Để có một bãi biển Cửa Lò sầm uất như ngày nay là cả một quá trình lịch sử lâu dài trải qua nhiều thế hệ khai hoang mở cõi. Những người đầu tiên đến đây lập làng và phát triển nghề biển cũng đã mấy trăm năm. Những dấu ấn của họ còn được con cháu lưu giữ nơi làng chài Nghi Thủy, nay đã trở thành một phường trung tâm, có vai trò quan trọng của thị xã Cửa Lò.

Bình yên biển Cửa Lò. Ảnh Hồ Chiến

Trong một cuộc trao đổi với lãnh đạo phường Nghi Thủy về văn hóa truyền thống của làng Nghi Thủy nói riêng và Cửa Lò nói chung, tôi có nghe được một ý mà họ nhấn mạnh: “Nói về văn hóa truyền thống ở đây thì phải nói đến các dòng họ. Bởi các dòng họ có vai trò quan trọng trong việc khai hoang mở cõi, thành lập ra làng. Các dòng họ hiện nay cũng là một nhân tố văn hóa quan trọng của làng”. Vậy, các dòng họ đã có vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng và phát triển phường Nghi Thủy?

Để trả lời câu hỏi đó, tôi đã theo chân ông Lê Đức Minh, một người có nhiều năm trông coi việc hương khói ở đền Mai Bảng, một người có nhiều hiểu biết về các dòng họ, và cũng là hậu duệ của một trong những người đầu tiên về đây lập làng. Vừa đặt vấn đề xong, ông Minh nhìn tôi một lúc rồi cười bảo: “Cậu tìm đúng người rồi đấy”. Ông bật điện thoại lên gọi cho ai đó một cách rất dứt khoát. Rồi ông khoác thêm chiếc áo, đẩy xe ra, bảo tôi đi theo. Cứ thế, già trước trẻ sau, lái xe máy vòng vèo qua vài ngõ nhỏ đến một nhà thờ. Cổng nhà thờ làm bằng đá rất đẹp. Bên trong nhà thờ vừa được tôn tạo lại, nhưng phần lớn các đồ thờ vẫn giữ được nên không mất đi vẻ cổ kính. Đây là nhà thờ họ Lê, một trong những dòng họ đầu tiên sinh sống ở làng Mai Bảng nay là phường Nghi Thủy. Người đón chúng tôi ở nhà thờ là anh Lê Viết Sơn, tộc trưởng họ Lê hiện nay. Bước vào nhà thờ, ông Minh bảo tôi chờ một chút. Ông đi bật điện, trải chiếu hành lễ rồi lấy nhang ra thắp. Sau đó, ông gọi tôi lại, đưa cho mấy cây nhang, bảo quỳ xuống cùng ông. Ông thắp hương báo cáo xin phép tổ tiên, quay sang tôi, ông bảo: “Bác vừa làm lễ xin phép tổ tiên rồi, giờ cháu cần xem gia phả, hỏi chuyện hay chụp ảnh gì cũng được. Chúng ta là con cháu, muốn làm việc gì liên quan đến tổ tiên thì phải xin phép cháu ạ”. Anh Sơn đi lấy gia phả và một số văn bản khác ra cùng xem. Qua đây, tôi mới biết thêm về quá trình khai hoang mở cõi, dựng làng nơi đây.

Ông Lê Văn Minh và ông Lê Viết Sơn đang giới thiệu một số tài liệu về lịch sử họ Lê

Chuyện được ghi lại là khoảng giữa thế kỷ XVIII, có 6 người gồm các ông Trần Liệt, Hoàng Đức Thực, Võ Chính Đạo, Lê Viết Lệ, Nguyễn Văn Đò, Phạm Công Huấn, quê gốc ở nhiều nơi khác nhau, nhưng lúc đó đang ở Hà Tĩnh, đã kết nghĩa anh em và cùng nhau đưa gia đình đi tìm đường khai khẩn cuộc sống mới, vì ở quê lúc đó quá khó khăn. Các ông dùng thuyền nan chạy dọc sông ra lệch Sót (nay là Cửa Sót), rồi dọc ven biển ra phía bắc. Đến lệch Hội (nay là Cửa Hội) thì dừng chân ở phía nam sông Lam (thuộc Nghi Xuân). Nhưng vì ở đây sóng to gió lớn, khó có thể làm ăn định cư được, nên các ông tiếp tục đi về phía bắc. Ra đến lệch Lò thì các ông lựa chọn vùng Vạn Lộc để cư trú (nay là phường Nghi Tân). Song dân cư ở đây đã đông đúc, là phận ngụ cư mới đến nên các ông bị xua đuổi. Thế là lại tiếp tục kéo nhau đi lên vùng Đông Ngàn (nay thuộc xã Nghi Tiến) tìm cách sinh sống. Nhưng đây là bãi ngang, không phù hợp với họ nên cả đoàn lại đi về cồn Mui. Nhận thấy nơi này phù hợp, chưa ai khai phá nên cả đoàn quyết định ở lại. Đó là sự mở đầu cho việc lập ra làng Mai Bảng và 6 người chủ gia đình này cũng trở thành các ông tổ của các dòng họ lập làng hiện nay. Sau khi ổn định cuộc sống, các ông đã đón thêm anh em họ hàng đến đây lập nghiệp. Nhiều người thấy cuộc sống nơi này khá thuận lợi, cũng xin đến sinh cơ. Cứ vậy mà làng xóm ngày một đông hơn. Quá trình thành lập làng cũng gặp nhiều khó khăn vì tâm lý lúc đó vẫn coi thường dân ngụ cư từ nơi khác đến. Mãi sau này, nhờ ông Võ Chính Đạo là người có chữ nghĩa, được ăn học nên đã trình lên triều đình và được chấp nhận. Làng cũ ở Hà Tĩnh thờ đức thánh Lê Khôi, nên khi lập làng mới, các ông về quê cũ xin rước chân nhang ra lập đền thờ. Thế nên giờ đền Mai Bảng cũng thờ Thánh Lê Khôi và thêm một số đức thánh khác là vì vậy. Ông Minh nhấn mạnh: “Ngay từ đầu, quá trình thành lập làng Mai Bảng đã đậm nét văn hóa dòng họ. Quá trình lập làng là một lịch sử lâu dài và nhiều gian khó. Các gia phả của các dòng họ đầu tiên đến đây đều ghi chép lại những câu chuyện này. Và con cháu trong họ hầu hết đều biết đến. Dòng họ luôn có những nề nếp riêng và rất chặt chẽ. Thế nên các gia đình ở nơi này cũng luôn đoàn kết và gắn bó với nhau như anh em trong họ vậy”.

Nhà thờ họ Lê thờ ông tổ Lê Viết Lệ

Nói đến nề nếp, ông Minh lại dẫn tôi đến nhà thờ họ Trần. Bởi như ông nói, khi kết nghĩa anh em và cùng nhau quyết tâm di cư tìm lập làng mới của 6 ông tổ thì ông Trần Liệt được nhận là anh cả. Thế nên họ Trần là họ có vai vế cao nhất ở đây. Vào nhà thờ họ Trần ông cũng làm lễ tương tự như ở nhà thờ họ Lê, trước khi trò chuyện. Ông Trần Văn Hoa, tộc trưởng họ Trần cũng đưa ra các tài liệu để chia sẻ thêm về lịch sử dòng họ nhà mình. “Khi ra đi từ lệch Sót, ông tổ chúng tôi là Trần Liệt được nhận làm anh cả nên ra đến đây được các người em tôn trọng. Bây giờ, giỗ tổ họ tôi vào ngày 25/01 âm lịch thì các họ khác cũng đều đến nhang khói vì vẫn coi là họ bác. Khi tổ chức đón rước trong đền Mai Bảng họ Trần cũng đi trước, các họ khác đi theo sau. Đó là tôn ti trật tự của tổ tiên để lại nên con cháu chúng tôi sau này đều răm rắp trân trọng”.

Tiếp đó, chúng tôi lại đến nhà thờ họ Nguyễn Văn, rồi nhà thờ họ Hoàng, họ Phạm. Cứ đến từng nhà thờ, ông Minh lại làm lễ xin phép rồi mới cùng nhau ngồi trò chuyện. Qua mỗi một người, một họ, tôi lại hiểu thêm nhiều chuyện về lịch sử dòng họ, lịch sử Nghi Thủy và phần nào đó là lịch sử Cửa Lò. Như ông Nguyễn Văn Thành, tộc trưởng họ Nguyễn Văn nhận định: “Văn hóa làng Mai Bảng là văn hóa của các dòng họ. Bởi tài liệu từ các dòng họ mà chúng tôi biết được đều nhấn mạnh đến điều này. Ban đầu là 6 dòng họ kết nghĩa với nhau. Và bây giờ có hàng chục họ khác nhau. Mỗi họ đều có lịch sử riêng, nhưng nó cũng là một phần nhỏ có mối quan hệ với nhau tạo nên lịch sử của làng. Cũng vì vậy mà ở đây, người ta quan tâm nhiều đến việc tôn tạo nhà thờ họ, kính trọng tộc trưởng và quan tâm nhiều đến văn hóa dòng họ”.

Ông Thành nói không sai. Đi vòng qua các ngõ của phường Nghi Thủy, tôi dễ dàng trông thấy rất nhiều ngôi nhà thờ họ được tôn tạo, xây dựng khang trang. Ngoài nhà thờ của 6 dòng họ được coi như thủy tổ về đây lập làng thì các dòng họ đến sau cũng không hề kém cạnh. Thậm chí con cháu còn có điều kiện thuận lợi hơn về vị trí hay tiền bạc để làm nhà thờ to hơn, đẹp hơn. Như nhà thờ họ Mai chẳng hạn. Là dòng họ đến sau, nhưng họ Mai cũng có vị thế quan trọng. Bên cạnh số hộ gia đình đông hơn, nhiều đinh hơn thì còn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nên nhà thờ họ Mai ở Nghi Thủy được xây dựng to đẹp, và trở thành một nhà thờ lớn nhất vùng. Theo ông Mai Văn Long, tộc trưởng họ Mai thì: “Họ Mai về làng sau các họ khác nhưng cũng là dòng họ về khá sớm. Dù qua nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa tìm được gốc gác bên Hà Tĩnh, tuy nhiên chúng tôi cũng tự coi mình là anh em với những dòng họ về đây trước. Bây giờ có nhiều con cháu trong họ làm ăn phát đạt nên cùng nhau xây dựng nhà thờ to đẹp hơn, vừa để thờ cúng tổ tiên, vừa để làm đẹp cho làng xóm. Đây cũng là điều tốt lành mà tổ tiên mong muốn”.

Ông Trần Văn Hoa giới thiệu về gia phả họ Trần ở Nghi Thủy

Cả một ngày đi đến nhiều nhà thờ, nghe nhiều câu chuyện tôi mới biết thêm một chút về văn hóa nơi đây. Nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện về văn hóa dòng họ, mà còn là những quan niệm góp phần trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc văn hóa biển của làng Mai Bảng hay phường Nghi Thủy. Đó còn là câu chuyện về tình cảm giữa các dòng họ, các gia đình của những con người nơi đây. Như ông Minh, người đã dẫn đường cho tôi hôm nay khẳng định: “Việc 6 ông tổ của 6 dòng họ kết nghĩa anh em và về đây lập làng là câu chuyện để nhắc nhở tất cả anh em, con cháu các họ phải ghi nhớ rằng tất cả chúng tôi cũng là anh em với nhau, phải đoàn kết và tương trợ nhau. Dù làm gì đi nữa thì cũng phải yêu thương nhau, và phải có tôn ti trật tự như chính tổ tiên đã làm được”.

Hiện nay, phường Nghi Thủy có 29 dòng họ cùng sinh sống. Cả 29 dòng họ này đều có vị thế ngang nhau và được đưa vào tham gia thực hành nghi lễ thờ phụng ở đền làng Mai Bảng. Văn hóa dòng họ cũng trở thành một nét bản sắc văn hóa của phường Nghi Thủy. Trong bối cảnh Cửa Lò nói chung và Nghi Thủy nói riêng đang quan tâm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển du lịch thì văn hóa dòng họ cũng được lưu tâm. Như ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch phường chia sẻ: “Văn hóa dòng họ rất quan trọng đối với đời sống người dân nơi đây. Và nó cần được quan tâm để tỏa sáng trong quá trình phát triển du lịch. Nhưng để làm được điều đó là một thách thức lớn hiện nay. Và chúng tôi đang mời các chuyên gia tham gia để tìm được con đường phù hợp”. Lo lắng của lãnh đạo phường là đúng bởi để đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung là bài toán khó. Thiết nghĩ, những câu chuyện về khai hoang mở cõi của các bậc tiền nhân còn được gia phả và con cháu ghi lại đó, nếu được trình diễn lại trong các tác phẩm nghệ thuật để thu hút du khách, thì có lẽ cũng là một cơ hội thật sự cho văn hóa dòng họ tỏa sáng.

TRANG TUỆ

Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 24, tháng 6/2022