Những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi gần như khó khăn nhất làng, cha là ông giáo nghèo, mẹ là công nhân trại cá nước ngọt Vinh. Nhà ba đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học. Đồng lương của cha mẹ không đủ để chi tiêu. Cha ngoài thời gian dạy thì viết bài đăng báo, nhưng nhuận bút cũng chỉ thêm thắt vào được chút gọi là. Thể trạng cha lại yếu, hay ốm đau bệnh tật. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ. Mẹ ngoài công việc ở cơ quan còn về làm thêm đủ thứ. Theo các bác, các dì trong xóm, mẹ tôi đi buôn. Lúc thì buôn mía, lúc buôn dứa,… nói chung mẹ buôn cái gì thì nhà tôi ăn đến ngán cái đó, vì ế…
Sau khi nhận ra mình không có duyên với buôn bán, mẹ chỉ tập trung vào nuôi lợn, nấu rượu và bán xôi buổi sáng. Nấu rượu với nuôi lợn rất hợp nhau. Bởi bã hèm nấu rượu thì tận dụng nuôi lợn, lợn ăn mau lớn, da lại sáng hồng.
Sáng sáng, mẹ tranh thủ bán xôi rồi mới vội vàng về đi làm. Nhớ thời điểm đó, hầu như sáng nào mẹ cũng để phần bốn cha con đĩa xôi với mấy miếng đầu đày trứng. Như thế là quá sang với cuộc sống khốn khó chung, nhưng ăn mãi cũng chán, nhìn lũ bạn ăn miếng bánh mì, chỉ là bánh mì không thôi mà tôi chảy cả dãi.
Mẹ tôi rất mát tay nuôi lợn. Trong làng tôi, mẹ được mệnh danh người nuôi lợn giỏi nhất. Lợn nhanh lớn, to khỏe, bán rất được giá. Có lẽ, do mẹ dành hết tâm huyết vào việc nuôi lợn nên mới được như thế. Anh trai tôi có nhiệm vụ đi bắt nhái để về mẹ nấu cùng cám cho lợn. Thường anh phải đi vào buổi đêm và sang phía Hưng Tây mới có nhiều nhái. Chị gái thì có nhiệm vụ đi hái rau lợn, thường là lá khoai vàng của những nhà xung quanh trồng ngoài ruộng và rau trai. Tôi bé hơn thì được giao nhiệm vụ vớt bèo tấm ở cái ao nhỏ trước nhà. Trong nhà, sự phân công lao động theo tính chất, độ tuổi rất hợp lý. Mọi thứ cứ nhịp nhàng diễn ra. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc, đứa này, đứa kia chểnh mảng, và dĩ nhiên công việc lại đổ dồn lên mẹ.
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại không hiểu sao ngày đó lợn nhà tôi phá thế. Ở trong chuồng mà cứ nhảy vọt ra ngoài, ủi hết cây cối trong vườn. Tôi nhớ mãi những trưa nắng chang chang, đi học về đã thấy mẹ hò hét từ trong nhà. Biết ngay là lợn lại nhảy ra khỏi chuồng. Mẹ vừa đuổi lợn vừa hò hét, chỉ đạo mấy cha con, cứ như đó là lỗi của chúng tôi. Ngày xưa, ở xóm tôi, hàng rào ngăn cách giữa các nhà là tre, hóp, nên lợn chui từ vườn nhà mình, chạy được khắp xóm. Đuổi được lợn về nhà thì người đã ướt đẫm mồ hôi nhưng chả ai dám kêu ca, vì sợ mẹ.
Cha tôi quyết tâm khắc phục chuyện này. Chủ Nhật được nghỉ dạy, cha ra vườn chặt tre, đóng thành một tấm chắn cao trước cửa chuồng lợn. Nhưng như vậy mỗi lần vào quét dọn chuồng lợn rất vất vả, nên mẹ lại bắt tháo ra. “Sự nghiệp” đi đuổi lợn giữa trưa của cha con tôi vẫn tiếp diễn.
Mẹ tôi thương lũ lợn lắm, chăm như chăm em bé. Mỗi lần cho lợn ăn, là mẹ đứng cạnh thủ thỉ dăm câu với lợn. Cứ hễ có việc đi đâu cả ngày, về đến nhà là mẹ hỏi đã cho lợn ăn chưa? Đã quét dọn chuồng và tắm cho lợn chưa? Sau mãi mới hỏi đến cha con. Ngày nào mẹ cũng quét dọn chuồng sạch sẽ, như sợ lợn không quen với sự bẩn. Mùa hè thì ngày nào cũng tắm cho nó. Tôi cũng được nhận nhiệm vụ tắm cho lợn. Nói chung, trong những công việc được giao, thì công việc này cũng không đến nỗi tệ lắm.
Mỗi năm, mẹ bán hai lứa lợn, đó là vào tầm tháng Tám và tháng Mười hai. Tháng Tám để còn chuẩn bị quần áo, sách vở cho lũ con đầu năm học mới, còn tháng Mười hai là lo cho cái Tết. Mẹ bảo làm cả năm, Tết phải tươm tất một tí, không ông bà tổ tiên về ăn Tết, thấy con cháu khổ lại không thanh thản. Chúng tôi được ăn học đến nơi đến chốn là nhờ những lứa lợn của mẹ.
Ngày đó, mỗi lần bán lợn thường sẽ có hai cách. Lái lợn đến mua, cân lên rồi trả tiền cho chủ, hoặc là bán quạ (tức là nhìn con lợn trong chuồng, tự ước số cân rồi trả giá, chủ thấy hợp lý thì bán mà không cần phải cân kéo). Lợn bán vào dịp tháng Mười hai, mẹ sẽ nói lái lợn mổ thịt tại nhà mình luôn. Mẹ chỉ bán thịt, còn bộ lòng thì luộc lên mời anh em, bà con xóm giềng thân thuộc. Nước luộc lòng có cả tiết dồi thừa, mẹ bỏ gạo vào thế là được nồi cháo ngon ngọt. Đến giờ, tôi vẫn không quên được hương vị ấy.
Nhưng không phải khi nào mẹ nuôi lợn cũng thành công, cũng có những khi rủi ro, lợn ốm, chết. Những lúc ấy, nhìn mẹ thất thần mà thấy thương lắm. Lúc nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cứ nghĩ mẹ thương lợn. Sau này lớn, hiểu mẹ buồn vì nghĩ đến những khoản phải đóng khi năm học mới sắp bắt đầu. Có khi, lợn chỉ mới bỏ ăn, mẹ sợ lại kêu người bán gấp. Lúc đó thường bị ép giá thấp hơn cả mua lợn giống nhưng cũng đành phải bán. Thường sau khi lợn bị bệnh thì phải 6 tháng sau mẹ mới nuôi lứa mới. Chuồng được cha rắc vôi và để không như thế. Mẹ lại xoay ra làm thêm các nghề khác để có tiền cho con cái ăn học. Đến khi tôi đi học đại học, mẹ vẫn còn gắn bó với nghề nuôi lợn. Sau rồi, cha ốm đau, không đi lại được, mẹ mới bỏ hẳn.
Lúc còn sống, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ngày xưa, mẹ bảo, nuôi lợn vất vả chút nhưng cũng có cái vui. Nhiều lúc, thấy mẹ đứng ở chuồng lợn cũ, nhìn xa xăm mới thấy, không hẳn mẹ nuôi lợn vì kinh tế mà hình như mẹ tìm được niềm vui trong đó. Mẹ luôn là thế, luôn tìm thấy niềm vui trong mọi chuyện, dù vất vả hay khó khăn đến đâu. Tôi cũng được thừa hưởng ít nhiều tính cách này của mẹ, và điều đó giúp cuộc sống của tôi vui vẻ, ý nghĩa hơn.
Ngọc Chi