1.

Một ngày cuối tháng Bảy – ngày mà Côi cùng nhiều người lao động nghèo ở những khu trọ Bình Dương chắc sẽ còn nhớ mãi, ngày anh cùng dòng người đi xe máy vượt qua ngàn cây số về quê tránh dịch. Đã có bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười trong hành trình về quê lịch sử ấy. Giờ đây, trong khu cách ly Côi vẫn chưa hết bàng hoàng… Nằm sóng soài trên chiếc phản, thân thể vẫn còn đau ê ẩm, hai mắt bắt đầu nhắm nghiền lại, Côi mơ màng nhớ lại…

Đang nửa đêm ngủ ngon thì vợ đánh thức Côi dậy. Mắt nhắm mắt mở, Côi lẩm bẩm quát vợ:

– Đang đêm đang hôm, có gì mà gọi ầm ĩ lên thế?

– Dậy! Dậy mình… Mọi người dậy cả rồi mình ạ! – Vợ Côi cố nhỏ nhẹ giục chồng dậy.

– Sao phải dậy lúc này? – Côi quát to hơn.

– Thì anh hãy dậy rửa mặt cho tỉnh táo cái đã nào…

Côi chậm chạp nhón chân xuống giường, rồi bước ra sân – nói là sân chứ thực chất là cái hành lang chật chội của cả dãy trọ kéo dài. Quả là phòng trọ nào cũng đã bật đèn sáng trưng. Rõ là đang những ngày giãn cách xã hội, công việc ở nhà máy thì đã phải nghỉ gần hai tuần rồi, làm gì có chuyện làm tăng ca đêm hôm gì nữa? Hay có chỉ thị mới cho công nhân làm ca đêm? Có thể lắm, những ngày qua khu trọ này phòng nào cũng đã cạn kiệt thực phẩm, một số nhà đã phải ăn mì tôm qua bữa, cũng có nhà đến mì tôm cũng chẳng có mà ăn. Côi nói với vào trong nhà:

– Nhà máy cho đi làm ca đêm lại rồi hả mình?

– Trời! Làm gì có, anh chưa biết chuyện gì à?

– Chuyện gì? – Côi lại gắt lên.

– Ngày mai, người ta tiếp tục cho giãn cách xã hội tiếp 2 tuần nữa, mà cũng có thể là cả tháng nữa đấy! Mọi người đang thu xếp đồ đạc để về quê.

– Về quê? Về quê ngay lúc này?

– Không về, vài hôm nữa họ lập chốt khắp nơi, cả nhà ở lại đây chết đói sao?

Côi bần thần một lúc, rồi anh cũng đã hiểu ra bao cơ sự. Nếu ở lại liệu gia đình anh có cầm cự nổi qua những ngày tháng đói khổ trước mắt này không? Anh và vợ đã mất việc nửa tháng nay, dù công ty cũng đã trợ cấp một khoản nhỏ cộng với tiền lâu giờ tiết kiệm được chút ít nhưng rồi có thể cầm cự thêm được bao lâu, khi mà giá cả đang đắt đỏ lên từng ngày. Nửa tháng nay, đứa con nhỏ cũng phải nghỉ học, cả gia đình anh sống trong một phòng trọ chưa đến 20 mét vuông, chật chội, bức bối. Nhưng nếu về bây giờ… Anh không thể nghĩ được thấu đáo hơn mọi lẽ lúc này. Phòng trọ bên cạnh, họ đã sắp xếp đồ đạc gần xong, vợ trong phòng thì đang thúc giục. Anh chạy vào phòng đốc đứa con nhỏ dậy. Nó đang chìm sâu trong giấc ngủ, phải lay mãi mấy lần mới ú ớ tỉnh giấc. Cả nhà khẩn trương, anh hành động nhanh như một con rô-bốt, thoáng chốc mọi việc đã gần như đâu vào đấy. Chiếc xe máy với đầy đủ tư trang thiết yếu được dựng ngay ngắn trước hành lang gần cửa phòng. Sau xe máy của anh có đến hơn hai mươi chiếc xe khác cũng đã sẵn sàng cho cuộc hồi hương. Côi kiểm tra lại lần cuối, rồi gọi vợ con khẩn trương lên xe cho kịp giờ. Cả đoàn người nổ máy xuất phát trong sự im lặng của đêm, im lặng đến lạnh người. Chỉ còn nghe rõ tiếng động cơ xe máy đi trong đêm. Thi thoảng có tiếng trẻ con khóc ré lên vì đường xóc, nhưng rồi chúng cũng im ắng chìm vào giấc ngủ. Thế là cuộc hồi hương đầy khó khăn, âu lo diễn ra một cách kì lạ, chưa ai tưởng tượng nổi dịch dã vẫn đang đón đợi họ phía trước…

Một một căn phòng trong khu cách ly tập trung ở Nghệ An. nguồn ảnh qdnd.vn

2.

Sáng nay, tỉnh giấc, gia đình Côi nghe thấy tiếng xe cấp cứu rú còi ở khu cách ly. Từ cửa kính của gian phòng chật chội, Côi đưa mắt nhìn ra khoảng sân trường đã trở nên quen thuộc hơn tuần này với anh. Mấy cái cầu trượt được sơn màu vàng, mấy cái xích đu được làm bằng lốp ô-tô cũ, một vòng quay với những con ngựa, con sư tử, con cá đã bong sứt. Còn nữa thì chi chít những dây giăng ngăn cách. Sáng hôm nay có thêm nhiều người mặc đồ bảo hộ y tế được tăng cường. Người đang xịt khuẩn, có người đang tiến đến gõ cửa phòng bên cạnh, họ trao đổi gì đó một lúc, rồi thì một, hai người đi ra, lên chiếc xe y tế đang chực sẵn và phóng đi… Một không khí ngột ngạt, căng thẳng bao trùm lên khu cách ly. Côi nhíu mắt lấy chiếc điện thoại định vào đọc tin thì tiếng loa vang lên “…trong khu cách ly của ta đã có trường hợp dương tính với Covid… yêu cầu các phòng tuyệt đối chấp hành tốt nội quy ở khu cách ly đã dán ở từng phòng… mọi người hãy bình tĩnh…”. Côi không còn nghe thấy gì nữa, một cảm giác rờn rợn trong người thật khó tả. Vợ con anh hãy còn chìm sâu trong giấc ngủ vì tối qua phải thức khuya để kịp lấy mẫu xét nghiệm. Phòng của Côi, ngoài gia đình anh ra còn ba người nữa ở cùng. Họ – một cặp vợ chồng trẻ và một đứa con mới lên bốn cũng đi xe máy từ miền Nam về như gia đình anh. Giá như khu cách ly rộng rãi hơn thì mỗi gia đình một phòng nhưng vì người về cách ly đông, trường học thì chỉ chừng ấy phòng nên họ phải ở chung. Căn phòng ngăn đôi bởi một sợi dây, Côi ngắm nhìn đứa bé đang say ngủ mà không khỏi bùi ngùi. Bao ý nghĩ xen lẫn trong đầu anh nhưng có lẽ điều anh lo lắng nhất là với những đứa trẻ, hết nhìn đứa nhỏ nhà bên cạnh, anh lại ôm riết đứa con của mình… Anh mường tưởng ra tình huống xấu nhất… Là người đàn ông khá mạnh mẽ nhưng hình như phút ấy nước mắt anh đã ứa ra… Chiếc xe y tế có thể quay trở lại khu cách ly, những người lớn bước lên xe và những đứa bé bị bỏ lại… điều gì sẽ xảy ra…?

Một trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly tập trung tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh: Thanh Toàn

3.

Không khí ở khu cách ly từ ngày có bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Covid thật ảm đạm, nhất là phòng có 02 người đã được xác định dương tính và chuyển đi điều trị lên tuyến tỉnh. Phòng ấy, còn 03 người – họ đều đi chung trên một chuyến xe khách đã có người phát hiện dương tính trước đó. Trước ngày phát hiện có 2 bệnh nhân dương tính, đêm đêm, Côi vẫn còn nghe thấy tiếng nói cười vọng sang phòng mình, còn giờ thì tĩnh lặng, tĩnh lặng đến đáng sợ như cái đêm cả đoàn người rời thành phố. Côi nhớ lại hành trình hơn 30 giờ vật vã trên quốc lộ 1A, chạy xe không kể ngày đêm, có đoạn mệt quá cả nhà dừng xe, trải miếng bạt ngủ vật vờ bên vệ đường một lúc, tỉnh dậy lại khẩn trương lên đường. Rồi khi về đến Đà Nẵng, đứa con nhỏ lên cơn sốt, anh phải chạy xe tìm mua thuốc hạ sốt cho con. Cũng may, sau đó nó ổn hơn và tiếp tục được cuộc hành trình. Khi xe về đến chân cầu Bến Thủy, nhìn thấy bên kia thấp thoáng bóng dáng quê hương, đoàn người trong đó có gia đình Côi đã quên đi cái đói, cái khát. Và khi xe chạy đến bên kia chân cầu, họ lần lượt nhận được sự chia sẻ vật chất, tinh thần của những mạnh thường quân ở thành phố Vinh. Mỗi người đều nhận được một cái phong bì 500 ngàn đồng, nước, mỳ tôm, khẩu trang… và những lời động viên, hướng dẫn tận tình của lực lượng công an khi về quê. Một cảm giác ấm áp lan tỏa trong Côi cho đến khi về tận khu cách ly. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt đỏ ngầu vì chạy xe suốt cả hành trình dài nhưng khi chạm chân đến quê hương những người như Côi đã không còn thấy cảm giác sợ hãi… Vậy mà… thoáng chốc mọi thứ đã thay đổi.

Chiếc xe của chị Hiền (ở TP. Vinh) chờ bên đường để người lao động tự đến nhận 500.000đ đã đóng sẵn trong mỗi chếc phong bì. Ảnh: Tiến Hùng (baonghean.vn)

Trong khu cách ly giờ đây mọi người nhất cử nhất động đều phải theo hướng dẫn từ loa phát thanh… Côi nghĩ, giá như cả dãy trọ bình tĩnh hơn ở lại thành phố thì giờ này có khi an toàn hơn trở về quê. Đọc tin thấy trong thành phố dịch vẫn còn căng thẳng nhưng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động nghèo như gia đình anh; cũng đã có những chuyến bay miễn phí cho đồng bào hồi hương. Và khi dịch dã qua đi, Côi và vợ sẽ trở lại nhà máy, đứa con sẽ đến trường học… Giá như…

4.

Điều Côi lo lắng rồi cũng đã xảy đến. 03 ngày sau, xe cấp cứu lại rú còi trước cổng khu cách ly. Gia đình phòng bên cạnh, hai vợ chồng chính thức… dương tính. Mấy nhân viên y tế gọi họ ra và lại trao đổi. Thế rồi, người vợ quay vào phòng thu dọn quần áo, đồ đạc và trở ra, đứa con nhỏ chạy theo khóc đòi mẹ… Cô nhân viên y tế bế cháu bé lên dỗ dành… Người mẹ thút thít quay mặt đi… Chiếc xe chở hai vợ chồng lao nhanh về hướng thành phố. Cảnh tượng xảy ra nhanh đến nỗi Côi cảm tưởng như ảo giác, như trong giấc mơ mấy đêm trước chứ không phải là thực. Loa phóng thanh lại vang lên thông báo cho mọi người đã đến giờ dậy tập thể dục, vệ sinh, ăn sáng… Lúc này, Côi mới cảm nhận rõ nhất tiếng khóc của đứa bé ở phòng bên. Chắc nó đang ở một mình. Nó có lẽ cũng chưa hiểu vì sao phải xa bố mẹ. Nhưng rồi tiếng khóc nhỏ dần và im bặt. Một bàn tay nhỏ xíu luồn qua khung cửa sổ cầm lấy ổ bánh mỳ nóng đã treo sẵn – những phần ăn ấm áp mà Hội Nông dân xã đã đứng ra quyên góp suốt cả tuần qua. Côi nghĩ, đứa bé bây giờ có thể chỉ nghĩ bố mẹ nó đi đâu đấy một lúc rồi sẽ trở lại nên mới không khóc nữa. Thật thương đứa bé, giá như… Côi không thể nghĩ thêm được nữa, anh lặng lẽ đón phần ăn của gia đình mình và quay trở lại thật nhanh để không phải nhìn thấy đứa bé. Căn phòng cách ly của gia đình Côi vốn đã tĩnh lặng nay càng tĩnh lặng hơn. Hai mẹ con đón lấy hai mẩu bánh mỳ và ăn trong im lặng. Ăn xong, Côi lấy quyển vở cũ và bộ bút lông trong bao tải ra – những thứ mà anh đã kịp nhét vội khi rời khu nhà trọ, đưa cho đứa con. Nó hớn hở nhận lấy và hì hục ngồi vẽ… Một lúc sau, nó đưa khoe bố mẹ những bức tranh vừa vẽ. Một bức vẽ ngôi trường với những căn phòng có biển cách ly, mỗi phòng có 05 người, đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2m. Một bức vẽ những con vi-rút đang bay lơ lửng nhưng bị các bác sĩ khống chế bằng kim tiêm. Bức còn lại là những cánh hoa tươi thắm hình như ở trường học trong Nam của con. Thì ra, nó nhớ bạn bè, trường lớp trong ấy…

Giúp đỡ người từ vùng dịch Covid trở về quê hương. Tranh: Thảo Đan 13 tuổi, Nhà VHTN Việt Đức

             Một buổi sáng yên bình nữa lại đến trong khu cách ly tập trung. Cả phòng Côi hôm nay dậy sớm, họ mở nhạc và tập thể dục. Côi vừa tập thể dục vừa dõi mắt ra sân trường. Mấy chú bảo vệ đang tranh thủ thời gian nghỉ ngơi buổi sáng tưới nước cho mấy bồn hoa. Những cánh hoa bắt đầu hé nở trong ánh nắng mùa Thu mát lành…

Nguyễn Đình Ánh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 16, tháng 8/2021)