huyện về thi công. Kẹt nỗi, đường về làng cách con kênh Nhà Lê chỉ có một cây cầu tre cho người đi bộ; xe cộ, máy móc không thể nào qua được. Trong “cái khó, ló cái khôn”. Ông quyết định mua cả một bãi phi lao, huy động xã viên chặt thành hàng mấy trăm khúc trấn xuống giữa dòng, tạo thành một con đường qua sông chắc chắn. Có đường, máy xúc, máy ủi nối nhau qua sông, bà con hò reo vang dậy. Sau một thời gian ngắn, ông đã cho san bằng 30 héc ta đất hoang hóa thành những ruộng muối phẳng phiu, giải quyết được việc làm cho 200 hộ của HTX Kim Châu. Sau khi đội cơ giới rút đi, ông cho bốc hết số phi lao dưới sông lên, bán củi cho lò gạch cũng thu được số tiền tương ứng với số tiền đã bỏ ra để mua cây. Việc làm thông minh, táo bạo và quyết đoán của ông đã tạo nên thành công ít ai ngờ tới. Cũng trong thời kỳ này, ông kiêm luôn cả việc làm Phó chủ nhiệm HTX mua bán. Công việc luôn chân luôn tay, nhập cái này, xuất cái kia, cố gắng đảm bảo cho bà con có thêm các mặt hàng phục vụ đời sống và sinh hoạt.

Dẫu cố gắng đến đâu, cuộc sống trong thời kỳ bao cấp vẫn vô cùng thiếu thốn. Điện không có, sản xuất thủ công, phương tiện đi lại và sinh hoạt gia đình chẳng có gì đáng kể. Mỗi nhà, mỗi người hàng ngày chật vật tìm cho đủ hai bữa ăn đã rất khó khăn, quần áo vá chằng vá đụp. Nhà ông đông con, bữa no, bữa đói thất thường. Nhiều hôm đi làm về, nhìn thấy vợ con ngồi quanh rổ khoai luộc, mấy đứa nhỏ vẻ chán chường, nhai trệu trạo, lòng ông thắt nghẹn. Cả xóm cả làng ăn đói, mặc rét. Có hai gia đình cho con ăn sắn, bị say mà chết rất thảm thương, có gia đình mất cả hai con nhỏ. Hôm đưa tang con bác hàng xóm về, ông đi như người say sóng, bước thấp bước cao, nước mắt giàn giụa. Tính ông là thế, rất cương nghị, thẳng thắn, quyết đoán nhưng rất giàu tình cảm và hay xúc động. Ngày qua ngày, lúc nào ông cũng nghĩ, làm sao cho dân có cái ăn cái mặc, cuộc sống được cải thiện. Làng quê thì đất chật, người đông. Có hôm đứng trước cổng trường cấp 1, nhìn bọn trẻ kéo nhau lũ lượt trên đường, ông nghĩ, rồi chúng nó lớn lên, dựng vợ gả chồng, lớp này rồi lớp khác, không biết lấy đất đâu mà ở. Thế rồi ông xin nghỉ Chủ nhiệm HTX, quyết tâm đi tìm miền đất mới.

   Cánh chim đầu đàn của vùng kinh tế mới

Có một người cháu là Nguyễn Vân Anh, con ông bác ruột là bộ đội đóng quân ở trong Nam trở về địa phương cho biết, vùng sông Ray, Đồng Nai đất đai màu mỡ, phì nhiêu, sau giải phóng vẫn bỏ hoang mênh mông bát ngát. Đêm đêm ông vắt tay lên trán suy nghĩ mấy hôm liền, người vợ lo lắng, hỏi ông:

– Dạo này có chuyện chi mà thầy em tỏ ra lo lắng vậy?

Ngần ngừ một lát, ôm chặt vợ vào lòng, giọng như nghẹn lại, ông nói:

– Em ạ, có một việc rất hệ trọng, anh định bàn với em mà chưa biết bắt đầu từ đâu.

Đêm đó ông đã thảo luận cùng vợ về ý định vào Nam xây dựng kinh tế mới. Vợ ông lo lắm. Ở một nơi xa xôi, lạ nước lạ cái, tiền không có, gạo không có, con cái lít nhít một đoàn. Rồi nhà cửa ở đâu, lấy cái gì ăn, có ai quen biết đâu mà nương tựa? Bà đặt ra bao nhiêu câu hỏi làm ông phải suy nghĩ trăn trở. Không tính sao được, bước ngoặt lớn cả cuộc đời, quyết đoán là rất cần, nhưng liều lĩnh sẽ thất bại. Bàn đi tính lại, cuối cùng ông tổ chức một nhóm gồm ông, làm trưởng đoàn, Nguyễn Xuân Anh làm phó đoàn, cùng hai ông là Nguyễn Tiến Dũng và Xuân Doạt. Mọi người chuẩn bị những thứ cần thiết, ra ga Sy mua vé, nhảy lên tàu, Nam tiến!

Miền đất mới mà đoàn “thám hiểm” do ông dẫn đầu là ấp Lâm San, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Cẩm Mỹ), tỉnh Đồng Nai. Cả một vùng đất bạt ngàn cây xanh và cỏ dại, ước khoảng hàng trăm héc ta mà chỉ lác đác mấy nóc nhà. Theo giới thiệu của Vân Anh, nhóm của ông tìm đến căn nhà của Chủ tịch xã Nguyễn Trọng Thể. Chủ nhà tiếp đoàn niềm nở, cơm nước đàng hoàng. Nhìn thấy gia đình đổ một đống sắn ở góc sân dùng để chăn nuôi, củ nào củ nấy to như cánh tay lực lưỡng, ông liên tưởng ngay đến quê nhà, nhiều gia đình ăn sắn trừ bữa cũng chỉ được vài ba củ khẳng khiu. Nhìn ra bãi thấy đất đai màu mỡ, phì nhiêu, cây cối tốt tươi đầy sức sống, lòng ông ngập tràn hy vọng. Đoàn của ông đặt vấn đề với vị chủ nhà về ý định muốn đưa một số gia đình vào sinh sống nơi đây. Vị chủ nhà niềm nở nói “Tôi cũng là người Bắc vào đây từ mấy năm trước. Ở đây đất rộng, người thưa, làm ăn cũng dễ. Tôi nhận cấp đất cho các bác khoảng 20 gia đình, mỗi hộ vài héc ta”.

Về quê, những người cùng đi trong đoàn của ông tổ chức vận động bà con trong xóm, trong xã. Mọi người cũng đắn đo, bàn qua bàn lại vì chưa biết ra sao. Nhưng làng xóm tin ông, thấy ông đưa gia đình mình đi thì họ đi theo, dẫu có do dự ít nhiều nhưng lòng vẫn khấp khởi một sự đổi đời để thoát vòng nghèo đói. Vậy là đợt đầu ông tổ chức cho 50 hộ lên đường, khi đi có xin giấy của chính quyền địa phương đi kinh tế mới. Vào đến nơi thì đâu cũng vào đó. Năm mươi gia đình giúp nhau chặt cây rừng, tre nứa, cỏ tranh dựng tạm nhà cửa đơn sơ. Vùng này không có bão lụt, nắng gió cũng không gay gắt như ở quê, nhà cửa thế nào cũng chịu được. Các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống, chặt cây, phát cỏ, khai phá đất hoang. Những đụn lửa đốt cây, đốt cỏ rần rật cháy suốt ngày đêm. Chỉ dăm ba tháng sau, các loại lúa nương, khoai, ngô, sắn, đậu và rau, củ quả các loại đã tràn ngập quanh vườn, quanh bãi. Thắng lợi đầu tiên là không lo thiếu lương thực, nhà nào nhà nấy kiến thiết dần dần. Dân làng ở quê nghe tin liền tổ chức từng tốp, từng tốp kéo vào. Chỉ vài ba năm đã lập nên xóm làng đông đúc. Thấy cuộc “di dân” tự phát thành công, ông Nguyễn Hữu Đợi phụ trách khai hoang báo cáo với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời ông đến để trao đổi kinh nghiệm. Đến nay, làng khai hoang đó đã có 400 nóc nhà, nông thôn đổi mới, điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang. Rồi làng đã trở thành thị trấn, có chợ, có bến xe, cửa hàng cửa hiệu mọc lên san sát. Nhiều con em của Diễn Kim vào đó đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ. Có người là cán bộ cấp tỉnh. Riêng gia đình ông chỉ ở vùng đất mới được 6 năm, khi cuộc sống đã ổn định, kinh tế đã dồi dào, vợ chồng, con cái lại gồng gánh nhau trở về xứ Bắc. Tháng 10 năm 2020, kỷ niệm 40 năm lập làng vùng “kinh tế mới”, dân làng mời ông vào dự lễ rất long trọng. Trong bài phát biểu chào mừng, ông bày tỏ: “Trải qua 40 năm buồn vui ở xứ lạ quê người, nay bà con làng Kim Lũy quê ta đã rất tự hào về sự phát triển không ngừng, cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc. Giờ phút này ta không thể không nhớ lại ngày đầu gánh gồng đưa nhau qua bến đò Vích, bước chân nặng trịch xuống đò, lòng nhỏ lệ phải tha phương cầu thực”… Mọi người đã ôm lấy ông mà cười, mà khóc, những giọt nước mắt biết ơn, những giọt nước mắt tủi hờn khi nhớ về mùa Đông năm đó, những giọt nước mắt mừng vui khi mọi thứ đã đủ đầy, đã rất đàng hoàng trong cuộc sống hôm nay.

Câu chuyện của ông đang say sưa, tôi xin phép hỏi ông vài ý:

– Ngày đó nhà văn Thiên Sơn của ta đi học trường nào ạ? (Thiên Sơn là con trai ông, tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả của cuốn “Người bên lề”, “ Đại gia”, “ Gió bụi đầy trời” và nhiều tác phẩm khác, đến nay là một cây bút trẻ thành công với 2 lần được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam).

– Đã bảy, tám tuổi rồi vẫn chưa được đến lớp. Hàng ngày chăn trâu, chăn bò và làm lụng việc nhà giúp bố mẹ. Khi đời sống ổn định hơn, ở Tân Lập có ngôi trường làm bằng tre, lá. Cháu học ở đó cho đến hết cấp một thì về quê.

– Thế cuộc sống đã dần ổn định rồi, sao bác lại bỏ về?

– Lúc đó tôi bị nhiều bệnh lắm, viêm loét dạ dày, thần kinh tiền đình… Điều kiện chữa trị ở đó lúc ấy cũng khó khăn…

– Trở về quê, gia đình bác làm nghề gì để sống?

Ông lại kể về những ngày trở lại quê hương.

   Làm giàu tại quê nhà

Với số tiền bán lại ruộng vườn, tài sản từ vùng kinh tế mới, ông trở về quê Diễn Châu chữa bệnh. Khi sức khỏe vừa phục hồi, cái máu làm kinh tế trong ông lại trỗi dậy. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu của những năm đổi mới. Ông gom góp vốn liếng, vay mượn thêm đầu tư mua máy xay xát. Gia đình ông sở hữu bốn, năm chiếc máy, đặt khắp các xã trong hai huyện Diễn Châu và Yên Thành. Người em của ông là Nguyễn Xuân Bạt cũng làm xay xát như ông. Hai anh em cứ hoạt động nơi này một thời gian, lại chuyển sang nơi khác. Các xã Diễn Liên, Diễn Xuân, Diễn Tháp, Diễn Nguyên, Hoa Thành, Phú Thành… nơi nào cũng có ông phục vụ. Thu nhập của gia đình ông ngày càng dư giả. Khi thuê kỹ sư hoặc thợ đến sửa máy móc, ông tranh thủ học để nắm chắc nguyên lý vận hành. Từ đó ông thành thạo tính năng của các loại phụ tùng xe máy và vận hành thành công các loại máy nông nghiệp. Khi máy xát trong nông thôn đã phát triển khá nhiều, ông bỏ nghề máy xát đi buôn phụ tùng cơ khí. Thời điểm đó, địa phương cho đấu thầu đất trên tuyến đường 1, đoạn xã Diễn Ngọc, sẵn có ít tiền, ông mua liền mấy suất. Cùng với người em trai Nguyễn Xuân Bạt và một số hộ khác cũng mua đất ở đó, dần hình thành nên một xóm mới, gọi là xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc. Sau vài chục năm, từ một cung đường trơ trọi đã trở thành trù phú đông vui, hàng quán mọc lên, kẻ bán người mua tấp nập. Ông giúp các con mở ốt kinh doanh, thu nhập gia đình tăng vọt lên trông thấy.

Tháng 4 năm 1993, thời kỳ cơ chế thị trường đã chuyển động nhộn nhịp trong cả nước, ông cùng người con trai là Nguyễn Phúc Thiện tìm đường sang Trung Quốc học nghề cơ khí, buôn các loại máy phục vụ nông/ngư /lâm nghiệp và diêm nghiệp. Ông nhận định, thời kỳ kinh tế phát triển, cơ giới hóa là yêu cầu tất yếu của các ngành sản xuất. Đoán biết được nhu cầu xã hội trong xu thế mới, ông chủ động đi trước, đón đầu, và đã rất thành công.

Lúc đầu, ông cũng không biết đường sang Trung Quốc. Cha con ông bắt xe ra Hải Phòng, từ Bến Bính hỏi đường và đi tàu thủy ra Móng Cái. Ở đây ông thấy người Trung Quốc mang rất nhiều hàng hóa các loại sang bán cho người Việt vùng biên giới, hầu hết đi theo đường tiểu ngạch. Ông tiếp cận với họ, những người vận chuyển hàng ai cũng biết tiếng Việt, giao tiếp khá dễ dàng. Ông đặt vấn đề mua phụ tùng cơ khí, họ sẵn sàng cung cấp cho ông. Thời gian đầu ông nhận hàng từ Móng Cái rồi đi xe đò về Hà Nội, từ Hà Nội lại chuyển chuyến về Nghệ An. Công việc thuận lợi, thu nhập rất cao. Từ buôn bán phụ tùng, ông tự học để hiểu thêm về các loại máy móc cơ khí như máy nổ, máy cày, máy dập, máy bơm nước, máy tưới cây… Ông sang tận Trung Quốc, đến những cơ sở bán hàng, những xưởng sửa chữa, lắp ráp để tìm hiểu về kỹ thuật. Khi đã làm chủ được kỹ thuật và thiết lập được đường giây buôn bán chắc chắn, ông bàn bạc với con trai Nguyễn Xuân Thiện xin giấy phép thành lập công ty kinh doanh máy nông nghiệp, lấy tên ba người con của Thiện là “Tâm – Trí – Mạnh”. Lúc đầu do Thiện còn dè dặt, chưa quen công việc điều hành, với kinh nghiệm quản lý lâu năm, ông đứng ra làm giám đốc cho công ty của con trai.

Sau khi thành lập công ty, ông mở rộng giao dịch với các bạn hàng. Những container đầy ắp máy móc được chở thẳng từ Trung Quốc về cơ sở của ông. Ở thị trường trong nước, máy móc do công ty phân phối được lưu thông trên cả ba miền Trung, Nam, Bắc. Ngoài số công nhân và cán bộ kỹ thuật của công ty, có hàng trăm “cộng tác viên” nhận hàng rồi đi cung ứng cho các cơ sở trong cả nước. Những người này cũng làm giàu lên nhanh chóng vì được công ty cho nợ vốn để quay vòng. Sau 3 năm làm ăn phát đạt, ông bàn giao cho vợ chồng con trai là Nguyễn Xuân Thiện làm Giám đốc, và Phạm Thị Khuyên cùng quản lý công ty. Tuy thế, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông vẫn như một cố vấn đắc lực thường xuyên bên cạnh các con. Từ một công ty nhỏ do ông sáng lập, đến nay Tâm – Trí – Mạnh trở thành một công ty kinh doanh đa ngành trên các lĩnh vực: bán máy nông nghiệp, phụ tùng ô tô, phân phối ô tô các loại, thi công đô thị, điện mặt trời…

Mấy năm gần đây ông chăm lo vận động con cháu và tổ chức xây dựng nghĩa trang dòng họ tại xã Diễn Kim to, đẹp đàng hoàng. Tất cả nỗi niềm ông gửi gắm vào tiên tổ thiêng liêng. Ông tâm niệm, có tổ tiên phù hộ, nhà ông mới được “Tứ đại đồng đường”. Các con ông phương trưởng và thành đạt, người là đại tá quân đội, người là công an, bác sĩ, nhà văn… Số con, cháu, chắt nội ngoại của ông bà đến nay đã gần chín chục. Sau ba lần mừng thọ vào các năm chẵn chục, vừa rồi bà đã ra đi. Nhớ thương người vợ một đời chịu thương chịu khó, chia sẻ cùng ông những năm tháng gian truân, nuôi dạy 9 đứa con ăn học nên người, cạnh bàn thờ của bà, ông đặt một tủ lưu niệm những kỷ vật như chiếc áo dài, vuông khăn, đôi dép… của người vợ tri âm tri kỷ. Giọng ông bỗng chùng xuống, bùi ngùi khi đọc bài thơ  “Chuyến đò nên duyên” ông viết tặng bà:

                                    Năm Bốn bảy, ngày Mười, tháng Sáu

                                    Tính tuổi đời khi đó mười lăm

                                    Hoa Đào khoe sắc chào Xuân

                                    Tên Bồng, đổi Tạo cho gần bên em

                                    Mừng thầm suốt cả ngày đêm

                                    Mấy ai tam hợp, hai tên một vần…

Thuở sinh thời, nhà văn Sơn Tùng, người anh họ của vợ ông, có tặng gia đình ông đôi câu đối:

                                    “Vinh hoa phú quý danh thiện hạnh

                                    Tứ đại khang ninh hiển vinh gia”.

   Tôi chia tay ông, lòng ngẫm ngợi không nguôi về một con người, biết bao thăng trầm, nghịch lý của cuộc đời vẫn không thể quật ngã được. Chính ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên không ngừng và sự lao động không ngưng nghỉ đã dẫn ông đi đến thành công. Giờ ông sống bình dị, thanh bạch, hàng ngày đọc sách, ngâm thơ, giáo huấn con cháu những điều hay lẽ phải. Một con người như vậy, thật đáng trân trọng biết bao!

Cao Khoa

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)