Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Xuân Lộc. Ảnh: Ngọc Hà

Bùi Xuân Lộc sinh ra, lớn lên, được thừa hưởng tài năng nghệ thuật từ người cha là nghệ sĩ Bùi Xuân Tiếu. Ông tham gia hoạt động nghệ thuật từ kháng chiến chống Pháp, cùng thời với các nhà thơ Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương khi ở Hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4. Ông giỏi tiếng Pháp, chữ Hán, làm ca dao binh vận bằng tiếng Pháp phổ biến khắp mặt trận “Bình – Trị – Thiên khói lửa”. Rồi nữa, Bùi Xuân Lộc còn chịu ảnh hưởng hội họa của người anh cả Bùi Xuân Quang – một họa sỹ có những tác phẩm để đời trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tác phẩm kịch bản sân khấu truyền thanh của Bùi Xuân Lộc mang âm hưởng hóm hỉnh, hài hước của người cha Bùi Xuân Tiếu, có màu sắc lấp lánh, giàu chi tiết và có tính hiện đại của người anh – họa sĩ Bùi Xuân Quang.

Hiếm có một gia đình đam mê sáng tạo nghệ thuật phong phú, đa sắc màu như gia đình cố nghệ sĩ Bùi Xuân Lộc, các thành viên trong gia đình ông đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh nhà kể từ năm 1948 đến nay.

Hơn 40 năm đồng hành sáng tạo ở một cơ quan báo chí truyền thông có tiếng tăm cả nước – Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, nghệ sĩ Bùi Xuân Lộc được tin yêu, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, rồi làm Trưởng ban Sân khấu của Hội.

Mỗi lần tham gia liên hoan toàn quốc, Bùi Xuân Lộc thường có tác phẩm đạt giải cao. Dấu ấn khó phai mờ không chỉ trong hội đồng chấm giải, mà trong quảng đại công chúng, ấy là tư tưởng, giá trị biểu cảm của truyền thống dân ca ví giặm xứ Nghệ, được chưng cất, lắng đọng hàng nghìn đời được anh nâng niu chuyển tải trong mỗi tác phẩm. Mải mê đọc, chịu khó điền dã, khiêm nhường tìm đến các nghệ nhân cao tuổi, các nghệ sĩ dân ca thành danh như Song Thao, Thanh Lưu, Hồng Lựu, Xuân Năm, Danh Cách để rộng mở, giàu có thêm kiến thức, ngôn ngữ, tiết tấu, giai điệu là tâm huyết của Bùi Xuân Lộc, là khát khao đến cháy bỏng lưu giữ, bảo tồn không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau kho tàng dân ca quý báu của dân tộc.

Phải vậy chăng mà anh sớm đưa loại hình sân khấu dân ca ví giặm lên truyền hình từ năm 1984 với vở “Dấu chân phía trước”. Và rồi đến năm 1992, vở diễn dân ca xứ Nghệ với tựa đề “Nhất tâm đợi bạn” của Bùi Xuân Lộc đoạt giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Tác phẩm ca nhạc với chất liệu ngôn ngữ dân ca xứ Nghệ của Bùi Xuân Lộc trở thành “kinh điển” như lời nhận xét của một vị chủ tịch hội đồng chấm giải được tiếng “khó tính, khắt khe” cả nước.

NSƯT Bùi Xuân Lộc (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên tham gia cảnh quay chương trình ví giặm Nghệ Tĩnh bên bờ sông Lam. Ảnh: Ngọc Hà

Những kỳ liên hoan sau, các tác phẩm phim ca nhạc đề tài dân ca Nghệ Tĩnh, Bùi Xuân Lộc không chịu lặp lại chính mình, anh cố tìm ra những nét mới khi thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng, khắc họa chân dung tập thể, cá nhân anh hùng liệt sĩ. Đấy là các tác phẩm gây xúc động rơi nước mắt “Đợi chờ”, “Tráng khúc sau chiến tranh”, “Chiều 30 ở Ngã ba Đồng Lộc”. Trong ý tưởng sáng tạo của mình, Bùi Xuân Lộc truyền cảm hứng cho đội ngũ biên tập, phóng viên, thậm chí người dẫn chương trình khi phối hợp với các đài truyền hình địa phương trong cả nước, giao thoa âm sắc dân ca “Một dải Lam Hồng” với Hà Tĩnh, “Hẹn hò những dòng sông” với quan họ Bắc Ninh, “Đượm tình khúc hát lăm vông” với Đài Phát thanh Truyền hình quốc gia nước bạn Lào. Và với cả nước “Đượm tình khúc hát dân ca – Nối vòng tay biển”. Chương trình nào do Bùi Xuân Lộc dày công và dồn hết tâm sức dàn dựng, đạo diễn cũng mang lại dấu ấn bản sắc dân ca vùng miền sâu đậm, phong phú, sinh động.

Một lần dự giao ban báo chí gặp Bùi Xuân Lộc bên sảnh hội trường, tôi trao đổi với anh về vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông trước đòi hỏi tâm huyết mở rộng diễn đàn, ấn phẩm, công bố rộng rãi những tác phẩm văn học nghệ thuật của đông đảo hội viên. Tạp chí Sông Lam, Nhà Xuất bản Nghệ An, báo Nghệ An cuối tuần đã nỗ lực hết mình nhưng chưa thể thỏa mãn khát khao được công bố tác phẩm tới bạn đọc và cộng đồng xã hội trong tỉnh và cả nước. Nóng lòng lắm và cũng tiếc nuối lắm. Nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà, riêng về thơ thôi đã không thiếu những tên tuổi mà cả nước biết đến. Cứ để khuất lấp, làm sao tạo nên cảm hứng, động lực sáng tạo, cống hiến trong hoạt động văn học, nghệ thuật cho đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà?

Bùi Xuân Lộc cười hiền khô, kiệm lời, anh chỉ nắm chặt tay tôi, ánh mắt chợt sáng lên, ra điều tâm đắc với đề xuất của đồng nghiệp cũng có “máu văn nghệ”.

Ít lâu sau, trên làn sóng Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An xuất hiện chuyên mục “Tạp chí văn nghệ cuối tuần”, “Sắc màu văn hóa các dân tộc”, “Âm nhạc và tuổi trẻ”, “Tuổi thần tiên”, “Quê mình xứ Nghệ”. Các nhà thơ có tên tuổi với các sáng tác của mình lần lượt được giới thiệu đều đặn trên màn hình và sóng phát thanh tỉnh nhà. Những cộng sự nhiệt tâm, sáng tạo của anh như Kha Thị Thường, Lê Xuân,… và tập thể Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh, Truyền hình Nghệ An dường như “cháy hết mình” muốn tạo nên “một sân chơi”, “một diễn đàn” văn học nghệ thuật hấp dẫn, phong phú, tập hợp đông đảo đội ngũ sáng tác trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả nước.

NSƯT Bùi Xuân Lộc tham gia chương trình “Tết Tình thân” của Đài Truyền hình Nghệ An. Ảnh: Ngọc Hà

Bùi Xuân Lộc còn đóng góp trí tuệ, tài năng mở hướng bảo tồn, gìn giữ kho tàng dân ca xứ Nghệ bằng chương trình dạy hát dân ca trong hệ thống trường học từ tiểu học đến trung học trên địa bàn Nghệ An.

Yêu nghề, sống hết mình với nghề, không một mảy may danh lợi, cả khi anh được vinh danh là Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012. Những năm cuối thời khắc xa rời cõi tạm, Bùi Xuân Lộc gần như vắt kiệt trái tim đam mê sáng tạo, để lại những tác phẩm sáng giá về nghệ thuật và tư tưởng nhân văn với “Hồn anh ngủ nơi thắt lưng em”, “Bản tình ca rừng và biển”, “Suối ngàn tình yêu”. Tất thảy đều đoạt giải cao toàn quốc.

Có một điều dung dị, bình thường mà không phải ai cũng nhận ra khi tiếp xúc, thậm chí gần gũi với người bên mình nhưng khi họ đột ngột xa rời cõi tạm, mới thảng thốt, trống vắng vì mất đi vẻ đẹp được giấu kín trong nhân cách, trong tâm hồn của họ bấy lâu, chỉ để lại nuối tiếc không bến không bờ.

Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Xuân Lộc về cõi vĩnh hằng ở tuổi 66, vào những tháng chớm đông, sắp chuyển sang xuân, gọi vạn vật sinh sôi, nảy nở lộc biếc, xanh cành.

Anh vẫn còn ngân rung cùng giai điệu dân ca xứ mình, muôn đời còn mãi, thẳm sâu nồng ấm như lời ru của mẹ “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”(*).

———————

(*) Nguyễn Duy: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”

Văn Hiền