Tôi biết Trịnh Xuân Giáo từ khi anh còn chưa biết tôi, anh là một doanh nhân Công giáo có tài và thành đạt. Mấy năm gần đây tôi có nhiều cơ hội để gặp anh hơn, có lẽ cũng do đã ăn của anh ngót nghét cả tạ cam, giống cam Xã Đoài lòng vàng, trồng ở trang trại Thiên Sơn (xã Đồng Thành, Yên Thành) nổi tiếng. Biết rằng với một xuất phát điểm rất thấp, để được như ngày nay hẳn là Trịnh Xuân Giáo đã phải trải qua một quá trình phấn đấu rất quyết liệt và khó khăn nên tôi cảm phục và quý mến anh. Nhưng khi đọc cuốn sách do anh viết về chính cuộc đời mình (mới in tập I), tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba do Chủ tịch nước thưởng Thượng sỹ Trịnh Xuân Giáo năm 1974.

Sao lại có một con người mà cuộc đời đặt ra nhiều thử thách và cạm bẫy khắc nghiệt đến như vậy? Mười hai tuổi, anh đã quyết chí ra đi để tìm con đường sống bằng cách… trộm tiền nhà nhảy tàu vào Sài Gòn, trong khi chưa hề biết thành phố Vinh ở đâu, tàu hỏa là gì. Cậu bé 12 tuổi giàu ý chí và giàu sự ngờ nghệch ấy đã bị lừa ngay trên tàu.

Rồi anh quyết ở lại Sài Gòn kiếm tiền đền cho gia đình, bị tai nạn rơi xuống giếng sâu, không hiểu sao anh vẫn sống. Anh bị sốt rét lăn lóc, phải nuốt giun đất sống để chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Sau đó là cuộc đời quân ngũ, làm cán bộ văn hóa xã, nhưng anh vẫn kiếm sống bằng nghề thợ may. Rồi anh mày mò học sửa chữa radio, tivi, khi “ăn cắp” được “công nghệ” chuyển hệ màu cho tivi nội địa, sướng quá, anh đã uống rượu say đến nỗi bị tai nạn xe máy, đã tắt thở, được đắp chiếu lại để bên vệ đường chờ trời sáng… nhưng vẫn không chết. Rồi anh nợ đầm đìa, trốn nợ, rồi quyết chí đổi đời bằng cách vay tiền đi xuất khẩu lao động. Trớ trêu thay, lên máy bay anh mới biết họ chỉ đưa cho mình visa du lịch 3 tháng. Anh bơ vơ nơi sân bay xứ người trong đêm đông giá lạnh với hai bàn tay trắng, không quen biết ai, không biết tiếng… Thế là bắt đầu một cuộc chiến đấu để kiếm sống như trong phim, anh đã bươn chải qua mọi nghề, lang bạt qua hầu hết các nước Đông Âu, ra tù, vào khám như cơm bữa… Tập I của cuốn tự truyện tạm dừng lại ở nước Nga với biết bao cạm bẫy đang rình rập Trịnh Xuân Giáo phía trước.

Ông Trịnh Xuân Giáo (thứ 2 từ trái sang) chụp hình cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (thứ 3 từ trái sang) tại trang trại cam Thiên Sơn.

Rõ ràng, Trịnh Xuân Giáo là một con người không chịu đầu hàng số phận mà luôn tìm cách vượt qua nó bằng ý chí, bằng trí thông minh, bằng đức tin mãnh liệt của một người có đạo. Chưa biết anh, đọc cuốn sách này đã cảm phục, khi biết anh rồi, tôi càng khâm phục, càng bất ngờ về anh hơn. Đọc Facebook của anh, biết anh có khả năng viết lách, nhưng với cuốn sách như thế này thì quả là anh có tài năng văn chương thật sự. Từ cách tổ chức cuốn sách, chia chương mục, đặt đầu đề, cách dẫn dắt và kết thúc từng chương mục cho thấy đây là một cây viết rất có nghề. Cuốn sách hấp dẫn, cuốn hút người đọc vì sự chân thực, tiết tấu nhanh, tình tiết gay cấn, bất ngờ như truyện hình sự. Hơn 160 trang sách, tôi đọc một mạch chưa đến một buổi thì hết.

Ông Trịnh Xuân Giáo cùng đoàn đại biểu Nghệ An dự Đại hội Thi đua yêu nước năm 2020.

Cuộc chiến mưu sinh là cuốn sách có giá trị truyền cảm hứng rất lớn. Được biết, tiền bán sách, sau khi trừ chi phí xuất bản, anh sẽ gửi tặng tất cả cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An – thêm một lí do nữa để yêu quý cuốn sách và tấm lòng của tác giả. Trong các cuộc rượu, gặp chai rượu ngon, tôi và bạn bè vẫn thường nói vui rằng: “Rượu ni vừa uống vừa sợ” –  “Sợ chi?” – “Sợ hết!” Khi được đọc một cuốn sách hay cũng vậy, chỉ sợ nó hết, cũng may, Cuộc chiến mưu sinh của Trịnh Xuân Giáo còn có những tập sau.

Phạm Xuân Cần
(Ảnh do nhân vật cung cấp)