Đó là tối ba mươi tết, trời buốt giá. Giữa con đường phố đi bộ đông nghịt người của thủ đô sầm uất, gió thổi từng đợt lạnh lẽo đến không chịu được.
Cụ Tý mắt díp lại, uể oải ngáp một hơi dài. Hai bàn tay nhăn nheo của cụ đút chặt vào túi áo, người cụ run cầm cập. Chiếc phéc mơ tuya bằng đồng cũ trên áo cụ, theo từng nhịp run lẩy bẩy, đập canh cách vào chiếc cúc màu hổ phách bên cạnh. Cụ chép miệng, gượng đứng dậy chậm chạp:
– Chao ơi. Trời cuối năm lạnh thế.
Gian hàng tò he của cụ đã có từ lâu, và men dọc theo những quán hàng ở quanh hồ, ai cũng biết cụ Tý. Cụ hiền hậu, đôi khi hay xởi lởi. Bọn trẻ con coi bộ thích cụ ra mặt, mỗi khi thấy cụ bày gian hàng tò he đủ màu bên vỉa hè, đứa nào cũng nhanh nhảu chạy lại, đứa đấm vai cho cụ, đứa ngồi xuống chiếc chõng tre cũ sờn, ôm lấy bả vai cụ thủ thỉ:
– Ông làm cho cháu bông hoa hướng dương màu đỏ nhé ông, và cháu muốn lá của nó màu xanh vàng như cốm.
–  Hôm kia ông chả hứa nặn cho cháu con khỉ Ngộ Không trên ti vi hay chiếu còn gì.
–  Ôi cảm ơn ông. Chú Cuội đẹp quá. Mai mốt ông nặn chị Hằng cho cháu với ạ!

Tranh sơn dầu: Nguyễn Tư Nghiêm

    Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước.
Bây giờ, cuộc sống đã khác trước. Đủ thứ gian hàng đồ chơi lạ mắt: rô bốt biết đi, máy bay trực thăng điều khiển từ xa… xâm chiếm khắp mọi ngõ ngách, làm cho bao đứa trẻ thích thú. Dần dà, không còn ai qua gian tò he nhỏ của cụ bên vỉa hè nữa. Tên gọi thân thuộc “cụ Tý” bây giờ cũng chẳng mấy ai biết đến.
Gió rít một hơi lạnh tê sống lưng, cụ quyết định dọn hàng. Cụ thu xếp đồ đạc bỏ vào bao. Cụ buộc chiếc ghế con sau lưng, đeo bao chéo vai qua chiếc áo phao đã cũ từ hơn hai chục năm về trước, rảo bước trên con đường men theo bờ hồ. Nhưng rồi cái lạnh lại khiến cụ dừng lại. Cụ Tý đặt chiếc ghế con xuống thảm cỏ, ngồi lên, hai chân chống lại, run run.
Chợt, cụ quay lại, thấy một cậu bé nhỏ tuổi, mặc bộ đồ cộc tay màu nâu, tay cầm hộp gỗ, gương mặt lấm lem nhưng đôi mắt to sáng.
– Cháu sao không về nhà đón giao thừa với cả nhà đi? Lại còn ngồi đây làm gì cho lạnh hả cháu.
Nghe cụ Tý hỏi, cậu bé ngoảnh lại nhìn.
– Cháu chẳng có nhà để về.
– Bố mẹ cháu đâu?
Cậu bé im lặng một lúc. Em rút từ trong chiếc hộp gỗ màu hạt dẻ của mình ra một mảnh lam nhỏ, mài chiếc bàn chải nghe soàn soạt.
– Bố mẹ cháu chết rồi. Cháu ở với má nuôi. Cháu nghe người ta bảo má nhặt cháu ở bệnh viện. Giờ má bỏ cháu vào Nam rồi.
Cụ Tý thở một hơi dài ra khói. Tội nghiệp thằng bé!. Cụ hỏi, giọng khàn khàn:
– Cháu tên gì?
– Nhân. Cháu tên Nhân.
Cậu bé nhanh nhẹn đáp, tay tỉ mỉ dùng chiếc kéo nhỏ cắt những mảnh da sờn màu ghi. Đoạn, em bỏ hết đồ vào trong hộp, đóng lại, quay sang nhìn cụ.
– Cháu đi đánh giày từ 2 năm trước, hồi cháu 7 tuổi. Người ta đòi đưa cháu vào trại mồ côi nhưng cháu không thích.
– Thế ban đêm cháu ngủ ở đâu?
– Dưới gầm cầu ở phố bên cạnh ạ. Ở đó có vài người giống cháu.
Nhân quay sang nhìn mái tóc và chòm râu bạc trắng của cụ Tý, nở một nụ cười tươi:
– Ông cũng không có nhà để về như cháu ạ?
– Ông có nhà, nhưng cũng lụp xụp lắm. Vả lại, chẳng có ai ở nhà. Vợ ông mất vì lao phổi lâu lắm rồi. Con trai ông cũng mất vì tai nạn xe hồi bé. Đến là khổ!
Hai ông cháu ngồi bên cạnh nhau một hồi lâu. Pháo hoa đã bắt đầu lác đác trên nền trời đêm. Nhân ngơ ngác đưa mắt nhìn lên bầu trời, những tia lửa sáng chói bật lên đủ mọi hình thù, chớp hiện rồi lại tắt làm em thích thú. Phía bên kia đường, những gia đình cùng dắt tay nhau ra phố xem pháo hoa chào năm mới. Nhìn những người cha cho con cưỡi lên cổ, những bà mẹ dịu dàng cầm tay con mình khỏi lạc trong đám đông lộn xộn, Nhân không khỏi ghen tỵ.
– Cháu biết chơi tò he không?
Nhân giật mình quay lại, mỉm cười:
– Cháu có nghe qua rồi nhưng chưa được chơi khi nào.
Cụ Tý mở bao vải, bày ra những viên nếp đủ màu đặt trên một chiếc đĩa hình chữ nhật, đoạn cụ nói:
– Ông là nghệ nhân tò he đã hơn sáu chục năm rồi. Cháu có muốn một cái không? Ta sẽ nặn cho cháu, bất kì thứ gì cháu muốn.
Mắt Nhân sáng lên:
– Ôi! Ông giỏi quá. Dạ… hay là ông tặng cháu một cái bánh chưng nhé. Cháu đói quá.
Cụ Tý cười khà khà. Cụ lấy một vốc bột màu xanh lá chuối, tỉ mỉ nhào nặn. Chỉ trong một chốc, “chiếc bánh chưng” nhỏ đã hoàn thành. Nhân vui sướng, hai tay cầm lấy cây tò he mà cụ Tý đưa cho, cảm ơn rối rít.
– Ngon phết, ông nhỉ?
Pháo hoa một lần nữa nổ rần rần trên bầu trời đêm. Ánh sáng vàng chói lọi chiếu lên mặt Nhân, lên đôi má lấm lem của em và lên cả khuôn miệng chóp chép nhai của em nữa. Cụ Tý, nhìn cậu bé mà cảm động, trong lòng se lại.
–  À mà ông ơi. Ông có biết chữ không ạ?
– Có chứ cháu.
– Ông có thể cho cháu cách viết tên cháu được không ạ? Đổi lại, cháu sẽ đánh giày cho ông?
Cụ Tý cười xoà.
– Được! Nhưng ông chẳng có giấy bút.
Nhân gãi đầu gãi tai, chợt, nhìn que tre cắm tò he vừa ăn xong, em liền nảy ra ý tưởng gì đó.
– Hay cháu bẻ que tre này thành từng đoạn nhỏ rồi ông dạy cháu cách xếp chúng lại thành chữ nhé.
Cụ Tý khen:
– Cháu thông minh lắm. Ông không đi giày nên cháu không cần trả ơn ông đâu. Ông còn rất nhiều que tre như thế này. Ông sẽ chỉ cho cháu…
Và thế là, dưới ánh đèn dây nhấp nháy quanh những thân cây cổ thụ to lớn, vẫn còn 2 người đang say sưa đọc chữ. 2 chiếc bóng hắt xuống vệ đường đi, bóng lớn che bóng nhỏ…
– Cháu mệt và buồn ngủ quá.
Thấy Nhân lạnh, cụ Tý cởi chiếc áo khoác của mình, khoác cho em. Cụ quay sang, móc tay vào túi, đưa ra một chiếc tò he hình bông cúc trắng. Cụ gói ghém cẩn thận rồi dúi vào tay Nhân.
– Cháu giữ lấy cẩn thận. Ta tặng cháu. Chúng ta học đến đây thôi.
Nhân lẳng lặng cất cẩn thận miếng giấy báo cũ trong chiếc hộp gỗ rồi đóng lại. Em nhìn cụ Tý đầy cảm động. Bất chợt, em ôm chầm lấy cụ. Cụ Tý xém ứa nước mắt.

Tranh sơn dầu: Trần Trung Kỳ

   Giao thừa tới, hai ông cháu ôm chặt lấy nhau, bên chiếc hộp gỗ và bao vải cũ kĩ.
Họ chẳng còn thấy lạnh nữa. Họ cũng không biết đói là gì.
Họ quên rằng mình đã bất hạnh như thế nào.
Có lẽ họ không quên, vì họ không bất hạnh.
Cụ Tý có một người con trai.
Nhân có một người cha.
Cụ đã có vị khách cuối cùng vào ngày giao thừa.
Em đã biết đánh vần tên của chính mình.
Họ không cô đơn. Họ hạnh phúc.
Đêm giao thừa của họ đã trôi qua, tuyệt vời như vậy.
    Sáng hôm sau, nắng xuân ấm áp đã tràn về trên khắp nẻo đường. Chim hót líu lo và cái lạnh thấu xương đêm qua dường như đã không còn nữa.
Nhân dụi mắt tỉnh dậy. Mặt trời hồng tươi lọt vào đôi mắt em, chim hót bên tai em và cụ Tý đang ôm chầm lấy em.
– Dậy ông ơi. Sáng rồi ạ.
Cụ Tý không trả lời.
– Ông ơi, hôm nay nắng đầu năm đẹp lắm ông ạ.
Cụ Tý vẫn không trả lời.
– Nếu ông còn buồn ngủ thì ông cứ ngủ đi ạ. Hôm qua ông đã rất mệt mà. Cháu cảm ơn ông nhiều lắm.
Nhân xách vai cụ Tý dựa vào gốc cây bên cạnh, cởi áo khoác đắp lên người cụ, ôm cụ thật chặt lần cuối.
– Cháu phải đi rồi. Cháu cảm ơn ông.
Nói đoạn, cậu bước đi, vừa đi vừa luyến tiếc quay đầu không thôi.
Trên khắp thảm cỏ, người ta thấy những mảnh tre được bẻ nhỏ ra, xếp thành những hàng chữ lộn xộn… Bên cạnh đó là một cụ ông đẹp lão, môi trắng bợt, nhưng vẫn nở nụ cười.
Cụ Tý, đã không thể trả lời được nữa.
Cụ Tý đã ra đi, nhưng trên khuôn mặt phúc hậu của cụ vẫn toát lên một sự hạnh phúc lạ kì.
    Xa xa, Nhân tung tăng chạy, một tay cầm chiếc hộp gỗ đung đưa nhịp nhàng, tay kia giơ cao bông hoa cúc trắng được nặn bằng bột, đôi chân trần thoăn thoắt, ánh mắt sáng ngời, mái tóc đen phấp phới, em lẩn vào dòng người tấp nập đi mừng mồng một Tết, dưới những tán hoa đào hồng phớt diễm lệ.

Hồ Nhật Thi (Học sinh lớp 9A, Trường THCS Cửa Nam, TP. Vinh)

* Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 2/Bộ mới/2020