Thế là đã 5 năm rồi con chưa được trở về ngôi nhà xưa ấm áp của gia đình mình bố mẹ ạ. Trên đất nước Hàn Quốc xa xôi, chúng con phải vùi đầu vào công việc, những lúc rảnh rỗi là để ăn, để thở, có lẽ vì vậy mà con mới có thể nguôi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương đầy kỷ niệm với ngôi nhà thân thương. Nhưng mỗi dịp cuối năm tết đến xuân về, nỗi nhớ như bung ra khiến con thổn thức. Con đau đáu nhìn về phía tây nam mà hình dung ngôi nhà của chúng ta, mẹ con nay đã yếu hơn.

Nhà xưa. Ảnh: Hữu Vinh.

Bố ơi, biết bao giờ con mới được về ngôi nhà tuổi thơ con.

Ngôi nhà cũ được bố mẹ chắt chiu xây từ năm 1986, năm ấy con mới bắt đầu vào lớp 1. Nhà xây bằng sò, sò lấy từ biển, để lâu cho giảm độ mặn. Bố và mấy anh con bác đóng sò để dành từ năm trước, trước khi xây nhà. Thay vì cát sông thì nhà mình phải làm bằng đất cát vườn trộn với vôi làm vữa nên chẳng bao lâu tường nhà bong tróc phải sửa lại.

Ngày về nhà mới, ông, bà ngoại cùng các cậu, mợ, gì, dượng xuống chơi. Đó là lần duy nhất ông bà ngoại về nhà mình mà con được biết bố ạ. Hôm đó, chị em chúng con rủ nhau ra hói Giếng Tiềm bắt tép. Sáu, bảy đứa con nít mò mẫm, người bẩn lấm lem, mỗi lần vục tay xuống vớt lên chỉ được dăm ba con tép. Vui thì làm, cuối buổi gom lại cũng được chừng một bát tép đồng mang về. Mẹ bảo đưa cho ông ngoại nấu canh, con lấy làm không vui vì thành quả của mình mà mẹ cho ông. Sau này lớn lên con mới hiểu, thấy mình có lỗi.

Những vật dụng trong đời sống sinh hoạt xưa. Ảnh: Hữu Vinh.

Được mấy năm thì nhà mình vỡ ngói. Mỗi năm 12 cơn bão, thể nào cũng có một vài cơn, cá biệt có năm 3 cơn bão, đổ vào quê mình. Những lúc như thế bố lại liêu xiêu cột, chống cửa trong gió bão. Nền nhà có láng lớp xi măng mỏng dính nên lâu ngày xi cũng bong tróc hết, chỉ còn lại nền đất nhôm nhoam. Những ngày mưa tháng Tám, tháng Mười, nhà dột thì mẹ lấy chậu, lấy nồi mà hứng nước, bố che bằng tấm ni lông cũ đã rách. Có đêm, những giọt nước mưa rơi vào trong giấc ngủ chúng con.

Con nhớ lắm ngôi nhà tuổi thơ.

Này là cái cửa sổ đã gãy nửa song, nơi con vẫn thường đu người chui vào chui ra. Những ngày hè, mẹ đi chợ, bố đi làm ngoài đồng muối là những ngày dài dằng dặc, nhìn sang nhà hàng xóm cũng vắng tanh. Hai anh em chúng con cùng nhau chơi trò đánh trận giả. Thường thì em con sẽ bị con phát hiện và hạ gục ngay từ lúc mở màn nên trò chơi rất chán. Để cuộc chơi gây cấn, con giao kèo với em, đã chơi là phải bò, trườn, cúi, nấp. Thế là cậu em con chăm chăm làm theo, lúc bò vào thềm, lúc lom khom bên hiên nhà, lúc nấp trong xó cửa, con lén quan sát rồi phì cười mà không “bắn” nó, vì bắn nó “chết” là trận chiến kết thúc, sẽ chẳng có gì thú vị cả. Khi nó gần tiến vào nhà thì con chui qua chỗ song cửa gãy ấy ra ngoài rồi nhìn qua khe cửa sổ mà quan sát rồi khúc khích cười. Một vài đứa trẻ trong xóm đến chơi, chúng con chơi làm đồ, hai ba đứa làm một gia đình, có đứa sắm vai cha, đứa sắm vai mẹ, đứa làm con… rồi hái ít lá bưởi hay lá na, lá ổi làm tiền mua bán, làm nhà, cũng có cảnh bố mẹ mắng con, cũng nấu cơm bằng nồi vỏ sò, bát mẻ, gạo làm bằng đất cát bố ạ… Một xã hội người lớn được tái hiện trong sáng, hồn nhiên qua ánh nhìn trẻ thơ chúng con. Chơi làm đồ chán thì chơi mãng, nhảy ngựa, ô ăn quan… Cứ thế, chúng con mải mê chơi quanh ngôi nhà mình mà giết thời gian, chờ bố mẹ về. Bố mẹ về, bếp nhà ta lại ấm lên, mẹ giục con tắm rửa để ăn cơm. Cả nhà vây quanh mâm cơm được đặt trên cuôi (cuôi đan vây bằng cật tre già, có 4 chân, dưới cất bát đũa, trên đặt mâm) vài cái nồi thì được đặt vào rế mây. Nhiều bữa cơm hấp khoai khô, có bữa thì độn khoai tươi, hoặc sắn, ấy thế mà bữa cơm nào cũng ngon, mỗi người được lưng cơm, các con ăn lắc lẻm, bố mẹ ăn ít hơn để khi con chìa bát ra mẹ cũng cố vét được lưng bát.

Này là cây cột gác kèo, nơi bố vẫn để mấy cây roi dâu đợi khi chúng con ham chơi, chểnh mảng hay có việc gì bố cho là sai thì trót vào mông. Ngày ấy, cứ dăm, bảy ngày là con lại bị roi vào mông. Nào là tội trốn đi chơi không ngủ trưa, nào là chơi đánh nhau, ném cát vào nhau bị hàng xóm mách, nào là đánh em, nào là bị điểm kém, nào là đi dọc bờ sông chơi rất nguy hiểm… chuyện gì không tốt bố cũng quy ra thành roi bố nhỉ? Mỗi lần như vậy bố bắt vào nhà nằm xuống, thẳng tay quất théo mông. Có lần, bố nghe trên đài phát thanh câu chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc, bố Bác Hồ, dạy con bằng cách cho nợ roi để khi làm được việc tốt thì trừ cho. Thế là từ đó, hai anh em chúng con cũng được hưởng ân huệ cho nợ roi của bố. Đáng 05 roi bố đánh 03, cho nợ 02, khi con được điểm 9, điểm 10 thì bố khen rồi bảo “trừ cho 02 roi nhá”. Nhưng thường thì một thời gian sau bố quên số nợ cũ, các con có vi phạm thì bố chỉ tính roi mới chứ không cộng roi cũ vào nữa.

Này là hình con ngựa, con vẽ năm Nhâm Ngọ trên bức tường trong bếp. Bẵng đi một thời gian, vài chục năm sau, hình con ngựa và chữ viết bằng que lên tường ướt năm nào vẫn ẩn hiện. Nhìn nét vẽ thô mộc của mình làm con mỉm cười và nâng niu, trân quý.

Này là mảnh sân phơi, mỗi đêm hè, chúng con vẫn thường cùng mẹ đem ghế ra ngồi hóng mát. Bốn mẹ con nhìn lên bầu trời xem sao, mẹ chỉ chòm sao thần nông giống hình người lom khom cấy lúa kia, bên cạnh là dải ngân hà mà đến giờ con vẫn chưa hình dung ra, chị và em con chắc cũng như con thôi, nhưng chị vẫn tỏ ra là đã nhìn thấy. Ngoài những đêm vui gia đình ngồi bên nhau, chúng con còn những đêm buồn, ấy là những đêm mẹ đi hàng xáo lạc, vì xa nhà nên phải ở lại nhà cậu, bố thì ra nại muối cạy dạt đêm cho mát. Anh em chúng con ở nhà đưa ghế ra sân, xếp thêm những thanh củi dừa nằm ngang giữa 2 ghế băng rồi trải chiếu lên nằm. Đêm vắng, chúng con sợ ma, đang thiu thiu thì em con bảo như có ai đi qua, em mới nghe thấy bước chân ai tới gần, rõ lắm. Thế là chẳng ngủ được nữa, chúng con thức tới sáng đợi bố về.

Trong ngối nhà ấy, gia đình mình đã trải qua bao cái tết ấm áp yêu thương. Mảnh sân này bố trải chiếu ngồi gói bánh chưng, bánh mật rồi bắc bếp củi ngay trong sân nấu bánh. Chị em chúng con trải chiếu bên cạnh vừa sưởi ấm, vừa trực bánh và chơi bài tam cúc rồi ngủ lúc nào không biết, sáng thức dậy đã thấy nằm trên giường. Rồi mẹ gọi dậy đi tắm bằng nước nấu bánh chưng cho ấm, tắm xong mới được thay quần áo mới, hôm đó đã là sáng 30 tết. Ngày ấy, bố dạm các anh con bác, con cậu, xin cho con từng quả pháo lói, rồi mua một băng pháo hồng về nổ. Đêm ba mươi, mẹ và chị làm bếp, con đi chơi chán rồi về cùng bố nghe đài chờ đón giao thừa. Băng pháo được treo trước cửa lớn này này, bố sợ không dám đốt, con phải đốt đấy, con sướng đến râm ran. Con không thể nào quên được mùi thơm thuốc pháo, con gọi đó là mùi Tết. Sáng dậy vẫn còn sung sướng bồi hồi, con bươi lại đám xác pháo tối qua một cách cẩn thận để tìm những quả pháo tịt ngòi còn sót lại, mặc dầu tối qua con đã tìm thật kĩ.

Bố ơi, ngày con đi kiếm kế sinh nhai chưa được một năm thì bố mất. Con không về được, con khóc bố cùng nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà thân yêu. Con khóc cho thân phận con người hợp tan lúc nào không lường trước được, con khóc cho thân phận mưu sinh lầm lũi xa quê, lúc bố mẹ ốm đau lòng con quặn thắt. Còn gì xót xa hơn là không thể chia tay người thân thương ruột thịt lần cuối. Vậy là con vĩnh viễn mất bố rồi.

Thêm một cái tết nữa vắng bố, thêm một cái tết nữa xa quê. Xứ Đại Hàn tuyết phủ trắng trời, nỗi lạnh trong lòng con chẳng biết lấy gì sưởi ấm. Con nhớ lắm, nhớ da diết ngôi nhà của chúng ta bố ạ. Con sẽ về thôi.

Hữu Vinh