Cõi nhân gian” là bộ trường thiên tiểu thuyết đang được đông đảo bạn đọc đón nhận và đánh giá tích cực. Đọc bộ sách này, dường như ai cũng thấy trong đó có một phần của mình, người gần mình, người khác mình, và những kẻ đối lập khó thỏa hiệp. Trong “Cõi

nhân gian”, hiện lên khá rõ nhiều giai tầng, lứa tuổi, giới tính, tính cách, vùng miền, lĩnh vực đời sống xã hội… trong một bối cảnh rộng lớn, thênh thênh mà nhiều khi chật chội, ngột ngạt. Đọc “Cõi nhân gian”, thêm tin điều mình đã yêu tin, quý mến và trắc ẩn, thấy cả những điều mình căm ghét, mong muốn đẩy lùi càng sớm càng tốt, thế thì cái hiện thực đời sống trong “Cõi nhân gian” là thực hay hư; thật hay giả; tốt hay không tốt, chưa tốt; hiện tại hay quá khứ hay đã vượt chạm đến tương lai gần hoặc xa? Có ai suy nghĩ, an yên, chấp nhận hay băn khoăn, day dứt, nóng bỏng? Một tác phẩm văn chương, nghệ thuật mà khi vừa ra mắt được bạn đọc, đã có được cảm xúc, tâm trạng, dư luận đại loại như thế thì đó là tín hiệu của một thang bậc trên mức bình thường, đúng hơn, ở mức cao, đáng quan tâm.

Đọc và suy ngẫm 8 tập “Cõi nhân gian”, tôi thật sự bất ngờ, ngạc nhiên về tác giả của nó – nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Lâu nay, bạn văn chương và công chúng vẫn gọi anh là nhà thơ. Dĩ nhiên. Nhưng qua bộ trường thiên tiểu thuyết này, nếu vẫn gọi anh là nhà thơ, thì có gì đó như chưa thật đúng, chưa đầy đủ. Tôi bất ngờ và nể phục về vốn sống, sự từng trải, sự dấn thân, chiêm nghiệm, tích lũy hiện thực, lý giải và cấu trúc nó, thể hiện nó, mổ xẻ nó, làm chủ nó… của tác giả. Cái vốn hiện thực đời sống ngồn ngộn mà Nguyễn Phúc Lộc Thành có trong tay mình, đã tạo ra sự hơn hẳn, sự khác biệt giữa anh với khá nhiều người cầm bút hiện nay. Anh là nhà văn, là doanh nhân, chủ một doanh nghiệp lớn đã sống, kinh doanh và viết trong thời kỳ đất nước đang giã từ cơ chế kinh tế hậu chiến tranh, tập trung quan liêu, bao cấp, khá dễ dãi và nhiều vấp váp sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, cuồn cuộn. Có thể gọi đó là một “cơn chuyển dạ” không dễ dàng. Quãng thời gian đó chừng hơn hai chục năm, kết nối hai thế kỷ XX và XXI. Ở giai đoạn đó, cái tính chất “thị trường” của  nền kinh tế luôn nổi bật, cả mặt tích cực, cả mặt tiêu cực, nhiều khi hoang dã, trái tính trái nết, nhiều ghềnh thác.

Tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành

Nhiều nhà văn trong chúng ta sống cùng thời, có thể cùng chung nhiều cảnh huống, tình thế, cùng đón nhận cả ngọt bùi lẫn đắng cay, vui vẻ, bằng lòng lẫn bức xúc, thì suy cho cùng (thực chất là), hầu hết chúng ta vừa là người trong cuộc, lại vừa như là người đứng ngoài cuộc. Nguyễn Phúc Lộc Thành không hời hợt, không nhạt, bởi anh đã sống trọn đầy, trải nghiệm và “chịu trận”, có những nỗ lực và thành công cả trong đời và trong văn.

Cái hiện thực trong “Cõi nhân gian” (hay cõi đời, cõi người) đủ các thành phần: doanh nhân, doanh nghiệp – rõ rồi, là môi trường và dấu ấn của chính tác giả. Đây là phần đậm nhất, nhiều thành công, xuyên suốt, kết nối với các thành phần, bối cảnh, thời gian, nhân vật, sự kiện (nào là Hương, Vy, Hoan, Chiến, con Hương, ông bà Công Hoài, nào là ông Tám, bà Tám, Sinh, San, An, Hồng Anh, Tám – Cẩu, Thịnh, Sy,…). Là giới trí thức, văn nghệ sỹ, báo chí, có người tài giỏi, nhạy cảm, dễ nhận ra và đi theo cái mới (Thiện Hương, Hảo, Thụy An, cô Tú, con Hương…), lại có những người dễ thỏa hiệp, đổ đốn, tha hóa (Bính, Quang, Giáo sư Phan Huệ, Thiên, Huy chồng Hòa,…). Là giới quan chức, công chức, kể cả viên chức nhỏ, có người đàng hoàng, ngay thẳng (ông Thiện, bà Hiền, anh Hóa – Thứ trưởng “Bộ Công an Nội địa”, Ánh, Vương Triều, Hoàn Thư…); cũng có không ít người bị đồng tiền lôi kéo, bắt làm nô lệ, dẫn đến lạm quyền, tư túi (Chủ tịch Yên, Chủ tịch Danh, Bộ trưởng  Hoàng Trịnh, Thông, Hoàng Hạc, Long, Kim, Ân…), chạy chức, chạy quyền, tham nhũng đủ kiểu, gây ra những tội lỗi, tội ác. Là những người dân nghèo ở thành thị và nông thôn, nhiều người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (Vân, Thêu, Dự, con Hương lúc nhỏ…), nhưng cũng không ít người trong quá trình công nghiệp hóa, đô thì hóa đã bần cùng, tha hóa, lưu manh, vừa đáng thương, đáng trách, đáng lên án (ông Thiên “mặt Phật”, Bảo, cha cô Tú, Lung quan tài, Hạnh, Lan, Hưng, Tề, Quân “ba số”, Vụ, Hải, Trường…). Là những Việt kiều về nước làm ăn lương thiện, tử tế như ông Công bà Hoài và ma mãnh, dối trá, độc ác như David Trần (Sinh), như Chủ tịch doanh nhân Việt tại Đông Âu. Là giới “xã hội đen”, tội phạm (ông Tám, bà Tám, Sinh (David Trần), Đồng còm, Bính, Hồng…). Sự liệt kê ngẫu nhiên này không nhằm phân chia hai hay ba, bốn, năm nhóm người. Trong “Cõi nhân gian”, không có nhân vật có tính cách một chiều, được “đóng đinh” khiên cưỡng. Có những người nhiều ưu điểm, tử tế nhưng vẫn có thể, có khi mắc sai lầm, sa ngã. Nhân vật “tôi” – Nguyễn Thiện Hương, là một ví dụ. Có người nhiều tiêu cực, thậm chí phạm tội vẫn có lúc phản tỉnh, hướng thiện như ông Tám, bà Tám, cô Bảo, cô Lan, thằng Hưng… Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ, có khi giằng xé, tranh đấu trong chính họ và với xã hội. Sự biến đổi, phát triển hoặc sa sút nhân cách có cả tác nhân từ bên ngoài và cả tác nhân từ bên trong, biện chứng và logic. Bằng dụng ý, dụng công, tác giả luôn hướng hầu hết các nhân vật trong tác phẩm (trong cõi người) đến cái thiện, cái tốt đẹp; đấu tranh bền bỉ, quyết liệt với cái ác, cái xấu xa, thấp hèn. Tác giả phản ánh, mô tả cái tiêu cực, mặt trái, những tha hóa của các kiếp người, nhưng không nhằm bôi đen, bới móc, hằn học, ám chỉ, càng không đẩy nhân vật xuống hạng thú vật dù hành động có lúc tạm rời xa phẩm chất người. Cái đích hướng tới là muốn xã hội thay đổi để mọi thứ tốt đẹp hơn, cái xấu, cái ác bị đẩy lùi, dù không dễ dàng, đơn giản.

Trong “Cõi nhân gian”, Nguyễn Phúc Lộc Thành chịu ảnh hưởng khá rõ của tư tưởng triết học Phật giáo, tinh thần bi, trí, dũng; đức hiếu sinh từ, bi, hỷ, xả; thuyết nhân quả; những thất tình lục dục của đời người: tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố; coi trọng chữ tâm, chữ đức, sự giác ngộ, hướng về đời sống tâm linh đẹp đẽ, nhân văn. Tác giả nhận rõ bi kịch của lòng tham, những ham muốn bản năng, tội lỗi, tội ác của cõi đời, cõi người để cảnh tỉnh, thức tỉnh, báo động các nhân vật của mình, góp phần cứu rỗi tâm hồn họ, đưa họ trở về với thiện lương, tốt lành, hạnh phúc.

Không chỉ phản ảnh hiện thực, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành còn đưa ra những cảnh báo, báo động rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Đó là những mặt trái, mặt tiêu cực khi đất nước chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng. Một chặng đường mới, rất mới, đầy khó khăn, nhọc nhằn, thách thức. Nhiều hệ lụy về kinh tế – xã hội, nhưng hệ lụy rõ nhất, mạnh mẽ nhất, đau xót nhất là sự tác động tiêu cực đến lĩnh vực văn hóa, và con người. Cảnh báo và đòi hỏi phải thay đổi nhiều cơ chế, chính sách đã lạc hậu, đã làm xã hội trì trệ, làm tha hóa con người, làm hư hỏng bộ máy ở chỗ này, chỗ kia, lúc này, lúc khác. Cảnh báo về việc phải tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh pháp luật; việc giáo dục, đào tạo, bố trí, giám sát, sàng lọc, xử lý đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền, nhất là ở những lĩnh vực quan trọng, đặc thù, nhữ kẻ tha hóa, tồi tệ, nguy hiểm ở các mức độ khác nhau, để họ không có cơ tồn tại, chui sâu, leo cao, gây họa cho đất nước, cho cộng đồng. Doanh nhân cao tuổi là ông Công – một Việt kiều, đã mấy lần nhắc đi nhắc lại câu nói, câu nhận xét về nhân vật Yên: “Thằng cha Yên này, tôi đã bảo từ lâu rồi, hắn không phải thường nhân đâu. Hắn siêu lắm, hắn sẽ vượt qua được tất cả khó khăn, không cẩn thận hắn sẽ còn lên nữa…”. Để đến thời điểm đêm mồng Một Tết, khi căn nhà số tám Hồng Phúc bị thiêu rụi, “hai người chết trong đó, một nữ, một nam” (báo chí đưa tin), Bà Hoài, vợ ông Công đã lo lắng “Rồi ông ấy sẽ lại thoát thân đầy ngoạn mục, chẳng ai làm gì được ông ấy…”. Mặt khác, cần ca ngợi, kính trọng, tôn vinh, nhân lên những con người tốt đẹp như bác Thiện, chị Hiền, anh Hóa và không ít người khác. Trong nền kinh tế thị trường, đã xuất hiện, nảy nở nguy cơ tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, quan chức bí mật đầu tư, hùn hạp vào một số doanh nghiệp tư nhân, “cho” dự án của nhà nước, chống lưng, chạy tội cho doanh nghiệp xấu. Báo động về những “vòi bạch tuộc” như Red Sun Group “từ Canada” của các Việt kiều David Trần, Mery Trần (tập đoàn Sinh, San, có sự trợ lực của Bính – luật sư trong nước) tuy chưa thật lớn nhưng đã âm thầm hoặc lộ liễu xâm nhập, cạnh tranh, thâu tóm một số doanh nghiệp trong nước. Còn rất nhiều cảnh báo, báo động nữa, kể cả về lối sống dễ dãi, buông thả, sa sút nhân cách của lớp trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo như Hương, Quang, Hảo, Thụy An, Tú, San, Thiên…; cả tầng lớp bình dân như “chị” Thảo, Thanh, Trường, Quang thợ điện, cựu giáo chức Lưu… Trong khi vui mừng về những việc, những người tốt đang lớn lên, đang khẳng định chỗ đứng của mình, thì đừng quên, đừng mất cảnh giác vì những kẻ xấu, giới tội phạm nguy hiểm, tinh vi như David Trần, Đồng còm, An, Tám – Cẩu… vẫn còn đó, chúng có thể sinh sôi, nguy hiểm hơn và vẫn lẩn quất quanh ta. Lưu Thế Hoa, một người mang hai dòng máu Việt và nước láng giềng đã về lại bên kia biên giới, tiếp tục là một ẩn số.

Chúng tôi muốn nói thêm về nghệ thuật viết tiểu thuyết của tác giả “Cõi nhân gian”. Đó là cách, là tầm Nguyễn Phúc Lộc Thành xử lý vốn hiện thực, xử lý các mối quan hệ chằng chịt, phong phú, phức tạp, nhất là các mâu thuẫn, xung đột. Anh không bị rối, không dễ dãi. Mỗi nhân vật, dù đậm hay nhạt, chính hay tà, hay nhờ nhờ, đều có tính cách khá rõ, khá riêng. Những nhân vật chính diện như ông Thiện, bà Hiền, anh Hóa, Ánh, Vương Triều, Hoàn Thư, Thiện Hương, Vy, Hoan, con Hương… gây ấn tượng mạnh, nhiều hảo cảm. Phần kết của bộ tiểu thuyết, hình ảnh/hình tượng cô Hoan bị trọng bệnh cùng một sinh linh chào đời thật đẹp và cảm động. Hình tượng con Hương nhọc nhằn, khổ nhục từ nhỏ, như cây còi trưởng thành trong gió bão, đã tìm được hạnh phúc đích thực và vững chãi với Dự và hai đứa con yêu dấu. Tính hình sự, ly kỳ, nhiều kịch tính, nhiều bất ngờ xuyên suốt tám tập sách làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn, ma mị người đọc.

Nguyễn Phúc Lộc Thành rất có ý thức sử dụng và sáng tạo ngôn từ trong tác phẩm của mình. Ngôn ngữ tự sự là chính, mộc mạc, thô ráp, có thể “ít chất văn” như ai đó nhận xét nhưng đây là câu chuyện kể, kể lôi cuốn, hấp dẫn cũng là nghệ thuật, là tài năng. Câu cú trong “Cõi nhân gian” phần lớn ngắn gọn, mạch lạc, tiết tấu nhanh, mạnh, giàu sức biểu cảm. Một số từ ngữ được dùng khá sáng tạo, đắc địa, mới lạ. Ngay việc đặt tên cho nhân vật, sự vật cũng có dụng ý (dù tên gọi con người, sự vật không liên quan đến bản chất của họ/của chúng).

Về một vài góp ý nhỏ, thiển nghĩ, giá một số phần trong bộ trường thiên tiểu thuyết tám tập “Cõi nhân gian” được viết gọn hơn, súc tích hơn, bỏ đi những trùng lặp không cần thiết; khi đăng thơ của nhân vật, có cần đăng cả bài hoặc đăng dài như thế không.

“Cõi nhân gian” đã có nhiều thành công, là một hiện tượng đáng ghi nhận của văn chương Việt hôm qua chưa xa và hôm nay. Điều đó cũng đánh dấu tài năng, sự trưởng thành của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành, là tín hiệu thực sự vui hôm nay.

Nhật Phong

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 23, tháng 5/2022)