Chuyện làng văn và… “người văn”

Thi thoảng, đời sống văn nghệ lại rộ lên một câu chuyện ngoài văn chương học thuật, khiến dư luận được dịp ồn ào bàn tán. Đáng buồn, đấy lại là những câu chuyện thi phi; những phàn nàn, chê bai, khiếu nại, tố cáo… thường là xoay quanh những vấn đề “thiết thực” của đời sống văn học – nghệ thuật (VHNT) như: xét kết nạp hội viên, xét danh hiệu và giải thưởng, đầu tư sáng tác, đạo văn, v.v…

Dân gian có câu “tiếng lành đồn ra, tiếng dữ đồn xa”. Lĩnh vực nào cũng thế, lĩnh vực văn nghệ càng thế, nhất là những “chuyện làng văn” thời internet và mạng xã hội. Có người nói dẫu sao cũng chứng tỏ công chúng vẫn quan tâm đến chuyện văn chương chữ nghĩa nên họ mới bàn tán lan truyền như thế. Và nữa, các Hội VHNT vẫn là ngôi nhà sang trọng mà nhiều người hâm mộ, mong muốn được làm thành viên. Là tự động viên thế thôi, chứ “làng văn” mà có chuyện ầm ĩ thị phi, lời qua tiếng lại… thì buồn lắm; chẳng những các văn nghệ sĩ buồn mà công chúng cũng buồn, bởi VHNT là lĩnh vực tinh hoa, là cái đẹp, là thiện lương… Càng buồn hơn khi những sự cố ấy lại do các văn nghệ sĩ gây nên, không phải trên tinh thần đấu tranh xây dựng mà xuất phát tự sự đố kỵ, thù hận, phe nhóm…

Nhân một vài sự việc lời qua tiếng lại giữa các “nhà” với nhau đôi khi căng thẳng quá mức cần thiết, thậm chí còn sử dụng cả ngôn ngữ chợ búa, vỉa hè với nhau… một số nhà văn, nhà thơ đề xuất nên bổ sung làm rõ thêm một số tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống bên cạnh những tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp hội viên mới của các Hội VHNT hiện nay. Nhà thơ Nguyên Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh – cho rằng: “nếu cần bổ sung điều kiện kết nạp cho chặt chẽ hơn nữa, hạn chế những sự việc tương tự như vừa qua, thì cần chú trọng thêm tiêu chí về tư cách, đạo đức, lối sống… của các ứng cử viên”. Việc này nghe có vẻ hình thức, chung chung, khó định lượng cụ thể; nhưng nếu thông qua các tổ chức như Câu lạc bộ VHNT, cách ứng xử trong cộng đồng, bao gồm cả trên mạng xã hội… thì vẫn có thể “nắm bắt” chính xác. Tất nhiên, việc này vẫn phải tuân theo Quy chế kết nạp hội viên hiện hành của các Hội và muốn thay đổi thì phải thông qua Đại hội của hội nghề nghiệp.

Tư cách, đạo đức, lối sống… là những phẩm chất hàng đầu mà người nghệ sĩ chân chính phải có. Đó là bài học thực tiễn sinh động của VHNT trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trước đây, mà những thành tựu to lớn của nó đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Ngày nay có không ít người lập luận một cách ngụy biện rằng: bản thân người nghệ sĩ như thế nào không quan trọng, vấn đề là ở tác phẩm họ viết ra có tốt đẹp hay không. Bao nhiêu tinh túy dồn vào tác phẩm rồi thì họ chỉ còn là cái “xác phàm cặn bã”… Bởi vậy mà họ được sống kiểu “nghệ sĩ”, tự do buông thả, đề cao “cá tính sáng tạo” một cách cực đoan. Quan điểm tách rời giá trị thẩm mỹ khỏi vai trò người nghệ sĩ trong đời sống, rõ ràng trái ngược với cả quan điểm “Văn là Người” của cổ nhân lẫn lý thuyết mỹ học hiện đại. Cao Bá Quát trong Chu thần thi tập có nói: “Thơ không có phẩm chất nhất định. Phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao”. Hàn Mặc Tử, nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, cũng viết rằng: Người thơ phong vận như thơ ấy! Còn vua Tự Đức, vị hoàng đế phong tình có câu thơ nổi tiếng: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi (nhớ thương người yêu đã mất đến mức đập chiếc gương người ấy thường soi để tìm hình bóng; gấp giữ quần áo của người ấy lại để giữ mùi quen) cũng xác quyết rằng: “Đức là gốc rễ của văn. Văn là cành, lá của đạo”. Mà trong các đạo thì đạo làm người là cao cả, quan trọng nhất.

Xét theo các quan điểm mỹ học truyền thống trên đây, thì để tác phẩm văn chương khả dĩ thực hiện chức giáo dục của mình, thì người làm ra tác phẩm ấy cũng phải là những tấm gương về nhân cách. Nghĩa là, sáng tác một tác phẩm VHNT cũng rất cần phải có nhân cách. Và giá trị của một tác phẩm phụ thuộc vào “mức độ” nhân cách của người sáng tạo ra nó. Một tác phẩm hay thì đó dứt khoát phải là con đẻ của những tác giả có lương tâm, nghề nghiệp, có tấm lòng hướng về cái tốt, cái đẹp; nếu không sẽ là ngược lại. Xưa nay, ở nước ta cũng như trên thế giới, chưa bao giờ có những tác phẩm được lưu danh mà người sản sinh ra nó lại là những kẻ không có nhân cách hoặc nhân cách thấp hèn.

Vẫn biết rằng VHNT là “tấm gương phản chiếu xã hội”, nghĩa là nhà văn có quyền viết về cái xấu, cái ác đang hoành hành trong đời sống xã hội, nhưng không phải để cổ súy hả hê mà là để công chúng ghê tởm, xa lánh chúng. Đấy là chức năng cảnh báo, dự báo của VHNT. Và điều đó đòi hỏi nhà văn phải đứng ở tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo và lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ của thời đại, để giúp người đọc biết vượt lên những cám dỗ tầm thường, hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Theo đó, không chỉ hình tượng VHNT hấp dẫn và giáo huấn con người, mà xưa nay, phần lớn những người sáng tác nên những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, cũng chính là những tấm gương để công chúng tiếp nhận, thông qua tác phẩm mà ngưỡng mộ và noi theo. Các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân… là những tấm gương về nhân cách người cầm bút trong kháng chiến giải phóng dân tộc. Đó là những tấm gương tiêu biểu của một thế hệ tiêu biểu…

Ngày nay, phẩm chất “Văn là Người” của người nghệ sĩ không chỉ thể hiện ở sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và nhân cách… mà còn đòi hỏi thái độ rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt của “Người Văn” trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu; bảo vệ và tôn vinh cái tốt, cái đẹp. Chống quyết liệt phải đi đôi với Xây một cách tích cực. Văn nghệ sĩ phải góp phần phát hiện, nâng niu những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến và quảng bá, nhân rộng những điển hình ấy để cái tốt, cái đẹp ngày càng nảy nở sinh sôi, trở thành phổ biến trong đời sống. Văn nghệ sĩ chân chính không được làm ngơ, né tránh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; không chạy theo thị hiếu tầm thường để làm ra những tác phẩm giải trí tầm thường, thậm chí là lệch chuẩn, cốt để an thân và mưu sinh, hoặc là để được “nổi tiếng”.

Bất cứ nền VHNT chân chính nào cũng chứa đựng trong nó một chủ nghĩa nhân văn vị nhân sinh cao cả. Hạt nhân cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn ấy là sự thức tỉnh lương tâm, dẫn dắt lý trí và hành động của con người hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Quá trình thức tỉnh và dẫn dắt ấy bao gồm sự kết tinh quá trình tu dưỡng, rèn luyện về nhân cách, đạo đức, lối sống… của “người văn”.

Mai Nam Thắng