Hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/08/1930 – 01/08/2021), PV Tạp chí Sông Lam đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về chặng đường đầy vinh quang và cũng nhiều thử thách của công tác Tuyên giáo và sự đồng hành quý giá của đội ngũ văn nghệ sỹ.

– Trước hết xin cảm ơn đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường đã dành cho Tạp chí Sông Lam cuộc trò chuyện hôm nay. Nhân đây cũng xin gửi lời chúc mừng tới đồng chí cùng những người làm công tác Tuyên giáo tỉnh nhà nhân Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8) sắp tới. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường giới thiệu về truyền thống ngành Tuyên giáo với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Có thể nói, 91 năm qua, trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có đóng góp của ngành Tuyên giáo. Và không thể không nhắc đến sự đồng hành của đội ngũ văn nghệ sỹ với những thành công to lớn của công tác tuyên giáo (CTTG) suốt chặng đường đã qua. Đồng chí có thể đánh giá về vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ đối với CTTG  nói chung và ở tỉnh nhà nói riêng được không ạ? Đặc biệt trong 2 năm gần đây, khi đất nước và quê hương diễn ra nhiều sự kiện trọng đại và nhiệm vụ của những người làm công tác tư tưởng là vô cùng nặng nề?

Ngay từ khi mới ra đời, nhận thức đúng tầm quan trọng đặc biệt của công tác tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm thành lập ngành Tuyên giáo (tiền thân là Ban Tuyên truyền và Cổ động). Đây không chỉ là một bộ phận cấu thành trong hoạt động lãnh đạo của Đảng nói chung mà còn là bộ phận trọng yếu trực tiếp góp phần xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong suốt 91 năm qua, ở mỗi thời kỳ lịch sử, CTTG luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời là công cụ hữu hiệu để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.

Đồng hành với những thành tựu của CTTG, không thể không nhắc đến vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ. Bởi họ chính là một lực lượng quan trọng, “làm công tác tuyên giáo” “không chuyên trách” bằng những cách thức, những sản phẩm đặc thù của riêng mình. Có thể xúc động và tự hào mà nhắc nhớ rằng, nhiều lá đơn tình nguyện được viết bằng máu xung phong ra chiến trường những năm chiến tranh ác liệt đôi khi vì những người con trai, con gái ấy yêu một câu thơ, hay được thúc giục bởi giai điệu của một bài ca. Trong từng giai đoạn lịch sử: Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế  quốc Mỹ, cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới (cũng phải mở ngoặc để nói thêm rằng đội ngũ văn nghệ sỹ không chỉ là người cầm bút, cầm cọ, cất lên tiếng hát, lời ca động viên cổ vũ tinh thần bộ đội, nhân dân trong những cuộc kháng chiến của dân tộc ta, còn là những người trực tiếp cầm súng, nhiều người đã “trưởng thành” trong sự nghiệp sáng tác của mình từ những chiến hào, nhiều trong số họ đã trở thành liệt sỹ…); công cuộc xây dựng đất nước, rồi thời kỳ Đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ, đồng hành cùng dân tộc trong mỗi bước đi lên, phát triển… Trí thức, văn nghệ sĩ không chỉ là người tiếp nhận định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, mà còn là người đồng hành tự nguyện, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc trên con đường phát triển đất nước. Những tiếng nói phản ánh hiện thực, dự báo hay phản biện của họ luôn là những tiếng nói cần thiết, quý giá giúp nhân dân và các cấp lãnh đạo thấu hiểu, sẻ chia, điều chỉnh…

Ở tỉnh ta, sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sỹ trong suốt công cuộc xây dựng quê hương xứ Nghệ là vô cùng lớn lao. Họ làm nên “thương hiệu” của quê hương, và cũng chính họ là những người làm lan tỏa “thương hiệu Nghệ” đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Ngay từ khi thành lập Hội VHNT Nghệ An (1967), những tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sỹ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà biên kịch, diễn viên… như Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Bùi Hiển, Nguyễn Tường Lân, Quang Huy, Văn Đồng, Ninh Viết Giao, Nguyễn Trung Phong, Dương Huy, Lệ Vinh, Hồng Nhu…, sau chút nữa là Trần Khánh, Phan Lương Hảo, Thạch Quỳ, Đào Phương, Đặng Văn Ký, Xuân Hoài, Lê Hàm, Lê Thái Sơn, Nguyễn Quốc Anh, Tiêu Cao Sơn, Hồ Hữu Thới… đã là những tên tuổi được cả nước biết đến. Họ được ngưỡng mộ, mến yêu ở vai người sáng tác, và được chúng ta nhớ đến hôm nay với lòng biết ơn vì chính họ cũng là những người đặt nền móng cho hoạt động Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh nhà. Người ta nhắc đến nhà thơ Minh Huệ chẳng hạn, với “Đêm nay Bác không ngủ”, nhắc đến Trần Hữu Thung là nhà thơ “Thăm lúa”, nhắc đến Nguyễn Trung Phong là nhắc đến kịch “Khi ban đội đi vắng”, “Cô gái sông Lam” hay lời hát “Giận mà thương”,… Đấy chỉ là những ví dụ rất nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta thấy được đời sống tinh thần của chúng ta từ xưa tới nay đã đều có sự góp mặt của đội ngũ văn nghệ sỹ. Thật mừng là cho tới hôm nay, chúng ta vẫn còn giữ được và đóng góp thêm nhiều tên tuổi khác cho nền văn học nghệ thuật cả nước cũng như tỉnh nhà. Nhiều văn nghệ sỹ đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành ghi nhận những đóng góp bằng các giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng văn học ASEAN (năm trước, nhà văn – nhà giáo Nguyễn Thế Quang đã vinh dự được nhận giải thưởng này), Giải thưởng hàng năm của Hội Liên hiệp VHNT Trung ương, giải thưởng Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Giải thưởng của Báo Văn nghệ, các giải Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, các giải thưởng trong Liên hoan sân khấu toàn quốc, toàn quân… và nhiều giải thưởng về văn chương, nghệ thuật khác. Nhiều văn nghệ sỹ được phong tặng Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú và ở tỉnh ta có nhà thơ Nguyễn Đăng Chế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội, có thể thấy thời gian qua, đặt biệt là trong 2 năm nay, là những năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại: Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bên cạnh đó tình hình đất nước, thế giới đứng trước nhiều biến động của dịch dã, thiên tai…, chúng ta đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt có sự tham gia tích cực của văn nghệ sỹ. Những bài hát, bài thơ, những bức vẽ, vở kịch… thể hiện niềm tin tưởng vào đổi thay của đất nước, quê hương, thành công của đại hội, ghi công những người tuyến đầu chống dịch, động viên tinh thần bà con vùng thiên tai, dịch bệnh; bên cạnh đó phê phán cái xấu, cái ác, tệ nạn tham nhũng, quan liêu, những bất cập… trong xã hội đã góp phần vào lan tỏa điều tốt đẹp và dẹp bớt đi những tiêu cực. Trên Tạp chí Sông Lam – tiếng nói của văn nghệ sỹ tỉnh nhà, tôi cũng thấy, ngoài Ban Biên tập thì các văn nghệ sỹ rất nhanh nhạy với những vấn đề xảy ra; những bài ký, truyện ngắn, bài thơ, bản nhạc… đã kịp thời với tình hình thời sự của đất nước, quê hương. Mới đây nhất, trong tạp chí số 14 phát hành tháng 6, tôi có thấy nhà thơ Thạch Quỳ đích thân giới thiệu 1 bài thơ của bác sỹ Nguyễn Văn Trang với rất nhiều ý nghĩa. Rõ ràng, bác sỹ Trang không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng sự chân thực, giản dị và tấm lòng của bác sỹ Trang thì lại rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Bài thơ không chỉ đơn thuần nói về dịch bệnh, về khí thế chống dịch, chi viện cho vùng dịch mà còn như một bức “quyết tâm thư” của một bác sỹ đã nghỉ hưu xin ra “chiến trận” – đồng lòng, chung sức cùng bà con Bắc Giang trong tâm dịch. Và rõ ràng thì văn chương, nghệ thuật ở đây đã thể hiện được “thế mạnh” của mình trong tuyên truyền, ấy là sự lay động lòng người.

Vâng, sự “lay động lòng người” ấy chính là thế mạnh của văn chương nghệ thuật, vậy theo đồng chí những người làm CTTG nên “tận dụng” thế mạnh ấy thế nào trong công tác tuyên truyền để hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước và khơi dậy “khát vọng dân tộc”?

Để có được “sự lay động lòng người” rõ ràng là phải cậy đến tài năng của văn nghệ sỹ. Tài năng ấy kết tinh trong tác phẩm của họ, lan tỏa đến công chúng và gieo vào lòng công chúng niềm yêu cuộc sống, sự thức tỉnh, và những cảm xúc tốt đẹp khác, giúp công chúng đến với những giá trị của Chân, Thiện, Mỹ.

Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Việc chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng và phát huy các tài năng ấy đã được chúng ta xác định là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Những người làm CTTG lại càng phải hiểu rõ và trân trọng “vốn quý” này. Làm sao để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh em văn nghệ sỹ, khơi dậy ở họ ý thức trách nhiệm, không để văn nghệ sỹ “đứng ngoài” trong những vấn đề lớn lao của dân tộc, tạo điều kiện để họ bày tỏ, cống hiến, cho ra đời những tác phẩm có giá trị, khơi gợi niềm trắc ẩn trong mỗi con người, để con người được hiểu về chính mình, biết đấu tranh với cái xấu, cái ác, bảo vệ những cái tốt đẹp và cao cả; sống có đạo lý, lý tưởng, có niềm tin. Làm sao để các văn nghệ sỹ được thâm nhập thực tế nhiều hơn, được hòa nhịp với đời sống nhân dân, gắn bó mật thiết với hiện thực. Làm sao để các sáng tác với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và khát vọng của các văn nghệ sỹ được ghi nhận xứng đáng, được đến với công chúng sớm nhất. Bên cạnh đó, cũng phải làm sao để “kéo” các nhà văn, các nghệ sỹ của chúng ta biết “vào cuộc” với các vấn đề lớn của đất nước, không chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng và như vậy vô hình trung sẽ đẩy chức năng giải trí của văn học nghệ thuật lên cao hơn chức năng giáo dục, nhận thức.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường trao đổi với cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên. Ảnh: Mai Hoa

Muốn vậy ngành Tuyên giáo cần phải làm nổi bật vai trò chỉ đạo, định hướng thông tin và dư luận xã hội của mình. Thông tin cần chuẩn xác và phải được cung cấp sớm nhất bởi truyền thông chính thống. Mỗi cán bộ tuyên giáo cần phải là những người thực sự nhạy bén, bản lĩnh để có thể nắm bắt, phân tích, dự báo kịp thời trong tham mưu. Bên cạnh đó phải chịu khó tìm hiểu, chia sẻ, lắng nghe… những tâm tư, nguyện vọng, những suy nghĩ, quan điểm của đội ngũ văn nghệ sỹ. Không chỉ gặp gỡ trò chuyện bên ngoài, trên mạng, mà cũng cần phải hiểu được những tâm tư, gửi gắm ấy qua từng sáng tác của họ… Ngành Tuyên giáo cần phải góp phần để các ngành các cấp nhìn nhận sâu sắc, đầy đủ hơn nữa về vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, quê hương; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn học – nghệ thuật thông qua cơ chế, chính sách phù hợp; tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sỹ.

– CTTG hiện nay đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng vô vàn thách thức, chúng ta cũng phải thẳng thắn để thấy rằng, trong thời gian qua, nhiều sự việc, sự kiện xảy ra mà công tác tuyên truyền của chúng ta chưa theo kịp khiến những thông tin chính xác, chính thống cung cấp đến người dân bị chậm so với các thông tin sai lệch. Mà các văn nghệ sỹ thì luôn là những người nhạy cảm trước thời cuộc…

Đây là một thực tế. Điều này cũng cho thấy so với đòi hỏi của bối cảnh xã hội hiện nay thì CTTG vẫn đang có những hạn chế nhất định. Nhìn thấy hạn chế này để người làm CTTG nỗ lực hơn trong thực thi nhiệm vụ sắp tới.

CTTG thời 4.0 đang phải đối diện từng giây, từng phút với lực lượng mạng xã hội hùng hậu. Mạng xã hội có cái hay cung cấp cho ta thông tin vô cùng nhanh nhạy, đa chiều, nhưng nó cũng luôn trong tình trạng nhiễu thông tin. Đội ngũ làm CTTG nếu không vững vàng, kịp thời trong cung cấp, xử lý, định hướng thông tin sẽ dẫn đến sự phiến diện, thậm chí dẫn đến tình trạng mạng xã hội sẽ tự tạo nên những luồng dư luận xấu trước một sự việc, vụ việc nào đó, gây bất ổn xã hội. Chính vì vậy “công tác tư tưởng phải đi trước một bước”. Như trên tôi đã nói, việc cung cấp thông tin nhanh nhạy, minh bạch, chính thống phải là nhiệm vụ quan trọng số 1. Muốn vậy, CTTG phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội. Dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin thì vô cùng đa dạng, đa chiều, chúng ta không thể cứng nhắc để áp đặt, mà phải biết lắng nghe, biết đối thoại, biết tôn trọng những ý kiến trái chiều để rút ngắn khoảng cách nhận thức. Chúng ta đã nói đến sức mạnh của một bài thơ, một bản nhạc, một bức tranh, một bức ảnh, một vở kịch…, vậy trong đổi mới công tác tuyên truyền – một nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo không thể không tính đến việc huy động đội ngũ văn nghệ sỹ cùng “vào cuộc”. Chúng ta thực sự cần những người thấu hiểu, biết được những rung động tinh tế nhất trong tâm hồn, tư tưởng, tình cảm con người, mà làm được điều này tốt nhất chính là văn nghệ sỹ. Tôi nghĩ nếu huy động tốt lực lượng văn nghệ sỹ trong công tác thông tin, nhất là trên mạng xã hội, sẽ góp phần khắc phục tình trạng đi sau, chậm một bước trong thông tin. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải có mối liên lạc thường xuyên, gắn bó với lực lượng văn nghệ sĩ; “là bạn” với họ như tôi đã nói; có cơ chế về thông tin để họ được nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Với sự nhạy cảm thiên phú cùng tài năng thể hiện qua các tác phẩm, lực lượng văn nghệ sỹ sẽ góp phần cùng đội ngũ cán bộ tuyên giáo định hướng đúng dư luận, tránh tạo ra dư luận sai lệch.

– Trong suốt cuộc nói chuyện tôi thấy đồng chí đã đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của văn nghệ sỹ, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế, không ít các văn nghệ sỹ hiện nay đang có biểu hiện né tránh, xa rời đời sống nhân dân, chưa có nhiều các tác phẩm có giá trị thực sự và ít nhiều đã tự đánh mất mình trong lòng công chúng. Theo đồng chí, hiện nay các văn nghệ sỹ quan tâm nhất đến điều gì để họ có thể làm tốt “thiên chức” của mình?

Cũng phải nhìn vào thực tế để thấy trong đời sống văn chương nghệ thuật ngày nay, một số văn nghệ sỹ (dù không nhiều) có biểu hiện xa rời nhân dân, ứng xử lệch chuẩn, bị cuốn vào việc phục vụ nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận công chúng, bị “thị trường” chi phối, thiếu đi sự dấn thân, thiếu “lửa” trong sáng tạo, cho ra đời các tác phẩm hời hợt, dễ dãi, hoặc tô đậm những tiêu cực, thậm chí còn làm méo mó lịch sử, hay tìm các phương thức biểu đạt phản cảm, khó hiểu…

Vì vậy, việc tự nhận thức, tự đổi mới mình bên cạnh sự bản lĩnh, tỉnh táo, có trách nhiệm của mỗi văn nghệ sỹ là vô cùng quan trọng.

Từ tâm tư, nguyện vọng của trí thức, văn nghệ sĩ, thì tôi hiểu rằng, điều họ quan tâm nhất đó là môi trường sáng tạo. Có lẽ, trong xã hội, thì đây là những lực lượng cần nhất tới sự tự do trong sáng tạo. Vấn đề này, đã được Đảng ta rất quan tâm và ngành Tuyên giáo cũng lưu tâm trong quá trình tham mưu.

Tôi rất tâm đắc ý kiến của PGS, TS Phan Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật Trung ương về vấn đề tự do trong sáng tạo văn học – nghệ thuật “Có thể thấy, tự do được xem là điều kiện của sáng tạo nghệ thuật. Tuy ở thời đại nào nghệ thuật và văn nghệ sĩ cũng phải đóng các vai trò nhất định, đảm nhiệm những chức năng nhất định, phải hoàn thành các sứ mệnh nhất định, song để có nghệ thuật đích thực, để tồn tại như thiên chức vốn có thì tự do luôn phải là điều kiện thiết yếu. Đó không phải là thứ tự do ban phát từ bên trên hoặc bên ngoài vào nghệ thuật, mà là tự do nảy sinh từ bên trong, tự do được tự ý thức để dâng hiến, phục vụ khát vọng sáng tạo, lý tưởng xã hội và thẩm mỹ cao cả”. Và như vậy, nhiệm vụ của “công chúng” như chúng ta, cần kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho văn nghệ sỹ. Các nhà văn, các nghệ sỹ cũng phải tự nhận thức được sứ mệnh, sức mạnh của mình, của văn học – nghệ thuật để đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng: sáng tạo những tác phẩm đích thực vì con người, vì phẩm giá con người, giúp con người ý thức và vượt qua những thương đau, có niềm tin vào tương lai và những điều tốt đẹp. Văn nghệ sỹ phải là đại diện của cái Đẹp. Cũng phải đặt văn học nghệ thuật trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, để mỗi tác phẩm là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” như lời Bác Hồ nói.

– Trên Tạp chí Sông Lam thời gian qua có một số chuyên mục mới nhằm góp thêm tiếng nói của văn nghệ sỹ trước nhiều vấn đề của xã hội, của tỉnh nhà, như “Nhân vật đối thoại”, “Góc suy ngẫm”, “Tiếng nói văn nghệ sỹ”… Có thể thấy, các văn nghệ sỹ đã bắt đầu xem đây là diễn đàn để bày tỏ những chính kiến của mình, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh nhà tổ chức, rõ ràng thấy Ban Tuyên giáo rất quan tâm đến vấn đề này. Nhân đây, bà có điều gì nhắn nhủ với đội ngũ làm Tạp chí cùng các văn nghệ sỹ tỉnh nhà?

Rất vui mừng là tỉnh ta đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, trong đó có những văn nghệ sĩ tên tuổi và có rất nhiều người đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình. Tỉnh cũng có một tờ tạp chí văn nghệ được anh em, đồng nghiệp trong cả nước ghi nhận. Tôi rất đồng tình khi thời gian gần đây, Tạp chí Sông Lam đã mở ra nhiều chuyên mục là những diễn đàn chính thức để văn nghệ sĩ bày tỏ chính kiến, góp ý xây dựng cho các vấn đề, các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là một kênh thông tin rất quan trọng, là một cách làm hay, khích lệ văn nghệ sĩ bày tỏ chính kiến, phản biện với các chủ trương, chính sách, với các vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội. Và cũng từ kênh thông tin như thế này những người làm nhiệm vụ tham mưu như chúng tôi sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, góp ý của văn nghệ sỹ để có sự tham mưu bổ sung, điều chỉnh cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi, những người làm CTTG tại tỉnh nhà, xin được có lời cảm ơn, ghi nhận sự chung lòng, cộng sức của anh em văn nghệ sĩ đã luôn luôn đồng hành trên hành trình tạo sự đồng thuận, tin yêu của nhân dân đối với Đảng, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống, để đạt được mục tiêu làm cho Nghệ An phát triển bền vững, sớm trở thành một tỉnh khá, người dân được sống trong bầu không khí yên bình, hạnh phúc. Các văn nghệ sĩ đã bằng sự lao động sáng tạo của mình, bằng tinh thần trách nhiệm xã hội làm nên những sản phẩm phong phú với đủ các thể loại: thơ, văn, tranh, ảnh, nhạc, sân khấu, nghiên cứu phê bình, ý kiến… mà ở đó ta thấy không ít những trăn trở, những góp ý, những phản biện với một tinh thần xây dựng để các chủ trương, chính sách được thực thi trên địa bàn tỉnh nhà có hiệu quả hơn. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An và Tạp chí Sông Lam thực sự là cầu nối để văn nghệ sĩ gắn bó, gần gũi và chia sẻ với các tổ chức Đảng, với những người làm CTTG chúng tôi. Chúng tôi hiểu, không phải các văn nghệ sĩ tỉnh nhà không có những tâm tư, những sự chưa hài lòng. Điều này nhắc nhở chúng tôi, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải cố gắng hơn, hiểu và đồng hành, sát cánh cùng văn sĩ nhiều hơn, từ đó có những giải pháp sát đúng, hiệu quả hơn, để anh em văn nghệ sĩ thực sự tự do sáng tạo và khai phóng sức sáng tạo. Tôi cũng thực sự mong mỏi, rồi đây, đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà sẽ có thêm những tác phẩm văn nghệ có giá trị cao, có sức ảnh hưởng lớn. Mong muốn các văn nghệ sỹ cùng vào cuộc để truyền cảm hứng cho công chúng về tình yêu và lý tưởng để xây dựng quê hương, đất nước.

Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

PV (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 15, tháng 7/2021)