Người Việt có lẽ không ai không biết, không thuộc một vài câu vè với một “thi pháp” rất kỳ cục của Bút Tre. Nhiều người biết ông tên thật là Đặng Văn Đăng (1911 – 1987), từng làm công tác ngoại giao với chức danh Bí thư thứ hai Sứ quán Việt Nam tại Rumani. Sau đó ông về làm Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ, được đánh giá là một lãnh đạo có tài, tâm huyết và rất liêm khiết. Một số bài báo cũng cho biết, Đặng Văn Đăng đã đậu tú tài triết học thời thuộc Pháp, từng dạy học ở Tuyên Quang và viết báo với bút danh Lục Y Lang, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga. Thế nhưng, hầu như chưa ai cho biết ông viết báo ở đâu, viết như thế nào?

Vậy nên, tôi đã rất bất ngờ và đầy thú vị, khi phát hiện ông “Bút Tre” ngày trước là một cây bút quen thuộc và sắc sảo, góp bài đều đặn, với nhiều thể loại trên một tờ báo xuất bản ở thành phố Vinh!

Tờ báo đó là Tuần báo Sao Mai, một tờ báo tư nhân, do Trần Bá Vinh, một doanh nhân và là dân biểu Trung Kỳ nhiều khóa liền sáng lập. Sao Mai ra số đầu tiên ngày 12/1/1934 và đóng cửa năm 1939. Đây là tờ báo chính trị, xã hội và văn chương, có xu hướng ủng hộ chính quyền đương thời, nhưng cũng được cho là dám lên tiếng chống tham nhũng, cường quyền, bênh vực dân nghèo, nhất là ở các mục “Tiếng dân kêu”, “Tiếng đồn”. Với thế lực và sự ảnh hưởng rất lớn của ông chủ báo, Sao Mai cũng không ngại đụng chạm đến các tờ báo khác, cũng như các giới chức trong cả ba miền. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tờ báo và ông chủ của nó đã nhiều phen xung khắc với các đồng nghiệp, thậm chí còn kiện nhau ra tòa.

Trong 6 năm tồn tại, Sao Mai đã phát hành gần 300 số báo. Thế nhưng, hiện Thư viện Quốc Gia Việt Nam mới sưu tầm và đưa lên trang điện tử được hơn 50 số, của các năm 1934, 1935, 1936 và 1939. Trong những số báo còn lưu được của các năm 1934, 1935, 1936 chưa thấy cái tên Đặng Văn Đăng hay bút danh Lục Y Lang của Bút Tre xuất hiện. Hai năm 1937, 1938 không lưu được số báo nào. Năm 1939 hiện đang lưu trữ được các số báo của 3 tháng 7, 8 và 9. Trong các số này bắt đầu xuất hiện cái tên Đặng Văn Đăng và bút danh Lục Y Lang với tư cách tác giả.

Với một lượng ít ỏi các số báo còn lưu được, cho thấy ít nhất trên tờ Sao Mai, Đặng Văn Đăng đã viết ba thể loại: bình luận thời sự, chính luận (ký tên Đặng Văn Đăng, hoặc D.V.D); truyện ngắn (ký tên Lục Y Lang, hoặc Chàng Áo Xanh) và tiểu thuyết, truyện dài (ký tên Lục Y Lang). Từ số 276, ra ngày 9/6/1939 cho đến số 287, ra ngày 25/8/1939, số báo nào cũng có bài của Đặng Văn Đăng, có một số số ông có đến hai bài. Riêng tiểu thuyết Lên cõi vinh quang đăng ít nhất từ tháng 1/1939, đến số 287 (ngày 25/8/1939) mới đến kỳ thứ 36, mà xem ra câu chuyện vẫn còn dài. Như vậy, có thể nhận định: ít nhất trong năm 1939 số báo nào của Sao Mai cũng có bài của Đặng Văn Đăng. Điều này cho thấy ông viết khỏe và rất chuyên nghiệp. Năm đó Đặng Văn Đăng mới 28 tuổi.

Với ngữ liệu ít ỏi còn lại, cũng chưa dám khẳng định điều gì thật chắc chắn về đặc điểm hay phong cách, tài năng báo chí, văn chương của Đặng Văn Đăng, chỉ có thể nhận thấy rằng đó là một ngòi bút khác hẳn những gì chúng ta đã biết về ông Bút Tre, với tư cách một “vè sĩ”, người khai sinh một “trường phái” thơ ca dân gian độc nhất vô nhị.

Với thể loại bình luận thời sự, hay chính luận, có thể thấy Đặng Văn Đăng lập luận chắc chắn, sắc sảo, dẫn nhiều tác giả đông tây, kim cổ, ngôn từ mạnh mẽ, dứt khoát.

Một số bài viết của Đặng Văn Đăng trên báo Sao Mai

Trên Sao Mai, số 281 ra ngày 14/7/1939, ông có bài Ngòi bút ngay thẳng. Có thể coi đây như một tuyên ngôn của ông về nghề văn, nghề báo: “Nhưng dù sao con nhà văn hay nhà báo đều là đội lính cảm tử của một toán quân tinh thần vì loài người đi chinh phục khôn sáng và tiêu diệt tối ngu… tôi muốn kêu gọi các người một khi cầm cán viết phải vạch những dòng ngay thẳng cũng như đã diễn những ý thẳng ngay. Ngòi bút nếu trong sạch, chớ nên để nó mang tội, một khi nó chạy theo những kẻ chạy theo một lá cờ, một bánh xe”. Ông dẫn trường hợp nhà văn Pháp André Gide và khẳng định: “Ngòi bút ngay thẳng, tôi mới chỉ thấy có ở André Gide”. Ông cũng chỉ rõ: “Trong các nhà báo mang cái sứ mệnh đòi tự do ngôn luận ở xứ này, nhiều kẻ đã vì ý tưởng thiên lịch, đã vì hẹp eo mà để cán viết vạch những đường cong queo uốn khúc”.

Trong bài Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế (số 287, ngày 25/8/1939), ông trích dẫn các nhà tư tưởng châu Âu, để thấy có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.

“Các nhà tư tưởng trả lời câu hỏi ấy ra hai cách khác nhau. Nhà triết học nước Anh Thomas Carlyle là người đại diện trứ danh của phái thứ nhất cho rằng công chúng như một tảng đất sét vô hình, người anh hùng muốn nặn ra thế nào cũng được, nghĩa là người anh hùng có tài tạo ra thời thế”.

“Đối với phái thứ nhất này có phái thứ nhì, không chịu tán dương người anh hùng như thế. (…). Nhà văn hào nước Nga Tolstoy là người chủ trì thuyết này. Ông nói rằng không ai có thể tự phụ hướng đạo cho công chúng được, dẫu người anh hùng cũng sánh như người lội nước mà công chúng thì chính là nước, là thủy triều dâng bổng nâng vút lên được mà cũng có thể tràn ngập đắm chìm đi được. Trong tiểu thuyết “Chiến với Hòa” ông tả Nã Phá Luân hoàng đế một hồi nhờ được luồng sóng của lịch sử nâng cuộn lên thì làm được sự nghiệp vang trời dậy đất, rồi sau vì bể dâu biến đổi cả giời gặp phải cái luồng sóng kháng ngược lại, đến đồ địa tan tành”.

Ông dẫn chứng các trường hợp như Lenine, Mustapha Kesman; Mussolini; Hitler, sau đó đưa ra quan điểm của mình:

“Không có bột gột sao nên hồ? Nhưng mà không có người gột thì hòn bột cũng chẳng bao giờ thành liễn hồ được”.

“Người anh hùng hào kiệt làm nên sự nghiệp hùng vĩ bất cứ hay hay dở cho xã hội, chẳng qua cũng là cái sản vật của thời thế mà thôi, nhưng là cái sản vật làm cho nghiêng trời chuyển đất, làm cho quay lộn cả thời thế, tức như thuốc súng cũng là một sản vật mà có sức mạnh phá hoại vô ngần”.

Trong bài Một nhân vật quan trọng trong lịch sử thế giới: Hitler (Sao Mai số 279, ngày 30/6/1939), sau khi điểm qua tiểu sử và các hoạt động của Hitler, Đặng Văn Đăng nhận xét: “Âu châu là một lò lửa hồng chỉ đợi Hitler tra dầu thêm là bốc cháy ngùn ngụt hay Hitler tưới nước vào cho than lạnh tro tàn”. Cuối cùng ông kết luận: “Hiện nay 86 triệu dân Đại Đức đứng dưới lá cờ thập ngoặc không biết con thuyền số mệnh sẽ đưa mình về đâu, khi sống dưới bàn tay một vị quốc trưởng không lấy nền tự do của các nước lân bang làm trọng vọng”. Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra mà nhận xét như thế này cho thấy Đặng Văn Đăng là một người không chỉ giữ cho “ngòi bút thẳng ngay”, mà còn là một người am tường về thế sự.

Khi chuyển sang viết truyện ngắn, với bút danh Lục Y Lang, hoặc Chàng Áo Xanh, văn phong của Đặng Văn Đăng lại mang một màu sắc khác.

Ở truyện ngắn Giọt máu đào đăng trên Sao Mai, số 282 ngày 21/7/1939, tác giả Chàng Áo Xanh viết theo phong cách hiện thực phê phán. Chuyện kể về bi hài kịch của một gia đình ông lý cựu, đã dốc hết tiền bạc, của cải, cầm cố cả nhà, đất đai, ruộng vườn cho cậu con trai du học. Ngày cậu ta trở về nhậm chức tri huyện thì ông bố bị bắt giam vì không có tiền trả nợ. Nhưng vì sợ liên lụy, nên cậu này không dám nhận bố mình. Giọng văn chân thật, bình dị, có chút chua chát, mỉa mai.

Thế nhưng, ở truyện ngắn Một thi gia (Sao Mai, số 284 ra ngày 4/8/1939 và 285, ngày 11/8/1939), ông lại viết với văn phong khá trau chuốt, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Một thi gia gần như không có cốt truyện, kể về một chàng thi sĩ, xa rời đời sống thị thành lên dạy học và sống giữa rừng. Chàng thi sĩ chủ trương lập ra một văn phái, gọi là “Văn phái rừng xanh”. Câu chuyện đơn giản, nhưng chắc tác giả muốn gửi gắm vào đây hai thông điệp quan trọng: hãy yêu thiên nhiên, môi trường và sống hòa hợp giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. “Rừng không phải là muỗi, là sốt rét, là bụng ỏng da vàng. Nó còn là thơ, là mộng, là đẹp nữa”. “Xứ xanh với nước tòng trong lặng, rặng ngàn cheo leo, với người Nùng, Mán, Mọi, Xá, Mường sẽ sống vĩnh viễn với nguồn thơ ca tuyệt điểm”. “Làm cái dấu nối giữa đồng bằng và mạn ngược, văn phái sẽ nguyện làm cho hai giống người Xanh và Nâu hiểu biết nhau dần dà xe sợi giây liên lạc cần thiết cho sự đồng tình cộng tác”. “Với các văn phái khác, văn phái Rừng Xanh xin mở đường sáng để đưa họ đến gần với thiên nhiên”. Thi sĩ còn làm thơ bằng tiếng Thổ, vì: “Với quốc văn, xin làm cho thêm phong phú là đem những tiếng lạ có từ buổi sơ khai của nhân loại còn âm u ở núi rừng cao cả vào văn chương của đất nước”.

Thơ viết bằng tiếng Thổ:
“Ha vằn trại lồng pù tầu khẳm
Cằm cảng lại cằm thắng khổn pây.”

Dịch:
“Mặt trời lặn đỉnh non xa
Lời lời thương nhớ khó mà chia tay.”

Trong truyện ngắn này ta bắt gặp những câu văn trau chuốt, rất giàu hình ảnh và nhạc điệu:
“Tôi dừng bước bên Lô giang giữa lúc chiều tàn. Ánh hồng hồng nhuộm phớt đầu non đã tản tác, và trên mặt gương nước long lanh chỉ còn vớt lên được chút ít sáng vàng. Phà qua sông, nước róc rách dập, dâng lên một điệu đàn, trong lúc trên vòm trời ánh hoàng hôn tắt biến để lộ mấy bóng sao ngà lung linh”.

“Một là khói lam ở con thuyền nan đậu trên mặt sông dâng lên, một tiếng sáo thổi trong quãng đồng lúa con gái, tôi tưởng chừng như một con thuyền tình đang đón khách chơi sông nghe tiếng ống tiêu thiên cổ. Lòng lâng lâng tôi trẩy ngâm mấy câu thơ Thổ êm đềm như một điệu phong thi trong một hoàng kim thời đại”.

“Một sức mạnh của cái buồn thi vị đã đến hấp dẫn, thôi miên, ma túy linh hồn tôi, và buồn như một con nai lạc mẹ, tôi ngơ ngác nhìn, tôi lo lắng nghe câu chuyện chia lìa của đôi giai nhân áo Xanh nọ: Chàng Kim Kính và nàng Viên Nữ”.

“Nhớ nhau than với gió,
Nhớ nhau than với mây,
Nhớ nhau than với chim
Nhớ nhau than với cá.
Người thương ơi hỡi người thương,
Đi đò mấy độ, con đường bao xa.
Quyết liều một chuyến xông pha,
Nhìn xem còn thắm hay hoa đã tàn”.

Ở thể loại tiểu thuyết và truyện dài, hiện chúng tôi mới biết được ông có ba cuốn. Cuốn Lên cõi vinh quang đăng dài kỳ trên báo Sao Mai. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết về Công chúa Huyền Trân. Qua những số còn lưu được có thể nhận định cốt truyện xoay xung quanh cuộc tình giữa Huyền Trân và Khắc Chung, những bi kịch của họ khi Huyền Trân, theo ý vua cha phải đến Chiêm Thành làm vợ của vua Chiêm. Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử, với giọng văn chủ đạo là cổ trang, nhưng tác giả cũng không ngần ngại cho đôi tình nhân này có những hành động và lời nói khá hiện đại, quyết liệt.

Tiểu thuyết lịch sử “Lên cõi vinh quang” đăng nhiều kỳ trên báo Sao Mai

“Khắc Chung gặp Huyền Trân, cái việc đầu tiên là ôm nàng vào lòng mà nói những lời tha thiết ái ân:

– Loài người ít có can đảm để sống, để yêu đến tận cùng, nhưng với anh thì anh trái ngược lại dòng sinh khí của thế nhân. Đã một năm trời nay, anh biết em, tuy anh phải sống đau khổ trong yêu nhưng anh vẫn tự mãn là anh có cái hạnh phúc cao siêu nhất tục lụy. Người ta bảo lòng xa vọng của con người trượng phu có thể tìm thấy trong trái tim nhi nữ, vậy hôm nay, tối hôm nay, anh muốn em ban cho anh cái tư tưởng duy nhất, cái tình tứ độc tôn, cái yêu đằm thắm cũng như cái sống thiêng liêng.

Những thớ thịt mềm nhũn đi, đầu choáng váng, trái tim gần tan ra, Huyền Trân ngả đầu vào vai Khắc Chung nói, nàng nói bằng cả một điệu đờn lòng êm ru.

– Chính vì anh, chính vì cái hiện thân của thần tình ái, chính vì cái huyền vi đau khổ của lòng yêu, nên em mới dẫn mình đến chốn này, cái chốn là chưa biết chừng đẹp như Bồng Lai hay ghê như Địa Ngục. Nhưng miễn là ta tin ở lòng nhau và hai miệng cùng xướng ra hai chữ yêu và hai linh hồn cùng khắc khoải vì yêu, tên chúng ta có thể làm tượng trưng tình ai, tình ái bất diệt”.

Truyện dài “Giọt máu người Chàm” đăng trên báo Đồng Tháp

Truyện dài Giọt máu người Chàm đăng dài kỳ trên báo Đông Pháp, năm 1939. Chỉ có một số báo được lưu lại, nên cũng chỉ biết trong truyện có nhân vật thi sĩ kiêm hiệp sĩ người Hời (Chàm). Văn phong truyện này lại có vẻ nhuốm màu kiếm hiệp.

“Nếu hai tôn ông muốn lui thì xin để hai thủ cấp lại cho hàn sĩ, vì hàn sĩ lâu nay khát máu người lắm.
– Vậy ra tôn ông làm thám tử?
Viên thi sĩ Chàm cười lanh lảnh:
– Trong hai chức thám tử viên và quốc sự phạm, gánh một chức nhưng chưa biết hẳn là về bên nào. Là quân bán nước cũng có lẽ, mà là người yêu nước cũng nên, nhưng ta thương hại cho thanh bảo kiếm của ta tối hôm nay phải sửa hại tôn ông.”

Sách “Cành hoa Như Ý”

Với bút danh Lục Y Lang, Đặng Văn Đăng còn có một cuốn sách nữa, đó là cuốn Cành hoa Như Ý, do báo Quốc Gia (Hà Nội) xuất bản năm 1943, thuộc tủ sách “Loại gia đình” của tòa báo. Cuốn này được định danh là “giáo dục tiểu thuyết”. Thực chất, đây là cuốn sách viết theo kiểu truyện cổ tích, có tính chất giáo huấn trẻ con. Sách kể chuyện hai anh em Khải Minh và Bảo Liên đều là hoàng tử. Khải Minh là kẻ tàn ác, muốn hãm hại Bảo Liên để dễ bề lên ngôi vua. Biết vậy, để tránh đổ máu giữa hai anh em, Bảo Liên đi khỏi cung đình. Chàng cứu được một cô tiên bị giam hãm dưới vỏ một con cá màu đỏ, được cô tiên trao cho một cành hoa, gọi là hoa Như Ý. Đây là cành hoa phép thuật, đã giúp Bảo Liên trừng trị những kẻ ác để cứu giúp người nghèo khổ, bị áp bức. Cuối cùng, Khải Minh phải chết vì lòng tham và sự độc ác của mình, Bảo Liên lên ngôi vua. Văn phong của truyện này trong sáng, giản dị, phù hợp với lứa tuổi học trò.

Như vậy, khảo sát sơ bộ qua một số sáng tác của Đặng Văn Đăng, cho thấy ông là một cây bút khá đa dạng, viết được nhiều thể loại. Với mỗi thể loại, mỗi đề tài khác nhau, ông đều có một giọng điệu riêng, thích hợp. Qua các tác phẩm cũng cho thấy Đặng Văn Đăng là người có kiến thức uyên thâm, kiến văn rộng, quan điểm mới mẻ và khoáng đạt ở thời điểm đó. Hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều hơn các sáng tác của ông, để có thể hình dung rõ hơn một “Bút Tre” khác trong văn chương và báo chí.

Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy rõ ràng có một “Bút Tre” hoàn toàn khác, nghiêm túc, uyên thâm, chuyên nghiệp trong báo chí và văn chương, khác hẳn với một “Bút Tre” dân dã, tinh nghịch và hài hước, như lâu nay chúng ta vẫn biết. Điều này phải chăng cũng cho phép khẳng định: những câu vè khác người của Bút Tre là sản phẩm của một tác giả thông minh, lão luyện cố tình tạo ra, chứ không phải do bí từ, dễ dãi, hay… ngớ ngẩn!

Phạm Xuân Cần