Trước kia, tôi chưa gặp ông ở ngoài đời, chỉ tình cờ gặp trên Facebook, và để ý khi gặp bài thơ “Gió Lào” của ông. Gió Lào vốn đã trở thành “đặc sản” của xứ Nghệ, và chỉ người bản địa mới viết được rất thật và mộc mạc như thế này:

“Ôi gió Lào thiêu đốt cả thành Vinh.

Nụ cười em mát Cửa Lò, Cửa Hội.

Em dịu mát và em không có tuổi.

Ta mặt trời, em mãi mãi Hằng Nga.

Ôi gió Lào khô buốt trái tim ta.

Qua núi cao, gió không còn hơi nước.

Em bên ta tung tăng nhẹ bước.

Biển dạt dào, tím biếc…

Hoàng hôn.”

Nhiều người đồng lứa với tôi gọi ông là “bác” là “chú” đầy kính nể và biết ơn. Tôi tò mò, đọc hết Facebook, và rồi ít nhiều biết về ông qua những trang viết bộc bạch chân thành từ cõi lòng, từ các dòng thơ như viết nhật ký đầy tâm huyết về những kỷ niệm, chặng đường đã đi qua. Tình cảm với cha mẹ, đồng đội ở chiến trường, tình nghĩa bạn bầu tại quê nhà sâu nặng trong dòng máu. Quen thân hơn, dần dà tôi gọi bằng “anh” trên mạng và ngoài đời khi đã gặp gỡ đầy lòng mến thương với người thương binh nặng, gần gũi tự nhiên như người anh, người chị trong một gia đình.

Ông là Phạm Hào Quang, sinh năm 1953 tại xóm Mỹ Trung, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1972, đang học dở ở Trường Huỳnh Thúc Kháng ông tham gia vào quân đội, có mặt ở các chiến trường phía nam của Tổ quốc. Ông kể, trong chiến tranh, không nói hết nỗi khổ đau, đói khát, chết chóc, thiếu thốn trăm bề. Mỗi người phải tự mình vươn lên, rèn luyện, nghĩ đến ngày mai tốt đẹp hơn, sống đầy lạc quan tin tưởng. Lời thơ ca, tiếng hát là nguồn động viên không thể thiếu cho người lính ở chiến trường. Ngày 27/10/1980, ông bị thương nặng tại chiến trường K, khắp cơ thể đầy máu, đôi chân nát tươm vùi trong cát sỏi. Ông ngất lịm, không biết gì nữa. Đồng đội đã cứu thương đưa ông về phía sau chiến tuyến.

Từ lúc bị thương cho đến nay, ông Phạm Hào Quang đã phải nhiều lần vào viện mổ điều trị các vết thương (trong ảnh: Ông tập đi lúc mới ra viện)

Hai năm trời các bác sĩ chữa trị vết thương, giành giật sự sống cho ông. Thời gian ấy hầu như ông sống ở các bệnh viện và nơi điều dưỡng phục hồi thể lực đã đành, mà còn hồi sinh lại tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai của ngày mai. Ông nói, khi tỉnh lại, thấy thân thể không còn nguyên vẹn, tàn tạ đến thảm hại, nằm bất động, nẹp cổ, nẹp đôi chân, sinh hoạt khác hẳn, nản lắm. Có lúc đã nghĩ đến cái chết, sống để làm gì với cơ thể tàn phế thế này? Nhưng rồi nghĩ lại thấy bao đồng đội từ chiến trường trở về bị thương còn nặng hơn mình, có người mất hẳn chân, mất tay không thể phục hồi, có người mất luôn đôi mắt. Vậy mà mọi người vẫn sống lạc quan, vui vẻ “tàn nhưng không phế”. Tại sao mình không sống như mọi người? Ông bắt đầu làm thơ từ ngày ấy theo tâm niệm:

“Ta thương đời nên ta tập làm thơ

Thơ lẩn thẩn nhưng buồn khi đọc lại…

Ghét ít, nhiều thương vì không gì là mãi mãi

Xuân mới về… chớp mắt đã cuối đông”.

                                                          (Suy tư)

“Ăn với nằm, ta đã biến thành heo

Ngày qua ngày vật vờ trong bệnh viện

Hay ho chi khoe bạn bè “tớ bệnh”

Cảm ơn nhiều lời thăm hỏi gần xa.

 

Bao năm rồi… Cuộc chiến đã đi qua

Sao thân ta chưa một ngày lành lặn.

Mổ chân này, chân kia còn mảnh đạn

Ta đâu là bãi phế liệu, người ơi.

 

Nói vậy thôi, ta vẫn cứ đùa vui

Vì ta biết nhiều người còn tội lắm.

Những oan hồn kêu la đêm thanh vắng

Vì không tiền vào bệnh viện thuốc men.

 

Đông sắp tàn nắng ấm sẽ bừng lên

Ta sẽ khỏe – Như ta từng đã khỏe

Vợ hiền ơi, sao mà yêu em thế!

Cứ nồng nàn như thủa mới có nhau.”

                                                  (Nỗi buồn còn lại)

Ngày mới ra quân, trở về đời thường của thương binh nặng 1/4, không biết bao nhiêu lần ông phải lên bàn mổ với các ốc vít, nẹp cổ, nẹp hai chân, sắt thép sử dụng trong cơ thể không phải ít. Ông nói, trong người ông có khoảng hai ki lô thép ràng cơ thể. Để tập đi, tập cúi, tập làm người bình thường đã vô cùng khó khăn. Nhưng còn sống, còn phải làm việc, chẳng lẽ chỉ ngồi chờ phụ cấp thương binh? Còn lấy vợ, còn nuôi con nữa? Sống ra sao cho có ý nghĩa nhất, đời người chỉ sống có một lần.

Suy nghĩ, trăn trở mãi, năm 1998, ông quyết định thành lập “Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Lộc” với nghề xây dựng, làm từ việc nhỏ đến việc to như lời ông tự sự trong ngày khai trương đón năm mới: “…được làm việc và có việc làm, được kiếm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nhưng sạch sẽ.

Tuổi tác và thương tật không làm ta chùn bước. Ta đã bỏ một phần máu thịt và tuổi xuân cho những cuộc binh đao dai dẳng đầy tang tóc. Ta may mắn sống sót sau chiến tranh, dẫu ‘phế’ nhưng chưa thật ‘tàn’. Trọn cuộc đời này ta chỉ mong sao được sống bình dị, giản đơn như một công dân tử tế.

Ông Phạm Hào Quang trong ngày khai trương đầu năm mới của Công ty trách nhiệm Hữu hạn Hưng Lộc

Mười tám năm nay, Công ty ta mang cái tên trìu mến thân thương ‘Hưng Lộc’, tên một xã đói nghèo ngoại thành Vinh. Ta đã gánh tên làng, tên xã đầy ắp tuổi thơ phiêu bạt vào Sài Gòn để mưu sinh lập nghiệp. Ta đã sống và được sống. Ta tự hào vì không làm tủi hổ thanh danh cái tên Hưng Lộc. Gần hai mươi năm tồn tại và phát triển giữa đô thị Sài Gòn của thời “người khôn của khó”, Công ty Hưng Lộc chậm mà chắc, có thương hiệu và hơn hết đã để lại niềm tin yêu thương mến của các quý khách hàng ở Sài Gòn và các tỉnh gần xa như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, v.v…

Ta không say sưa gặm nhấm những kết quả mà mình đang có vì ta biết rằng con đường tiến lên phía trước còn đầy rẫy bão tố chông gai. Kinh tế thị trường là một cuộc chơi tàn nhẫn đến sấp mặt. Một kẻ ‘ốm yếu’ về tiền bạc và kiến thức như ta phải chấp nhận ‘trầy vi tróc vảy’ mới may ra tìm được một lối đi thật nhỏ dưới chân mình…”

Ông là thế. Con người sống đầy bản lĩnh, biết mình biết ta, dù ốm đau, nhưng luôn chỉn chu, sạch sẽ, ngăn nắp và đồng cảm với người nghèo khổ, bất hạnh. Ông bố trí công việc, nơi ăn ở hợp lý cho mọi người ở công ty. Ông hoạt ngôn, nên đi đến đâu làm mọi người vui đến đấy. Ông làm thơ động viên những người lính làm việc ở công trường:

“Đừng rơi nữa mưa ơi

Đường đã lầy lắm rồi

Anh em thợ ướt áo

Về nhà bệnh mất thôi

Như thân cò lặn lội

Mò tép ở ven sông

Vợ con đang chờ mong

Tiền thuê nhà, tiền gạo

Kiếm miếng cơm, manh áo

Nước mắt và mồ hôi

Đâu có đụng đến trời

Trời gây chi giông bão?”

                                  (Thương lính)

Gặp bạn bè, đi khập khiễng, nhưng bao giờ ông cũng mặc đẹp, tôi đùa: “Anh diện thế có phải ai đó rất… đặc biệt phải không?” Ông cười: “Chả có ai đặc biệt. Bạn bè cả thôi. Mặc đẹp là tôn trọng mọi người, tự tôn trọng mình cho nghiêm túc cái đã”. Ông có nhiều bài thơ tặng bạn bè ở thành Vinh:

“Ta xa nhau ngày ấy ngoài thành Vinh

Hoa gạo rụng và tuổi hồng ta rụng

Anh lên tàu đi về nơi tiếng súng

Em co mình trong vỏ ốc đơn côi.

Đời chiến binh lầm lụi lặng lẽ trôi

Máu đồng đội đỏ bầm màu hoa gạo

Tiếng gọi mẹ lịm dần trong tiếng pháo

Em quê nghèo leo lắt ánh đèn khuya.

Ta trở về nhặt mảnh vỡ chia ly

Hoa gạo rụng trên mái đầu điểm bạc

Thành Vinh ơi

‘Qua nửa đời phiêu bạt’

Bên dòng Lam ta ngơ ngác tìm về.”

                                             (Hoa gạo thành Vinh)

“Nợ đời chưa trả hết

Bạn lặng lẽ về trời

Nắm tro tàn để lại

Thương lắm một kiếp người.

 

Khói lên trời làm mây

Cho nhân gian đỡ khát

Bạn lên trời làm cây

Ngàn đời che bóng mát.”

                                  (Viếng bạn)

“Bốn mươi năm gặp lại

Tàn tro bay trắng đầu

Thương tật làm méo miệng

Bạn tôi cười trong đau.

Trao thân cho bom đạn

(Cùng dại như nhau mà)

Mắt say màu lý tưởng…

Lấy máu vẽ thành hoa.

Chân tôi và chân bạn

Khập khiễng như nhau rồi

Trần gian còn chút nợ

Khoan tắt cười trên môi.”

                             (Thương bạn)

Bạn bè ai cũng bảo ông là người con có hiếu với cha mẹ. Các trang thơ của ông dành nhiều cho cha, mẹ, tràn đầy lòng hiếu thảo của người con ngoan:

“Cha ơi, chim cuốc gọi hè

Bao nhiêu thơ ấu ùa về trong con

Mười năm khuất núi Thái Sơn

Trăm năm ghi tạc công ơn sinh thành

Xuôi tay về với trời xanh

Hóa thân thành giọt long lanh nắng vàng”

                                                      (Nhớ cha)

“Tháng Năm hương lúa thơm nồng

Con về thăm mẹ giữa đồng nắng trưa

Một đời tần tảo nắng mưa

Mẹ về với cỏ đung đưa gió lùa

Xa xăm vọng tiếng chuông chùa

Hình như mẹ biết con vừa tới nơi”.

                                       (Viếng mộ mẹ)

Ông cũng là người luôn nặng tình với quê. Tình quê sâu đậm ấy ông cũng ‘chất đầy’ trong thơ:

“Nắng nhạt rồi dọn hàng ra đi em

Để anh ghé mua bó chè về nấu

Hương vị chè quê đậm đà yêu dấu

Bóng mẹ già lẫn trong bó chè xanh

Anh chào đời… đi hết cuộc chiến tranh

Vẫn bâng khuâng khi nhớ về chợ Cọi

Nghe thân thương như ai mời ai gọi

Yêu khi gần và nhớ lắm khi xa

Thuở đạn bom máu đã kết thành hoa

Hạt lúa củ khoai dồn cho tiền tuyến

Bao cuộc chia ly bao lần đưa tiễn

Bao chàng trai ngày ấy mãi chưa về

Chợ Cọi hiền lành dáng mẹ dáng quê

Nải chuối, bó hành vườn nhà trồng được

“Trọ trẹ” bán mua về xuôi lên ngược

Thân thiện ân tình xứ Nghệ quê choa.”

                                                 (Chợ Cọi)

Ông sống lạc quan, vui vẻ, hay chuyện trò tếu táo, thểu thảo với mọi người, hầu như tránh những câu chuyện có tính chất tranh giành, kèn cựa nhưng ông luôn có chính kiến, yêu ghét rõ ràng khi bạn bè hỏi. Bao giờ ông cũng nói: “Việc ấy như thế, tôi không đồng tình (hoặc đồng tình), còn tùy mọi người nhé.”

Hôm mới đây gặp ông, đàm đạo về chuyện văn, chuyện đời, tôi thấy ông thông minh, ứng xử nhanh khi đưa ra nhiều vấn đề. Tôi nói: “Chuyện chi anh cũng biết hầy?” Ông bảo: “Khó nhất là học chữ, khó nhất là làm thơ, mình còn làm được, chuyện khác dễ hơn. Mình nhờ vịn vào thơ để đứng dậy mà.”

Vẫn biết ông nói đùa, tếu táo cho vui, tôi cười, nhưng mắt bỗng cay cay.

(*) Lời nhà thơ Phùng Quán.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 25, tháng 7/2022)