Đã hơn mười tuổi, con Thêm ý thức được sự lạnh nhạt của Hớn dành cho nó, trong lòng rất buồn nhưng không hiểu được tại sao lại thế.

Phần Hớn, khi xong việc tang lễ của bố, đang chuẩn bị ra xe để đi thì con Thêm quỳ xuống ôm lấy chân và nức nở:

– Bố ơi, xin bố đừng lạnh nhạt với con làm con đau lòng lắm… Bố ơi, xin bố…

Mặc cho tiếng khóc làm nao lòng mọi người xung quanh, nhưng Hớn vẫn lạnh lùng bước đi trong vòng tay níu kéo của nó.

Ai cũng rơm rớm nước mắt, bà mẹ Hớn không cầm lòng được chạy tới dỗ dành mãi nó mới chịu buông tay ra.

Hớn, gọi đầy đủ là Hồ Hảo Hớn, tên vậy nhưng hiền lắm, quê vùng bán sơn địa, một tỉnh bắc miền Trung.

Trước cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Hớn nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện được phân về đơn vị thuộc tiểu đoàn bộ binh. Đạt thành thích cao trong huấn luyện nên Hớn và một số chiến sỹ được thưởng ba ngày phép về thăm nhà trước khi vào Nam.

Khi tới cổng nhà, Hớn đã thấy mẹ và em gái đợi sẵn, trong nhà đủ cô dì chú bác hai bên nội ngoại. Ngạc nhiên hơn là trên mặt tủ chè đã sẵn mâm lễ có rượu Canhkina và Hương chanh, túi mứt sen cùng trầu cau tươi cắt từ vườn. Lại có cả tút thuốc Thủ đô cùng hai gói trà Ba Đình, những loại quý hiếm lúc bấy giờ. Hớn hỏi bố thì nhận được cái mỉm cười: “Cứ nghỉ ngơi đi chốc nữa khắc biết”.

Hóa ra gia đình dựa vào lá thư mà gần cuối đợt huấn luyện Hớn đã viết cho bố, đại ý khi tổng kết nếu con đạt xuất sắc thì sẽ được thưởng ba ngày phép và đầu tháng tới sẽ có mặt tại nhà. Tuy là dự báo nhưng linh tính của bố mẹ mách bảo thế nào anh cũng được về. Vì thế, mấy hôm trước bố mẹ đã nhờ mự Hoe Đào, một người khéo ăn nói xuống nhà em Hằng ở xóm Giếng đánh tiếng, chỉ chờ Hớn về là cả nhà mang lễ sang thưa chuyện.

Khi biết chuyện, Hớn hơi ngỡ ngàng, sau trấn tĩnh lại, thấy cũng thích nên vui. Vào ăn tạm bát mỳ được Hiền, em gái, làm sẵn rồi định đi thay quần áo thì bác trưởng họ giơ tay ngăn:

– “Không phải thay, cứ mặc luôn bộ quân phục ấy”, nói xong bác quay qua bảo Hiền:

– Mày lấy chiếc khăn bông sạch vắt kiệt nước lau qua những chỗ có dính bụi đường và chỉnh trang quần áo anh mày cho phẳng phiu lại một tí là được.

Con Hiền dạ một tiếng rõ to rồi vội đi làm ngay, cả nhà im phăng phắc bởi xưa nay lời bác trưởng là lệnh, đố ai dám cãi.

Một lát sau, đoàn ăn hỏi do bác trưởng dẫn đầu cùng mâm lễ nhằm hướng xóm Giếng thẳng tiến.

Bên nhà gái cũng đã tề tựu đông đủ, trên bàn là ấm chè xanh, mấy đĩa lạc rang chờ sẵn.

Sau hồi thưa gửi của các cụ thì em Hằng mới được từ trong buồng ra chào. Vừa nhìn thấy em lòng Hớn bỗng xao xuyến lạ, em không xinh sắc sảo nhưng có duyên, cái duyên thầm là một nét đẹp vô hình, khó diễn tả cụ thể nhưng thu hút người gặp ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tuy khác thôn nhưng cùng xã, các cụ đã biết nhau nên buổi ăn hỏi nhanh chóng và thuận lợi. Hai gia đình thống nhất đón dâu vào ngày mai, để hôm nay nhà trai còn kịp chuẩn bị.

Cả nhà gái tiễn nhà trai ra về, riêng Hằng ngượng ngùng nấp sau lưng bố, thi thoảng mới dám ném một cái nhìn lén về phía Hớn.

Đám cưới ở quê hồi đó đơn giản nhưng đầm ấm, không bị chi phối bởi vật chất, không quá nặng nề về lễ nghi.

Bánh kẹo thì ra ngay HTX mua, mỗi đám cưới được ưu tiên vài tút thuốc loại không đầu lọc. Gia đình đặt mỗi bàn một chai rượu cuốc lủi và đĩa lạc rang để khách nhấm nháp. Chè xanh đun trong nồi quân dụng mượn bên nhà chú Cầm lò rèn, riêng bó hoa cắm bàn cô dâu chú rể thì cái Hiền qua vườn nhà bạn nó hái.

Đám cưới không có mâm cỗ mặn mời khách như bây giờ, riêng cái khoản văn nghệ cây nhà lá vườn do chi đoàn thanh niên đảm nhiệm là sôi nổi nhất, hát chay thôi bởi hồi đó lấy đâu ra nhạc sống như bây giờ, nhưng mà vui.

Và có lẽ, phần trang trọng nhất là lúc bác Bí thư Đảng ủy xã tới chúc mừng và động viên người đi kẻ ở lại.

Phòng tân hôn là cái buồng cũ bố mẹ thường ngủ, chỉ khác là có thêm chiếc chiếu cói mới mua và cái gối đôi mà con Hiền huy động mấy đứa bạn thức trắng đêm làm.

Sau những giây phút mặn nồng khi chính thức đến với nhau, tỉnh dậy, Hằng không hề chợp mắt ngắm Hớn ngủ ngon như cún con, trong nỗi buồn vui đan xen. Vui là hôm nay Hằng rất hạnh phúc và buồn là còn hơn một ngày một đêm nữa thì phải xa nhau, không biết ngày gặp lại.

Tối hôm đó mới thực sự là đêm động phòng của đôi trẻ, và cứ thế, hai người như không muốn rời nhau trong thời gian ít ỏi còn lại.

Đầu chiều ngày phép cuối cùng, chú xã đội trưởng mang xe đạp của mình sang để Hớn và Hằng đưa nhau ra điểm hẹn xe của đơn vị.

Không có từ nào tả hết tâm trạng của đôi vợ chồng mới cưới đã phải xa nhau, chẳng hẹn ngày về.

Đôi uyên ương lưu luyến mãi rồi cũng phải chia tay. Khi xe chạy, Hớn nhoài người ra cuối xe còn Hằng thì đứng trân trân với hai hàng nước mắt tới khi bóng Hớn khuất dần cùng đám bụi đường…

Trong bệnh viện K, cả tuần nay Hớn lên cơn đau liên tục nên con Thêm chưa có thời gian gội đầu. Trưa, nó nói với cô Lành đang chăm chú ốm ở giường cạnh:

– “Nhờ cô trông giùm bố cháu một lát, cháu ra ngoài cổng tắm gội cái ạ”, cô Lành khoát tay:

– Cháu đi đi, để đấy cô.

Khi nó vừa khuất khỏi cửa, bác Lý đang trông chồng truyền dịch, nói với theo:

– “Tội nghiệp con bé, cả tháng nay mỗi mình vò võ chăm bố, mặt cứ sọp đi, mắt thâm quầng”. Cô Lành góp thêm:

– Con bé thật chịu khó, lúc nào cũng cận kề bố, xoa bóp động viên mỗi khi bố lên cơn đau.

Chị giúp việc cho bệnh nhân nằm trong góc liền nói:

– Các ông chồng thì lúc nào cũng muốn đẻ lắm con trai, khi chia tài sản lại trọng nam khinh nữ. Tới lúc ốm đau mới biết, cái tâm đứa con gái như con Thêm đổi lại hàng chục thằng con trai vô tích sự.

Câu chuyện chắc còn tiếp diễn nếu như lúc đó bố Thêm không bị cơn ho kéo lên. Nhiều người thấy hoàn cảnh hai bố con chăm nhau đôi lúc muốn hỏi thăm nhưng Thêm thường né tránh nên ngại.

Hớn sau khi vào Nam đã chiến đấu ở mặt trận đường 9 – Khe Sanh, tới năm 1972 tham gia trận Thành cổ Quảng Trị. Hồi đó, quân ta tổn thất nhiều, đồng đội của Hớn bao người đã ra đi mãi mãi, Hớn may mắn vẫn lành lặn và tiếp tục có mặt trong chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975.

Chiến tranh kết thúc, Hớn được điều ra Bắc học lớp quản lý nghiệp vụ. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh xin nghỉ phép về thăm gia đình.

Vừa tới đầu làng đã gặp người họ hàng nên Hớn hiểu hết mọi chuyện xẩy ra. Lúc này Hớn chỉ muốn gặp và tẩn cho lão chủ nhiệm HTX mua bán một trận. Về đến nhà, chỉ kịp chào bố mẹ là Hớn vội vã đi ngay.

Tới nơi, nhìn thấy tấm thân tàn ma dại của lão chủ nhiệm đang gật gù tựa vào bức tường cũ ở miếu làng, bên cạnh là chiếc vỏ chai nằm lăn lóc, lòng không nỡ nên khoát tay ra về.

Từ hôm đó trở đi Hớn trầm tính hẳn, thi thoảng lại cầm chai rượu ra sau hè nhấp vài ngụm. Có lẽ, những lúc như thế lòng Hớn đau lắm khi nghĩ tới buổi gặp Hằng. Trong anh dày vò mâu thuẫn giữa một bên là tình yêu Hằng, một bên là sức ép của gia đình và họ hàng.

Minh họa của Trọng Hiệp

Một thời gian sau ngày tiễn Hớn vào Nam thì Hằng đã có tin vui. Trời ban cho Hằng một sinh linh bé nhỏ sau những ngày bên Hớn. Bụng mang dạ chửa và là vợ của bộ đội nên cô được xã bố trí cho làm tại HTX mua bán.

Sau thời gian sinh con, Hằng đẫy đà và đẹp ra. Khi thằng Tuấn được khoảng hai tuổi thì vóc dáng thiếu nữ như được trả lại, một phần công việc ở HTX cũng nhàn hạ nên da dẻ Hằng ngày càng hồng hào. Cũng lúc đó thì người ta bỗng đồn ầm lên là Hằng nghén. Tin này được truyền đi có lẽ từ mấy chị em cùng làm. Linh cảm giữa phụ nữ với nhau nhậy lắm.

Lúc đầu gia đình hỏi thì Hằng chối đây đẩy, bảo bố mẹ nghe gì mấy ả lắm điều, nhưng rồi tháng ngày cái bụng cứ lùm lên phản bội lại Hằng.

Chuyện vỡ lở ra và người ta cũng truy ngay được thủ phạm là của lão chủ nhiệm HTX mua bán. Lão hơn Hằng tận 15 tuổi và đã vợ con đàng hoàng.

Lão cáo già lắm, cứ rủ rỉ rù rì, lúc thì biếu cân đường hộp sữa nhờ Hằng mang về cho bố mẹ đẻ, lúc thì nhân dịp lên phố huyện mua mấy thứ đồ chơi cho thằng Tuấn, lúc thì tặng Hằng chiếc khăn quàng, món vải may quần áo…

Ban đầu, Hằng e ngại từ chối nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén… Sự quan tâm của tay chủ nhiệm cứ len lỏi, tạo thành cảm giác mơ hồ ấm áp trái tim Hằng tự lúc nào chả hay. Rồi cái ngày định mệnh cũng tới…

Đúng hôm trời mưa to gió lớn, và cũng là hôm Hằng trực đêm, lão khoác vội mảnh áo mưa và nói với vợ phải ra cửa hàng xem xét. Lão đã cùng Hằng sắp xếp di chuyển một số hàng hóa có nguy cơ bị ướt do mái dột, buộc chắc lại những cánh cửa sổ. Những rung động trong trái tim phụ nữ bao lâu đang như một núi nham thạch chỉ chực phun trào lại gặp phải những mưu ma chước quỷ của con cáo già sành sỏi nên trong phút giây, không ai bảo ai, hai người cứ thế lao vào, ôm chầm lấy nhau.

Đầu óc Hằng quay cuồng, mắt nhắm nghiền, người lúc quằn quại, lúc run lên bần bật, cảm giác như mặt đất cả ngàn năm bị hạn hán nay gặp trời đổ trận mưa rào xối xả. Mùi da thịt đàn ông mới chỉ được nếm trải vài lần, tiếng thở gấp gáp, rên rỉ cứ phát ra một cách tự nhiên hòa cùng tiếng gió mưa…

Sau khi chuyện toang ra, Hằng thôi việc và vác bụng về nhà bố mẹ đẻ, đủ ngày đủ tháng thì sinh được cô con gái kháu khỉnh, đặt tên là Thêm.

Tay chủ nhiệm HTX mua bán bị kỷ luật mất chức và cho thôi việc luôn. Nghe nói sau vụ đó, vợ con lão từ mặt nên lão buồn chán sinh ra nát rượu, suốt ngày lang thang qua quán mụ Hoán béo, uống hết tiền thì uống chịu. Tới lúc nợ lâu quá không trả mụ Béo cũng chả cho lão uống chịu nữa.

Ngày sắp hết phép, Hớn bảo cái Hiền hẹn Hằng tối ra ao sen làng để nói chuyện. Vừa nhìn thấy Hớn, nước mắt Hằng lại rơi như ngày chia tay tiễn anh đi, nhưng giọt nước mắt hôm nay lẫn với xót xa, cay đắng…

Dưới ao, những lá sen xanh thẫm, xòe ra như chiếc nón che rợp mặt nước, những nụ sen e ấp chớm nở. Cảnh đẹp và hương sen quê cũng không làm vơi đi nỗi buồn trong lòng Hằng.

Nhìn Hằng buồn Hớn cũng chẳng vui gì, anh hiểu trong lầm lỗi của Hằng có cả trách nhiệm của anh, trách nhiệm của xã hội, bởi Hằng cũng là con người.

Dùng dằng mãi tới khuya, Hớn mới đưa ra quyết định ly hôn. Hớn vừa dứt lời, Hằng òa lên nức nở như đứa trẻ bị đánh oan mà chẳng cắt nghĩa được ai đã làm nên nỗi oan này. Tạm thời thằng Tuấn sẽ sống với ông bà nội, Hằng và con gái vẫn ở với bố mẹ đẻ.

Ngày Hớn đi mà lòng nặng trĩu, phần vì thương Hằng, phần thương cha mẹ và con trai.

Sau khi học xong lớp nghiệp vụ, Hớn được điều về làm Phó Giám đốc phụ trách tổ chức nhân sự tại nhà máy Z thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Khi công việc tạm ổn, anh đưa thằng Tuấn lên ở cùng. Hai bố con ở trong gian nhà cấp 4 thuộc khu gia đình của nhà máy.

Có lẽ trong lòng vẫn còn hình bóng Hằng và một phần dồn thời gian vào công việc, chăm sóc con nên Hớn chẳng nghĩ tới chuyện đi bước nữa. Một số người thấy hoàn cảnh gà trống nuôi con đã giới thiệu bạn cho anh, nhưng anh đều từ chối.

Hằng cũng ở vậy nuôi cái Thêm. Tới ngày bố mẹ Hớn già yếu, cái Hiền đi lấy chồng xa, Hằng sang quỳ gối xin ông bà cho phép thi thoảng được đi lại thăm nom. Hằng nói con đã làm dâu, dù thế nào đi nữa con vẫn là con bố mẹ như ngày nào, hai cụ nghe mủi lòng và đồng ý.

Hằng nuôi con Thêm bằng tình cảm của người mẹ đơn thân khi trong lòng vẫn rất yêu Hớn. Từ lúc con Thêm mới bi bô học nói Hằng vẫn nựng “Cưng của mẹ ngoan nào, chờ bố Hớn về sẽ mua váy đẹp, búp bê cho cưng nhé”.

Trong giấy khai sinh con Thêm, Hằng đã khai họ Hồ, vì vậy con Thêm luôn nghĩ Hớn là bố của nó.

Từ ngày được phép qua lại, con Thêm rất tình cảm với ông bà và ông bà cũng thương nó lắm. Có lần mẹ Hớn bảo Hớn:

– Chuyện con và Hằng đã qua, mẹ chẳng muốn nhắc, nhưng cái Thêm là trẻ con chả có tội tình gì. Vả lại, trong giấy khai sinh nó mang họ Hồ nên con hãy mở lòng từ bi mà thương lấy nó, cho nó một nơi để gọi tiếng bố.

Hớn rất hiểu và ngấm từng lời mẹ nói, nhưng mỗi khi nhìn thấy con Thêm là Hớn lại hình dung ra bản mặt của lão chủ nhiệm, tính ích kỷ nhỏ nhen cứ lấn át anh.

Ngày bố Hớn mất, mặc dù Hằng đã xin phép và mẹ Hớn đồng ý cho hai mẹ con Hằng chịu tang nhưng khi nhìn thấy cái khăn tang trên đầu con Thêm thì như thấy cái gai trong mắt, Hớn định tới giật xuống, may mẹ anh kịp níu anh lại.

Đời đúng là nhân tính không bằng thiên định, cuộc sống của bố con Hớn lúc đó rất ổn, nếu không nói là khá giả so với điều kiện chung bấy giờ.

Hớn làm sếp nên thằng Tuấn từ nhỏ đã được các cô chú trong nhà máy nuông chiều. Riêng Hớn thì luôn nghĩ nó bị thiệt thòi tình cảm nên nhiều lúc cũng chiều thái quá.

Sự nuông chiều đó đã làm hại nó. Hớn như muốn khuỵu xuống khi nghe công an phường mời anh lên về việc thằng Tuấn cùng nhóm bạn lêu lổng vừa bị bắt vì tụ tập sử dụng ma tuý tại một nhà nghỉ.

Hớn ngã bệnh mấy ngày. Từ đó, lòng đã buồn lại càng buồn thêm, sức khỏe giảm sút. Đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ người ta phát hiện ra Hớn bị ung thư phổi và đã di căn, có thể một phần do di chứng chất độc da cam ảnh hưởng hồi chiến trường.

Vật vã cùng bệnh tật khoảng sáu tháng thì Hớn ra đi. Chỉ có một điều là trong sáu tháng cuối đời đau đớn trên giường bệnh là sáu tháng con Thêm luôn ở cạnh anh, xoa dịu an ủi anh trong từng cơn đau, đút cho anh từng thìa sữa, thức trắng đêm để trông anh mỗi khi anh phải thở máy.

Vậy là Hớn đã đi về với bố anh, phần mộ anh luôn được mẹ anh, người vợ cũ cùng đứa con hoang mà anh từng lạnh nhạt hương khói đều. Từ đây trở đi, anh sẽ không phải chịu đựng những cơn đau giày vò nữa.

Chỉ tiếc rằng, Hớn không thể nhìn thấy sự mãn nguyện của con Thêm khi được kề cận chăm sóc anh cho tận ngày anh mất, không thể thấy được những giọt nước mắt thương xót của nó mỗi khi anh đau.

Vào những lúc anh ngủ, nó ra ngoài trời nhìn trăng và thì thầm:

– Trăng kia ơi, mi có biết không, bố đã nhận ta rồi…!

Phan Tùng Linh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)