Tháng 7 năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ngày 23/11/1925, cụ bị tòa án của Thực dân Pháp ở Hà Nội xử khổ sai chung thân, nhưng ngay sau đó cụ được Toàn quyền Đông Dương Varenne ân xá. Ngày 25/11/1925, cụ rời Hà Nội về Huế. Trên đường Cụ đã dừng lại ở Vinh để thăm hai người con trai, rồi lại tiếp tục hành trình.

          Hơn hai tháng sau, ngày 6/2/1926 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Ất Sửu), cụ Phan lên đường về thăm quê, sau hơn hai mươi năm bôn tẩu đấu tranh. Báo chí đương thời đã phản ánh khá chi tiết chuyến thăm quê của cụ. Một số bài báo sau đó được tập hợp in thành sách. Đó là cuốn “Sào Nam Phan Bội Châu tiên sanh – Lịch sử tấm lòng vì nước”, do Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn xuất bản, năm 1926. Cuốn thứ hai là “Thanh khí nhẽ hằng” do Nhà in Thực Nghiệp ấn quán, Hà Nội xuất bản năm 1926.

       Theo tường thuật của báo chí, trong chuyến về quê này, cụ dành rất ít thời gian cho gia đình, mà chủ yếu là các hoạt động xã hội.

Hai cuốn sách tập hợp các bài báo phản ánh về chuyến thăm quê của Cụ Phan

          Ngày 6/2/1926, tức ngày 24 tháng Chạp, năm Ất Sửu, từ Huế, cụ Phan bắt đầu lên đường bằng xe hơi. Cùng đi với cụ có ông nghè Ngô Đức Kế, cử nhân Nguyễn Đình Ngân và một cậu học trò Huế. Khi xe qua phà ngang sông Gianh, có một thương gia gặp cụ. Vị thương gia này tỏ ra hết sức mến mộ cụ và tặng cụ 20 đồng, “tôi dâng cụ để sau này cụ có in quyển sách gì mà có ích quốc lợi dân thì cụ nên dùng số tiền mọn nầy để chi phí, gọi là cái lòng thảo của một người Việt Nam thương nước Việt Nam”. Cụ đã vui vẻ nhận tiền.

Chân dụng cụ Phan Bội Châu in trong sách “Sào Nam Phan Bội Châu”

       Năm giờ rưỡi chiều, xe đến Hà Tĩnh. Nghe tin cụ Phan về, các nhà tri thức liền kéo đến mời cụ và ông nghè Ngô ra dự tiệc tại khách sạn. Hôm sau, ngày 7/2, cụ Phan vào thăm bác sĩ Hà Huy Sằn. Tại đây các nhà tân học, cựu học tới yết kiến cụ rất đông. Cụ nói chuyện với họ về tinh thần ái quốc của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng trao đổi thêm về chủ trương Pháp – Việt đề huề.

       Ở Vinh, chủ trì tổ chức đón cụ Phan là hội Quảng Tri. Đây là một tổ chức quảng bá tân học, tập hợp những trí thức hàng đầu và những công chức, nhà doanh nghiệp, thầy thuốc, văn sỹ… có tư tưởng tiến bộ, như Cao Xuân Huy, Hoàng Đức Thi, Lê Thước, Nguyễn Hiệt Chi, Cao Xuân Tiếu, Trần Đình Quán…

      Ba giờ chiều, thay mặt Hội Quảng Tri Vinh, ông Hoàng Đức Thi ủy viên của hội, đã đem xe hơi vào Hà Tĩnh đón cụ về Vinh. Nghe tin cụ về quê, gần hai nghìn người đã kéo đến Hội Quảng Tri, báo chí mô tả là “tiếng reo mừng vang trời động đất”. “Cuộc tiếp rước này có bề long trọng lắm; trước cửa hội có dựng khải hoàn môn bằng bông lá, pháo nổ đì đùng, đèn điện sáng choang, cờ Pháp cờ Nam bay phất phới thật là xem có vẻ oai nghi”.

       Nhà giáo Lê Thước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pháp – Việt, Hội trưởng Hội Quảng Tri khuyên răn anh em nhứt là bọn “tân tiến cùng hạ lưu” trong khi cụ về xứ sở đừng quá mừng cụ mà làm những điều bạo động thì không nên. Sau đó nhà giáo Lê Thước đọc lời chào mừng. “Thưa Phan tiên sanh! Thấy một người anh em đi lâu mới về, chết rồi sống lại, bà con ai chẳng vui mừng! Huống chi người anh em ấy lại thật có quan hệ đến vận mạng của nhà và họ ta. Đọc một truyện anh hùng, xem một tấn diễn kịch anh hùng ai cũng kính mến những người anh hùng quá khứ. Huống chi gặp được một người anh hùng hiện tại đi qua trước con mắt ta. Nghe nói một nước nào hèn yếu mới xuất hiện một bậc vĩ nhơn thì người lân bang đều tỏ lòng mừng cho hậu vận của nước ấy, huống chi chính ở tổ quốc mình sanh được vĩ nhơn, đã làm vẻ vang cho nòi giống mình. Hơn mấy tháng nay đồng bào đối với tiên sanh và hôm nay anh em chúng tôi hoan nghinh tiên sanh thật vì “ba mỗi cảm tình” đã nói làm cho lòng người tự nhiên liên lạc không phải cưỡng bức.

       Quốc dân lấy sự được thấy, được thừa tiếp tiên sanh làm hân hạnh lắm, chúng tôi tưởng tiên sanh lại hân hạnh hơn bội phần. Sao vậy? Hai mươi năm đất khách quê người, nay được trông thấy bà con anh em trong nước, được nhìn lại non sông cây cỏ của mình, ấy là một sự vui mừng thường tình. Đi lâu mới về mà anh em không kêu mình là một tên “đi hoang” chết đi sống lại mà anh em không chê mình là một người “tham sanh” lại không cho mình là một người “dư sanh vô bổ”.

      Tuy rằng cái trí của tiên sanh chưa thỏa nhưng mỗi khi tiên sanh tự xét, ắt cũng bằng lòng rằng cái thân mình cũng đã gánh được một việc to lớn khó nhọc giữa đời. Chẳng những vì những lẽ ấy tiên sinh lại còn một lẽ rất đáng hân hạnh nữa, là nay tiên sanh đến đâu, quốc dân đã biết hoan nghinh tiên sinh, so với năm sáu năm về trước, không ai dám đọc sách, đọc văn của tiên sanh làm ở trước công chúng, ấy đủ biết bây giờ trình độ tiến hóa của quốc dân đã khác trước nhiều mà chánh phủ bảo hộ đối với tư tưởng của quốc dân cũng đã thiệt hành được nhiều. Tiên sanh thấy thế hả chẳng hân hạnh lắm sao?

      Có người nói rằng hiện tình trong nước còn có nhiều đảng phái, chủ nghĩa khác nhau chưa phải đã đều một mực khuynh hướng tiên sinh cả đâu. Vả lại có nhiều người muốn giả làm cách sùng bái tiên sanh để mua chút danh “kết thức anh hùng” hoặc chút danh “anh hùng mới biết anh hùng”, kẻ khác lại muốn làm điều ấy để chuộc cải tiếng xấu của mình lâu nay tham danh đồ lợi. Tiên sanh chớ nên vội tin lòng người. Họ nói điều ấy vẫn phải vẫn có lẽ, nhưng đây chúng tôi quyết rằng: bất luân đảng phái khác nhau thế nào, ngày này quốc dân hoan nghinh tiên sanh là hoan nghinh một người trung thành ái quốc đã làm vẻ vang cho nòi giống nước nhà. Xem mấy năm trước ở đây cũng có người anh hùng ái quốc như tiên sanh mà họ không liệu thời thế; chuyên chủ bạo động, rõ mặt phản kháng một cách không khôn khéo nên quốc dân không dám hoan nghinh.

       Có người lại nói quốc dân hoan nghinh tiên sinh là chủ trông cậy tiên sinh, lời nói ấy nghe cũng có lẽ, nhưng chúng tôi đây thiệt không muốn quốc dân chuyên ỷ lại vào tiên sinh đâu. Nước Việt Nam ta suy yếu là vì một người giàu có cả họ trông nhờ, một người làm quan cả làng trông cậy. Số người ỷ lại thì nhiều mà số người tự lập thì ít, trách nào họ không suy, làng không điêu, mà một nước cũng vậy, một người trong nước không biết tự lập thì nước ấy ắt sẽ không thể sinh tồn với các nước khác được. Tiên sanh hiện đang trông cậy quốc dân lại chỉ ỷ vào tiên sinh! Ôi còn có ích gì. Nếu hẳn quốc dân không ai biết tự lập mà ngày chỉ trông cậy một mình tiên sanh thì tiên sanh ắt phải thở dài mà than rằng: cả nước bây giờ chỉ mỗi mình tiên sanh mà già yếu mất rồi!

      Lại có một lời khác nữa, họ nói những sự nghinh tiếp tiên sanh thật là một sự hư văn làm phiền cho tiên sanh mà lại có khi làm trở ngại cho sự hành động của tiên sanh nữa.

      Lời nói ấy lại cũng thêm một ý kiến, chúng tôi đây thật không muốn làm mãi những việc “hư văn vô bổ” ấy đâu. Nhưng tiên sanh bây giờ đã sẵn lòng giúp quốc dân và chánh phủ để thiệt hành cải chánh sách “Pháp việt đề huề” thì tất chánh phủ cũng không lấy sự hoan nghinh tiên sanh làm giới ý, vả lại tiên sinh còn cần có tai mắt quốc dân để giúp sự quan sát, nếu tiên sinh cùng quốc dân không được trực tiếp với nhau, thì mắt quan sát chẳng được tin tưởng. Thưa tiên sanh, gần đây nhiều người nô nức hỏi sự hành động của tiên sanh sẽ ra thế nào. Chúng tôi đây ở vào cái địa vị khác và kiến thức hẹp hòi, làm sao mà ức đạt ý kiến tiên sanh cho được, nêu câu hỏi ấy thật khó trả lời. Chúng tôi chỉ biết rằng tiên sanh là một nhà ngôn luận, lại là một nhà hành động, tiên sinh sẽ soạn nhiều sách, sẽ đi diễn thuyết để mở trí khôn cho quốc dân, sẽ điều hòa các đảng phái trong nước khiến cho ai nấy đều xây về chủ nghĩa hoàn thiện rất hiệp thời để khỏi làm nhọc lòng quốc dân và khỏi để sự khó khăn về sau. Thôi chúng tôi không dám nói ức đạc lắm, chúng tôi kính xin dừng trước. Tiên sanh tỏ lòng hân hạnh được thừa tiếp lần nầy là lần đầu và tỏ lòng hoan nghinh cái chủ nghĩa “ Pháp Việt đề huề” của tiên sanh.

Kính chúc Việt Nam vạn vạn tuế.

Kính chúc Phan tiên sanh trường thọ”.

       Nghe những lời chúc tụng ấy, cụ Phan bày tỏ sự cảm ơn về tấm lòng và sự đón tiếp quá long trọng của Hội Quảng Tri và dân chúng thành Vinh dành cho cụ. Tiệc trà xong rồi cụ trở về nhà trọ. Bảy giờ rưỡi chiều, Hội Quảng Tri mở tiệc thết đãi cụ. Đây là một bữa tiệc rất đặc biệt, với thực đơn toàn là món ăn Nghệ. Vào tiệc, nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi có mấy lời trình cụ:

       “Cụ ngậm đắng nuốt cay, đi ra hải ngoại, đã mấy chục năm trời, uống hết giá, ăn hết sương, cầu cho dân tộc Việt Nam ta hưởng được nhiều phần hạnh phúc? Vẫn biết rằng: tiệc Tàu tiệc Nhựt tiệc Xiêm cho đến tiệc Nga tiệc Đức chẳng thiếu chi mĩ vị trân tu, nhưng lấy lòng chưa chắc mà suy, chắc cụ trông người mà ngẫm đến ta, nước mắt cụ chứa chan không thể nào nuốt được.

         Bữa cơm này là bữa cơm Tổ quốc mà đồ ăn thức uống toàn dùng vật sản Nghệ An, chúng tôi lấy một bữa cơm Tổ quốc đãi một vị anh hùng ái quốc lại lấy những đồ ăn thức uống toàn sản vật Nghệ An mà đãi một vị anh hùng ái quốc đã sản xuất ở đất nước Nghệ An nầy, sao cụ cũng vui lòng hạ cố đến. Chúng tôi lại được hầu một bữa cơm nầy với cụ, ngửi cái mùi rất thanh liêm, rất thuần khiết, ắt chánh đại quang minh của cụ, tưởng không ăn cũng no, không uống cũng phải say vậy”.

       Cụ tỏ ý vui lòng mà dự tiệc, trong khi chén tạc chén thù cụ cố gắng cho anh em nghe về chữ nghĩa của cụ. Tiệc xong các nữ giáo viên có lời mừng cụ. Về nhà trọ, các học sinh ở Vinh đến chào cụ rất đông. “Cụ có khuyên anh em về nghĩa hiệp quần và tính nhẫn nại”.

        Đầu buổi sáng ngày 8 tháng 2, tức ngày 26 tháng Chạp, cụ Phan đến chào Công sứ và Tổng đốc Nghệ An, và được đón tiếp rất chu đáo. Đặc biệt, tám giờ rưỡi sáng ngày hôm ấy, phu nhân cụ Phan là bà Thái Thị Huyên và con dâu đã vào thăm cụ. Đây là cuộc gặp giữa hai vợ chồng nhà chí sĩ sau hơn hai mươi năm xa cách. Bà Huyên đã nói những lời thật cảm động và khảng khái: “Thưa thầy, vợ chồng xa cách nhau nay đã hai mươi năm lẻ, thầy còn sống mà về đến xứ sở thế là tôi lấy làm trân nguyện. Thầy đã đem thân ra làm việc cho nước, thì sao cho hết nghĩa vụ cho bằng lòng quốc dân, chớ có nên tưởng chi việc vợ con nghèo túng, miễn sao giữ cho tròn danh tiết là hơn. Đó là điều của tôi nguyện vọng bấy lâu nay. Còn việc gia đình đã có tôi lo liệu rồi”.

       Cụ Phan cũng cảm động mà rằng: “Mấy lời bà nói rất là chánh đáng tôi lấy làm cảm ơn”. Sau đó cụ lên xe về thăm quê nhà Nam Đàn. “Khi xe hơi về tới nhà, các thân hào kẻ tới người lui thăm viếng rất là rộn rực”.

      Ngày 11 tháng 2 năm 1926, tức là ngày 29 tháng Chạp năm Ất Sửu, cụ Phan dọn vào ở cùng gia đình hai người con trai ở trong Thành Nghệ An. Mấy ngày Tết những người đồng chí cũ và học trò, bạn bè đến chúc Tết, rồi mời cụ dự tiệc rất vui vẻ. Chiều mùng một Tết, Cụ đi chơi ngắm cảnh Bến Thủy và sông Lam.

       Đặc biệt, trong dịp về quê lần này, chiều ngày 27 ta, cụ đã đến thăm trường Quốc Học Vinh. Tại đây, Hiệu trưởng nhà trường là nhà giáo, nhà nghiên cứu Le Breton (tác giả cuốn khảo cứu nổi tiếng “An Tĩnh cổ lục”), đã đón tiếp và hướng dẫn cụ thăm trường. “Tuy học trò hôm ấy nghỉ Tết nhưng cụ trông thấy học đường to lớn, học vụ mở mang, nào sở dục tài, phòng thí nghiệm, nào phòng cách trí, phòng họa địa đồ (vẽ địa đồ bản tỉnh và các bản đồ địa chất cổ tích thổ sản các hạt), nào trường thể thao, vườn thí nghiệm, các loài cây cùng các thứ phân bón vân vân. Cụ rất lấy làm khen ngợi”. “Cụ có yêu cầu hai điều: một là trường thể thao muốn mở thêm cho rộng, để học trò tập luyện cho thêm sức mạnh, hai là lập một phòng bày các đồ thủ công của học trò làm ra để vừa thưởng khuyến học trò, lại vừa để khách tới thăm trường được mục kích cái sự tấn hóa của học trò về đường thủ công. Quan đốc học lấy điều yêu cầu của cụ làm phải và có trả lời mấy câu như sau này: việc tập thể thao ngài thường lưu ý, chẳng những tập luyện hằng ngày mà thôi, mỗi thứ Năm và Chủ nhật học trò còn vào trong than đá cầu nữa, hiện nay chỗ tập thể thao vẫn còn chật hẹp, ngài đã nhiều lần xin tiền sửa sang các đám đất trong trường lại mà mở thêm cho rộng, chắc ít lâu nữa sẽ được như nguyện”.

       “Trong lúc đi xem trường thì quan đốc học có dẫn cụ Phan tới xem phòng để tài liệu của Hội “Hoan Châu cổ học”, hội này mới lập, hội viên có đủ người Pháp, người Nam, mỗi năm chỉ góp mỗi người 2 đồng để làm tiền in tạp chí của hội đăng những bài khảo cứu của hội về cổ tích phong tục, văn chương mỹ thuật cùng là địa lý địa dư của tỉnh Nghệ xưa nay, có mấy bức ảnh phóng đại của đền Công (đền thờ vua Thục An Dương Vương gần phủ Diễn Châu), Vạn An cổ thành và đền thờ Vua Mai Hắc đế (huyện Nam Đàn), thành Liễu Thăng (Hưng Nguyên), thành Lục Niên (Lê Thái tổ xây tại núi Thiên Nhận, huyện Thanh Chương), và miếu cùng lăng ông Nguyễn Thiếp, tức là một ông ẩn sỹ về đời Tây Sơn, thường gọi Lục Niên phu tử. Cụ Phan xem xong lấy làm vui lòng và khen ngợi. Nhân quan đốc Le Breton là Hội trưởng Hoan châu cổ học có lời xin cụ mỗi khi thong thả làm giúp cho một ít bài thuộc về lịch sử của bản tỉnh. Cụ Phan nhận lời”.

      Ngày 14 tháng 2, 1926, tức ngày mùng hai Tết, cụ lên xe vào Quán Nghè (Hà Tĩnh), thăm quê của Tiến sỹ Ngô Đức Kế và ở lại đó một ngày một đêm.

      Sáng hôm 15 tháng 2, tức mùng ba Tết, cụ lên đường vào Đồng Hới. Trưa hôm ấy tại nhà bác sỹ Nguyễn Kinh Chi, cũng như ở hội quán Hội Quảng Tri Đồng Hới, các nhà tri thức vào chào cụ rất đông. Chiều hôm ấy, Hội Quảng Tri mở tiệc đón chào cụ. Tám giờ tối, tan tiệc, Ccụ Phan đi dạo phố. “Cụ đi giữa, hai bên có hai người cầm hai cây đèn măng sông, ở sau thì các nhà thân hào trí thức, thiên hạ chạy theo, nhứt là con nít và học sanh, lũ lượt kéo theo, như một ngày lễ gì lớn vậy”.

     Sáng hôm sau, ngày 16 tháng 2 năm 1926, tức ngày mùng bốn Tết Ất Sửu, cụ lên đường vào Huế, kết thúc một hành trình thăm quê lịch sử.

Phạm Xuân Cần